Từ học bổng Mỹ 6 tỷ đồng đến suất thực tập ở NASA của 9X Quảng Ngãi
Nguyễn Hoàng Ngân là một trong số ít sinh viên ở Mỹ xuất sắc được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận vào thực tập với dự án thiết kế thí nghiệm từ vệ tinh đến trái đất trong mùa Hè này.
Sinh năm 1998, Hoàng Ngân tốt nghiệp trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP. HCM rồi lên đường du học Mỹ.
Dự án xe lăn vượt địa hình cho người khuyết tật (giải Ba Hội thi khoa học kĩ thuật quốc tế – Intel ISEF 2016 tại Mỹ) là “cú hích” giúp chàng trai Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Ngân chinh phục thành công học bổng “khủng” đến ngôi trường đại học hàng đầu Mỹ em mơ ước vào năm 2017. Lúc này, em trúng tuyển Đại học Pitzer với học bổng toàn phần trị giá 6 tỷ đồng.
Nguyễn Hoàng Ngân từng trúng tuyển Đại học Pitzer với học bổng toàn phần trị giá 6 tỷ đồng.
Hoàng Ngân hiện đang theo học song ngành toán học và vật lý tại Trường Harvey Mudd College (Mỹ). Trước đó, Hoàng Ngân có dự định làm nghiên cứu ở một cơ sở khoa học khác, tuy nhiên vì đại dịch Covid-19, chương trình của Ngân bị hủy bỏ.
Trong bối cảnh nhiều cơ quan tổ chức ở Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tưởng như việc thực tập không có hi vọng nhưng Ngân đã bất ngờ “lọt mắt xanh” của một giáo sư đang làm dự án vật lý lý thuyết tại NASA. Nhưng để chinh phục được suất thực tập của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ là cả một quá trình dài cố gắng.
PV Dân trí có cuộc trao đổi với chàng trai Quảng Ngãi này về những nỗ lực để em đạt được suất thực tập mơ ước tại NASA.
PV : Được biết, trước khi nộp hồ sơ du học Mỹ, em đã “gap year” 1 năm, vì sao vậy?
Nguyễn Hoàng Ngân: Em bắt đầu quyết định đi du học khá trễ vào đầu năm lớp 12. Vì quyết định trễ và khả năng tiếng Anh không được tốt lắm, em quyết định “gap year” để vừa khám phá bản thân vừa rèn luyện tiếng Anh.
Xuyên suốt quá trình đó em chủ yếu tự học tiếng Anh qua sách và trên mạng kèm với tham gia các khoá học bổng học tiếng Anh, việc học tiếng Anh của em không tốn nhiều tiền.
Nói chung quá trình ứng tuyển của em chủ yếu là tìm kiếm trên mạng và hỏi thăm những đàn anh đàn chị đã lấy được học bổng trước đó.
Khi nộp hồ sơ vào đại học, em đỗ những trường nào? Tại sao em lại chọn trường Harvey Mudd College (Mỹ) để theo ngành Toán, Vật lý?
Vì em nộp khá nhiều trường (32 trường) nên em cũng không nhớ rõ hết những trường đã đậu. Một vài trường tiêu biểu như Franklin & Marshal College, Washionton and Lee University, University of Minnesota Twin Cities, Pitzer College, Whitman College, William College, …
Sau học kỳ đầu ở Pitzer College, em quyết định chuyển qua học chuyên ngành ở Harvey Mudd College và nhận được sự chấp nhận của Chair of Physics Deparment- người sau này cũng trở thành người cố vấn của em.
Dự án sân chơi khoa học cho người trẻ giúp Hoàng Ngân gây ấn tượng với nhà phỏng vấn ở NASA.
Một trong những lý do em chọn Harvey Mudd là vì phương pháp dạy học kích thích sự tò mò của học sinh và không hề khô khan, chính vì vậy mà Harvey Mudd nằm trong top 20 các trường Liberal Art có chất lượng giảng dạy tốt nhất.
Ngoài ra, với việc đam mê nghiên cứu khoa học, Harvey Mudd cũng là một trong những trường cung cấp các dự án nghiên cứu tốt bật nhất nước Mỹ (nằm trong top 20 các trường toàn nước mỹ bao gồm cả Liberal Art và National University, theo US New & World report).
Em gặt hái được những thành tích, thành quả nào với niềm đam mê về nghiên cứu khoa học?
Video đang HOT
Em nghĩ là cứ mỗi dự án nghiên cứu mà em được nhận vào được coi như một thành quả từ niềm đam mê khoa học của em. Bởi vì mọi giáo sư nào cũng tìm kiếm điểm này khi tìm kiếm học sinh làm nghiên cứu cùng mình.
