Tự học mùa dịch bệnh
Trước “cơn bão” dịch bệnh do Covid-19 gây ra, hàng loạt địa phương thông báo cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020 để phòng tránh. Ở một góc nào đó, khoảng thời gian nghỉ học tạm thời chính là dịp để các em củng cố và phát triển năng lực tự học của mình.
Ảnh minh họa/INT
Trước diễn biến của dịch bệnh do Covid-19 gây ra, Bộ GD&ĐT quyết định sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có dấu hiệu phức tạp, động thái này của Bộ GD&ĐT được dư luận ghi nhận, đánh giá cao bởi sự chủ động, kịp thời.
Có thể nói, quyết định của Bộ rất quan trọng, là cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố xem xét cho học sinh nghỉ học phòng tránh dịch. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh do Covid-19 gây ra, trong đó có việc lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung, đặc biệt là lùi thời điểm kết thúc năm học.
Nghỉ không có nghĩa là buông bỏ. Chẳng thế mà hầu hết các nhà trường và giáo viên đều giao nhiệm vụ học tập cho học sinh trong thời gian nghỉ tạm thời. Ở phương diện nào đó, đây là khoảng thời gian để các em rèn rũa năng lực tự học của mình – một phẩm chất không thể thiếu của công dân toàn cầu, bởi tự học gắn liền với quá trình phát triển để đạt tới thành công của mỗi con người và thầy cô, phụ huynh chính là những người giúp các em phát triển năng lực này.
Có giáo viên đã từng nói, dạy học không chỉ đơn thuần là đưa ra kiến thức cho học sinh mà điều quan trọng là cung cấp cho học sinh phương pháp tự học, để học sinh không chỉ đạt kết quả tốt tại một thời điểm, mà luôn có tâm thế cho việc trau dồi và tìm hiểu kiến thức phục vụ cho công việc sau này. Thiết nghĩ đây là thời điểm để thầy – trò cùng phát huy, thực hiện những điều này.
Trên phương diện quản lý, Bộ GD&ĐT đã có đề nghị, trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường.
Trên tinh thần đó, hầu hết các trường và thầy, cô giáo đã thiết lập các nhóm học tập online, mà ở đó giáo viên là người hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho các em tự học ở nhà. Có trường còn tổ chức hướng dẫn học sinh học trực tuyến. Có thầy cô giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện nhiệm vụ giáo dục, rồi quay video gửi cho thầy cô xem và góp ý.
Video đang HOT
Cũng có những học sinh tự giác tăng thời gian tự học ở nhà lên gấp đôi so với thời điểm đi học. Tất cả những trường hợp đó không hiếm gặp, thậm chí nó còn hiện hữu ở mọi gia đình, bên góc học tập của các con. Và với các em, thời điểm này, việc bền bỉ duy trì học tập là cần thiết. Tất nhiên không cố nhồi nhét và cũng không nên lơ là, ngắt quãng.
Trở lại với câu chuyện nghỉ học tạm thời và quyết định lùi thời điểm kết thúc năm học của Bộ GD&ĐT, cần hiểu rằng, dù là bất cứ quyết định nào đi chăng nữa, vấn đề cốt lõi vẫn là hướng tới người học. Có thể, việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ gây một số khó khăn cho ngành Giáo dục và các địa phương, nhưng không phải là không có giải pháp khắc phục. Nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc cần làm là, các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn, an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết.
Tâm An
Theo Giáo dục thời đại
Dạy Âm nhạc ở trường phổ thông: Hình thành năng lực tự học
Giáo viên (GV) dạy Âm nhạc ở phổ thông khi tiếp nhận Chương trình và SGK mới sẽ phải thực hiện theo phương pháp dạy học năng lực.
Góp phần trả lời câu hỏi "làm thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu này?", PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) - chia sẻ vấn đề hình thành năng lực tự học với phân môn Tập đọc nhạc ở mức sơ giản cho học sinh phổ thông.
Thực hành là yêu cầu cốt lõi trong dạy và học môn Âm nhạc
Hạn chế dùng đàn mẫu, đọc mẫu
PGS Nguyễn Thị Tố Mai chia sẻ: Trong yêu cầu của Chương trình mới, môn Âm nhạc ở THPT có nhiệm vụ định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức cốt lõi để các em có năng khiếu có thể lựa chọn theo ngành âm nhạc chuyên nghiệp. Nếu cách đọc nhạc như hiện nay (giáo viên đàn trước, đọc mẫu trước, học sinh nghe rồi đọc theo) được áp dụng từ tiểu học đến THCS làm sao học sinh có khả năng để học được môn Âm nhạc ở THPT với định hướng nghề nghiệp?
Với 1 tiết/tuần cho môn Âm nhạc, học nhiều nội dung (Hát, Nhạc lý, Tập đọc nhạc, Âm nhạc thường thức) như chương trình hiện hành không thể kỳ vọng học sinh tự đọc được bài đọc nhạc, chưa kể là còn có nhiều em năng khiếu kém nữa.
Song, theo PGS Nguyễn Thị Tố Mai, với phân môn này, làm sao để khi không có sự làm mẫu của giáo viên, ít nhất học sinh cũng đọc được tên nốt nhạc, biết cách đọc gam Đô trưởng, cách thực hiện trường độ nốt trắng, nốt đen và với những em có năng khiếu có thể đọc được những cao độ hay trường độ thật dễ (nốt trắng, nốt đen).
