Tự tin bước vào lớp 1
Bước vào lớp 1 được ví như cánh cửa đầu đời của trẻ. Ở giai đoạn này trẻ sẽ phải làm quen với nhiều biến đổi từ môi trường sinh hoạt đến học tập. Vì vậy sự chuẩn bị kĩ càng về tâm lý, kĩ năng sống… là vô cùng cần thiết.
Cha mẹ cần có phương pháp khuyến khích trẻ học tập
Hơn ai hết, bằng sự hiểu biết của mình cha mẹ sẽ là người giúp trẻ hòa đồng với môi trường mới nhanh chóng và hiệu quả. Diễn giả, TS Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành Công đã trao đổi cùng Báo GD&TĐ xung quanh các vấn đề trên.
Từ bậc mầm non lên tiểu học là một bước chuyển tổng thể về tâm sinh lý. Ông có thể cho biết những đặc điểm tâm sinh lý cơ bản của trẻ khi bước vào lớp 1 – cánh cửa đầu đời?
Đây là một giai đoạn chuyển tiếp hết sức quan trọng đối với trẻ, trẻ đang từ môi trường chủ yếu là học, chơi tự do sang việc học có kỷ luật và học có định hướng. Ở bậc mầm non các con được chơi nhiều hơn, tự do hơn, thoải mái đi lại, không bắt buộc phải ghi nhớ nhiều, không phải kiểm tra, nhắc nhở đôn đốc mà chủ yếu được vui chơi, ca hát, đi lại tự do, được khen ngợi, khích lệ, động viên nhiều.
Còn khi lên tiểu học các con bắt đầu phải học kỷ luật, nề nếp, phải cẩn thận, nắn nót hơn, không được tự do đi lại trong lớp, ít được chơi hơn, học tập nhiều hơn, bắt đầu bị kỷ luật, khiển trách, nhắc nhở, có kiểm tra bài, có ghi nhớ, tuân thủ quy tắc mà bố mẹ, thầy cô dặn dò. Vì vậy các con rất dễ bị rụt rè, nhút nhát, lo lắng và thậm chí “sợ hãi” môi trường tiểu học.
Nhìn chung đây là một giai đọan biến đổi “to lớn” đối với trẻ.
Dịch giả, TS Vũ Việt Anh
Theo ông, trước khi trẻ bước vào lớp 1 cha mẹ cần chú ý chuẩn bị cho những điều gì để trẻ sớm thích nghi với môi trường mới?
Video đang HOT
Chuẩn bị quan trọng nhất với các con lúc này là chuẩn bị tâm lý. Các bậc phụ huynh nên cho con đến trường mà con dự kiến theo học, trước khi vào học chính thức để con làm quen với môi trường mới, theo dõi, quan sát các anh chị đang học tập tại đó để trẻ tò mò, khám phá và thích nghi dần với môi trường mới. Nếu được các phụ huynh cũng nên gặp gỡ giáo viên của con mình trước để tìm hiểu phong cách giảng dạy của thầy cô, trao đổi với thầy cô về đặc điểm, tính cách của con mình để thống nhất được phương pháp giáo dục phù hợp với con mình (ví dụ: Có bạn cần phải động viên, khích lệ trong khi có bạn phải đưa ra thách thức, nghiêm khắc..).
Tiếp đến cha mẹ cũng phải rèn luyện cho con một số kỹ năng về tập trung, lắng nghe, nề nếp, thói quen tuân thủ giờ giấc quy định, các tư thế ngồi học đúng, cách cầm bút và khả năng khéo léo của đôi tay, nhắc nhở các con cách thức chuẩn bị và bảo quản đồ dùng cá nhân. Dạy con hòa đồng, nhớ tên các bạn bè một cách vui vẻ, hài hước và đặc biệt cần dạy con cách tự lập, tự bảo vệ, phòng chống xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, vui chơi an toàn là thiết thực nhất. Như vậy đã là quá nhiều rồi nhỉ?
Rất nhiều gia đình lo lắng con không theo kịp chương trình đã ép, hoặc cho con đi học trước tập đọc, viết, làm tính. Điều này có cần thiết không? Và lợi hại ra sao đối với trẻ?
Đó là sự chuẩn bị sai lầm, khi bước vào tiểu học với những áp lực trên, trẻ đã có quá nhiều căng thẳng mệt mỏi rồi, lại bị nhồi nhét kiến thức và những điều quá trừu tượng sẽ làm cho các con càng sợ hãi việc học hành hơn. Giai đoạn này bố mẹ cần kiên trì giúp con thích nghi và có hứng thú với việc học và môi trường mới. Thậm chí tôi có biết những phụ huynh đã đàm phán với nhà trường việc trang trí phòng học gần gũi, thân thiện hơn theo sở thích của các con để các con coi lớp học như ngôi nhà của mình, cùng chung tay tạo dựng.
