Tự chủ đại học đương nhiên sẽ xóa vai trò của bộ chủ quản
Theo ông Hoàng Văn Cường: “Việc xóa bộ chủ quản không phải là một quyết định hành chính mà đây là quá trình tất yêu của việc thực hiện tự chủ đại học”.
Ngày 25/10, bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội (Phó Giáo sư, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) xung quanh đề xuất xóa bỏ bộ chủ quản, xóa biên chế đối với các trường Đại học.
Theo ông Hoàng Văn Cường, việc xóa cơ quan chủ quản, bộ chủ quản đối với các trường đại học không phải là một quyết định hành chính mà đây là quá trình tất yêu của việc thực hiện tự chủ đại học.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (ảnh Trinh Phúc).
Giải thích về nhận định trên, đại biểu Quốc hội của đoàn Hà Nội cho biết: “Khi quyền tự quyết đã chuyển cho các trường rồi khi đó quyền của bộ quản lý chủ quản không còn nữa.
Mà khi quyền của bộ quản lý chủ quản không còn nữa thì tự nó sẽ mất đi chứ không phải chúng ta ra quyết định hành chính đơn thuần.
Vì vậy, việc để hay là xóa bộ chủ quản phụ thuộc vào việc thực hiện tự chủ đại học được đến đâu.
Nếu như các trường đại học được giao các quyền tự chủ đầy đủ, toàn điện chắc chắn vai trò của bộ chủ quản sẽ không còn nữa.
Do đó, việc có xóa hay không xóa bộ chủ quản không có khác gì nhau vì thực chất quyền đó không còn tồn tại”.
Vấn đề đặt ra sau khi quyền của các bộ chủ quản tự mất đi trong quá trình tự chủ hóa các trường đại học thì cơ quan nào sẽ giám sát hoạt động của các trường.
Trước những thắc mắc trên, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng: “Việc không tồn tại bộ chủ quản nữa, khi đó quản lý nhà nước chỉ có quyền duy nhất là kiểm tra, kiểm soát những tuyên bố của các trường.
Việc kiểm tra, kiểm soát phải do một cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát về mặt chuyên môn và tuyên bố chứ không phải là quản lý”.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giải thích thêm: “Chúng ta đừng quan niệm người chủ của các trường đại học công phải là bộ chủ quản.
Mặc dù, các trường đại học được giao quyền tự chủ nhưng mọi hoạt động phải tuân theo quy định pháp luật và tuân thủ theo các tuyên bố về mặt tự chủ của các trường đại học đó.
Các cơ quan quản lý pháp luật của nhà nước người ta sẽ theo dõi hoạt động của nhà trường có tôn trọng pháp luật hay không.
Nếu không tuân thủ pháp luật, nhà trường vi phạm thì sẽ bị xử lý theo các pháp luật liên quan.
Video đang HOT
Trường đại học không tuân thủ những tuyên bố về mặt chất lượng sẽ bị xử lý theo các khoản mà nhà trường tuyên bố, cam kết.
Như vậy, trường đại học muốn tồn tại phải tuân thủ luật pháp, tuân thủ các tuyên bố đề ra. Nếu không tuân thủ thì chắc chắn trường ấy sẽ không tồn tại”.
Bàn sâu thêm về vấn đề tự chủ của các trường đại học công lập hiện nay, đại biểu Hoàng Văn Cường giải thích thêm: “Một trường đại học muốn khách quan tồn tại không phải có bộ chủ quản hay không có bộ chủ quản mà trường đại học đó hoạt động và quản trị như thế nào?
Về phía nhà nước phải kiểm soát được quá trình quản trị của từng nhà trường chứ không phải có bộ hay không có bộ thì trường đại học công lập mới tồn tại.
Ngay cả các trường đại học tư thục nó thuộc về ai, sở hữu nó thuộc về ai cũng khác biệt so với doanh nghiệp tư nhân.
Xét về mặt phát lý đại học tư thục thuộc sở hữu của người sáng lập ra các trường đó. Nó là trường của tư nhân.
Nhưng về mặt phát triển xã hội thì bản thân các trường đại học tư thục không còn của riêng người sáng lập ra mà trở thành tài sản chung của xã hội.
Trường đại học trở thành tài sản của người học, của những doanh nghiệp sử dụng lao động do trường đó đào tạo ra.
Một trường đại học hoạt động không theo tôn chỉ mục đích, theo tiêu chuẩn, chất lượng, bản thân người học trường đó họ sẽ phản đối, giám sát.
Trên thế giới, người ta có bảng đánh giá của các cựu học viên, người ta sẽ đánh giá ngay.
Thậm chí, có việc các cựu sinh viên đứng ra cho phép trường đại học làm thế này, không cho phép làm thế kia.