Em biết đến cơ hội thực tập ở Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ – NASA từ bao giờ? Để chinh phục nhà tuyển dụng NASA, em đã phải vượt qua những thử thách nào? Đâu là “cửa ải” khó khăn nhất đối với em?
Thật ra đây là một điều rất tình cờ, NASA không có nhiều cơ hội thực tập cho mảng Vật lý lý thuyết. Vì vậy, ngay từ đầu em không hề dự định ứng tuyển vào NASA.
Tuy nhiên sau khi Covid-19 làm cho các nghiên cứu của em bị huỷ hết, em có tìm tới thầy hướng dẫn của em và chia sẻ về chuyện này. Sau đó may mắn là thấy giới thiệu em tới một thầy khác đang làm việc cho NASA.
Và sau khi phỏng vấn, em đã được nhận vào làm. Em nhận thấy lời giới thiệu/ tiến cử là một điều rất quan trọng. Chính việc làm nghiên cứu chung với thầy cố vấn của em trong 1 năm mà thấy hiểu rất rõ điểm mạnh của em để từ đó giới thiệu em cho chương trình. Và thật ra em chỉ có một cửa ải để vượt qua là phỏng vấn.
Ý tưởng nào của em đã thuyết phục nhà tuyển dụng ở NASA? Em có thể nêu chi tiết vài câu hỏi tuyển dụng và cách trả lời của em?
Em nghĩ lý do em được nhận nằm ở 4 yếu tố chính, thứ nhất là kinh nghiệm làm research của em. Một dự án về mathematical modeling (mô hình toán học) năm nhất ở trường, và một dự án vật lý hạt tại SLAC National Accelerator Laboratory, Đại học Stanford.
Thứ 2 là phong cách làm việc chuyên nghiệp. Người cố vấn của em cũng chính là supervisor (người điều hành) của em trong 2 năm liên tục làm nghiên cứu ở SLAC.
Em đã xây dựng được mối quan hệ công việc chuyên nghiệp cũng như sự tin tưởng của thầy. Đó là lý do thầy giới thiệu em vào chương trình này.
Và cuối cùng là những lớp học nâng cao (elective course) mà em lấy bao gồm những mảng kiến thức cần thiết cho dự án ví dụ như: quantum information, field theory, solid state physics, particle physics, general relativity (những lớp không bắt buộc).
Cuối cùng, một trong những điểm mạnh khác là hoạt động vì cộng đồng. Đây là một yếu tố được đánh giá cao trong các kì tuyển sinh như em được biết.
Tháng 8/2019, em đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận Science for the Future Fair (SFF), với mục tiêu với mục đích nhằm tạo ra một sân chơi nghiên cứu khoa học (NCKH) lành mạnh, giúp phát huy khả năng sáng tạo và nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học của các bạn học sinh khối Trung học Phổ thông (THPT) và Đại học ở Việt Nam. Em đã “chiêu mộ” được 48 bạn cùng hợp sức tổ chức chương trình ở TP. Hồ Chí Minh trong năm nay.
Về buổi phỏng vấn, các câu hỏi rất thẳng thắn và đi sâu vào tìm hiểu khả năng cũng như phong cách làm việc của em. Hầu hết sẽ là những câu hỏi đi sâu vào chuyên môn và ý tưởng của dự án em sẽ làm.
Tuy nhiên vẫn có một vài câu hỏi khá chung chung như: “Đâu là những khó khăn em gặp phải trong quá trình làm nghiên cứu ở những dự án trước đây?”, “Kể về một hoạt động ngoại khoá mà em tâm đắc nhất?” hay “Kế hoạch trong con đường học thuật/công việc của em là gì?”.
Nhìn chung thì hầu hết các câu hỏi không quá khó nên em cũng chỉ trả lời thẳng thắn và chân thật. Cái duy nhất em thấy cần lưu ý là trả lời thật tự tin và dứt khoát tránh để người ta có suy nghĩ là mình đang giấu điều gì đó.
Được nhận vào NASA thực tập, nhiệm vụ chính của Ngân là thiết kế một thí nghiệm giữa vệ tinh và trái đất cũng như giữa mặt trăng và trái đất.
Em dự định sẽ làm gì/ phát triển dự án nào trong thời gian thực tập sắp tới hay chưa?
Thật ra em đang làm được 3 tuần. Nhiệm vụ chính của em là thiết kế một thí nghiệm từ vệ tinh đến trái đất và từ mặt trăng đến trái đất.
Trong thí nghiệm này, mục tiêu là kiểm tra liệu thuyết lượng tử (quantum) có chịu ảnh hưởng từ thuyết tương đối (relativity) hay không và ngược lại.
Ước mơ lớn nhất của em là gì?
