Từ quê nghèo đến những suất học bổng danh giá ở trời Tây
Bước đi từ Quảng Trị, nam sinh người Việt đã nỗ lực không ngừng để giành những suất học bổng, giải thưởng danh giá ở Nga.
Tháng 3, Trần Đình Tân Xứ (23 tuổi) là đại diện duy nhất của cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nga vinh dự nhận học bổng tỉnh trưởng Tomsk (Nga). Đây là học bổng thường niên dành cho 22 sinh viên Nga cùng 4 du học sinh đạt thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Bước đi từ quê nghèo
Tân Xứ sinh ra trong gia đình nghèo ở thôn Tân Sơn, xã Tân Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị. Chính cuộc sống khó khăn tôi luyện nên chàng trai trẻ giàu nghị lực.
Từ nhỏ, Xứ đã biết lao động hỗ trợ bố mẹ như một nông dân thực thụ. Ngoài giờ học, em cuốc nương, làm rẫy hoặc tranh thủ lượm sắt vụn hay nhặt quả khô sót lại trên rẫy cà phê đem bán, kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Những buổi làm lụng vất vả khiến thiếu niên ngày ấy mệt nhoài nhưng không khiến em chùn bước trên hành trình tiếp cận tri thức. Rời công việc đồng áng, Xứ lại miệt mài đèn sách, liên tục đạt thành tích cao trong học tập.
Trần Đình Tân Xứ (hàng hai, thứ hai từ phải sang) nhận học bổng của Tỉnh trưởng Tomsk 2016. Ảnh: NVCC.
Tân Xứ đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 12 năm liền. Năm lớp 11, em giành giải thưởng Trần Hành cho học sinh xuất sắc nhất trường. Bên cạnh đó, chàng trai Quảng Trị còn đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và trúng tuyển ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
“Bước vào đại học, em bắt đầu có những suy nghĩ khác hơn, nhận thấy bản thân trước kia dù cố gắng nhưng chưa đủ. Em chịu khó chăm chỉ tìm tòi, học hỏi hơn”, Xứ nhớ lại ngày đầu của cuộc sống sinh viên xa nhà.
Kết thúc học kỳ I, với điểm tổng kết cao nhất lớp (9,39), Xứ được trường gửi hồ sơ lên Bộ GD&ĐT, đề nghị cử sang Nga học. Thành tích cao, ổn định giúp nam sinh trúng tuyển.
Tháng 9/2013, Trần Đình Tân Xứ sang Nga với khát khao học tập kiến thức, rèn luyện tư duy và mở mang tầm nhìn. Gần 4 năm qua, chàng trai sinh năm 1994 vẫn nỗ lực không ngừng và sở hữu bảng thành tích ấn tượng với nhiều học bổng, giải thưởng danh giá.
Ngoài việc trở thành sinh viên nước ngoài duy nhất của ĐH Bách khoa Tomsk nhận học bổng Tỉnh trưởng Tomsk 2016, Xứ còn là du học sinh Việt Nam đầu tiên thuộc ngành Kỹ thuật chiến thắng giải “The Best Student” của trường Bách khoa Tomsk và được đích thân hiệu trưởng trao huân chương danh dự.
Bên cạnh đó, Xứ còn giành học bổng của Chính phủ Nga cho 4 học kỳ liên tiếp cùng nhiều giải Olympic cấp khu vực, toàn Nga, quốc tế ở các môn Toán, Lý, Hóa, chuyên ngành.
Nam sinh còn sở hữu 11 tấm bằng hạng nhất, nhì, ba trong các cuộc thi, hội thảo nghiên cứu khoa học và nhiều bài báo khoa học được đăng trên các tờ báo uy tín của Nga và quốc tế.
Nặng lòng xứ sở
Video đang HOT
Thành công hôm nay là sự đền đáp xứng đáng cho quãng thời gian nỗ lực vượt khó khăn, cản trở của Tân Xứ trong 4 năm qua.
Thời gian đầu, chàng trai 9X thường xuyên ốm đau việc thích nghi với mùa đông buốt giá lạnh âm 30 thậm chí âm 40 độ quá khó đối với người vốn quen sống ở miền Trung nắng lửa.
Anh em Trần Đình Tân Xứ (phải) và Trần Đình Sơn Sở cùng là sinh viên ĐH Bách khoa Tomsk. Ảnh: NVCC.
Mọi chuyện gian nan hơn khi Xứ đặt chân lên nước Nga nhưng không biết gì về ngôn ngữ nơi này. Năm đầu, Xứ cố gạt đi nỗi nhớ nhà cùng cảm giác bỡ ngỡ để tập trung học tiếng thật tốt vì đây là nền tảng cho quá trình tiếp cận kiến thức chuyên ngành sau này.
“Đến nay, tiếng Nga và tiếng Anh của mình đều ổn cả”, Xứ tự tin.