Bởi, hoạt động của nhà trường sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các cựu sinh viên.
Rồi những doanh nghiệp sử dụng lao động của nhà trường sẽ coi trường đó là nguồn cung cấp lao động của họ.
Nếu trường không hoạt động tốt doanh nghiệp họ sẽ tự đưa ra ý kiến phản đối buộc nhà trường phải tuân thủ theo.
Do đó, chủ sở hữu của các trường không đơn thuần là của cá nhân nào nữa mà trở thành tổ chức, sản phẩm của toàn xã hội”.
Qua phân tích về xu hướng phát triển của tự chủ đại học hiện nay, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, ông rất ủng hộ việc tự chủ đại học.
Trước thắc mắc sau khi không còn bộ chủ quản nữa các trường sẽ hoạt động theo mô hình như thế nào? Vị đại biểu của đoàn Hà Nội cho rằng:
“Sau khi vai trò của bộ chủ quản bị tước bỏ, các trường sẽ tự chủ về quản trị. Mỗi trường có mỗi mô hình khác nhau. Trường đơn ngành, trường đa ngành thì mô hình quản trị có khác biệt.
Những trường phát triển theo nghiên cứu, những trường phát triển theo ứng dụng mô hình quản trị có khác nhau. Không nên quy định một mô hình quản trị như các tập đoàn nhà nước hiện nay”.
Qua trao đổi với ông Hoàng Văn Cường có thể thấy, tự chủ đại học là tất yếu của sự phát triển các trường đại học.
Khi quá trình tự chủ đại học được phát triển đến mức độ nhất định thì đương nhiên vai trò của bộ chủ quản sẽ không tồn tại.
Khi đó, quyền của các trường sẽ rất lớn và họ hoạt động chịu sự điều chỉnh của pháp luật, theo tuyên bố của các trường.
Khi tự chủ các trường đại học sẽ có quyền nhiều hơn. Trong vấn đề tuyển dụng, các trường có quyền tuyển dụng lâu dài hay tuyển dụng ngắn hạn nên khái niệm biên chế trong các trường đại học sẽ không còn tồn tại.
Theo GDVN
Được tự chủ, vẫn chưa đủ!
Thực tế, có hiện tượng một số trường đại học tiến hành tự chủ theo chủ trương mới chưa được đầy đủ, dẫn đến cách hiểu về tự chủ đại học bị thiếu hụt.
Muốn đổi mới giáo dục đại học, cần phải sớm tính đến việc điều chỉnh những điểm đã không còn phù hợp trong Luật Giáo dục hiện hành.
Áp lực thu - chi
Từ vài năm qua, nhiều trường đại học muốn được trao thêm quyền tự chủ, thế nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có 14 trường công được thực hiện theo đề án tự chủ do Chính phủ phê duyệt.
Như vậy là quá ít ỏi so với gần 180 trường công lập trong cả nước. Nhưng ngay cả với các trường này, chủ yếu đang thực hiện tự chủ về tài chính. Tức là không nhận ngân sách chi thường xuyên từ nhà nước mà sẽ tự hạch toán thu chi.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được đầu tư cơ sở khang trang, phục vụ học tập và nghiên cứu.
Trong khi đó, nhiều khía cạnh khác phải tiến hành đồng thời lại chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Ngay như một số trường lớn ở TP.HCM như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính - Marketing..., khi được duyệt cơ chế tự chủ, việc đầu tiên là nâng học phí và thiếu quan tâm đến các lĩnh vực khác.
Vấn đề này khiến xã hội hiểu nhầm rằng tự chủ ở các trường thực chất chỉ là cắt giảm nguồn chi từ ngân sách và để các trường xoay sở vận hành trong cơ chế thị trường.
Phải hiểu rằng ngân sách sẽ được phân bổ theo cách khác chứ không phải "bao cấp" như trước đây. Theo PGS. TS Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, tự chủ về tài chính là nhà nước sẽ không cấp kinh phí thường xuyên theo kiểu truyền thống nữa mà cấp theo nhiệm vụ, đơn đặt hàng, dự án, trên nguyên tắc cạnh tranh.
"Trường nào năng lực, tạo ra kết quả đào tạo tốt, sẽ được đầu tư xứng đáng. Với mỗi chương trình được đặt hàng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng ra sao, nhà nước sẽ căn cứ vào đó để đầu tư", ông Sơn nói.
Song như ý kiến của lãnh đạo một số trường thực hiện đề án thí điểm, tăng học phí là việc bắt buộc để có thể tiến hành đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo. Song tăng như nào, lộ trình ra sao lại là điều cần cân nhắc để tránh bị phản ứng.
