Tư vấn: Smartphone cho mọi người (Phần 1)
Trong loạt bài tư vấn này, chúng tôi sẽ nêu cụ thể ưu nhược của từng mẫu smartphone với tầm giá bắt đầu từ… dưới 1 triệu đồng để thỏa mãn nhu cầu của tất cả các độc giả với mọi kích cỡ… hầu bao.
Mùa thi đại học vừa kết thúc với, và nhu cầu sắm sửa cho mùa tựu trường đang trở thành một đề tài nóng đối với các tân sinh viên, học sinh. Trong các bài viết trước chúng tôi đã tư vấn cho bạn đọc về các model laptop, cấu hình máy tính để bàn… và trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến 1 thiết bị cũng cần thiết với các bạn trẻ không kém: một chiếc điện thoại. Với tầm giá trải rất rộng, hi vọng rằng, không chỉ các tân sinh viên mà có lẽ bạn đọc là dân văn phòng, người đam mê công nghệ cũng sẽ tìm được đôi điều hữu ích trong bài viết dưới đây.
Hiện tại do giá cả của các smartphone đã rẻ hơn rất nhiều cộng với những ưu điểm của smartphone như khả năng chạy ứng dụng, duyệt web vượt trội so với dumbphone, cá nhân tôi cho rằng nếu bạn chọn mua 1 chiếc điện thoại trong thời điểm này, khôn ngoan nhất là lựa chọn 1 chiếc smartphone. Bài viết này cũng sẽ chỉ đề cập tới các smartphone, feature phone và trong khuôn khổ 1 bài viết chỉ có vài trăm chữ, chúng tôi không thể đề cập tới tất cả các mẫu smartphone hiện có trên thị trường, vì vậy những gì nêu trong bài chỉ là 1 trong số những lựa chọn mà tôi cho rằng hợp lý nhất trong tầm giá. Và cũng vì yếu tố khách quan, tôi sẽ không tư vấn về địa chỉ mua hàng, mong các bạn thông cảm.
Cũng giống như Laptop, có lẽ một trong những yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tới quyết định chọn mua 1 chiếc smartphone của người sử dụng là vấn đề giá cả. Vì vậy chúng tôi sẽ tư vấn với tiêu chí giá cả được đặt lên hàng đầu.
*Tất cả giá trong bài viết đều chỉ mang tính tham khảo.
1. Tầm giá dưới 1 triệu:
Vâng, giờ chỉ với ngân sách dưới 1 triệu đồng, bạn cũng có thể sở hữu 1 chiếc smartphone. Sự lựa chọn này đến từ các mẫu smartphone của BlackBerry. Thậm chí có những mẫu BlackBerry có giá bán chỉ dưới 500 ngàn như mẫu 7290 chẳng hạn. Mặc dù có nhiều lời đồn đại về nguồn gốc của những chiếc smartphone giá rẻ… giật mình này, tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều người sử dụng chúng vẫn thấy khá “nồi đồng cối đá”, không gặp vấn đề gì về độ bền.
Vì vậy tôi nghĩ có thể vấn đề nằm ở chỗ… hên xui. Với mức ngân sách này dù cho có xảy ra vấn đề gì, có lẽ cũng không cảm thấy… tiếc cho lắm. Nếu ngân sách bạn thực sự bị giới hạn chỉ có 1 triệu đồng trở xuống, phương án chắc ăn nhất là chọn các dumbphone như Nokia 1280 còn nếu bạn vẫn quyết tâm theo đuổi smartphone thì các mẫu BlackBerry 7290 (500 ngàn), 7130 (800 ngàn)… là những sự lựa chọn hợp lý, dù hơi “mạo hiểm”.
Ở tầm giá này, bạn khó có thể đòi hỏi những tính năng cao cấp như màn hình cảm ứng, 3G hay Wifi. Tuy nhiên với bàn phím QWERTY danh tiếng của dòng BlackBerry, bạn vẫn sẽ được thỏa mãn nhu cầu nhắn tin, chat chit trên di động vốn là 1 trong những đòi hỏi bức thiết của sinh viên. Thêm 1 số lưu ý là nếu bạn đặt vấn đề QWERTY lên hàng đầu khi chọn mua các smartphone của BlackBerry thì nên tránh xa các mẫu dùng bàn phím dạng half-QWERTY như 7130.
