Tự hào là sinh viên Trường Đại học Vinh
Hướng về kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Vinh (1959-2019), nhiều sinh viên, lưu học sinh đã giành những cảm xúc đặc biệt cho mái trường,nơi lưu giữ ký ức thanh xuân và cũng là nơi chắp cánh ước mơ, đào tạo nên những thế hệ sinh viên ” bản lĩnh- trí tuệ- văn minh- tình nguyện”.
Nồng ấm tình hữu nghị
Em Vilath Duangdet, người tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) – Chủ tịch Hội Lưu học sinh Lào và Thái Lan tại Đại học Vinh chia sẻ: Được học tập dưới mái trường Đại Học Vinh 4 năm là quãng thời gian em được trải nghiệm thật nhiều điều mới mẻ, thân thương và không kém phần sâu sắc, từ việc học tập đến giao lưu, học hỏi với các bạn sinh viên đồng hương, sinh viên Thái Lan, và đặc biệt là thầy cô giáo và các bạn sinh viên Việt Nam.
Hội Lưu học sinh Lào – Thái Lan học tập tại Trường Đại học Vinh hiện nay có 300 người (trong đó có 255 lưu học sinh Lào), tháng 11/2019 sẽ tiếp tục có hơn 40 bạn học sinh Lào chuẩn bị nhập học. Hiện trong số các lưu học sinh Lào tại Đại học Vinh có 35 người đang theo học cao học, chủ yếu là ngành Luật và Kinh tế.
Vilath chia sẻ, mỗi năm học trôi qua, bản thân lại được trải nghiệm nhiều điều mới. Ấn tượng nhất, xúc động nhất đối với em là những ngày Tết Bunpimay được thầy cô, bạn bè tổ chức ngay trong Trường Đại học Vinh.
Tết Bunpimay từ 13 – 16/4 hàng năm là dịp lễ tết quan trọng nhất của người Lào. Đây là những dịp các gia đình Lào đoàn tụ, vui vầy bên người thân, xóm giềng. Tuy nhiên 4 năm học tập tại Trường Đại học Vinh, Vilath chưa bao giờ cảm thấy cô đơn, lạc lõng bởi em luôn nhận được những tình cảm nồng ấm của bạn bè, thầy cô.
Vilath cho biết, “các thầy cô lúc nào cũng quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ các lưu học sinh chúng em. Ngoài ra, các bạn sinh viên Việt Nam lại rất thân thiện, luôn sẻ chia với lưu học sinh trong học tập cũng như cuộc sống. Trường Đại học Vinh có cơ sở vật chất rất tốt, chúng em thấy thỏa mãn với những điều kiện mình được thụ hưởng trong học tập cũng như sinh hoạt”. Chàng trai người Lào có nụ cười thân thiện cũng bày tỏ rằng: “Đại học Vinh là ngôi nhà thứ hai của em và các bạn lưu học sinh”.
Trưởng thành từ các câu lạc bộ, hội nhóm
Cô sinh viên năm thứ 3 Lê Quỳnh Trang – K58 ngành Luật có dáng người thanh mảnh, khuôn mặt vui tươi. Chia sẻ về những tháng ngày được học tập dưới mái trường Đại học Vinh, Quỳnh Trang luôn ấn tượng và thầm cảm ơn những câu lạc bộ, hội nhóm sinh viên mà mình được tạo điều kiện tham gia. Trang cho biết, là sinh viên ngành Luật, một nghề nghiệp đòi hỏi ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, người học còn phải hoàn thiện nhiều kỹ năng.
