Từ chỗ do dự, nhiều phụ huynh Mỹ trông chờ vaccine COVID-19 cho trẻ nhỏ
Từng lo lắng về những phản ứng phụ của vaccine COVID-19, ngày càng nhiều bậc phụ huynh ở Mỹ nhận thấy lợi ích tiêm chủng lớn hơn rủi ro tiềm ẩn.
Bridgette Melo, 5 tuổi, tiêm vaccine Pfizer/BioNtech trong một cuộc thử nghiệm tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), Leah Smithers cho biết cô muốn chờ đợi thử nghiệm lâu hơn với vaccine COVID-19 trước khi quyết định có nên tiêm cho con trai 10 tuổi của mình hay không. Tuy nhiên, căn bệnh tiểu đường tuổi vị thành niên khiến cậu bé có nguy cơ bị biến chứng cao hơn nếu mắc COVID-19. Lo sợ quãng đời thơ ấu của con có thể bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, Smithers đã sẵn sàng cho con tiêm vaccine ngay khi đủ điều kiện.
Smithers sống ở Albany, ngoại ô San Francisco, bang California, Mỹ. Ngoài cậu con trai 10 tuổi, cô còn hai người con khác, 13 tuổi và 4 tuổi. Cô chia sẻ: “Tôi là một bà mẹ luôn để ý đến chuyện cho con ăn gì hay bất cứ thứ gì nạp vào người chúng. Nhưng tiêm chủng dường như là lựa chọn tốt nhất để giữ an toàn cho bọn trẻ”.
Hôm 20/9, Pfizer/BioNTech cho biết vaccine COVID-19 của họ, khi tiêm với liều lượng thấp, đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi trong thử nghiệm lâm sàng. Thông tin này đã khiến nhiều bậc cha mẹ ở Mỹ bớt lo lắng, họ đang trông chờ cơ hội bảo vệ con mình khỏi đại dịch toàn cầu.
Biến thể Delta dễ lây lan đã bùng phát ở Mỹ vào đúng thời điểm bắt đầu năm học mới, khiến số trẻ em mắc bệnh tăng vọt. Trong đó, nhiều trường hợp đã phải nhập viện, hàng nghìn trường học phải đóng cửa trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần.
Phụ huynh dắt con đi học giữa dịch COVID-19 ở Brooklyn, New York hôm 4/10. Ảnh: Reuters
Hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech cho biết vaccine họ, với liều tiêm 10 microgram, an toàn cho trẻ em 5-11 tuổi, sau khi nó tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng với 2.268 người tham gia. Trước đó, loại vaccine này với liều lượng 30 microgram đã được phê duyệt khẩn cấp cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.
Nhiều bậc phụ huynh vẫn cảm thấy lưỡng lự về việc tiêm vaccine cho con nhỏ, với lý do thiếu các nghiên cứu quy mô lớn và dữ liệu dài hạn về ảnh hưởng của vaccine với lứa tuổi này. Có khoảng 29 triệu trẻ em Mỹ từ 5-11 tuổi.
Video đang HOT
Shen Nagel, bác sĩ nhi khoa ở thành phố Denver, bang Colorado, cho biết: “Nhiều bậc cha mẹ đã được tiêm vaccine rất mong con cái cũng được tiêm phòng, nhưng họ lo ngại về một loại vaccine hoàn toàn mới. Họ cũng có suy nghĩ rằng trẻ em ít có nguy cơ mắc bệnh hơn”.
Theo dữ liệu thăm dò do Quỹ Gia đình Kaiser công bố hồi tháng 8, khoảng 40% phụ huynh có con từ 5-11 tuổi cho biết họ sẽ “chờ xem” vaccine hoạt động như thế nào trước khi tiêm cho con mình. 1/4 người tham gia khảo sát nói “chắc chắn sẽ không tiêm” cho con mình, trong khi 1/4 khẳng định sẽ “tiêm ngay lập tức”.