Đặc biệt, PGS Nguyễn Thị Tố Mai cho rằng, cần kiên quyết loại bỏ việc học sinh không nhìn nốt trên bản nhạc mà phiên ra chữ cái viết tắt bằng tiếng Việt ở bên dưới các nốt nhạc. Lỗi này là do các giáo viên không đạt trong cả phương pháp lẫn nội dung dạy học âm nhạc.
Muốn như vậy, giáo viên phải có phương pháp dạy học để hình thành cho học sinh năng lực chủ động chiếm lĩnh tri thức. Nghĩa là, cần loại bỏ ý nghĩ, học sinh phổ thông không thể đọc nhạc được và cần loại bỏ lạm dụng phương pháp chỉ dùng đàn mẫu, đọc mẫu rồi học sinh đọc theo.
Hoàn toàn dùng đàn giai điệu trước rồi học sinh đọc theo sẽ khiến các em không biết phân tích và không hiểu tại sao lại phải đọc nhạc như vậy, dù chỉ với những vấn đề sơ giản nhất. Đặc biệt, với phương pháp luôn đàn mẫu, các học sinh có năng khiếu đã bị tước đi mất khả năng tự học của mình.
"Vậy với phân môn Tập đọc nhạc, khi nào áp dụng đàn mẫu và khi nào không áp dụng? Mấu chốt của vấn đề là ở đây. Đó chính là áp dụng dạy học theo tiếp cận năng lực. Cần dạy kết hợp giữa đàn mẫu và không mẫu. Khi học sinh đã có những kỹ năng nhất định, gặp cao độ hoặc trường độ tương tự và ở mức độ dễ, giáo viên chỉ việc gợi mở để học sinh tự phân tích và tự đọc. Chỉ khi học sinh không làm được mới đàn mẫu hoặc đọc mẫu.
Ảnh minh họa/ INT
Nếu được học như vậy, học sinh phải vận động trí não, có sự chủ động trong tiếp thu, không thụ động chờ âm thanh vang lên rồi lặp lại. Qua nhiều năm, ít nhất các em cũng có một năng lực nào đó trong đọc nhạc, nhất là với các em có năng khiếu. Tuy nhiên, với đối tượng học sinh phổ thông, không nên quá sa đà vào dạy học Tập đọc nhạc như cho đối tượng chuyên nghiệp" - PGS Nguyễn Thị Tố Mai cho hay.
Cần đổi mới cách viết SGK
Một điều rất quan trọng để đạt được dạy học theo năng lực cần đổi mới cách viết SGK. Nhấn mạnh điều này, PGS Nguyễn Thị Tố Mai cho biết: SGK hiện hành được viết theo hướng tiếp cận nội dung. Chẳng hạn ở phân môn Hát, trong sách chỉ có bản nhạc của bài hát và đôi lời giới thiệu về bài hát... không có gợi ý cách hát; với phân môn Tập đọc nhạc chỉ có bài tập đọc nhạc...
Như vậy, mặc dù đã được học bài Tập đọc nhạc ở trên lớp nhưng khi nhìn vào các bản nhạc trong sách, học sinh rất khó để có thể tự thực hiện được những bước thực hành căn bản như đọc gam hay quãng...
Trong SGK cũng cần có sự thay đổi. Đó là để hình thành năng lực âm nhạc cần chú trọng nội dung thực hành, có thể lược bớt một số nội dung lý thuyết và lý thuyết nên được lồng ghép trong các nội dung thực hành, giúp học sinh học đến đâu, hiểu và được áp dụng ngay đến đó vào bài hát hay bài đọc nhạc một cách cụ thể.
SGK viết theo hướng tiếp cận năng lực cần có những bước, những quy trình cho các nội dung hoạt động. Với Tập đọc nhạc cần có bước đọc gam, quãng 2, quãng 3, luyện riêng trường độ, cao độ... và được lặp đi lặp lại thành quy trình. Lâu dần, cách dạy học này hình thành ở học sinh kỹ năng nhận biết và tự thực hành; khi đó, chỉ cần nhìn sách, các em có thể tự biết thực hiện đọc gam, quãng... như thế nào. Không chỉ với phân môn Tập đọc nhạc mà với cả Nhạc lý, Hát, Thường thức âm nhạc, SGK cũng nên được viết tương tự như vậy.
"Ngoài ra, về số lượng bài hát hay tập đọc nhạc cũng không nên nhiều mà có thể giảm bớt hơn để học bài nào, học sinh được đi sâu rèn luyện kỹ năng hơn. Đặc biệt, các bài tập đọc nhạc nên soạn những giai điệu dễ, đơn giản để học sinh có thể dần dần tự đọc được ở một mức độ nhất định, không nên dùng hoàn toàn những bài hát quen thuộc để làm bài tập đọc nhạc" - PGS Nguyễn Thị Tố Mai lưu ý.
Để đáp ứng được yêu cầu của Bộ GD&ĐT, của chương trình mới, các giáo viên đang dạy Âm nhạc ở phổ thông, các nhà quản lý ở trường phổ thông cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và kịp thời có những chuẩn bị phù hợp để khi SGK mới ban hành sẽ thích ứng được với phương pháp dạy học mới. Các trường đào tạo giáo viên âm nhạc cũng cần có sự thay đổi tích cực trong đào tạo giáo viên âm nhạc để đáp ứng xu thế mới. - PGS Nguyễn Thị Tố Mai
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Thầy cô "2 trong 1" để kịp triển khai Chương trình mới Theo kế hoạch, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới phải hoàn thành trước 1/5. Từ 1/5 đến 30/6, các nhà trường phải phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa được chọn, tập huấn để giáo viên nắm vững sách. Thời gian nghỉ khá dài vì dịch Covid-19 liệu...