Từ điển chính tả sai chính tả: Thu hồi rồi sao nữa?
Từ điển chính tả tiếng Việt sai chính tả không còn lạ nữa. Nửa năm nay có ba cuốn sách bị phát hiện sai sót đến mức phải dừng phát hành, thu hồi, trong đó mới nhất là Từ điển chính tả tiếng Việt do GS.TS. Nguyễn Văn Khang biên soạn.
Từ điển chính tả lại sai chính tả do GS.TS. Nguyễn Văn Khang chủ biên
CHOÁNG VÁNG
Sau Từ điển chính tả tiếng Việt do PGS.TS. Hà Quang Năng chủ biên bị thu hồi, tiêu hủy hồi tháng 6, nay lãnh đạo NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục dừng phát hành để thu hồi cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt do GS.TS. Nguyễn Văn Khang biên soạn. Hiện GS. Khang là Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Phạm Thị Trâm, Giám đốc- Tổng Biên tập NXB nói cho dừng phát hành cuốn từ điển nêu trên để tiến hành các bước tiếp theo như thẩm định, đề xuất phương án xử lý.
Nhà phê bình Hoàng Tuấn Công lại lập công phát hiện sai sót của cuốn sách. Ông tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức phân tích phải quấy. Theo đó, Từ điển chính tả tiếng Việt ( GS.TS Nguyễn Văn Khang – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018, 806 trang, khổ 10.5 x 18cm; đơn vị liên kết: Công ty TNHH Văn hoá Minh Tân – sách Minh Thắng) có nhiều sai sót ở nhiều mặt: sai chính tả do lẫn lộn ch với tr, s với x; d với r; gi với d; l với n; iu với ưu; dấu hỏi (?) với dấu ngã (~); sai về thành ngữ tục ngữ, từ ngữ Hán Việt…Nhiều mục chỉ dẫn chính tả hoàn toàn ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành; chỉ dẫn giữa các mục từ tiền hậu bất nhất; hướng dẫn viết nhiều dạng chính tả không chuẩn và nhiều lỗi văn bản khác.
GS.TS. Nguyễn Văn Khang hướng dẫn viết các thành ngữ tục ngữ thiếu chính xác, chẳng hạn “nghe: nghe gà hoá cuốc”. Ông Hoàng Tuấn Công chỉ ra, chỉ có “ nhìn/trông gà hoá cuốc”, không có “ nghe gà hoá cuốc” (tiếng gà và tiếng cuốc hoàn toàn khác nhau, nên không có cơ sở để ví sự nhầm lẫn). Sai chính tả do phát âm sai và không hiểu nghĩa của từ ngữ, yếu tố Hán Việt: “trí: đắc trí. – không viết: chí“. Ông Hoàng Tuấn Công phản biện: “viết “chí” mới đúng, vì “chí” ở đây là chí nguyện, chí hướng. Hán ngữ đại từ điển: “đắc chí: 1. nói thực hiện được chí hướng và nguyện vọng; 2. chỉ danh lợi, khát vọng được thoả mãn”.
Tác giả Từ điển chính tả tiếng Việt còn mắc lỗi chỉ dẫn tiền hậu bất nhất. Cụ thể, GS. TS. Nguyễn Văn Khang có chỉ dẫn, lưu ý cụ thể cho từng mục từ, nhằm giúp cho người sử dụng tránh được lỗi chính tả ở những dạng viết hay bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, ngoài chỉ dẫn sai, tác giả còn chỉ dẫn theo kiểu tiền hậu bất nhất: mục từ này, chỉ dẫn không viết A, nhưng đến mục khác, lại hướng dẫn viết A. Ví dụ: “chóc: chim chóc, giết chóc – không viết: tróc“. Đến mục “giết” lại hướng dẫn cả hai dạng: giết chóc, giết tróc“.
