Tự chủ tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Lo ngại chất lượng đầu vào
Theo Bộ GDĐT, đến thời điểm này đã có 62 trường được chấp nhận đề án tuyển sinh riêng. Các đề án tuyển sinh riêng này khá đa dạng, thí sinh cần rất thận trọng khi xem xét và tìm hiểu.
Nhiều thay đổi trong phương thức tuyển sinh dành cho thí sinh thi ĐH năm nay
Điều chỉnh môn thi năng khiếu
Theo nội dung các đề án, không phải trường nào cũng tuyển sinh riêng toàn bộ mà có trường chỉ tuyển sinh riêng một số ngành hoặc có thêm các phần sơ tuyển, đánh giá.
Video đang HOT
ĐH Quốc gia Hà Nội thi “3 chung” ở tất cả các ngành nhưng một số ngành có thêm phần đánh giá năng lực.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội yêu cầu thí sinh phải đăng ký sơ tuyển với điều kiện thí sinh có tổng điểm trung bình 3 môn thuộc khối thi ở các học kỳ THPT đạt điểm chuẩn sơ tuyển (19,5 điểm cho khối A, A1 và 18 điểm cho khối D1).
Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội mặc dù vẫn áp dụng thi “3 chung” nhưng cũng có vòng sơ tuyển, đồng thời sau tuyển chung còn tiến hành phỏng vấn để xét tuyển.
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã quyết định thay đổi môn thi cho các ngành thi tuyển khối V và H trước đây để hình thành khối thi V1 và H1.
Ở khối V1, môn vật lý được thay bằng môn ngữ văn; khối H1 gồm các môn toán, vẽ trang trí màu và ngữ văn. Tương tự, ĐH Đà Nẵng đặt ra khối thi V2 cho ngành kiến trúc với môn ngữ văn thay cho môn vật lý. Bên cạnh đó, trường còn xét tuyển điểm trung bình môn văn 5 học kỳ của thí sinh đạt từ 5,5 điểm trở lên.
Riêng với 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật như Nhạc viện TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai… thí sinh sẽ không được dùng kết quả để tham gia xét tuyển ở kỳ thi chung của Bộ GDĐT nếu không trúng tuyển.
Phương thức tuyển sinh, xét tuyển ở các trường ngoài công lập được đánh giá là đa dạng nhất. Phần lớn các trường này vẫn muốn có thêm nguồn tuyển từ kỳ thi “3 chung”, song vẫn có một số trường xét tuyển với các tiêu chí độc lập với “3 chung”.
Trường ĐH Công nghệ Đông Á cho biết xét tuyển dựa trên kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp THPT, sẽ có một công thức tính điểm để làm cơ sở xét tuyển. Đặc biệt, trường sẽ tổ chức tuyển sinh riêng 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ GD-ĐT quy định (dự kiến vào tháng 2 và tháng 7).
Trường ĐH dân lập Hải Phòng, ngoài nguồn thí sinh từ “3 chung” còn xét tuyển theo cặp môn thi.
Ví dụ, ngành CNTT xét tuyển môn toán – ngoại ngữ hoặc toán – vật lý; ngành Việt Nam học xét tuyển cặp môn văn – ngoại ngữ, văn – sử hoặc văn – địa… Điểm xét tuyển bằng trung bình cộng của điểm thi và điểm trung bình học tập của cặp môn này.
Chất lượng đầu vào sẽ thấp?
Cùng với đề án tuyển sinh riêng, nhiều trường đề nghị Bộ cho phép các trường tự xác định mức điểm sàn riêng của mình.
GS Trần Hữu Nghị – Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết: “Việc Bộ khống chế điểm sàn đã dẫn đến các trường không được tự chủ hoàn toàn. Bên cạnh đó, chính vì có điểm sàn chung nhất và tối thiểu nên nhiều trường tốp cao lại rơi xuống tốp dưới, đảo lộn tất cả. Khi không có điểm sàn, những trường tốp đầu, tốp giữa, lấy đầu vào khác nhau như vậy hợp lý. Bộ nên để cho các trường tự quyết điểm đầu vào của trường mình, nghĩa là để điểm sàn về trường cho các trường tự quyết. Mỗi trường sẽ có mức điểm tuyển khác nhau tùy theo ngôi thứ của mình. Các trường đã tự chủ về mặt tuyển sinh thì các trường phải cam kết với xã hội về cách tuyển của mình để đảm bảo đầu ra có chất lượng”.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập, nếu các trường xét tuyển chỉ dựa vào kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chất lượng đầu vào sẽ không ổn.
Vì dù sử dụng 1 trong 2 tiêu chí đó hoặc cả 2 thì ngưỡng vào ĐH chỉ là đạt 6,0 điểm tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập ở phổ thông cũng chỉ cần 6,0 điểm. Nếu điểm tốt nghiệp của thí sinh như mọi năm thì có đến 90% thí sinh đủ điểm vào ĐH. Trong khi đó, với những trường vẫn thi “3 chung” thì vẫn phải chịu mức điểm sàn cần có, như vậy sẽ có sự không công bằng trong tuyển sinh.
Theo Laodong