Từ cô bé bán cơm thành giáo viên tiêu biểu
Nhà nghèo, để nuôi ước mơ con chữ, khi mới học lớp 3, cô bé dân tộc Lô Lô Lò Thị Dinh (Mèo Vạc, Hà Giang) đã phải tranh thủ đem cơm nắm ra chợ phiên bán.
Mỗi phiên, em lãi được 2.000 đồng. Bán cơm suốt cho đến năm lên cấp ba, Dinh chuyển sang bán rượu.
Thi đỗ vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang, để có tiền ăn học, mỗi sáng, từ 4 giờ 30 phút, khi các bạn còn đang say giấc ngủ, Dinh đã phải dậy để làm việc quét dọn ký túc xá.
“Mỗi tháng em được trả công 200.000 đồng, cộng với việc đi gia sư, em cũng vượt qua những ngày tháng khó khăn ấy,” Dinh vừa nói, vừa như chực khóc.
Nỗ lực hết mình
Trong Lễ kỷ niệm 70 năm nền giáo dục Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ 6, cô giáo Lò Thị Dinh, giáo viên Trường Mầm non Hoa Lan, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, được chọn là một trong số các gương mặt tiêu biểu của ngành giáo dục lên báo cáo tham luận.
Cô giáo trẻ dân tộc Lô Lô với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt xinh xắn và giọng nói truyền cảm đã ngay lập tức gây ấn tượng với các đại biểu tham dự.
Nhưng trò chuyện với Dinh bên lề đại hội, chúng tôi còn ấn tượng hơn nữa với nghị lực lớn lao từ cô gái nhỏ bé và tưởng chừng yếu ớt ấy.
Cô giáo Lò Thị Dinh trả lời phỏng vấn báo chí bên lề đại hội.
Sinh ra và lớn lên ở Mèo Vạc, một trong những huyện nghèo nhất của cả nước, nhưng Lò Thị Dinh luôn tự hào “đây là mảnh đất được mệnh danh là đệ nhất hùng quan nơi cực Bắc Tổ quốc, với đỉnh Mã Phì Lèng và con sông Nho Quế trong quần thể Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn”.
Nhà Dinh có 6 anh chị em nên kinh tế rất khó khăn. Dinh là con thứ ba. Hai chị lớn nghỉ học sớm, nhưng Dinh vẫn khao khát được đến trường. Để có tiền đi học, Dinh bắt đầu “sự nghiệp kinh doanh” khi mới học lớp 3.
“Mỗi phiên chỉ được 2.000 đồng, nhưng số tiền ít ỏi đó, dành dụm cũng phụ giúp được bố mẹ tiền mua giấy, bút”, Dinh chia sẻ.
Dinh bảo, khó khăn nhất là những ngày học trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang. Mỗi tháng, dù đã rất cố gắng, bố mẹ cũng chỉ có thể gửi cho Dinh 50.000 đồng.
Video đang HOT
“Nhận số tiền ít ỏi đó và nhìn sang chúng bạn, tôi thấy rất tủi thân, thấy thương mình, thương cả bố mẹ mình, và càng thấy mình phải mạnh mẽ hơn để vượt qua hoàn cảnh,” Dinh vừa nói vừa gạt những giọt nước mắt như chực trào ra khi những ký ức cũ ùa về.
Dinh bảo, để có tiền trang trải, ngay từ năm thứ nhất, cô đã tìm việc làm thêm. Việc đầu tiên là quét dọn ký túc xá. Mỗi sáng, từ 4 giờ 30, khi cả ký túc vẫn im lìm trong bóng tối, mọi người đang say giấc thì Dinh lại âm thầm đưa từng mái chổi. Năm thứ hai, Dinh đi làm gia sư để có thu nhập tốt hơn.
Không ngừng sáng tạo
Chỉ mới 6 năm đứng trên bục giảng, nhưng Dinh đã có 4 năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, một năm là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Chia sẻ về bí quyết của mình, Dinh chỉ cười bảo: “Từ nhỏ, em đã mơ ước trở thành giáo viên, ca sỹ và thầy thuốc. Nghề giáo viên mầm non chính là cơ hội tốt nhất cho em thực hiện tất cả các ước mơ đó cùng một lúc”.
Nói về những học trò của mình, ánh mắt cô giáo trẻ như thêm lấp lánh. Dinh kể về những cử chỉ hồn nhiên, những lời nói ngây thơ, những tình cảm ấm áp.
