Từ “chuyện bịa đặt” của nữ tướng OceanBank đến 7 sếp lớn dầu khí bị khởi tố, bắt giam
Gần 1 năm, sau lời khai chấn động tại tòa của bị cáo Nguyễn Thị Minh Thu, nguyên tổng giám đốc OceanBank, về vệc chi hàng chục tỷ đồng tiền lãi ngoài cho các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp ngành dầu khí và bị cho là “chuyện bịa đặt”. Đến nay, đã có ít nhất 7 sếp lớn các đơn vị ngành dầu khí bị khởi tố, bắt giam.
Tại phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) vào tháng 9.2017, bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên tổng giám đốc Oceanbank) khai đã chi hàng chục tỷ đồng tiền lãi ngoài trái quy định để “chăm sóc” cho 4 lãnh đạo công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Từ “chuyện bịa đặt”…
Ngay lập tức, 4 người này bị triệu tập gồm: ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Đinh Văn Ngọc, nguyên Tổng Giám đốc; ông Vũ Mạnh Tùng, Phó tổng giám đốc và ông Phạm Xuân Quang, kế toán trưởng.
Trả lời thẩm vấn, những người này đều đồng loạt phủ nhận. Kế toán trưởng Phạm Xuân Quang khai, lọc hóa dầu Bình Sơn không nhận lãi ngoài hợp đồng. “Tôi chắc chắn điều đó. Lời khai của Nguyễn Minh Thu là lời khai một phía”.
Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang cũng khẳng định không nhận khoản tiền nào. Ông nói có gặp Thu vài lần tại hội nghị, dịp thành lập công ty. “Tôi cũng một vài lần gặp Nguyễn Xuân Sơn, lâu quá rồi tôi không nhớ”.
Ông Từ Thành Nghĩa (trái) và Võ Quang Huy (Ảnh: Vietnamnet)
Phó TGĐ BSR Vũ Mạnh Tùng cũng khẳng định lời khai của Nguyễn Minh Thu đưa ông 200-300 triệu/lần “là lời khai một chiều”.
Cùng phủ nhận lời Thu, ông Đinh Văn Ngọc cho hay, lời khai của Thu là không chính xác vì cuối năm 2012 ông mới làm tổng giám đốc.
Đối chất, bị cáo Thu xác nhận bị cáo gửi 4 lãnh đạo là Chủ tịch, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng ít nhất 200 triệu, cao nhất 1 tỷ đồng/lần.
Khẳng định lời Thu là bịa đặt, cựu Tổng giám đốc lọc dầu Dung Quất Đinh Văn Ngọc đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự tội vu khống.
Tuy nhiên, đến tháng 5.2018, đã có 3/4 người bị tòa triệu tập hôm đó đã bị khởi tố và bắt giam là các ông Nguyễn Hoài Giang, Vũ Mạnh Tùng và Phạm Xuân Quang về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Những người này đều là sếp lớn ở Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn.
Video đang HOT
Ngày 21.6, một thành viên khác vốn là Tổng giám đốc lọc hóa dầu Bình Sơn bị khởi tố nốt. Đó là ông Đinh Văn Ngọc.
Như vậy, đến thời điểm này, cả 4 người bị tòa triệu tập khi ấy đều đã bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355, Bộ luật Hình sự.
Sếp Vietsovpetro và lời cam kết “tuân thủ pháp luật”
Cùng bị khởi tố vào ngày 21.6 còn có một loạt cựu lãnh đạo của Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro – VSP). Đó là các ông Từ Thành Nghĩa, nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh VSP; Võ Quang Huy, nguyên Chánh Kế toán VSP.
Trước đó, vào ngày 16.5, cả hai ông Từ Thành Nghĩa và Võ Quang Huy cũng đã có đơn gửi lãnh đạo PVN xin từ chức. Ông Từ Thành Nghĩa xin chuyển công tác sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm làm tổng giám đốc Vietsovpetro (ngày 30.6.2018 hết nhiệm kỳ).