Có thể thấy, nhiều trường hiện còn đang loay hoay với các phương án tài chính, cân đối thu chi, nâng học phí. Các vấn đề về hoạt động chuyên môn và bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo hầu như vẫn... giậm chân tại chỗ.
Chẳng hạn, tại ĐH Tài chính - Marketing, được giao cơ chế tự chủ nhưng chỉ làm tốt một số vấn đề về quản lý tài chính như học phí, tiền lương, đầu tư cơ sở vật chất...
Riêng một số vấn đề như xây dựng đội ngũ giáo viên vẫn phải xin Bộ GD&ĐT cho lộ trình đến năm 2020 sẽ chuẩn hóa. Thậm chí, việc bổ nhiệm hiệu trưởng vào tháng 8 vừa qua cũng phải "chờ duyệt" từ Bộ Tài chính.
Cần cơ chế công bằng và hướng dẫn cụ thể
Với thực tế hiện nay, nếu hiểu theo cách xin "cai" bầu sữa ngân sách thì sẽ nhiều trường ngần ngại, không dám thử sức, nhất là các trường vốn được bao cấp đào tạo như khối sư phạm, xã hội nhân văn.
GS. TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng phải xóa bỏ sự quản lý tập trung ngặt nghèo để các trường có động lực tự thân và có điều kiện khách quan, luôn đổi mới theo hướng tối ưu hóa để tồn tại và phát triển.
Cơ chế mở như vậy, tức là tính cạnh tranh phải được đề cao, từ đó tạo sự năng động, nâng cao uy tín và hội nhập. Ngược lại vấn đề này cũng có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực nếu không có sự điều tiết khoa học.
Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Hùng - hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành - chỉ ra một khía cạnh: Không tính các trường công được "bao cấp". Ở các trường công dù được giao quyền tự chủ về tài chính - tức là không nhận ngân sách chi thường xuyên nhưng vẫn đang được bao cấp cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng cơ bản... thì họ vẫn có cái lợi.
Các trường này có thể thu cùng một mức học phí và cung ứng cùng chất lượng dịch vụ so với trường tư. Khi đó lượng thí sinh sẽ lựa chọn trường công thay vì chọn trường tư. Như thế là cạnh tranh không công bằng, buộc nhà nước phải có chính sách điều chỉnh để các trường bước vào một sân chơi công bằng.
Một vấn đề khác được quan tâm, là các quy định pháp lý về quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cần thống nhất, nhất quán và cùng được cập nhật ở các văn bản quản lý khác nhau, để các cơ sở tự chủ trọn vẹn, tránh tình trạng tự chủ "nửa vời" hoặc trao quyền tự chủ đồng thời vẫn "trói buộc" bởi cơ chế.
Nhận thấy việc tự chủ là cần thiết, PGS. TS Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng nhà trường mong muốn tự chủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số vấn đề còn vướng, như việc đầu tư kinh phí phải qua các cấp kiểm toán, kho bạc... và đến nay, các cơ quan này với nhà trường vẫn chưa có sự đồng thuận.
Cũng theo TS Sơn, nhà nước đã có quy định chính sách cho các trường vay vốn đầu tư, nhưng cần có hướng dẫn vay ở đâu, vay như thế nào. Việc ưu tiên cho sinh viên vay tiền đi học cũng cần có hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện tốt hơn.
Tự chủ đại học là chủ trương đúng, nhưng lại đang bị bó trong thực thi vì thiếu những cơ chế chính sách đồng bộ. Nếu không sớm đáp ứng đòi hỏi từ thực tế, thì quá trình áp dụng tự chủ sẽ chỉ loanh quanh với áp lực thu - chi mà thôi. Cái gốc là chất lượng giáo dục sẽ chẳng thể thay đổi được.
Tự chủ trong đại học được phân biệt thành hai loại: Một là, tự chủ học thuật bao gồm các lĩnh vực học thuật và nghiên cứu, cụ thể là tự chủ trong lĩnh vực liên quan đến thiết kế chương trình giảng dạy, xây dựng chính sách nghiên cứu, xác định điểm tuyển sinh, bổ nhiệm giảng viên, trao học vị.
Hai là, tự chủ phi học thuật bao gồm các lĩnh vực xen phủ với nhiều vấn đề tài chính như ngân sách, quản lý tài chính, bổ nhiệm và trả lương các nhân viên, mua sắm, và các hợp đồng liên kết...
Theo Bá Lâm - Hải Miên / Nhân Dân
Kết thúc thí điểm, trường đại học sẽ được tiếp tục tự chủ Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sẽ phải ban hành các văn bản chính thức để tiếp tục thực hiện tự chủ đại học. Ngày 20/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Cả nước...