7290 với bàn phím full QWERTY sẽ cho tốc độ soạn thảo nhanh hơn…
… so với kiểu bàn phím half QWERTY như 7130.
1 số ứng dụng trên các dòng BlackBerry dùng hệ điều hành đời cũ (4.x, 5.x) cũng vẫn sẽ đáp ứng được nhu cầu chat chit qua Yahoo! Messenger hoặc đọc truyện Prc, trình duyệt Opera Mini cũng hoạt động khá ổn định giúp bạn duyệt web tiết kiệm hơn trên kết nối GPRS.
2. Tầm giá 1-3 triệu
Ở tầm giá này, sự lựa chọn đã “thoáng” hơn rất nhiều, bên cạnh các model BlackBerry “cổ” như 8800 (1,8 triệu), hoặc 1 phiên bản có bổ sung camera là 8300 (1.8 triệu). 1 lựa chọn khác từ BlackBerry là chiếc 8100 (1.7 triệu) với thiết kế half-QWERTY trông gọn gàng hơn với Trackball phát sáng khá lạ mắt nhưng cũng dễ bám bẩn.
8800 cổ điển và không có camera.
Bên cạnh các smartphone BlackBerry với nỗi lo “ngay ngáy” về việc đụng… hàng dựng, chúng ta cũng bắt gặp 1 vài model feature phone của Nokia chạy Symbian S40 như X2 Chat (1,7 triệu) với ưu điểm về bàn phím QWERTY, chất lượng sản phẩm Nokia “nồi đồng cối đá” đã có tiếng tăm từ lâu và Camera chất lượng cao hơn với độ phân giải lên tới 5 Mpx.
Kho ứng dụng của dòng máy S40 nhìn chung cũng tương đối phong phú, và X2 Chat, đúng như tên gọi của mình, hướng đến đối tượng người dùng là sinh viên sử dụng điện thoại để nhắn tin và chat chit là chủ yếu. Bạn sẽ có thể chat Yahoo và nhắn tin SMS khá thoải mái trên X2, số lượng game java dành cho dòng Symbian S40 cũng không hề ít, đủ đáp ứng nhu cầu giải trí của bạn sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng.
X2 Chat khá xuất sắc ở phân khúc dưới 2 triệu đồng.
Nếu có ngân sách rộng dài hơn đôi chút, bạn có thể “ngắm” đến 1 vài model tầm cao hơn của Nokia như C3-00 (2,4 triệu). gần 7 trăm ngàn bỏ ra để nâng cấp từ X2 Chat sẽ không làm bạn thất vọng vì C3-00 có thêm 1 bổ sung cực kỳ đáng giá: hỗ trợ Wifi. Với sự trợ giúp của Wifi, bạn sẽ không bị “trói” vào mạng GPRS “rùa bò” nữa mà sẽ có thể duyệt web thoải mái hơn nhờ tốc độ kết nối ổn định.
Video đang HOT
Bổ sung đáng kể nhất ở C3-00 là khả năng kết nối WiFi của máy.
Thậm chí ở mức giá 1,8 triệu đồng, mẫu Samsung Eternity cũng là 1 trong những feature phone có màn hình cảm ứng rẻ nhất mà bạn có thể tìm được. Tuy nhiên lời khuyên của tôi là nếu bạn có ý định sử dụng 1 smartphone màn hình cảm ứng nghiêm túc, xin đừng phí tiền cho những mẫu máy có giá dưới 5 triệu đồng.
Samsung Eternity, 1 trong các điện thoại màn hình cảm ứng giá rẻ nhất trên thị trường.
Ở tầm giá này bạn chỉ có thể tìm được các mẫu feature phone không có hệ điều hành (trừ đồ Tàu) và vì thế không thể tận dụng được hết ưu điểm của màn hình cảm ứng. Tuy nhiên nếu bạn vẫn quyết tâm theo đuổi màn hình cảm ứng thì ở tầm giá này có chiếc Samsung Star (2,5 triệu) có thể coi là chấp nhận được vì có thêm kết nối WiFi. Hoặc chiếc Corby Plus B3410 (2,4 triệu) của Samsung cũng là 1 ứng cử viên khá thú vị khi kết hợp màn hình cảm ứng và bàn phím QWERTY khá tiện lợi và đa dụng.
CorbyPlus vừa khắc phục được yếu điểm của màn hình cảm ứng lại tận dụng được sự tiện lợi của nó bằng cách kết hợp bàn phím cứng.