2 ngày sau, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có quyết định cho ông Từ Thành Nghĩa thôi giữ chức tổng giám đốc Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, đồng ý để ông Từ Thành Nghĩa chuyển đến nhận nhiệm vụ ở văn phòng đại diện PVN phía Nam, do tổng giám đốc tập đoàn phân công với hàm trưởng ban.
Ông Nguyễn Hoài Giang
Trong đơn từ chức, ông Nghĩa viết: “Trong 5 năm qua, tôi đã dành hết tâm lực, trí tuệ và trách nhiệm để thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao trong bối cảnh có những khó khăn, thách thức rất lớn đối với Tập đoàn Dầu khí và Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro”.
Ông Nghĩa cũng cho hay cá nhân và Ban thường vụ Đảng ủy và Ban Tổng giám đốc tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước, tổ chức thành công nhiều giải pháp mạnh, quyết liệt, đặc biệt trong quản trị tài chính, tiết giảm, tối ưu hóa chi phí…
Ông Từ Thành Nghĩa cũng lý giải việc thôi chức là do qua một nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ Tổng giám đốc, ở vị trí người đứng dầu doanh nghiệp lớn thường xuyên có áp lực cao, nên đã có một số vấn đề về sức khỏe đang phải điều trị.
Cũng như các sếp của Lọc dầu Dung Quất, tại phiên tòa xét xử đại án Oceanbank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc OceanBank) cho biết đã nhiều lần gặp đưa quà và tiền cho kế toán trưởng của Vietsovpetro là ông Võ Quang Huy và ông Nguyễn Hữu Tuyến, nguyên tổng giám đốc Vietsovpetro.
Nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Minh Thu cũng khẳng định: “Bị cáo đưa tiền theo theo thỏa thuận của kế toán trưởng Vietsovpetro. Theo thỏa thuận thì phải đưa cho kế toán Vietsovpetro 70%, giám đốc Vietsovpetro 30%”.
Nhưng tại tòa, ông Võ Quang Huy cho biết thời điểm cao nhất, VietsovPetro gửi khoảng 100 triệu USD ở OceanBank, tuy nhiên ông không nhận tiền chi ngoài lãi suất trái quy định. “Các anh các chị khai nhưng tôi không nhận được khoản tiền như thế”, ông Huy nói ở tòa.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến và ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro cũng khẳng định đơn vị này không nhận bất cứ khoản lãi ngoài nào của OceanBank.
Những diễn biến sau đó đã dần hé lộ sự thật về việc các lãnh đạo của nhiều DN lớn ngành dầu khí có nhận tiền lãi ngoài hay không. Tính đến nay, sau lời khai chấn động tại tòa bị cho là “chuyện bịa đặt”, thì đã có ít nhất 7 sếp lớn các đơn vị ngành dầu khí bị khởi tố, bắt giam.
Theo Hà Duy (Vietnamnet)
Phúc thẩm đại án Oceanbank: Bác kháng cáo, đề nghị y án chung thân Hà Văn Thắm
Đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên nhận định như cáo trạng và bản án sơ thẩm, khẳng định bản án sơ thẩm tuyên với các bị cáo là có căn cứ, không oan sai. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, áp dụng mức án chung thân đối với cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm.
Sáng 26/4, phiên toà phúc thẩm xét xử cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm cùng đồng phạm kết thúc phần xét hỏi, bước vào phần tranh luận. Mở đầu, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội công bố bản luận tội.
Đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội công bố bản luận tội các bị cáo.