LỖ HỔNG
“Hàng loạt sai sót lớn trong các loại từ điển tiếng Việt cho thấy trình độ hạn chế, cẩu thả của người biên soạn, sự tắc trách của các nhà xuất bản và đơn vị liên kết xuất bản. Từ điển chính tả mắc hàng trăm lỗi chính tả và lỗi văn bản, mà sách vẫn được cấp phép xuất bản và lưu hành cho thấy hầu như biên tập chỉ là một khâu được đặt ra cho lấy có”, nhà phê bình Hoàng Tuấn Công nêu.
Ông cho rằng, cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS. TS. Nguyễn Văn Khang đã qua tay biên tập của hai nhà xuất bản, lần sau cách lần trước 15 năm mà sai vẫn hoàn sai, đã chứng minh điều đó. Thực tế, nhiều sai sót trong cuốn từ điển này lặp lại gần như nguyên xi ở cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông (Nguyễn Văn Khang-NXB Khoa học Xã hội-2003).
Bị chỉ rõ và phân tích các sai sót trong cuốn sách, tuy thế trong phần trao đổi lại với NXB, GS.TS. Nguyễn Văn Khang vẫn bảo vệ quan điểm cuốn từ điển của ông không có cụm từ “dành cho học sinh” nên một số trường hợp “lưỡng khả, đa khả” được xử lý theo quan điểm của tác giả. TS. Phạm Thị Trâm, Giám đốc NXB Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tác giả đưa ra các cách sử dụng chính tả khác nhau nhưng không lý giải đầy đủ quy luật phát triển của từ vựng, không lý giải chính tả địa phương với chính tả hiện hành và gây ra hiểu sai, dùng sai.
Video đang HOT
Nhận thấy sai sót phải rút kinh nghiệm, TS. Phạm Thị Trâm cho dừng phát hành và thu hồi cuốn từ điển. Sai tới 160 lỗi không thể đính chính, buộc phải thu hồi tiêu hủy. Thu hồi rồi sao nữa? Giám đốc NXB tiếp thu ý kiến và rút kinh nghiệm. Hơn nữa, để tránh sai sót lặp lại, NXB dừng mọi hoạt động liên kết và xuất bản sách từ điển, xem xét lại các sản ph ẩm thực tế.
Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết tiếp nhận thông tin nêu trên. Trường hợp từ điển sai chính tả này tương tự như cuốn trước, cần hội đồng khoa học thẩm định trước khi kết luận, xử lý. Cục giao cho cán bộ đọc cuốn từ điển, kiểm tra và rà soát nội dung. Ông Nguyên cho rằng, từ điển thuộc phạm trù khoa học, còn nhiều quan điểm tranh luận. Vì thế, nếu nhận thấy các cuốn sách không phù hợp, Cục sẽ xử lý và không cho phép phát hành nữa.
Lãnh đạo Cục hứa tiếp tục cảnh báo, nhắc nhở và chấn chỉnh chất lượng xuất bản phẩm, trong đó có sách công cụ, từ điển. Cục dự kiến làm việc với một số đơn vị xuất bản thường xuyên xuất bản sách từ điển để rà soát, rút kinh nghiệm.
Một bản điển hình
Cơ quan thẩm định ở đâu?
“Tôi được biết Nhà nước cũng đã có quy định về việc xuất bản sách từ điển. Ví dụ ngoài biên tập của nhà xuất bản, đơn vị liên kết xuất bản, bản thảo từ điển còn phải qua bước thẩm định độc lập của cơ quan chuyên môn nào đó. Vậy, cơ quan thẩm định đã giấu mặt khi xảy ra sự cố, hay sự thực người ta đã bỏ qua khâu thẩm định độc lập này? Tại sao khi hàng loạt cuốn từ điển sai sót đến mức phải thu hồi tiêu huỷ, nhưng không có bất cứ cơ quan thẩm định nào phải chịu trách nhiệm. Thế nên, việc đặt ra quy định là cần thiết, nhưng nếu người ta không làm theo những quy định ấy cũng không sao, thì việc đặt ra luật cũng như không mà thôi”, nhà phê bình Hoàng Tuấn Công nói.