Thời gian đầu nhập học, Quỳnh Trang có phần choáng ngợp bởi không khí học tập tại mái trường này, cô tân sinh viên băn khoăn không biết bản thân có theo kịp nhịp độ học tập và các hoạt động phong trào sôi nổi tại trường hay không. Song, những bỡ ngỡ ban đầu đã qua mau khi Trang được các thầy cô, anh chị khóa trên và các bạn cùng khóa tạo điều kiện, hướng dẫn các bước học tập tận tình, nhất là được tham gia các câu lạc bộ hội, nhóm. Đến năm thứ 3, Trang đã là thành viên tích cực của nhiều câu lạc bộ như: CLB Thực hành pháp luật, CLB Tiếng Anh (LEC), CLB Du ca, Đội xung kích khoa Luật, Đội sinh viên tình nguyện…
Quỳnh Trang cho biết “nhờ tham gia các các CLB, hội nhóm đã khuyến khích tinh thần học tập và hoạt động của bản thân em, nhất là môn tiếng Anh. Việc tham gia CLB tiếng Anh đã giúp khơi gợi niềm yêu thích, ham mê học tiếng Anh của em. Điều đó khiến trình độ tiếng Anh của em được cải thiện rõ rệt, giúp em tự tin vươn lên trong học tập, rèn luyện”.
Tự tin vững bước sau khi ra trường
Đây là lời chia sẻ đầy tự tin của cô sinh viên năm cuối của lớp 57A2 Giáo dục Tiểu học, Khoa Giáo dục của Trường Đại học Vinh Phan Thị Ánh Dương.
Hỏi Ánh Dương về cơ sở để khẳng định như vậy, Ánh Dương cho hay: Tuy khóa 57 nhà trường chưa áp dụng chương trình đào tạo mới CDIO, nhưng riêng với sinh viên Khoa Giáo dục đã được trải nghiệm, hưởng thụ theo chương trình này .
Không như những thế hệ sinh viên sư phạm trước đây phải chờ đến năm thứ 3, thứ 4 mới được tiếp xúc với môi trường sư phạm ở cơ sở, Ánh Dương cùng các bạn cùng khóa ngay từ năm đầu tiên đã được thực hành ở các trường phổ thông.
Video đang HOT
Ánh Dương nhớ mãi kỷ niệm năm đầu tiên tham gia điều hành một nghi lễ ở Trường Tiểu học Trung Đô (TP. Vinh), ban đầu Dương đã rất run nhưng nhờ được giáo viên hướng dẫn dặn dò kỹ lưỡng, được các cô giáo của nhà trường động viên, khuyến khích, Dương đã hoàn thành tốt vai trò của mình. Từ buổi hôm đó, Ánh Dương đã không còn rụt rè, ngại ngùng khi đi thực hành tại các nhà trường nữa.
Ánh Dương cho hay, em cùng các bạn đã được thụ hưởng những điều kiện tốt nhất phục vụ cho việc học tập kiến thức chuyên môn và nâng cao kỹ năng, thực hành sư phạm ở thực tế. Sinh viên thường xuyên được đến các cơ sở giáo dục để tìm hiểu, trải nghiệm và thực hành những kiến thức, kỹ năng cần phải trang bị cho ngành mình theo học. Ngoài học tập, Ánh Dương còn là một lớp trưởng, Liên chi hội trưởng Liên chi hội sinh viên Khoa Giáo dục với hơn 600 sinh viên. Những trải nghiệm học tập, hoạt động đoàn thể trong suốt thời gian qua đã giúp Dương tự tin khẳng định bản thân, bồi đắp đam mê với nghề.
Trong không khí hân hoan hướng về kỷ niệm 60 năm thành lập trường, như bao bạn sinh viên khác, trong lòng cô sinh viên năm cuối Phan Thị Ánh Dương đong đầy cảm xúc: “Yêu thương, trân trọng, vinh dự, tự hào”. Với Dương “những kiến thức thu nhận được và những kỷ niệm đẹp của thời sinh viên tại mái trường mang tên Đại học Vinh sẽ là hành trang giúp em tự tin bước đi trên con đường mà mình đã chọn”.
Trường là nhà, thầy cô, bạn bè là gia đình
Vốn là học sinh của Trường THPT chuyên Đại học Vinh, sau đó tiếp tục theo học bậc đại học tại Trường Đại học Vinh nên đối với Nguyễn Cẩm Hoài Thu – Lớp trưởng lớp K58- Sư phạm Anh “ngôi trường này chính là mái nhà thứ hai và thầy cô, bạn bè chính là gia đình thứ hai của mình”.