Không chỉ cố gắng đảm bảo việc học ở lớp kéo dài từ 8h30 đến 20h mỗi ngày, Xứ còn dành thời gian để nghiên cứu đề tài với thầy cô, hay tham gia một số kỳ thi Olympic, hội thảo khoa học tại nhiều thành phố của Nga.
Nhiều khi, 9X cảm thấy áp lực dồn ép. Nhưng sau cùng, khát khao của mình cũng như niềm mong đợi từ gia đình, người thân giúp chàng trai vượt qua tất cả.
Để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai, nam sinh 23 tuổi dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu đề tài khoa học, viết báo với một số giảng viên, tiến sĩ và giáo sư có trình độ chuyên môn cao.
Chàng trai cũng thích du lịch, đam mê tìm hiểu cách sống, các nền văn hóa trên thế giới, mê công nghệ, yêu âm nhạc và biết chơi guitar cùng tích cực tham gia hoạt động đoàn, hội, làm từ thiện.
Tân Xứ tâm sự em muốn tranh thủ rèn luyện nhiều hơn, hoàn thiện bản thân, không chỉ học tốt mà còn biết sẻ chia, có ý thức cống hiến bởi nguyện vọng lớn nhất của em là có thể làm gì đó cho đất nước.
Sống ở nước Nga xa xôi, Xứ luôn hướng về tổ quốc. Cậu nặng lòng với nếp sống quê nhà, với mảnh đất tuy nghèo vật chất nhưng giàu tình yêu thương.
Xứ kể thêm gia đình em có hai người con, Trần Đính Tân Xứ và Trần Đình Sơn Sở, ghép lại là Tân Sơn xứ sở. Cái tên cũng như lời nhắc nhở hai anh em (cả hai đều là sinh viên ĐH Bách khoa Tomsk) về nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng mình.
“Hoàn thành việc học, mình sẽ về Việt Nam vì muốn làm việc, cống hiến hết mình cho nơi tâm huyết, nặng lòng”, cậu sinh viên người Quảng Trị tâm sự.
Thành tích nổi bật của Trần Đình Tân Xứ:
- Điểm trung bình học tập: 5.0
- Olympic cấp trường, khu vực, nước Nga, quốc tế các môn Toán, Lý, Hóa, các môn chuyên ngành.
- Học bổng Tỉnh trưởng 2016.
- 4 lần nhận học bổng Chính phủ Liên bang Nga.
- Giải thưởng “The Best Student” ĐH Bách khoa Tomsk 2017.
- Học bổng Filimonov cho sinh viên có thành tích xuất sắc.
- Giấy khen Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho đoàn viên ưu tú tại Liên bang Nga 2017.
Theo Zing
Hàng loạt 9X Việt nhận học bổng giá trị: Hành trình vươn ra thế giới
Nhiều bạn trẻ Việt Nam đến từ khắp các tỉnh thành vừa giành học bổng giá trị từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Mùa tuyển sinh của các trường đại học hàng đầu nước Mỹ năm nay ghi dấu thành công của nhiều bạn trẻ Việt. Bằng sự nỗ lực không ngừng vươn lên, họ đã tạo ra thương hiệu về một thế hệ trẻ giàu tài năng, sẵn sàng sải cánh trên bầu trời trí thức.
Gặt hái học bổng Mỹ
Nguyễn Đình Tôn Nữ, nữ sinh 18 tuổi trường THPT Hà Nội - Amsterdam là cái tên khiến nhiều người ngưỡng mộ trong mùa tuyển sinh vào các trường đại học Mỹ năm nay. Tôn Nữ thi SAT (1560/1600), TOEFL (118/120), vượt qua hơn 39.500 ứng viên thế giới ứng tuyển để đỗ vào đại học hàng đầu thế giới - Harvard.
Nguyễn Đình Tôn Nữ và quan điểm về việc học tập. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Đỗ vào trường là niềm mơ ước của nhiều người nhưng Tôn Nữ chia sẻ Harvard không phải giấc mơ. Điều cô mong ước là một nền giáo dục tiên tiến, cởi mở. Đặc biệt, nữ sinh trường Hà Nội - Amsterdam không mong muốn mọi người coi mình là "con nhà người ta" hay thần tượng. 9X kể thường đi học muộn, không cẩn thận và khiến cô chủ nhiệm phải "đau đầu".
Không chỉ có trường Ams, nơi có nhiều học sinh giành học bổng của nhiều trường nổi tiếng trên thế giới, đến từ miền núi Lào Cai, Nguyễn Lê Hoài Anh cũng vừa trúng tuyển ĐH Stanford (Mỹ). Đây là ngôi trường đứng thứ 2 thế giới, có tỷ lệ chấp nhận học sinh thấp nhất nước Mỹ. Hoài Anh nhận được mức hỗ trợ học phí hơn 280.000 USD trong 4 năm (hơn 6,5 tỷ đồng).
Hoài Anh trở thành niềm tự hào của cả trường THPT chuyên Lào Cai, của tỉnh khi lần đầu tiên có học sinh đỗ vào đại học hàng đầu thế giới.