PGS.TS Phạm Văn Tình: Gặp lỗi chính tả như ăn phải hạt sạn
Từ điển là cẩm nang hướng dẫn người dùng, đòi hỏi phải chuẩn. Từ điển chính tả tiếng Việt là cẩm nang về cách viết thế nào cho đúng.
Cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội) của PGS, TS Hà Quang Năng (chủ biên) và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương, có nhiều sai sót, nhầm lẫn khó chấp nhận, gây xôn xao dư luận. Ngày 12/6, NXB HQG Hà Nội đã ra quyết định thu hồi cuốn sách nêu trên.
Việc xuất bản một cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" mà lại sai chính tả là điều đáng tiếc. Bởi chuẩn chính tả là một vấn đề có tính bắt buộc đối với mọi thành viên trong cộng đồng ngôn ngữ. Đề cập vấn đề này, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với PGS, TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
"Từ điển chính tả tiếng Việt" bị sai chính tả.
PV: Thưa PGS .TS Phạm Văn Tình, không rõ Việt Nam hiện có bao nhiêu cuốn từ điển chính tả tiếng Việt?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Hiện có rất nhiều cuốn từ điển chính tả tiếng Việt. Cũng có nhiều cuốn chất lượng tốt như của GS Hoàng Phê.
PV: Vậy thưa PGS, trong cuộc sống như ông nói, có rất nhiều từ điển để hướng dẫn về mặt chính tả. PGS có thể liệt kê những cuốn từ điển nào thiết thực với cuộc sống, một cách đơn giản nhất hiện nay?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Nếu mà nói từ điển phục vụ cho cộng đồng thì có nhiều. Thứ nhất là phải có những cuốn Từ điển giải thích, tức là Từ điển tường giải. Cuốn đầu tiên là của Huỳnh Tịnh Của, nhan đề là Đại Nam Quốc Âm Tự Vị. Cuốn này xuất bản từ năm 1895-1896, là cuốn Từ điển tiếng Việt đầu tiên của nước ta, được chính quyền Pháp ở Nam Kỳ xuất bản.
Hiện nay có nhiều Từ điển giải thích. Gần nhất là cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Hoàng Phê chủ biên, xuất bản năm 1988 và được tái bản nhiều lần. Đấy là cuốn hướng dẫn người nói về mặt từ ngữ. Và còn nhiều cuốn khác như Từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa, Từ điển vần, rồi Từ điển chính tả.
Từ điển chính tả là cẩm nang về cách viết thế nào cho đúng. Một cuốn hướng dẫn nói, một cuốn hướng dẫn viết, thì Từ điển chính tả là cuốn hướng dẫn người ta viết thế nào cho chuẩn.
Sau này có nhiều cuốn Từ điển chính tả. Đến nay, tôi biết một trong những cuốn từ điển chính tả khá cổ là cuốn của GS Lê Ngọc Trụ. Từ điển chính tả thực tế là một cách cụ thể hoá từ điển giải thích tiếng Việt. Bởi bản thân cuốn Từ điển giải thích cũng đã bao hàm ý nghĩa của Từ điển chính tả. Nhưng Từ điển chính tả đưa ra các khả năng sử dụng và hướng người dùng đến biến thể chuẩn.