Cô sinh viên năm thứ 3 chia sẻ : Đại học Vinh là nơi lưu giữ những gì đẹp đẽ nhất của “thời học trò rồi một thửa sinh viên” của em. Em luôn tự hào về mái trường giàu truyền thống của mình. Tại đây chúng em không chỉ được trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng mà còn được hòa mình vào các phong trào Đoàn – Hội sôi nổi, bổ ích, nhất là các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng như dạy hè ở Làng trẻ SOS hay hoạt động giúp đỡ các tân sinh viên mới nhập học. Điều đó giúp em trưởng thành hơn, thấu hiểu thế nào là “sống là cho không chỉ nhận riêng mình”.
Thực tế không chỉ đạt gianh hiệu sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc, Nguyễn Cẩm Hoài Thu còn nhiều lần được nhận Giấy khen, Bằng khen của Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh vì thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Ngoài ra, nữ sinh viên có nụ cười tỏa nắng này còn từng giành giải Nhì thi nghiệp vụ sư phạm của Khoa Ngoại Ngữ. Đó chính là động lực để Hoài Thu tiếp tục phấn đấu trong học tập và rèn luyện, xứng đánh là sinh viên của ngôi trường có bề dày truyền thống 60 năm trên đất học xứ Nghệ.
Nơi trái tim luôn hướng về
Đối với Nguyễn Chí Bảo, sinh viên năm thứ 3 lớp 58A chất lượng cao Sư phạm Toán (Viện Sư phạm tự nhiên), Đại học Vinh là “nơi đã tiếp thêm động lực và sự tự tin để theo đuổi ước mơ của mình”. Bảo chia sẻ trước đây bạn bè thường bảo em không có năng khiếu về sư phạm thế nên Bảo quyết định chọn ngành Sư phạm Toán của ngôi trường có bề dày sư phạm là Đại học Vinh để chứng minh bản thân mình.
Quá trình học tập và rèn luyện tại trường, Bảo nhận ra rằng “khi bản thân tin tưởng vào điều gì đó và kiên trì với mục tiêu thì sẽ đạt đến thành công”, được sự dìu dắt của các thầy cô, Bảo đã giành được nhiều thành tích trong học tập, được nhận học bổng Odon Vallet, giành giải Nhì kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bảo còn được thầy cô kèm cặp, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm, thực tập nghề nghiệp. Hiện em đang được tạo điều kiện để tham gia nhóm nghiên cứu đề tài khoa học liên quan đến vật lý của Viện Sư phạm tự nhiên.
Bảo chia sẻ: Mục tiêu của em sau khi tốt nghiệp là giành học bổng để đi du học và chính nền tảng kiến thức thu nhận được từ phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong những năm tháng học tập tại Đại học Vinh đã giúp em vững tin hơn trên con đường chinh phục ước mơ, chinh phục tri thức. Với em, “Trường Đại học Vinh là nơi trái tim luôn hướng về với những tình cảm thiêng liêng, trân trọng nhất”.
Môi trường đào tạo lý tưởng
Với Chu Thị Hải Yến – Lớp trưởng lớp 57A Sư phạm Hóa (Viện Sư phạm Tự nhiên), quãng thời gian 4 năm học ở Đại học Vinh là những dấu ấn không thể phai mờ. Ban đầu khi cô nữ sinh chuyên Hóa Phan Bội Châu chọn thi vào Trường Đại học Vinh không mấy ai ủng hộ nhưng Yến vẫn tự tin với quyết định của mình. Và “đến bây giờ thì em thấy sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn. Bởi đây là môi trường đào tạo lý tưởng. Từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên tâm huyết, trình độ cao, chương trình dạy học tiên tiến đến các hoạt động bề nổi của phong trào Đoàn – Hội đều là nền tảng thuận lợi cho quá trình học tập, tu dưỡng rèn luyện của sinh viên”.