Ước mơ lớn nhất của em là được cống hiến cho nhân loại thông qua việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Em luôn mong muốn được trở thành một nhà khoa học dùng đam mê của mình để giúp đỡ cho nhân loại dù là trực tiếp qua những phát minh hữu ích hay gián tiếp qua việc góp phần phát triển trí thức của nhân loại.
Cám ơn Hoàng Ngân đã chia sẻ và chúc em thành công!
Chàng trai 2K đỗ 21 trường ĐH: "18 tuổi, tớ là lãnh đạo của một tổ chức quốc tế!"
Thời gian gần đây, Nguyễn Lê Đông Hải đã trở thành "con nhà người ta" chính hiệu khi nhận được thư trúng tuyển, học bổng từ 21 trường Đại học tại Canada, Anh, Pháp, Mỹ. Nếu tìm hiểu nhiều về Đông Hải, chúng mình sẽ càng thấy "choáng" hơn trước bảng thành tích siêu đỉnh trong ba năm THPT của cậu bạn này!
Lý lịch trích chéo
Họ và tên: Nguyễn Lê Đông Hải
Năm sinh: Gen Z chính hiệu, thành viên "2K2-line"
Nơi "cắp sách": Năm lớp 10, Hải thi đỗ THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), sau đó nhanh chóng rinh học bổng toàn phần và hoàn thành lớp 11, 12 tại Học viện CATS Boston (Mỹ).
Du học sinh đa-zi-năng trong mắt bạn bè quốc tế
Chỉ cần nghe danh chàng trai trúng tuyển 21 trường Đại học, bạn đã hiểu Đông Hải chắc hẳn phải là một học sinh rất chăm chỉ, giỏi giang. Đúng vậy đó, trong suốt các năm THPT, Hải đã giữ vững mức GPA 3.9/4.0 và đạt điểm thi SAT 1520/2000 (môn Toán 800/800). Có bảng điểm long lanh, nhưng chàng trai này còn gây ấn tượng ở Học viện CATS Boston với sự năng nổ, tích cực trong cộng đồng học sinh.
Cậu bạn gây ấn tượng với bảng điểm long lanh và loạt thành tích ngoại khóa xuất sắc.
"Mình cảm thấy mình khá may mắn khi ngôi trường đang theo học có các bạn đến từ hơn 30 quốc gia. Chính sự đa dạng văn hóa này đã giúp mình dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới. Mình đã tích cực tham gia vào cộng đồng sinh viên và giữ nhiều chức vụ lãnh đạo tại trường như Chủ tịch và Sáng lập CLB Kinh tế, Biên tập tờ báo của trường, Đại sứ Sinh viên, Thư ký CLB Mô phỏng LHQ, và được bầu giữ chức Giám đốc Tài chính của Hội học sinh" - Hải chia sẻ.
Không gói gọn trong phạm vi trường học, cậu bạn là một "gương mặt thân quen" ở các hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc tại Mỹ và Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia hội nghị của Hải có rất nhiều thích thú, bỡ ngỡ và cả sự bạo dạn nữa đó!
Nguyễn Lê Đông Hải trong một hội nghị mô phỏng LHQ tại Mỹ.
Đông Hải kể: "Thay vì tham gia dưới tư cách quan sát viên, mình đã mạnh dạn đăng ký làm đại biểu. Mình vẫn còn nhớ rất rõ không khí tranh luận của ngày hôm đó, nên từ đó mình thật sự đã bị "nghiện" hoạt động này và tranh thủ sắp xếp thời gian cuối tuần để tham gia nhiều Hội nghị Model UN của các trường Đại học tại Mỹ". Với kinh nghiệm của mình, cậu bạn đã giúp teen Đà Nẵng tổ chức một hội nghị mô phỏng ở vị trí Chủ tọa.
Bên cạnh đó, Đông Hải còn tham gia rất nhiều hoạt động, cuộc thi để trau dồi thêm kỹ năng và kiến thức cho bản thân. Cậu bạn từng là một diễn giả trên diễn đàn TEDxYouth đình đám, tham gia cuộc thi sáng chế khoa học với phát minh về máy in 3D dành cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Khi trở về Quảng Ngãi trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Hải đã tranh thủ tham gia hoạt động của Đoàn thanh niên và kêu gọi đóng góp cho dự án ATM Gạo nữa đó!
Cậu bạn từng tham gia làm diễn giả tại diễn đàn TEDxYouth 2 lần.
Các bạn du học sinh vẫn thường gặp khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường học mới và ngại tham gia các hoạt động ngoại khóa. Hải cũng giống như vậy, cậu bạn từng có suy nghĩ sẽ chỉ cố tập trung vào việc học. Nhưng sau đó, cậu bạn đã nhận ra mình phải tích cực hơn, giao lưu và kết thân với bạn bè đến từ nhiều quốc gia.