Ở tầm giá dưới 5 triệu, lựa chọn khôn ngoan nhất là cứ “an phận” với các feature phone bàn phím QWERTY vì chúng sẽ đáp ứng rất tốt nhu cầu nhắn tin, soạn thảo của bạn.
3. Tầm giá 3-5 triệu:
Ở mức giá này, dòng E của Nokia thực sự là 1 trong những ứng cử viên sáng giá nhất. Dường như ở phân khúc này, các smartphone của BlackBerry bắt đầu tỏ ra bất hợp lý về giá cả khi mà chiếc 8250 (khoảng 4 triệu) hầu như chỉ được bổ sung thêm Wifi (không có 3G) trong khi những chiếc điện thoại đầu tiên của dòng E như Nokia E63 (3,7 triệu, hàng chính hãng) đã bắt đầu được đóng mác “smartphone” vì chạy Symbian S60 và có thêm kết nối 3G tốc độ cao, giúp bạn linh động hơn khi không ở nhà hay văn phòng.
Ở tầm giá trên 3 triệu, các smartphone của RIM bắt đầu lộ ra yếu điểm thiếu tính năng so với các đối thủ khác.
Thậm chí cả những chiếc 8900 Javelin với mức giá trên 5 triệu đồng cũng không hỗ trợ 3G, quả là một trong những điểm bất hợp lý của BlackBerry ở phân khúc này.
Kho ứng dụng của S60 có thể nói là “bạt ngàn”, bạn có thể duyệt web khá ổn với Opera Mini, đọc truyện, thậm chí là cả chỉnh sửa các file văn phòng như Word, Excel trên chiếc điện thoại của mình. Nếu “rướn” thêm 1 chút nâng cấp lên E71 (4,5 triệu hàng xách tay, 5,5 triệu hàng chính hãng) bạn sẽ được thêm vỏ kim loại chắc chắn và 1 hình thức nhìn chung là rất ổn.
E71 có cấu hình “xêm xêm” E63, với chất lượng thân vỏ tốt hơn nhiều vì sử dụng thêm kim loại trong thiết kế.
Bàn phím QWERTY của dòng E có thể nói là 1 trong những bàn phím QWERTY tốt nhất trên smartphone, giúp bạn soạn thảo rất nhanh và chính xác.
Bạn cũng có thể thấy 1 vài smartphone chạy Android bắt đầu “lấp ló” ở mức giá trên 4 triệu như chiếc Samsung I7500 Galaxy (4,5 triệu). Tuy nhiên cần lưu ý là I7500 và các đồng sự ở tầm giá dưới 5 triệu chạy Android hầu hết đều sử dụng phiên bản Android 1.5 hoặc 1.6 mà không được hỗ trợ nâng cấp lên các phiên bản mới hơn 2.x. Mà hiện tại các ứng dụng cho Android hầu như đã bỏ qua sự hỗ trợ cho các phiên bản 1.x của HĐH này. Vì thế sử dụng các phiên bản Android 1.x quá lỗi thời bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chạy ứng dụng. Smartphone không có ứng dụng thì cũng chẳng khác gì 1 chiếc feature phone. Vì vậy không cần phí tiền cho chúng làm gì.
i7500: smartphone chạy Android đầu tiên của Samsung giờ đã quá già nua dù giá bán thì rất mềm.
Kết luận là ở tầm giá dưới 5 triệu đồng, dòng E của Nokia với 2 đại diện tiêu biểu E63, E71 vẫn là những sự lựa chọn khôn ngoan nhất, các smartphone Android ở tầm giá này thực sự chưa “ra ngô ra khoai” và không nên đầu tư.
4. Tầm giá từ 5-7 triệu
Đây đã có thể được coi là “khúc dạo đầu” của thị trường điện thoại trung cấp. Sự lựa chọn nhìn chung là rất phong phú.
Các model BlackBerry hàng mới ở tầm giá này khó có thể so sánh được với những smartphone của hãng khác, vừa đắt vừa thiếu tính năng. Tuy nhiên bạn có thể tìm mua những chiếc Bold 9700 “secondhand” với giá chỉ khoảng 6 triệu đồng hoặc có những cửa hàng rao rằng mình bán hàng mới với giá 7 triệu. Tuy nhiên lời khuyên ở đây là chẳng tội gì chấp nhận những sự mạo hiểm kiểu như thế này trong khi bạn có rất nhiều sự lựa chọn tương đương từ các hãng khác.
