Từ bỏ học vị tiến sĩ để làm anh binh nhì
GD&TĐ – Từ bỏ học vị phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) đã ở trong tầm tay để trở thành anh bộ đội Cụ Hồ với quân hàm binh nhì, cho đến giờ, ông Thái Doãn Hộ – nguyên Ủy viên BCH Đoàn trường ĐHSP Hà Nội; nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Hội Cựu chiến binh Việt Nam – vẫn cảm thấy mình đã lựa chọn đúng.
Nhận lệnh nhập ngũ khi hoàn tất thủ tục đi nghiên cứu sinh
Ông Thái Doãn Hộ nhớ lại: Năm 1961, tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở tổ Vô cơ, khoa Hóa học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi con thiếu 3 tháng nữa mới tròn 20 tuổi.
Bằng nỗ lực bản thân, chỉ sau 2 năm phụ trách hướng dẫn thí nghiệm và chữa bài tập cho sinh viên, tôi được phân công giảng dạy lý thuyết. Tôi coi đây vừa là phần thưởng vừa là thử thách đối với một cán bộ giảng dạy trẻ nhất được giao nhiệm vụ này.
Ông Thái Doãn Hộ
Video đang HOT
Đến năm thứ ba (1964), đang học thêm tiếng Nga và chuẩn bị đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô thì được thông báo một nhiệm vụ đặc biệt: Vào miền Nam – giúp Mặt trận giải phóng thành lập Trường CĐ Sư phạm đầu tiên ở vùng giải phóng.
Tôi hoàn toàn sẵn sàng nhận nhiệm vụ vinh dự này với ý nghĩ: Mình còn trẻ, sẽ đi nghiên cứu sinh sau cũng được; đổi lại mình sẽ là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho một Trường CĐ ở vùng giải phóng, cũng đáng tự hào lắm chứ!
Đang hăm hở thì được thông báo hoãn (cuối năm 1963, Ngô Đình Diệm đổ, cách mạng đang đứng trước thời cơ thuận lợi thì đầu năm 1964 Mỹ nhảy vào, nên chủ trương thành lập trường CĐ bị hoãn lại).
Tôi lại tiếp tục công tác giảng dạy bình thường và chuẩn bị đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Mọi thủ tục đang được hoàn tất, kể cả viết bản cam đoan sẽ về nước phục vụ sau khi bảo vệ xong luận án thì nhận được lệnh nhập ngũ.
Đó là một ngày đầu xuân năm 1965. Vừa về quê ăn Tết Nguyên đán, giảng viên trẻ Thái Doãn Hộ nhận được giấy gọi nhập ngũ, ông còn nhớ rõ là do đồng chí Trần Duy Hưng – Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký.
“Trưa 23/2/1965, giáo sư Phạm Huy Thông – Hiệu trưởng và đồng chí Đỗ Đức Uyên – Bí thư Đảng ủy gặp gỡ động viên. Sau đó, giáo sư Phạm Huy Thông ưu ái cho chiếc xe Pobeđa của mình chở tôi và anh Triệu Khuê (cán bộ giảng dạy Khoa Toán) đến địa điểm giao quân. Từ chiều 23/2/1965, tôi chính thức trở thành anh bộ đội Cụ Hồ với quân hàm binh nhì.
Lựa chọn lúc đó không phải không có chút băn khoăn, vương vấn, bởi mọi thủ tục đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô đã xong. Học vị Phó tiến sĩ (bây giờ là Tiến sĩ) đã ở trong tầm tay. Lúc ấy học vị này ở tuổi “băm” của cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi tôi chắc chắn sẽ là người có học vị này ở tuổi “hăm”. Vậy là đành giang dở.
Nhưng băn khoăn ấy mới chỉ thoáng qua vì nghĩ chỉ hết 3 năm nghĩa vụ quân sự trở về vẫn kịp thì lấy học vị này còn ở tuổi “hăm”. Cứ đổ tội cho đế quốc Mỹ thôi. Vậy là trong mối thù chung của dân tộc có mối thù riêng của cá nhân mình nữa” – Ông Thái Doãn Hộ kể.
Thế rồi, thời chiến không còn chế độ nghĩa vụ quân sự 3 năm, ông Thái Doãn Hộ phải trải qua 30 năm trong quân ngũ. Trong suốt 30 năm ấy, từ anh binh nhì, trở thành một sĩ quan cao cấp, rồi nghỉ hưu ở cương vị Trưởng phòng Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Pháo binh năm 1995, ông Thái Doãn Hộ còn để lại nhiều dấu ấn với hàng trăm bài báo, phóng sự lớn nhỏ qua các chiến dịch, những truyện ngắn trong đó có truyện được giải A toàn quân và những ca khúc trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” với các chiến sĩ.
Chưa kịp nhận sổ hưu, ông lại được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam mời ra làm việc tiếp 13 năm nữa. Đến năm 2008, ông mới được nghỉ khi đang ở cương vị Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Hội.
Công tác giáo dục cần phải bền bỉ
Ông Thái Doãn Hộ kể: Ngay từ những ngày học cấp một, cấp hai trong nhà trường ở vùng tự do khu IV, chúng tôi đã được giáo dục động cơ học tập “Học để phục vụ nhân dân”.
Những tấm gương như Hà Học Hợi, rồi Phác Kim Tố của Triều Tiên hay Paven Coocsaghin trong Thép đã tôi thế đấy… từng là thần tượng, là tấm gương soi của thanh niên thời đó.
Thêm một thực tế khách quan không thể không tính đến là thời điểm đó thanh niên không có nhiều sự lựa chọn. Vào đại học cũng chỉ có số trường đếm trên đầu ngón tay.
Tốt nghiệp ra trường chỉ chờ sự phân công điều động của tổ chức, không hề có khái niệm đi xin việc, càng không có chuyện chạy việc, vì thời đó “cầu” lớn hơn “cung”.
Khi cả nước có chiến tranh thì nhiệm vụ tối thượng của mọi người dân là đánh thắng kẻ thù giành độc lập cho Tổ quốc và thanh niên trở thành mũi xung kích.
Tất nhiên, khi tinh thần “sẵn sàng” đã ở trong máu thịt thì khi được tổ chức, phát động thì lập tức trở thành phong trào ngay với những đỉnh cao kế tiếp nhau.
Giờ đây, thanh niên đứng trước nhiều sự lựa chọn. Thực tế khách quan cũng có nhiều tác động tích cực hoặc tiêu cực đến thanh niên. Tuy nhiên trình độ, theo ông Thái Doãn Hộ, kiến thức của thanh niên bây giờ cao hơn; tham vọng và hoài bão lớn hơn; tiềm năng phong phú đa dạng hơn và trên hết là nếu được giáo dục rèn luyện công phu và bền bỉ; nếu được tổ chức và động viên đúng lúc thì thanh niên vẫn là lực lượng xung kích của đất nước.
“Muốn vậy, công tác giáo dục cần phải bền bỉ và hình thức phải phù hợp với tâm lý của thanh niên thì tinh thần “sẵn sàng cống hiến cho đất nước” của thanh niên sẽ trở thành điều tâm huyết của thanh niên chứ không phải chỉ là khẩu hiệu” – Ông Thái Doãn Hộ chia sẻ.
Theo giaoducthoidai.vn