Tuy nhiên, tâm lý do dự tiêm chủng cho con của phụ huynh Mỹ có xu hướng giảm theo thời gian. Nancy Lataitis, bác sĩ nhi khoa ở Denver, cho biết một số phụ huynh quá mệt mỏi vì đại dịch đã nhận ra rằng tiêm chủng cho con có thể là cách duy nhất để tránh tình trạng trường học bị đóng cửa.
“Các trường học đang phải thực hiện cách ly hoặc đóng cửa. Họ cũng đang nghe rất nhiều tin tức về việc giáo viên mắc COVID-19″, bà nói.
Lydia Melo, 7 tuổi, tiêm vaccine Pfizer BioNtech COVID-19 trong một thử nghiệm tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina. Ảnh: Reuters
Jill Goldstein, 50 tuổi, ở New York, đã phải lập tức cho con gái 8 tuổi của mình nghỉ học vào buổi thứ hai của năm học, sau khi một học sinh trong trường mắc bệnh, dẫn đến việc toàn bộ lớp học phải cách ly 10 ngày. Goldstein cho hay sẽ đưa con gái đi tiêm chủng, nhưng thừa nhận cô sẽ không phải “người đầu tiên xếp hàng”.
“Tôi chỉ muốn đảm bảo rằng lợi ích mà tiêm chủng mang lại cho trẻ em lớn hơn rủi ro. Tôi hiểu lợi ích không chỉ cho con tôi mà còn cho cả cộng đồng và tôi cũng đang cân nhắc điều này”, Goldstein chia sẻ.
Los Angeles, nơi có học khu lớn thứ hai Mỹ, đã bắt buộc tiêm vaccine cho học sinh 12 tuổi trở lên. Theo dữ liệu liên bang, trên 50% trẻ em Mỹ từ 12 đến 15 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, thấp hơn bất kỳ nhóm tuổi đủ điều kiện nào khác.
Sean OLeary, Phó chủ tịch Ủy ban Bệnh truyền nhiễm thuộc Học viện Nhi khoa Mỹ, cho biết dù trẻ em có ít nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn, nhưng tác động của đại dịch với trẻ em là rất sâu sắc. Đã có trên 6 triệu trẻ em ở Mỹ mắc COVID-19, với trên 1,1 triệu trẻ chỉ trong 6 tuần qua. Trên 600 trẻ em đã tử vong vì COVID-19, trong đó 158 trẻ từ 5-11 tuổi, biến nó thành một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em Mỹ. Khoảng 5.000 trẻ em đã mắc phải tình trạng viêm đa hệ nghiêm trọng (MIS-C) sau chẩn đoán COVID-19, có thể gây ra các tác động thể chất suy nhược.
Tại một số khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, các bệnh viện nhi đã quá tải. OLeary cho biết không có lý do gì để tin rằng vaccine sẽ gây ra nhiều nguy cơ hơn cho trẻ em nhỏ tuổi hơn.
“Những loại vaccine này có lẽ đã được đánh giá về độ an toàn tốt hơn bất kỳ loại thuốc nào khác trong lịch sử”, OLeary nói và cho biết rằng các loại vaccine trước đây không gây ra bất kỳ tác dụng phụ lâu dài nào. Các phản ứng không mong muốn thường chỉ xảy ra ngay sau khi tiêm, không phải vài tháng sau đó.
Nghiên cứu của Pfizer công bố ngày 22/10 cũng cho thấy trẻ đã được tiêm vaccine khi mắc COVID-19 sẽ có triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với trẻ chưa tiêm. Các nghiên cứu cũng cho thấy khi tiêm vaccine liều thấp cho trẻ nhỏ, chỉ có tác tác dụng phụ tạm thời giống với lứa tuổi lớn hơn, như đau cánh tay, sốt hay nhức mỏi.
Ngoài ra, trẻ nhỏ được tiêm vaccine Pfizer liều thấp có khả năng hình thành kháng thể trước virus SARS-CoV-2 mạnh ngang với thanh thiếu niên và thanh niên tiêm liều bình thường.
Ống tiêm chứa vaccine Pfizer/BioNTech đặt trên bàn tại trung tâm tiêm chủng ở Southfield, Michigan. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, vaccine COVID-19 của Pfizer mới chỉ được thử nghiệm trong một nghiên cứu tương đối nhỏ, vốn có thể không phát hiện được một số tác dụng phụ hiếm gặp ở trẻ em. Song ông Arthur Reingold, chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học California-Berkeley, nhấn mạnh điều đó không phải lý do để trì hoãn việc tiêm chủng cho trẻ em.