Rồi bất ngờ chùng giọng, Dinh bảo: “Vào mùa Đông, nhìn học trò mà rớt nước mắt. Nhiều em chịu rét mà không có quần áo mặc. Tôi cũng đã trải qua những ngày tháng đó, nhìn các em lại thấy chính mình, nên càng thương, càng xót xa hơn”.
Để bù đắp những thiệt thòi cho học trò, cô giáo trẻ Lò Thị Dinh đã không ngừng nỗ lực, học hỏi để có thể chăm sóc tốt nhất cho các em.
Dinh tận dụng mọi vật dụng, từ chai lọ, vỏ hộp… để làm đồ chơi cho học sinh. Để các em hứng thú tới trường, Dinh tổ chức các buổi văn nghệ, chia bánh kẹo cho các em.
Những ngày nghỉ hè, thương học sinh không được đi du lịch cùng gia đình như học sinh thành phố, Dinh cùng đồng nghiệp xây dựng các lớp bồi dưỡng năng khiếu Hè tình nguyện.
Là giáo viên vùng cao nhưng Dinh luôn chăm chỉ lên mạng internet, tìm các tài liệu, hình ảnh, video để làm cho bài giảng của mình thêm sinh động hơn, hấp dẫn hơn.
“Ứng dụng công nghệ thông tin làm không khí lớp học sôi động hẳn, nhưng có điều cả trường chỉ có một chiếc máy chiếu, nên giáo viên phải chia nhau, học sinh cũng chịu thiệt thòi,” cô giáo Dinh bộc bạch.
Với Lò Thị Dinh, giáo dục mầm non là giai đoạn khởi điểm của việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ tựa như một chồi non mới nhú, còn rất non nớt, nhạy cảm với tác động của môi trường xung quanh.
“Người giáo viên vì thế không chỉ là cô giáo, còn phải là người mẹ thực sự từ trong tim mình để cho các em niềm vui, khơi gợi sự say mê học tập từ những việc nhỏ nhất,” cô giáo Lò Thị Dinh chia sẻ.
Theo Phạm Mai/Vietnamplus
Thủ khoa kép ĐH Sư phạm Hà Nội: Xinh đẹp và học "tài tử"
Hà Thanh Thủy vừa là Thủ khoa đầu vào, vừa là Thủ khoa đầu ra của trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thủ khoa kép ĐH Sư phạm Hà Nội
Thủ khoa kép của ĐH Sư phạm: Hà Thanh Thủy
Theo nhận xét của mọi người, Thủy là một cô gái có cá tính mạnh mẽ, yêu thích sự mạo hiểm. Trong cuộc sống và học tập, cô bạn là một người quyết đoán nhưng đôi khi hơi nóng tính một chút, theo như Thủy miêu tả.
Là một người yêu thích văn chương từ bé, thích được khám phá những miền đất lạ, sống tình cảm và mau nước mắt, Thủy đã chọn con đường trở thành giáo viên dạy Văn.
Gia đình Thủy sống ở Hòa Bình. Mẹ bạn là giáo viên mầm non, người đã truyền cảm hứng nghề giáo cho Thủy.
Thanh Thủy học giỏi từ bé. Trong 3 môn khối C, Thủy học tốt và yêu thích nhất môn Văn. Trước đây, Thủy học lớp chuyên Văn trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - Hòa Bình. Niềm đam mê văn chương của Thủy xuất phát từ sở thích đọc truyện cổ tích, thích làm thơ.
Năm 2011, Thanh Thủy thi đại học khối C đạt 28,5 điểm (môn Văn, Sử, Địa lần lượt là 8; 8,5 và 8,5 cùng với điểm cộng). Đạt điểm số cao đáng ngưỡng mộ ở khối C, trở thành Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng đến tận bây giờ cô bạn vẫn còn chút nuối tiếc về điểm môn Văn bởi một lỗi sai do sự chủ quan của cô.
Dẫu vậy, nhờ sai lầm đó mà nữ sinh này đã rút được kinh nghiệm quý báu trong thi cử, để đạt điểm số cao suốt 4 năm đại học. Mới đây, Hà Thanh Thủy đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội với tổng điểm học tập toàn khóa là 3,77 - điểm số giúp cô bạn trở thành Thủ khoa đầu ra của trường.