Hiện cô sinh viên tiêu biểu Chu Thị Hải Yến đang là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên của trường. Trên cương vị của mình Yến đã góp sức cùng BCH Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh tạo nên những sân chơi lành mạnh, bổ ích để sinh viên cống hiến, rèn luyện, trưởng thành, xứng đáng với 8 chữ vàng “Bản lĩnh – trí tuệ – văn minh – tình nguyện”
Là sinh viên năm cuối, được cháy hết mình trong các chương trình, hoạt động sôi nổi kỷ niệm 60 năm ngày thành lập mái trường giàu truyền thống đang diễn ra, Hải Yến xúc động chia sẻ: “Nếu được nói một điều gì đó, em muốn bày tỏ lòng biết ơn và lời cảm ơn đến các thầy, cô giáo và nhà trường đã thắp lửa đam mê, truyền cảm hứng và tạo điều kiện cho chúng em được trải nghiệm những năm tháng sinh viên tuyệt vời. Sau này, dẫu công tác ở đâu thì bản thân em cũng như các thế hệ sinh viên đã và đang trưởng thành từ mái trường này sẽ luôn nhớ về Đại học Vinh như một điểm tựa tinh thần vững chắc để vượt qua những khó khăn, thử thách, tạo dựng tương lai “.
Hoài Thu- Khánh Ly
Theo baonghean
Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, khẳng định vị thế trường đại học trọng điểm quốc gia
Trong chiến lược phát triển, Trường Đại học Vinh luôn chú trọng các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để khẳng định vai trò, vị thế của trường đại học trọng điểm quốc gia, nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế.
"Thắp lửa" phong trào NCKH của sinh viên
Lần đầu tiên cùng nhóm gồm 4 người bạn cùng lớp đạt giải Nhì giải thưởng Sinh viên NCKH năm 2018 với đề tài "Giáo dục bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam trong thời kỳ hội nhập", sinh viên Trần Thị Nga - Lớp 57B Chính trị học (Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn) tự hào chia sẻ "Giải thưởng là nguồn động viên, khuyến khích sinh viên tích cực đưa ra những ý tưởng, giải pháp cụ thể, những sáng kiến mới, góp phần nâng cao chất lượng học tập, tăng cường khả năng làm việc nhóm và phương pháp nghiên cứu tài liệu mở rộng".
Cô sinh viên năm thứ 4 có nụ cười tỏa nắng cho biết, "quá trình thực hiện đề tài nhóm của em nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ tận tình của giáo viên hướng dẫn và sự quan tâm, tạo điều kiện của khoa và nhà trường. Đó là động lực để chúng em nuôi dưỡng niềm say mê, sáng tạo với phong trào NCKH". Chia sẻ của Trần Thị Nga cũng là suy nghĩ của nhiều sinh viên có chung niềm đam mê NCKH tại Trường Đại học Vinh.
Trao giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018. Ảnh: CTV
Xác định việc thực hiện các đề tài NCKH ở bậc đại học sẽ giúp sinh viên tích lũy, mở rộng thêm kiến thức chuyên môn, rèn luyện khả năng tư duy phản biện, tư duy phân tích - tổng hợp để phục vụ tốt hơn cho quá trình công tác sau này, những năm qua, Trường Đại học Vinh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sinh viên thực hiện các công trình nghiên cứu của mình.
Nhiều khoa đào tạo đã phát triển mạnh phong trào nghiên cứu khoa học. Hàng năm trường tổ chức Hội nghị sinh viên NCKH và trao giải thưởng cho các sinh viên có thành tích xuất sắc, đồng thời lựa chọn và gửi những công trình xuất sắc của sinh viên tham dự giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT. Năm học 2018 - 2019 là năm đánh dấu những đổi mới mang tính "thổi lửa" cho hoạt động NCKH của sinh viên.
Phương thức triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên đã được đổi mới, thay vì các thủ tục hành chính phức tạp trong việc giao đề tài cho sinh viên như những năm trước, nhà trường đã xây dựng quy chế xét thưởng công trình sinh viên nghiên cứu khoa học. Theo đó hàng năm, các nhóm sinh viên chủ động triển khai nghiên cứu và đăng ký tham gia xét giải ở các hội đồng. Trên cơ sở công trình đăng ký, nhà trường mời các nhà khoa học có uy tín, đúng chuyên môn tham gia các hội đồng xét chọn.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, Ban tổ chức giải thưởng Sinh viên NCKH Trường Đại học Vinh đã nhận được 47 công trình gửi về tham gia xét giải. Ở vòng chung khảo, các hội đồng đã chọn ra 13 công trình vào vòng chung khảo và 11 công trình đề nghị trao giải Khuyến khích. Ở vòng chung khảo các hội đồng đã xét chọn và đề nghị hiệu trưởng nhà trường xem xét trao 1 giải Nhất, 7 giải Nhì, 5 giải Ba.