Bold 9700, chú dế từng đình đám 1 thời của BlackBerry.
Và ờ tầm giá này xuất hiện 1 ứng cử viên mới: Dòng smartphone chạy Windows Phone 7. Khi mới ra mắt, dòng smartphone này thường có giá rất cao, trên 8 triệu. Nhưng vì sự thất bại của Windows Phone trong việc tranh giành thị phần ở các nước đang phát triển như Việt Nam (một phần là vì MarketPlace không hỗ trợ Việt Nam), các smartphone chạy WP7 nhanh chóng rớt giá thảm hại.
Và giờ đây hầu hết trong số chúng đều đang nằm ở tầm giá 7 triệu hoặc thấp hơn. Đơn cử như chiếc Samsung i8700 OMNIA 7 sử dụng màn hình cảm ứng tới 4 inch, chip 1GHz mà chỉ bán với giá có 6 triệu đồng (hàng xách tay). Do đòi hỏi cấu hình của Windows Phone 7 rất cao (CPU tối thiểu 1GHz, bộ nhớ trong tối thiểu 8GB, màn hình cảm ứng điện dung…) nên hiện tại chỉ tính riêng về mặt cấu hình, mua những chiếc smartphone WP7 đang “ế” là 1 món hời rất lớn.
Mua smartphone chạy WP7 ở thời điểm hiện tại là 1 món hời cực lớn về cấu hình.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại WP7 muốn sử dụng ở Việt Nam đòi hỏi khá nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên bản nâng cấp Mango tới đây của WP7 hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cải thiện cho HĐH này. Hiện tại, ít nhất bạn cũng có thể tận dụng được tính năng nghe nhạc và duyệt web rất tốt của các smartphone chạy WP7.
Optimus 7 cũng chịu chung số phận hẩm hiu với các smartphone WP7 khác khi giờ đang phải “bán mình” với giá 6,7 triệu mà không ai thèm mua.
Các smartphone Android ở tầm giá 5-7 triệu cũng đã xuất hiện lác đác. Chẳng hạn như mẫu Samsung Galaxy 3 ( 5 triệu) chạy Android 2.1 hoặc chiếc LG Optimus One với cấu hình cao hơn chạy Android 2.2 giá cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng. Với ưu thế về hệ điều hành, chợ ứng dụng, hỗ trợ các kết nối tốc độ cao như Wifi, 3G, các smartphone Android ở phân khúc này đã đáp ứng đủ những nhu cầu cơ bản như duyệt web, check mail, đọc file văn phòng, chụp và xem ảnh, nghe nhạc thậm chí là chơi 1 số game 2D nhẹ nhàng.
LG P500 là ứng viên sáng giá nhất cho chức vô định các smartphone ở tầm giá 5 triệu.
Tuy nhiên khi chọn các smartphone Android bạn phải xác định rằng mình sẽ phải sống chung với thời lượng pin rất… cùi bắp. Trung bình 1 smartphone Android chỉ có thể sống được 1 đến 1 ngày rưỡi cho 1 lần sạc. Nếu từng quen sử dụng các dumbphone có thời lượng pin hàng tuần, bạn sẽ phải mất đôi chút thời gian làm quen với đặc điểm này.
HTC Wildfire S cũng là 1 đối thủ nặng ký ở phân khúc này với lợi thế về giao diện Sense với giá khoảng 6 triệu đồng.
HTC Wildfire S tuy đắt hơn Optimus One gần 1 triệu nhưng lại có HTC Sense xuất sắc hơn và sử dụng Android 2.3.
Nhìn chung ở tầm giá 5-7 triệu, sự lựa chọn đã tương đối phong phú. Tuy nhiên lời khuyên là nếu như bạn không chọn smartphone chạy WP7 “hết đát” với giá rẻ để tận dụng ưu thế về cấu hình thì bạn sẽ phải “chịu đựng” các smartphone Android có cấu hình khá “èo uột”, khó lòng đáp ứng các nhu cầu giải trí cao cấp như chơi game 3D, chạy Flash.