"Việc giao lưu với bạn bè từ nhiều quốc gia và chủng tộc khác nhau sẽ khiến chúng ta có cái nhìn đa chiều, thấu hiểu hơn về văn hóa và cách nghĩ của họ để từ đó mình có cách ứng xử phù hợp" - Hải nhắn nhủ.
Những hoạt động ngoại khóa chính là cách Hải giao lưu và kết bạn.
Hành trình trở thành nhà kinh tế học tuổi teen
Kinh tế học luôn là một khái niệm khô khan với học sinh chúng mình, nhưng Đông Hải thì lại thích mê bộ môn này. Chuyện là trong những ngày luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh qua một số tờ báo như Wall Street Journal, The Economist, Financial Times, cậu bạn đã nhận ra mình có hứng thú với kinh tế.
Khi bước vào Học viện CATS Boston, Hải đã đăng ký học AP Macroeconomics (Kinh tế vĩ mô) và AP Microeconomics (Kinh tế vi mô). Đây là những môn nằm trong chương trình học năm nhất Đại học cho khối ngành kinh tế, vậy nên lượng kiến thức sẽ nặng hơn so với khả năng của các bạn teen. Để học hỏi thêm về môn học này, cậu bạn đã thành lập CLB Kinh tế ở trường, tổ chức các buổi dạy kèm cho những bạn bị "lỡ nhịp" trong lớp. Bên cạnh đó, Hải còn tham gia nghiên cứu kinh tế và thắng giải "Nhà Kinh tế trẻ của năm" do Financial Times và Hội đồng Kinh tế Hoàng gia Anh tổ chức.
Một trong những thành tích "xịn xò" nhất mà cậu bạn này thực hiện chính là GAEE (Global Association of Economics Education) một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động đa quốc gia về lĩnh vực giáo dục kinh tế.
Đông Hải tại Hội thảo "Giáo dục trong thời đại công nghẹ 4.0" do GAEE và Sở Giáo dục Đào tạo, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức.
"Sáng kiến này được nhen nhóm từ ba năm trước, vốn chỉ là một mạng lưới các CLB Kinh tế nằm rải rác tại Châu Á và Bắc Mỹ. Sau đó thì GAEE phát triển thành tổ chức, hoạt động tại hơn 8 quốc gia. Được các thành viên giao cho vị trí lãnh đạo, mình đã tập trung phát triển mạng lưới đối tác của GAEE, hiện đã bao gồm Liên Hiệp Quốc, AIESEC, Google, Microsoft, Hiệp hội Kinh tế Quốc tế và nhiều trường Đại học trên thế giới" - "chủ xị" của GAEE chia sẻ.
Trở thành lãnh đạo một tổ chức đa quốc gia không hề dễ dàng chút nào. Hải kể, khó khăn lớn nhất bạn ấy gặp phải là các thành viên trải khắp mọi múi giờ. Nhiều đêm học bài xong, cậu bạn phải thức đến tận sáng để trao đổi với các đối tác và thành viên trên khắp thế giới của GAEE. Tuy nhiên với niềm đam mê của mình, Hải vẫn luôn mong muốn mở rộng GAEE ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để gặp gỡ nhiều bạn trẻ yêu kinh tế học.
Đông Hải tại Hội thảo "Giáo dục trong thời đại công nghẹ 4.0" do GAEE và Sở Giáo dục Đào tạo, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức.
Từ một du học sinh bỡ ngỡ khi đặt chân đến Boston, Đông Hải đã trở thành một chàng trai có nhiều thành tựu trong lĩnh vực kinh tế, thậm chí còn được Hoàng gia Vương quốc Anh trao chức vụ Ủy viên.
Người truyền cảm hứng cho Hải chính là nữ bác học Marie Curie, vậy nên Hải luôn noi theo tinh thần vượt khó và thái độ tôn trọng công việc của bà. Hành trình đã đi qua không hề dễ dàng, nhưng lại được cậu bạn thực hiện với đam mê học hỏi và sự tích cực của mình.
Ảnh: NVCC
Nam sinh Quảng Ngãi trúng tuyển 21 đại học Nguyễn Lê Đông Hải, 18 tuổi, được 21 trường tại Mỹ, Anh, Canada và Singapore trao học bổng, trong đó ba trường đề nghị 4,2-6,8 tỷ đồng trong bốn năm. Về Quảng Ngãi nghỉ xuân từ tháng 3 và chưa thể quay lại Mỹ do Covid-19, Đông Hải, học sinh Học viện CATS Boston, học và thi online nốt chương trình phổ thông....