Chuẩn bị vững vàng tâm lý trước khi trẻ bước vào lớp 1
Bản thân cha mẹ cần chuẩn bị tâm thế, hiểu biết, kiến thức ra sao để vừa hỗ trợ trẻ bước vào lớp 1 tốt và không bị áp lực, stress khi gặp phải những tình huống, ứng xử bất thường của trẻ?
Người Đức có câu nói: “Thời điểm tốt nhất để dạy một đứa trẻ là 20 năm trước khi đứa trẻ ra đời”. Điều này muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh muốn dạy được con thì phải tự dạy mình trước đã, cần học hỏi, tham khảo, đọc sách, dự các buổi hội thảo về nuôi dạy con để biết được các kiến thức và tâm lý lứa tuổi. Có kiến thức tốt là chìa khóa để giúp con tự tin bước vào đời. Tôi và chắc chắn nhiều diễn giả, các nhà giáo dục khác sẽ luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành cùng các bậc phụ huynh trong tương lai bằng các buổi hội thảo, kháo học, tài liệu của mình.
Cách khen trẻ để khuyến khích học tập:
Hãy khen con ngay khi con làm đúng một việc gì đó, bằng lời nói, bằng cử chỉ, hành động, bằng ánh mắt trìu mến yêu thương… như ra dấu tay number one, đập tay, mỉm cười. Hãy khen con vào những chi tiết độc đáo duy nhất của con. Hãy khen con từ chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ: Chữ này con viết đúng rồi, đẹp quá, những chữ kia mà con cũng viết được như thế thì thật tuyệt, con nỗ lực được chứ?…
Theo giaoducthoidai.vn
Đừng để trẻ mới vào lớp 1 đã sợ học !
Vừa bước chân vào nhà người bạn có con gái chuẩn bị vào lớp 1, tôi đã nghe inh ỏi tiếng rầy la "Ngồi thẳng lưng lên", "Chữ này xấu quá!", "Cầm bút đúng tư thế xem nào!"... Bé con bậm môi cầm bút gò mình theo từng nét chữ, không dám rời mắt khỏi trang vở ô ly.
Học sinh không cần học trước, giáo viên lớp 1 sẽ hướng dẫn trẻ những con chữ đầu tiên - ĐÀO NGỌC THẠCH
"Cháu sắp khổ rồi?"
Bạn tôi vốn là giáo viên nên đảm nhận việc dạy chữ cho con vào lớp 1. Thấy cháu ngồi suốt buổi để viết bài, tôi hỏi bạn sao chẳng cho con thư giãn mà ép học nhiều như thế. Bạn chia sẻ rằng còn khoảng một tuần nữa là bắt đầu nhập học nên phải "tăng tốc" luyện chữ, rồi còn phải tập đọc và làm toán...
Việc học chỉ mới tập tành làm quen mà có vẻ như bọn trẻ bị "gò" vào khuôn một cách căng thẳng quá. Tôi chỉ e rằng càng ép các cháu học thì sự chán nản và nỗi sợ việc học chỉ càng manh nha. Mẹ tôi hôm trước cũng vừa mới hỏi "Vào lớp 1 học dữ lắm hả? Sao con bé thở ngắn than dài với bà là cháu sắp khổ rồi?". Tôi cười buồn với lời thở than của bé con mới tí tuổi và câu hỏi ngạc nhiên của người bà thương cháu.
Cháu tôi chưa vào lớp 1 nhưng cũng như bao đứa trẻ khác bắt đầu nếm trải sự học đầy gian khổ từ năm 4 tuổi. Bố mẹ cháu vốn lo con thua kém bạn bè nên cho sớm cho con đến lớp của một cô giáo tiểu học về hưu để luyện chữ. Thế là cả ngày ở trường mầm non, chiều về cháu sang nhà cô giáo tập tô chữ, viết số.
Bây giờ, bố mẹ cháu rất yên tâm khi con sắp vào lớp 1. Cháu đã có thể đọc vanh vách truyện tranh, làm toán nhẩm rất nhanh cũng như trang tập viết khá tròn trịa từng con chữ. Nhưng để có được "thành tựu" như hôm nay, cháu tôi đã phải làm quen việc học từ hai năm trước.
Bố mẹ cháu thường cười hỉ hả khoe con mình "ăn đứt con người ta" và quay sang làm "quân sư" cho bạn bè, anh em có con sắp đến trường. Thật khó để nói họ đã đúng hay sai, ích kỷ hay không ích kỷ khi ép con học chữ sớm. Nhưng tất nhiên, tuổi thơ của cháu tôi đã khuyết một mảng thời gian dành cho việc học.