Học "tài tử" thành Thủ khoa
Một nữ sinh khối C có điểm số cao hơn cả những bạn học khối tự nhiên như A, B quả là chuyện hiếm. Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Thủy khiêm tốn cho biết: "Em chỉ cố gắng học bằng tất cả khả năng của mình. Kết quả em đạt được hôm nay là sự phấn đấu của em và sự động viên không nhỏ từ gia đình".
Thành tích cao là vậy nhưng Thủy lại "có tiếng" là học kiểu "tài tử" từ khi còn học phổ thông.
Thanh Thủy nhận bằng khen Thủ khoa xuất sắc
"Phương pháp học của em không phải là dành quá nhiều thời gian cho việc học, không chỉ học kiến thức sách vở mà em còn dành thời gian cho các hoạt động xã hội và đi du lịch đây đó để mở mang kiến thức đời sống. Trước các kì thi, em luôn làm đề cương chi tiết cho từng môn.
Thông qua việc hiểu kiến thức, em vạch ra những ý chính, nắm được kiến thức rồi, việc học thuộc sẽ là rất đơn giản. Có một bí quyết khi đi thi các môn xã hội mà em muốn chia sẻ, đó là chúng ta cần có một chữ viết dễ nhìn, trình bày luận điểm lên đầu đoạn, viết sạch sẽ, logic. Điều ấy sẽ là một điểm cộng rất lớn với bài thi của chúng ta", Thu Thủy tiết lộ.
Suốt 4 năm đại học, song song với học tập, Thủy còn làm lớp trưởng và tham gia vào Ban chấp hành Liên chi Đoàn khoa Ngữ Văn. Điều đó giúp cho cô bạn trưởng thành hơn về kĩ năng sống, phân bổ thời gian và tự tin hơn nhiều.
Theo Thủy, một giáo viên dạy Văn trước hết cần có kiến thức chuyên môn tốt, kĩ năng sống tốt và lòng yêu nghề. Hơn nữa, cần phải có niềm say mê văn học, có khả năng "truyền lửa" cho học sinh để thổi bùng trong các em niềm yêu thích văn chương.
Trăn trở với nghề
Trong những năm qua, cô giáo tương lai luôn theo dõi những đổi mới, cải cách của ngành giáo dục. Chuẩn bị bước vào nghề, cô quan tâm nhất đến tính chủ động, tích cực của học sinh.
"Theo phương pháp dạy học truyền thống, giáo viên là người "biết tuốt", thuyết trình trên bục giảng như một "cuốn bách khoa toàn thư", học sinh thụ động tiếp nhận. Tuy nhiên, theo quan điểm đổi mới hiện nay, vai trò của giáo viên không phải là người thuyết trình nữa mà trở thành "trung gian" giữa học sinh và kiến thức, là "cầu nối" khơi gợi, gợi mở để các em chủ động tìm hiểu, nắm bắt kiến thức. Em nghĩ nếu thật sự làm được điều đó, kiến thức đến với học sinh sẽ theo kênh trực tiếp, hiệu quả hơn, sâu sắc hơn", Thủ khoa ĐH Sư phạm bày tỏ quan điểm.
Với đề án giáo dục mới của Bộ GD&ĐT, một giáo viên sẽ giảng dạy nhiều môn học (trong cùng khối), Thanh Thủy có đôi chút lo lắng vì 4 năm rồi cô bạn cũng không học nhiều về Sử, Địa. Theo cô bạn, để tự tin giảng dạy có lẽ cần phải đào tạo thêm để tái hiện và bổ sung kiến thức. "Em nghĩ thế hệ giáo viên trẻ chúng em có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu dạy học mới này", Thủy tự tin.
Một vấn đề mà cô giáo viên tương lai còn trăn trở là chương trình học Ngữ Văn hiện nay vẫn con tương đối nặng, học sinh phải học nhiều môn cùng lúc, đó là một áp lực lớn.
"Theo ý kiến chủ quan của em, em mong rằng chương trình học sẽ nhẹ hơn, thay bằng quá nhiều kiến thức lí thuyết, những kiến thức đời sống sẽ được tích hợp nhiều hơn trong giảng dạy.
Mai Châm
(Ảnh NVCC)
Theo Dantri
Số phận giông tố của cô sinh viên xinh xắn trường sư phạm Đang học năm 2 khoa Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, căn bệnh ung thư máu bất ngờ kéo đến quật ngã Nguyễn Hà Bạch Phượng. Ước mơ của em hiện nay chỉ là chóng khỏe để đến trường, hoàn thành khóa học để một ngày được làm cô giáo. Bi kịch gia đ ình của cô bé sinh viên...