Tại Đà Nẵng, Nguyễn Thị Sao Ly (sinh năm 1993) nhận học bổng tiến sĩ của 8 trường Mỹ danh tiếng gồm MIT, Johns Hopkins, Cornell University, University of California San Diego, University of Chicago, Rice University, University of Texas Southwestern và Baylor University.
Cô gái Việt chọn Johns Hopkins (top 5 trường Y tốt nhất thế giới) và được cấp học bổng toàn phần có giá trị lên đến 410.000 USD cho 5 năm học (hơn 9,3 tỷ đồng). Trước đó, cô tốt nghiệp ngành Sinh học và Y tiến hoá tại ĐH California (Los Angeles, Mỹ) tháng 6/2016.
Từ trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, Đinh Hương Thảo (19 tuổi) được nhận vào Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với mức học bổng toàn phần lên tới 72.226 USD/năm (tương đương 6,3 tỷ đồng cho 4 năm học). Đây là mức cao hơn hỗ trợ tài chính mà một sinh viên Mỹ có thể nhận khi vào học tại trường.
Hương Thảo liên tiếp đoạt 2 huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2014 và 2015, cùng danh hiệu Nữ sinh xuất sắc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tự học, vượt qua chính mình để vươn tầm thế giới
"Cô gái Harvard" Nguyễn Đình Tôn Nữ khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi tinh thần tự học. Nữ sinh cho biết cô không có bí quyết gì để được vào trường đại học số một thế giới, cũng không biết gì nhiều hơn người khác. Điều khiến cô gái này trở nên khác biệt là triết lý: "Học là một cách sống, thái độ, việc làm trong từng phút giây".
Không theo học chính thức tại trung tâm nào, Tôn Nữ nhận thấy mình học hiệu quả với bạn bè hơn là thầy cô. Cô tự học SAT từ sách cũ đi mượn, học TOEFL trên máy đi mượn, học từ mọi người và bất cứ nơi đâu. Cô mong muốn cách học này sẽ nhận được nhiều kiến thức từ môi trường giáo dục Mỹ.
Nhiều bạn trẻ khác cũng đề cao tinh thần tự học, như Lâm Quang Nhật (Quy Nhơn, Bình Định) vừa nhận học bổng toàn phần trị giá hơn 6 tỷ đồng của ĐH Chicago, Mỹ. 9X giành học bổng nhờ cách học trên mạng. Võ Tường An (19 tuổi) đến từ Quảng Ngãi được chọn vào Đại học Stanford thích học tiếng Anh online.
Du học không chỉ là quá trình tự học mà còn là hành trình vượt qua chính bản thân mình. Đinh Hương Thảo (Học viện Công nghệ Massachusetts) chia sẻ giấc mơ du học giống như được thử thách, sống hết mình.
Đinh Hương Thảo, "cô gái vàng" của Olympic Vật lý Việt Nam. Ảnh: Quyên Quyên.
Du học để cống hiến cho Việt Nam
Đối với những bạn trẻ đi du học, suy nghĩ "về hay ở lại" luôn là sự trăn trở trong trái tim. Theo Nguyễn Đình Tôn Nữ - cô nữ sinh nhận được học bổng của ngôi trường đại học hàng đầu ở Mỹ - dù có đi đến phương trời nào, người dân đất Việt đều hướng về quê hương.
"Chúng ta không nên bàn về việc họ chọn lựa học tập, làm việc ở đâu mà hãy cùng nhau suy nghĩ và có trách nhiệm xây dựng môi trường học tập, làm việc để thu hút được những nhân tài đang ở khắp nơi trên thế giới có thể cống hiến cho sự phát triển của đất nước", Tôn Nữ chia sẻ.
Tôn Nữ mong muốn học Harvard để giúp ích cho Việt Nam. Bởi văn hóa Việt Nam nói riêng và ở các nước Đông Nam Á có nhiều điều thú vị, hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng người dân (đặc biệt là các bạn trẻ) còn rất mơ hồ về văn hóa của đất nước mình.
Một bạn trẻ khác là Vũ Thảo Phương (lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) vừa nhận học bổng 5 tỷ đồng trong 4 năm tại ĐH Pennsylvania, cũng mong muốn sau khi học xong tiến sĩ sẽ về Việt Nam thực hiện mục tiêu ban đầu là cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm lý cho mọi người.
Theo Zing
Hãy đi để trải nghiệm và thoát khỏi cái giếng ta đang ngồi Vũ Nguyễn Trâm Anh (26 tuổi, du học sinh tại Anh) cho hay phương châm sống của cô là: "Hãy đi để trải nghiệm, để thoát ra khỏi cái giếng mà chúng ta vẫn ngồi bấy lâu". Vũ Nguyễn Trâm Anh, nữ sinh tốt nghiệp ĐH Troy - STU campus (là chương trình liên kết 2 năm học tại Việt Nam và 2...