Biết có hại nhưng phụ huynh vẫn cho trẻ học chữ trước!
Cho trẻ lớp 1 học chữ trước, nên hay không? Đó là câu hỏi muôn đời của nhiều gia đình khi con cái sắp bước vào ngưỡng cửa đầu tiên của tuổi học trò. Mấy năm trở lại đây phong trào dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 rộ lên phát triển mạnh mẽ mặc dù Bộ GD-ĐT đã nghiêm túc yêu cầu các địa phương chấm dứt tình trạng này.
Nguyên nhân dẫn đến việc ép, gò trẻ học chữ sớm như thế có lẽ bắt nguồn từ tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè, lo con đuối hơn các bạn khi nhìn xung quanh trẻ nào cũng ê a đánh vần, bậm môi uốn từng nét chữ từ sớm. Tâm lý đám đông xuất hiện, lan truyền trong phụ huynh dẫn đến tình trạng trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 biến thành một cuộc đua thật sự.
Bố mẹ cứ mặc nhiên chu toàn việc học chữ trước cho con mà quên mất rằng đôi lúc việc làm này cực kỳ phản tác dụng. Chuyên gia liên tục cảnh báo sự nguy hiểm của việc ép trẻ học chữ sớm liên quan đến sự phát triển mất cân đối về trí tuệ, thể chất. Bên cạnh đó là sự triệt tiêu trí tưởng tượng, sáng tạo, ham học và làm trẻ nảy sinh tư tưởng chủ quan, mất tập trung trong học tập.
Một lớp học có sự phân hóa cao giữa các đối tượng học sinh sẽ gây nhiều khó khăn cho giáo viên đứng lớp. Bên cạnh những em đọc thông viết thạo do học chữ trước thì nhóm học sinh đang bập bẹ đánh vần, tập tành viết chữ lại dễ dàng biến thành cá biệt bị trách phạt, la mắng, phàn nàn.
Điều này cũng có một phần "lỗi" của hệ thống giáo dục khi mà chương trình học khá nặng nề, áp lực sĩ số lớp và căn bệnh thành tích mọc rễ thâm căn cố đế.
Bạn tôi đang làm hiệu trưởng trường mầm non đã từng trăn trở về nghịch lý cấm dạy chữ cho học sinh mầm non nhưng lại yêu cầu khá cao về kiến thức, kỹ năng đối với trẻ lớp 1. Chương trình học nặng nề, sĩ số lớp học lại đông. Vậy nên rất khó để giáo viên có thể quan tâm uốn nắn việc học của từng cháu, huống hồ gì là giấc mơ "cô giáo cầm tay uốn từng nét chữ đầu tiên". Rồi chất lượng cuối năm phải đạt tỷ lệ này kia buộc giáo viên phải dạy thêm ngoài giờ dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan cấm mãi chẳng xong.
Cần chuẩn bị tâm lý nhưng không nhồi nhét
Chuyển từ môi trường vui chơi, nhận biết mặt chữ, mặt số sang học hành nghiêm túc ở tiểu học, trẻ cần một khoảng thời gian chuyển tiếp vừa đủ để chuẩn bị đầy đủ tâm thế làm quen việc học. Bởi vậy, các lớp tiền tiểu học thật sự cần thiết.
Nhưng lớp học này không thể gò trẻ học một cách nhồi nhét, gượng ép về cách đánh vần, tính toán, viết chữ. Lớp học này sẽ giúp trẻ làm quen với không khí lớp học, tư thế ngồi học, cách cầm bút, sự tập trung... Từ đây, sự hứng khởi khám phá điều mới mẻ, tinh thần ham học hỏi mới được khơi lên.
Bởi vậy, mong rằng những ai có con sắp vào lớp 1 hãy bình tĩnh đồng hành cùng con vững bước ở hành trình đầu tiên này. Xin đừng để bọn trẻ mới vào lớp 1 đã sợ học!
Vì sao trẻ không thích học?
Thực tế đang diễn ra xung quanh chúng ta lại toàn là những mảnh ghép buồn bã về sự học của hàng triệu đứa trẻ sắp vào lớp 1. Nếu được hỏi con trẻ thích học không, có lẽ chúng sẽ lắc đầu nguầy nguậy bởi sự học mới bắt đầu đã lắm vất vả, áp lực, có cả mồ hôi và nước mắt.
Theo thanhnien.vn
Sách giáo khoa 'cháy' hàng, phụ huynh chật vật tìm mua Sáng mai (20/8), học sinh ở TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu bước vào năm học mới, thế nhưng đến thời điểm này, nhiều phụ huynh có con học đầu cấp vẫn phải chật vật chạy khắp các nhà sách tìm mua sách giáo khoa cho con. Chạy "gom" từng nhà sách Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị Cao Thùy Dung...