Adrienne Day, một nhà báo ở Brooklyn, New York, chắc chắn về kế hoạch tiêm chủng cho con gái 7 tuổi của mình ngay sau khi vaccine được phê duyệt. Adrienne nói rằng cô rất tin tưởng vào các dữ liệu khoa học liên quan đến vaccine.
“Với tôi, tiêm vaccine COVID-19 cũng giống như tiêm phòng sởi, quai bị, rubella hay cúm mà thôi”, cô chia sẻ.
Hôm 27/10, một hội đồng chuyên gia đã bỏ phiếu áp đảo khuyến nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận vaccine Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Họ cho biết lợi ích của vaccine lớn hơn nguy cơ mà nó gây ra. Trong khi đó, hãng dược Mỹ cho biết có thể tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi vào đầu tháng 11 nếu được cơ quan chức năng cấp phép.
Đức đề xuất biện pháp phòng dịch mới thay thế 'tình trạng khẩn cấp'
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 27/10, tại cuộc thảo luận trong khuôn khổ tiến trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền tại Đức, 3 chính đảng gồm Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP), đều bày tỏ mong muốn chấm dứt "tình trạng khẩn cấp", được áp đặt từ tháng 3/2020 để phòng, chống đại dịch COVID-19, vào tháng 11 tới.
Thay vì các biện pháp khẩn cấp này, các bên đề xuất biện pháp mới trong khuôn khổ Luật phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm sửa đổi trong mùa đông này.
Theo đó, chính quyền các bang có quyền tự đưa ra một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đeo khẩu trang bắt buộc và hạn chế tiếp xúc tại những sự kiện đông người và địa điểm công cộng ngoài quy định "3G" (tức là có chứng chỉ tiêm chủng vaccine hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2). Một số bang chỉ chấp nhận quy định "2G".
Ngoài những quy định trên, chính quyền các bang cũng có quyền yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, chủ yếu ở các không gian công cộng trong nhà, cũng như xử lý thông tin điều tra dịch tễ của khách hàng, các quy định xét nghiệm hay đeo khẩu trang trong trường học.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mamming, miền Nam Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bên cạnh đó, các bên đang thảo luận khả năng kéo dài chương trình phúc lợi được điều chỉnh đối với trẻ em đến năm 2022. Theo đó, các bậc cha mẹ có thể được nghỉ chế độ con ốm tới 30 ngày, thay vì 10 ngày như trước đây và lên tới 60 ngày đối với cha mẹ đơn thân.
Các bên cũng đề xuất kế hoạch tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang bị chững lại. Tính đến ngày 27/10, mới gần 2/3 (khoảng 66,4%) dân số Đức đã hoàn thành việc tiêm chủng và gần 70% đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Đức ban bố tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên từ ngày 28/3/2020 và kéo dài liên tục gần 19 tháng qua. Gần đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, Quốc hội liên bang đã gia hạn tình trạng này thêm 3 tháng. Quy định sẽ tự động hết hiệu lực nếu chính phủ không kiến nghị quốc hội tiếp tục gia hạn. Tuy nhiên, theo Luật phòng, chống lây nhiễm trên, các bang vẫn có quyền xác định có cần áp đặt các biện pháp phòng, chống dịch nữa hay không thông qua cơ quan lập pháp bang của mình. Vì vậy việc "tình trạng khẩn cấp" tự động hết hạn, không có nghĩa là kết thúc các biện pháp phòng, chống dịch.
Ca mắc và tử vong vì COVID-19 tăng vọt, châu Âu đối diện mùa đông đại dịch lần hai Số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tăng vọt trong thời gian gần đây đang báo hiệu một mùa đông ảm đạm ở châu Âu - khu vực duy nhất trên thế giới đại dịch đang bùng phát trở lại. Theo CNN, tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định: Mặc dù vaccine sẵn có trong mùa đông này...