Quy trình xét chọn được thực hiện qua hai vòng sơ khảo và chung khảo. Bám sát các tiêu chí, các hội đồng đề nghị Hiệu trưởng xem xét và trao giải. Ngoài tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí hỗ trợ các đề tài đạt giải sinh viên NCKH đã được nhà trường quan tâm.
Theo đó, giải Nhất được nhận 10 triệu đồng kinh phí hỗ trợ, giải Nhì 8 triệu đồng, giải Ba 5 triệu đồng, giải Khuyến khích 3 triệu đồng, bên cạnh đó, sinh viên còn được nhà trường khen thưởng tùy theo thành tích. Đối với giáo viên hướng dẫn ngoài được khen thưởng theo quy định, kết quả hướng dẫn sinh viên NCKH còn được nhà trường quy đổi giờ nghiên cứu khoa học cho các cá nhân.
Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào có nguồn tài liệu phong phú phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của sinh viên. Ảnh: CTV
Để phục vụ tốt hơn cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào cũng thường xuyên phát triển nguồn học liệu điện tử, xây dựng thư viện số, bổ sung tài liệu, đổi mới công tác phục vụ bạn đọc, thay thế phần mềm thư viện mới... Nhiều hoạt động được triển khai nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc như: Đưa vào sử dụng hệ thống trả sách 24/7, phần mềm quản lý thư viện Kipos, không gian học tập cho sinh viên cùng với hệ thống tài liệu gồm 16.500 giáo trình, bài giảng, hơn 18.000 luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ đã làm cho Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào trở thành một trong những thư viện hiện đại nhất trong hệ thống thư viện các trường đại học Việt Nam. Qua đó, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong phong trào NCKH của sinh viên.
"Trong xét chọn các công trình NCKH của sinh viên, ngoài việc quan tâm đến kết quả nghiên cứu là các sản phẩm mang tính hàn lâm, nhà trường chú trọng những kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao hoặc các ý tưởng có thể xây dựng, triển khai thành đề án sáng tạo KHCN giúp sinh viên khởi nghiệp. Giải thưởng sinh viên NCKH hằng năm cũng được xem là thước đo về chất lượng đào tạo, cũng như khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên".
T.S Đinh Đức Tài - Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Vinh)
Ưu tiên các hướng nghiên cứu mũi nhọn
Từ những bài học kinh nghiệm qua 60 năm xây dựng và phát triển, hoạt động nghiên cứu khoahọc ngày càng được Trường Đại học Vinh đặc biệt quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu rõ nét. Các nhà khoa học, cán bộ và giảng viên của trường đã và đang chủ trì thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở, công bố nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước; xuất bản nhiều giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo,... phục vụ công tác giảng dạy, học tập.
Chỉ tính 5 năm gần đây, cán bộ nhà trường đã triển khai 554 đề tài NCKH các cấp; Nhà trường đã tổ chức 49 hội thảo cấp trường, quốc gia, quốc tế; cán bộ của trường đã công bố 1.886 bài báo trên các tạp chí khoa học, trong đó có hơn 300 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế. Trường Đại học Vinh nhiều năm liền là 1 trong 10 đơn vị có số bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus cao nhất cả nước. Nhà Xuất bản Đại học Vinh đã xuất bản trên 270 cuốn sách, gồm giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo... trở thành một trong những nhà xuất bản có uy tín trong cả nước.
Hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.Trường đã tạo lập được các nhóm nghiên cứu để tổ chức xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu của một số cán bộ trẻ bước đầu đã được hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả, nhiều cán bộ đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Sinh viên Viện Công nghệ Hóa sinh và Môi trường được học lý thuyết kết hợp với thực hành ở phòng thí nghiệm. Ảnh: PV-CTV
Đặc biệt, từ năm 2016, các đề tài khoa học công nghệ trọng điểm cấp trường đã tập trung phục vụ nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá các học phần theo hướng tiếp cận CDIO. Nhà trường cũng đã xây dựng và triển khai đề án nâng cấp Tạp chí khoa học Trường Đại học Vinh theo định hướng đạt chuẩn ACI vào năm 2021; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động, cơ chế tài chính đặc thù; chính sách thu hút các bài viết có chất lượng cao... để nâng cao chất lượng của Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh. Trong giai đoạn này, Tạp chí Khoa học đã xuất bản 42 số với 403 công trình được đăng tải.
Trong năm 2018, Trường Đại học Vinh đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ Trường Đại học Vinh giai đoạn 2018 - 2025 với quan điểm: Phát triển KHCN để nâng cao vị thế và thương hiệu của Trường Đại học Vinh. Chiến lược thể hiện rõ mục tiêu tổng quát: Phát triển đồng bộ 6 lĩnh vực KHCN gồm: khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học y dược nhằm nâng cao vị thế và thương hiệu của Trường Đại học Vinh. Trong đó, chú trọng đầu tư nghiên cứu lĩnh vực khoa học giáo dục nhằm giữ vững và phát huy uy tín, thương hiệu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, ưu tiên đầu tư phát triển một số hướng nghiên cứu mũi nhọn, chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhà trường với nhiệm vụ phát triển KTXH địa bàn các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, Trường Đại học Vinh có một số lĩnh vực nghiên cứu đạt trình độ hiện đại so với khu vực và quốc tế.
Tập huấn cho đội ngũ giảng viên sư phạm. Ảnh: CTV
Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau: đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và điều hành các hoạt động KHCN để thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực KHTN, kỹ thuật và công nghệ; đầu tư xây dựng một số hướng nghiên cứu trong lĩnh vực KNCN và nhân văn nhằm gia tăng số lượng và chất lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus. Bên cạnh đó, đầu tư một số hướng phát triển công nghệ, một số loại hình dịch vụ KHCN phù hợp nhằm tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Trường Đại học Vinh.
TS.Đinh Đức Tài - Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Vinh) cho biết thêm: Để "kích cầu" cho hoạt động NCKH của cán bộ, giảng viên, sinh viên, bên cạnh việc xây dựng chính sách thu hút nguồn kinh phí từ nước ngoài thông qua các dự án, chương trình nghiên cứu, Nhà trường luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai các nhiệm vụ hợp tác NCKH và phát triển công nghệ với các đối tác nước ngoài. Mặt khác, Nhà trường đã sửa đổi, bổ sung Quy định về quản lý hoạt động khoa học và công nghệ với nhiều điểm mới, ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí đối với các sản phẩm khoa học và công nghệ chất lượng cao, ưu tiên các sản phẩm gắn với địa chỉ, thương hiệu Trường Đại học Vinh. Theo đó, mức thưởng đối với các sản phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế lên đến 100 triệu đồng, đối với bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 60 triệu đồng...
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Vinh. Ảnh tư liệu
Tất cả các giải pháp đó nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng các hướng nghiên cứu mũi nhọn mang "màu sắc khoa học riêng" của Trường Đại học Vinh, phấn đấu đến năm 2025 các hướng nghiên cứu này sẽ có những nhà khoa học đầu ngành và có các kết quả nghiên cứu mang tầm khu vực và quốc tế.
Khánh Ly
Theo baonghean
Sau sai phạm đào tạo "chui": Sinh viên ĐH Đông Đô đi về đâu? Hôm nay (28/8), Trường ĐH Đông Đô chính thức lên tiếng xin lỗi các học viên sau bê bối đào tạo văn bằng 2 sai phép và hứa giải quyết hậu quả gây ra. Trong thư gửi đến học viên, PGS.TS Lê Ngọc Tòng, Phó Hiệu trưởng ĐH Đông Đô cho biết: "Trong 25 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học...