Theo Bưu Điện VN
"Bí kíp" chọn mua smartphone ở Việt Nam (Phần cuối)
Mùa mua sắm đầu năm học đã tới, làm thế nào để không cảm thấy hoa mắt chóng mặt giữa bạt ngàn các mẫu điện thoại hiện có trên thị trường và không bị "hớ" khi chọn mua smartphone?
5.Chớ nên tham rẻ
Trong bài viết trước tôi đã từng nói "Đắt nhất không phải tốt nhất". Và trong bài viết này lại có 1 nguyên tắc ngược lại: Đừng tham đồ rẻ. Nhớ cách đây mấy năm, khi Android còn chưa phổ biến như bây giờ, hàng loạt điện thoại màn hình cảm ứng "Tàu" với "giá rẻ giật mình" đã khuấy động làng di động trong nước. Phong trào sử dụng điện thoại Tàu khi đó rộn ràng tới mức những chiếc điện thoại màn hình cảm ứng giá chỉ 1, 2 triệu đồng tràn ngập khắp phố. Nhưng phong trào này nhanh chóng lắng xuống khi người ta nhận ra những chú dế "Quảng Châu" có chất lượng rất tệ, thường xuyên hỏng vặt và các tính năng như màn hình cảm ứng, chạy ứng dụng chủ yếu để làm "màu mè" là chính chứ không có sự ứng dụng thực tế.
Đến nay, vẫn rất nhiều người tỏ ra phân vân khi phải lựa chọn giữa các feature phone của những hãng sản xuất tiếng tăm như Nokia, Samsung cũng đã tương đối đầy đủ tính năng với mức giá chỉ 2-3 triệu đồng và những điện thoại Tàu cũng với tầm giá đó lại có HĐH, màn hình cảm ứng, 3G "ầm ầm". Nếu bạn từng cảm thấy phân vân như thế, xin hãy nghĩ vấn đề theo hướng này: Nếu như bạn bỏ ra 3 triệu đồng mua 1 chiếc điện thoại và nó hỏng sau 3 tháng, bạn lại mất tiền mua máy mới thì sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc bạn chi tiền 1 lần để mua các smartphone trung cấp hoặc sử dụng những feature phone ít tính năng hơn nhưng "chắc ăn" hơn về chất lượng sản phẩm.
Chưa kể đến việc chiếc điện thoại mới toanh vừa mua hôm qua sau vài ngày sử dụng đã trục trặc đủ thứ sẽ gây rất nhiều phiền toái cũng như ức chế cho người sử dụng.
Vì vậy, có 1 nguyên tắc khi chọn mua điện thoại Đừng quá tham rẻ.
6. Hàng xách tay hay hàng công ty?
1 vấn đề cũng được đặt ra đối với người sử dụng đó là việc chọn mua hàng xách tay hay hàng công ty khi tìm mua 1 chiếc điện thoại mới. Dạo qua vài trang mua bán trực tuyến như VatGia, RongBay dễ dàng nhận ra một thực tế đó là điện thoại xách tay thường rẻ hơn hàng chính hãng khá nhiều. Ví dụ 1 chiếc HTC Sensation hiện hàng chính hãng đang bán khoảng 14,6 triệu, trong khi nhiều cửa hàng bán đồ xách tay với giá 11,4 triệu. Chênh lệch tới hơn 3 triệu đồng khiến nhiều người phân vân, liệu nên chọn đồ xách tay hay hàng chính hãng?
Có 1 điều mà bạn đọc nên hiểu: Hàng xách tay cũng là đồ thật chứ không phải hàng nhái. Việc chuyển hàng về trong nước không thông qua các kênh nhập khẩu giúp hàng xách tay phần nào "né" được thuế nhập khẩu, thuế VAT... Chính việc không phải chịu các loại thuế này cộng với việc hàng chính hãng phải "gánh" thêm chi phí marketing và cả 1 guồng máy từ đại diện phân phối đến đại lý bán lẻ giúp giá bán của hàng xách tay rẻ hơn hàng chính hãng. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, chọn mua hàng xách tay là 1 việc làm hợp lý vì chất lượng của hàng xách tay có thể nói là cũng tương đương với hàng chính hãng.