Chữ Việt là ghi âm, cho nên rất đơn giản là âm nói thế nào thì viết như thế. Chỉ có điều giữa âm và chữ trong tiếng Việt nó có sự vênh nhau. Vênh nhau vì sao? Bởi vì hệ thống âm vị được sử dụng chữ cái Latin để sáng tạo ra chữ Quốc ngữ nó có một số bất hợp lí. Chẳng hạn như hiện nay 3 con chữ R, GI, và D thể hiện âm vị d. Rắc rối, duyên dáng, hay già dặn, thực ra đều phát âm bằng âm d. Chữ NG thì tại sao đi với I còn E thì lại phải là NGH; nếu đi với A hay Ô, ví dụ như ngô nghê thì ngô phải viết NG nhưng nghê thì viết NGH. Rất nhiều những cái có thể nói là bất hợp lí. Cho nên nếu không thuộc chính tả thì có thể dẫn đến viết sai.
PGS, TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
Liên quan đến từ ngữ thì có Từ điển tiếng Việt giải thích, cách viết thì có Từ điển chính tả. Vì vậy cần có một cuốn Từ điển chính tả bên cạnh, tôi cho rằng là 1 điều cần thiết đối với những người làm công việc viết lách như nhà báo, những người viết sách, người nghiên cứu vẫn cần thiết phải tra để đỡ mất công.
PV: Từ điển chính tả giống như 1 bản mẫu để người dân soi chiếu . Vậy , việc một cuốn T ừ điển về chính tả tiếng Việt lại sai chính tả, thì chắc đó là điều không chấp nhận được?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Từ điển là cẩm nang hướng dẫn người dùng, đòi hỏi phải chuẩn. Từ điển chính tả cũng thế. Nguyên tắc làm từ điển là phải thu thập tất cả các ngữ liệu. Nó là cơ sở để biên soạn một cuốn từ điển. Từ điển chính tả cũng thế. Ngữ liệu trong cuộc sống vô cùng đa dạng. Việc đầu tiên là phải sắp xếp, phân loại các ngữ liệu xem cái nào được coi là chuẩn, cái nào được coi là phổ biến và được chấp nhận. Chứ không phải bất luận cái nào xuất hiện là ta đưa vào từ điển. Những người làm Từ điển chính tả phải xem xét trong những ngữ liệu mang về, xem cái nào được lựa chọn để đưa vào làm chuẩn.
Người làm từ điển việc đầu tiên phải dựa vào các nguyên tắc để giải thích, dựa vào nguyên tắc phân định từ loại để chia ra làm danh từ, hay tính từ, động từ hay trợ động từ hay là thán từ, rồi từ đó mới tìm cách định nghĩa.
Từ điển chính tả thì cũng phải dựa vào những nguyên tắc sau: nguyên tắc âm vị học; Từ nguyên học; Theo thói quen; Cú pháp học và tu từ học. Những nguyên tắc này gần như là căn cứ quan trọng, là kim chỉ nam, là thước đo để người soạn từ điển chính tả phân loại và đưa vào cuốn từ điển của mình, hướng dẫn cho mọi người trong cộng đồng viết thế nào cho đúng.
PV: Như PGS vừa nói, sự biến thế có rất nhiều và dẫn ra cái sai từ cái gốc của vấn đề . N gay cả trên báo chí, phóng viên sử dụng ngôn từ nhiều lúc cũng không có sự đồng nhất trong chính tả tiếng Việt , vậy thưa PGS để thay đổi điều này chắc không thể ngày một, ngày hai?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Chuẩn chính tả vừa mang tính xã hội vừa mang tính lịch sử, liên quan đến nhận thức. Hiện nay trên báo chí sai lệch chính tả nhiều. Tôi nói ví dụ như y với i, nhiều người không ai chịu ai. Quy định này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể và học sinh, giới ngôn ngữ học cũng đã chấp nhận.
Chính tả vừa có tính pháp lý, vừa có tính logic ngôn ngữ học, vừa có tính văn hoá nữa. Vấn đề này có những hiệu ứng dây chuyền nếu không đưa ra 1 chuẩn chính tả cho mọi người. Tất nhiên tôi biết chính tả là câu chuyện thuộc về kĩ năng, nên ta có thể viết sai. Bản thân những người làm ngôn ngữ nhiều khi cũng viết sai. Vì có những từ lần đầu tiên làm quen hoặc rất ít khi viết. Vì thế không còn cách nào khác phải tra từ điển. Lúc đó từ điển trở thành trọng tài, mà trọng tài sai thì làm sao đưa ra kết quả phân đúng sai được.