Theo đó, căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm có đủ căn cứ xác định, trong quá trình hoạt động, từ chủ trương chi tiền ngoài lãi suất tiền gửi để chăm sóc khách hàng, Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đã có nhiều vi phạm pháp luật. Oceanbank đã chi vượt trần lãi suất, gây khoản nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, làm âm vốn chủ sở hữu. Đến nay, thiệt hại này không có khả năng thu hồi.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà phúc thẩm giữ nguyên nhận định như cáo trạng và bản án sơ thẩm, khẳng định có đủ căn cứ xác định Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng Giám đốc Oceanbank) đã chiếm đoạt 69 tỷ đồng thông qua việc yêu cầu, bàn bạc với Hà Văn Thắm ra chủ trương chi lãi ngoài chăm sóc khách hàng.
Trong tổng số 246 tỷ đồng tiền "chăm sóc khách hàng", theo đại diện VKS, Nguyễn Xuân Sơn đã lạm dụng chức vụ chiếm đoạt 197 tỷ đồng và tham ô 49 tỷ đồng. Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Sơn chiếm đoạt số tiền trên. Do đó, tòa sơ thẩm kết luận Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn phạm tội "Tham ô tài sản" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" là có cơ sở.
Đối với hai cựu Phó TGĐ OceanBank Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Văn Hoàn, toà sơ thẩm quy kết phạm tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" để chiếm đoạt 69 tỷ đồng của Công ty BSC là có cơ sở.
Các bị cáo nghe VKS luận tội sáng 26/4.
Đối với các bị cáo nguyên là Giám đốc các khối, ban tại Hội sở, Giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch, đại diện VKS đánh giá, hậu quả các bị cáo gây ra đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, các bị cáo đều là những người làm công ăn lương, thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của cấp trên. Một số người nhân thân tốt, có nhiều thành tích trong công tác. Từ đó, VKS cho rằng có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của một số bị cáo, nhưng không chấp nhận kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự hoặc chuyển hình phạt.
Đại diện VKS nhấn mạnh, bản án sơ thẩm do TAND Hà Nội tuyên với các bị cáo là có căn cứ, không oan sai, mức hình phạt có sự phân hóa hợp lý nên bác toàn bộ kháng cáo của 20 bị cáo trong đó có các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu, Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Hoàn, Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh cùng một số lãnh đạo chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank trên cả nước.
VKS chấp nhận một phần kháng cáo của 6 bị cáo Vũ Thùy Dương, Đỗ Đại Khôi Trang, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Hoài Nam, Trần Anh Thiết, Nguyễn Phan Trung Kiên.
Đại diện VKS khẳng định, tòa cấp sơ thẩm áp dụng các quy định của pháp luật xét xử các bị cáo, trong đó có Hà Văn Thắm về 4 tội: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và "Tham ô tài sản" là không oan, không sai.
Tòa cấp sơ thẩm đã áp dụng các loại hình phạt tử hình, chung thân, tù có thời hạn, án treo, cải tạo không giam giữ, không áp dụng hình phạt miễn trách nhiệm hình sự là hoàn toàn có căn cứ.
Từ đó, đại diện VKS khẳng định không thay đổi hình phạt đối với các bị cáo, đồng thời cho rằng, đến thời điểm này, VKS thấy không có tình tiết mới, nếu có tình tiết mới VKS sẽ có quan điểm.
Về dân sự, VKS không đề nghị bổ sung gì, quyết định của án dân sự về bồi thường dân sự, kê biên, quyết định của toà sơ thẩm là phù hợp.
Theo bản án sơ thẩm, cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm bị tuyên phạt tù chung thân, Nguyễn Xuân Sơn tử hình, Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Văn Hoàn cùng án 22 năm tù.
Phiên toà phúc thẩm tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư bào chữa và các bị cáo.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
4 cáo buộc gây tranh cãi tại đại án OceanBank Trong hơn 20 ngày xét hỏi, tranh luận nảy lửa, nhiều cáo buộc trong đại án OceanBank vẫn chưa khiến các bị cáo "tâm phục khẩu phục". Ocean Bank có thiệt hại 1.500 tỷ đồng? Trong 51 bị cáo bị đưa ra xét xử ở đại án OceanBank suốt hơn 20 ngày qua có tới 45 người là cựu lãnh đạo, giám đốc...