Tuy nhiên vẫn tồn tại những rủi ro khi chọn mua hàng xách tay, nổi cộm trong số đó là vấn đề bảo hành. Hàng xách tay thường không nhận được chế độ bảo hành trong nước như đồ chính hãng (trừ iPhone của Apple), các cửa hàng thường chỉ tự sửa chữa hoặc gửi máy sang quốc gia xuất hàng để bảo hành. Đó là nói nếu người mua tìm được cửa hàng uy tín, làm ăn minh bạch. Nếu như lỡ mua ở 1 cửa hàng làm ăn gian dối, việc bị từ chối bảo hành, mua lấy cái bực vào mình là điều khó lòng tránh khỏi.
Nói chung cách giải quyết duy nhất cho vấn đề này đó là chọn mua máy ở những cửa hàng lớn, làm ăn có uy tín và... cầu mong cho máy đừng bị lỗi. Cái gì cũng có giá của nó, bạn muốn mua đồ rẻ thì bạn phải chịu rủi ro. Lựa chọn thế nào hoàn toàn là quyền của bạn. Cá nhân tôi thường mua đồ xách tay hơn.
7. Yếu tố nào nên cân nhắc?
Bên cạnh HĐH, yếu tố phần cứng cũng là 1 trong những điều ảnh hưởng lớn đến chất lượng cũng như hiệu quả sử dụng của 1 smartphone. Sau đây là vài kinh nghiệm chọn smartphone theo các yếu tố cấu hình:
a. CPU, GPU: Đối với những ai hầu bao rủng rỉnh và có nhu cầu giải trí với game 3D thì lời khuyên là nên chọn mua các smartphone lõi kép với GPU thế hệ mới. Samsung Galaxy S II, HTC Sensation hiện tại là những ứng cử viên rất sáng giá nếu bạn đặt nặng việc giải trí bằng game. Còn lại nếu nhu cầu của bạn chỉ dừng ở mức duyệt web, xem phim phân giải thấp, chơi 1 vài game 2D hoặc 3D đơn giản, những smartphone 1GHz lõi đơn hoàn toàn đủ sức "chiều ý" bạn. Với những nhu cầu văn phòng đơn giản như đọc mail, xem và chỉnh sửa văn bản, giải trí với game 2D và kết nối mạng xã hội thì xung nhịp 600MHz hay 800MHz là đủ và sự khác biệt về hiệu năng giữa chúng cũng không quá lớn.
b. Kích thước màn hình: 1 smartphone với màn hình dưới 3 inch thường là các smartphone có bàn phím QWERTY, không bàn đến chúng ở đây. Màn hình từ 3-3.5 inch là cỡ màn hình khá phổ biến ở các smartphone Android phổ thông và trung cấp, thậm chí là iPhone cũng chỉ có cỡ màn hình 3.5 inch. 3.5 inch vừa đủ cho các tác vụ như duyệt web, chơi game, xem văn bản... Tuy nhiên với cỡ màn hình dưới 3.5 inch, bàn phím cảm ứng sẽ có kích thước hơi nhỏ và khó sử dụng với những ai có ngón tay lớn. Bù lại màn hình nhỏ sẽ tiêu thụ ít pin hơn và nhỏ gọn hơn. Nếu bạn không ngại về kích thước của máy, hãy cứ chọn chiếc smartphone với màn hình lớn nhất có thể. 4.3 inch hầu như là cỡ smartphone màn hình lớn phổ biến nhất hiện nay, giúp bạn có thêm diện tích thoải mái hơn trong việc đọc truyện, xem phim, duyệt web, chơi game...
c. Công nghệ cảm ứng: Hiện tại nếu bạn chọn 1 chiếc smartphone Android, khôn ngoan nhất là nên tìm mua 1 chiếc smartphone với công nghệ cảm ứng điện dung. Cảm ứng điện dung nhạy hơn, tận dụng được cảm ứng đa điểm, và quan trọng nhất là màn hình ít bị xước hơn. Cảm ứng điện trở đã quá già cỗi và lỗi thời.
d. Bàn phím cứng là 1 lựa chọn nên cân nhắc nếu bạn có ý định sử dụng chiếc smartphone của mình vào công việc văn phòng như email, chỉnh sửa văn bản hoặc viết blog, nhắn tin SMS nhiều hoặc thậm chí là dùng Facebook nhiều. Thêm bàn phím cứng tức là máy sẽ phải hi sinh độ mỏng, trọng lượng hoặc thậm chí là kích thước màn hình. Nhưng nếu bạn phải soạn thảo nhiều trên smartphone, bạn sẽ thấy bàn phím cứng là 1 tính năng không thể thiếu và không bao giờ cảm thấy hối hận khi chọn mua 1 chú dế có kèm bàn phím QWERTY.