PV: Vậy k hông chỉ với nhà ngôn ngữ mà với mỗi nhà báo trong làm nghề cũng cần phải có cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt bên cạnh?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Nên có, vì không ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng. Vì ngôn ngữ của dân tộc có quá nhiều tri thức mình phải tiếp nhận. Liên quan đến từ ngữ thì có Từ điển tiếng Việt giải thích, cách viết thì có Từ điển chính tả. Vì vậy cần có một cuốn Từ điển chính tả bên cạnh, tôi cho rằng là 1 điều cần thiết đối với những người làm công việc viết lách như nhà báo, những người viết sách, người nghiên cứu vẫn cần thiết phải tra để đỡ mất công. Và hơn hết là có một ngữ liệu để kiểm chứng độ đúng sai của mình. Vì mục tiêu của người viết báo là viết chuyện này chuyện kia, viết những nội dung hay suy nghĩ tình cảm trong truyện hay hồi kí...Để không mất quá nhiều thời gian băn khoăn về mặt chính tả phải có cuốn Từ điển chính tả trong tay. Tất nhiên không phải lúc nào cũng tra, chỉ khi mình nghi ngờ, không tự tin về cách viết đó, thì mới hỏi tới "trọng tài" từ điển. Và thường khi chúng ta vấp 1 lần, 2 lần thì chắc lần thứ 3 ít vấp hơn. Đó là 1 trong những yếu tố hình thành kĩ năng như mọi kĩ năng khác trong cuộc sống.
PV: Theo PGS nhận định, T ừ điển chính tả có rất nhiều nhưng sai sót cũng không ít. Vậy thì những người làm biên soạn và xuất bản liệu có quá dễ dãi với chính mình và công trình của mình?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Đa số Từ điển chính tả của chúng ta là tốt. Cuốn của bên ngôn ngữ học hay cuốn của GS Hoàng Phê làm và những cuốn gần đây. Hơi tiếc là có những cuốn còn nhiều sơ suất, điển hình nhất là cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của NXB ĐHQG Hà Nội xuất bản cách đây 3 năm.
Cả cuốn từ điển mấy ngàn từ sai một vài từ thì cũng gây ra hiệu ứng không tốt trong xã hội. Đây là những đồng nghiệp tôi biết, họ là những người có trình độ, nhưng để xảy ra sai sót thì có mấy lý do, một là chủ biên đã uỷ nhiệm cho những cán bộ dưới để sai sót không kiểm soát hết. Thứ 2 là NXB cũng không cẩn thận trong khâu biên tập. Vì nếu khâu biên tập mà phát hiện ra rồi cảnh báo thì sẽ giúp tác giả sửa chữa 1 cách tốt hơn, tỉnh táo hơn trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến chính tả tiếng Việt. Tôi hy vọng, sau những sự kiện như thế cũng là một lời nhắc nhở, giúp chúng ta phải cẩn trọng trong việc xử lý tư liệu và đưa các tư liệu đó vào trong từ điển thế nào cho hợp lý chuẩn xác và giúp cho cộng đồng có những định hướng tốt trong việc sử dụng chính tả.
PV: Vâng, xin cảm ơn PGS.TS Phạm Văn Tình./.
Từ điển chính tả viết sai chính tả: 'Do chưa có quy định hay cẩu thả?' Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, một người cẩn thận, nghiêm túc khi viết phải tuân theo các chuẩn chính tả hiện hành chứ không phải viết theo cách mà mình cho là đúng. Ảnh minh họa Những ngày qua, dư luận xôn xao trước những thông tin cuốn sách "Từ điển chính tả tiếng Việt" do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên và...