e. Camera: Rất nhiều người xem đây là 1 trong những yếu tố chính khi cân nhắc 1 chiếc smartphone. Sự thực là camera trên điện thoại chỉ thể hiện sự khác biệt ở các smartphone cao cấp (trên 8 triệu đồng). Với các smartphone ở phân khúc trung cấp và bình dân, chất lượng camera giữa các model nhìn chung không khác biệt nhau là bao. Và thêm 1 điểm cần lưu ý đó là đừng bao giờ "ham hố" các camera có nhiều "chấm". Vì sự thực là camera nhiều "chấm" chỉ đem lại mỗi 1 ưu điểm là ảnh khi in ra sẽ to hơn, mà tôi cho rằng có lẽ hiếm người nào có ý định in ảnh từ điện thoại di động ra.
Vì vậy camera 3Mpx là hoàn toàn đủ với các thiết bị di động, vấn đề chỉ là chất lượng ảnh từ các camera đó như thế nào mà thôi.Và nếu chụp ảnh là 1 trong những ưu tiên của bạn thì bạn nên tìm hiểu xem chiếc smartphone mình định mua có camera autofocus không. Vì nếu không có tính năng đo nét thì ảnh chụp sẽ có chất lượng rất tệ.
8. Để lại ngân sách cho phụ kiện
Nhiều người chỉ chăm chăm mua điện thoại mà quên mất phần ngân sách dành cho những phụ kiện cũng rất cần thiết như dán màn hình, bao da, thẻ nhớ... Mặc dù hầu hết các smartphone hiện tại đều được bán kèm thẻ nhớ, nhưng nhiều nơi bán hàng xách tay vẫn cố tình "lờ" đi phụ kiện này của khách hàng. Hãy hỏi kĩ cửa hàng xem bạn có được khuyến mại thẻ nhớ hay không, và nếu không thì hãy mua 1 chiếc với dung lượng "dư dả" 1 chút. Thường thì 1 chiếc smartphone 1GHz với nhu cầu chơi game, xem phim sẽ đòi hỏi thẻ nhớ tối thiểu 4GB và càng lớn càng tốt. Những ai có nhu cầu nghe nhạc cũng nên cân nhắc tìm mua 1 chiếc tai nghe tốt vì chất lượng tai nghe đi kèm máy thường không cao.
1 chiếc tai nghe chất lượng cao, 1 thẻ nhớ 4GB cùng với dán màn hình có thể sẽ đòi hỏi bạn móc túi hơn 1 triệu đồng. Vì vậy hãy cân nhắc thận trọng về giá cả của chiếc smartphone định mua để không bị "hụt hơi" khi tìm mua phụ kiện. Tất nhiên cũng đừng quên ngân sách dành cho "rửa máy" vì rất có thể các ông bạn quí hóa sẽ "nằng nặc" đòi bạn phải khao máy mới nữa đấy!
9. Lời kết
Trên đây là những kinh nghiệm chọn mua smartphone ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại, mong rằng bài viết sẽ giúp được bạn đọc phần nào trong việc tìm mua điện thoại khi có nhu cầu. Nếu bạn vẫn còn cảm thấy những kinh nghiệm trên quá mơ hồ và muốn được tư vấn cụ thể hơn, hãy gửi yêu cầu tư vấn cho chúng tôi ở phần comment phía dưới của bài viết nêu rõ nơi ở, nhu cầu, ngân sách của bạn và chúng tôi sẽ giúp bạn chọn mua được chiếc smartphone vừa ý. Và trong thời gian tới chúng tôi sẽ có những bài viết tư vấn điện thoại dành cho các bạn đang có nhu cầu mua sắm trước khi bước vào năm học mới, mời các bạn đón xem.
Theo Bưu Điện VN
Tại Mỹ, Apple vẫn là 'vua' smartphone Nền tảng Android đang chiếm thị phần lớn nhất tại Mỹ với 39%, nhưng Apple là hãng đứng đầu về tên nhà sản xuất có máy bán ra. Apple là nhà sản xuất smartphone có doanh số lớn nhất tại Mỹ. Ảnh: Daylife. Báo cáo trên được Nielsen đưa ra theo một cuộc khảo sát trong tháng trước. Với các tên tuổi như...