Từ Bình Chánh vào trung tâm TP.HCM mua thuốc cho mẹ: ‘10 hiệu rồi, chưa mua được’
Chị Mai Thúy (30 tuổi) đi xe máy từ H.Bình Chánh vào Q.3 ( TP.HCM) mua thuốc tâm thần cho mẹ vì không mua được ở chỗ cũ. Đi 10 cửa hàng, mỗi nơi đều phải chờ đợi lâu nhưng chị nói chưa mua được thuốc mình cần…
Tại các hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng (P.8, Q.3), hàng dài xe máy đỗ dưới lòng đường, hàng dài người xếp hàng chờ được vào mua thuốc.
Sáng 21.8, bên cạnh các siêu thị và cửa hàng bán thực phẩm, nhiều hiệu thuốc ở TP.HCM cũng có hàng dài người đến mua. Có mặt tại các con đường tập trung nhiều nhà thuốc ở Q.Bình Thạnh, Q.3, Q.Phú Nhuận… PV Thanh Niên ghi nhận hàng dài người xếp hàng chờ được vào trong để mua thuốc.
“Mua thuốc cho mẹ cái đã, thực phẩm tính sau”
Tại các hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng (P.8, Q.3), hàng dài xe máy đỗ dưới lòng đường, hàng dài người xếp hàng chờ được vào mua thuốc. Ai cũng kín khẩu trang, cầm trên tay đơn thuốc hay giấy ghi chú.
Trong hàng người đứng trước một nhà thuốc tại đây, chị Mai Thúy ngồi bệt xuống đất vì mệt. Kín mít 2 lớp khẩu trang y tế cùng một lớp kín chắn giọt bắn, trên tay còn cầm quyển sổ khám bệnh kèm đơn thuốc, chị nói mình đi từ H.Bình Chánh lên đây để mua thuốc cho mẹ vì nơi khám bệnh quen không phát thuốc, các nhà thuốc ở gần đều không có loại thuốc mình cần.
Nhiều người cho biết họ mua thuốc trước ngày 23.8 để dự trữ thì mới “yên tâm”
Video đang HOT
Nhễ nhại mồ hôi vì phải chờ đợi lâu dưới nắng, chị nói mẹ mình bị tâm thần gần 2 năm nay, nếu không có thuốc thì tinh thần không ổn định, không ngủ được trong khi hiện tại ở nhà mẹ chị chỉ còn 2 ngày thuốc. Hay tin từ ngày 23.8, TP.HCM “ai ở đâu ở yên đó”, chị tranh thủ đi mua thuốc cho mẹ.
“Thấy người ta mua đồ, thực phẩm dự trữ mà tôi cũng muốn đi mua. Nhưng mà tôi phải mua được thuốc cho mẹ trước cái đã, rồi mấy cái khác tính sau. Sáng giờ đông người tới hiệu thuốc kinh khủng, tôi đi 10 nhà thuốc, mỗi nhà thuốc phải chờ đợi rất lâu nhưng hết thuốc hoặc không có thuốc tôi cần mua, mong là ở đây có”, chị thở dài.
Hàng dài xe máy, người xếp hàng phía trước một nhà thuốc lớn ở Q.3
Mệt mỏi vì chờ đợi, chị Mai Thúy ngồi bệt xuống đất. Chị đi 10 hiệu thuốc mà vẫn chưa mua được loại mình cần
Còn 3 người nữa là tới mình, chị nói mình đã đợi hơn 1 tiếng vì hàng người xếp “cả cây số”. Ở nhà thuốc thứ 10 này, chị mong là có thể mua được thuốc cho mẹ để sớm được về mua thực phẩm cho 2 tuần sắp tới.
“May mắn là hôm nay tôi có phiếu đi chợ, với lại khi qua chốt trình bày hoàn cảnh với các cán bộ thì họ cũng thông cảm cho mình. Nếu mà không mua được thì mẹ tôi không biết tính sao nữa”, nói xong, chị đi vào nhà thuốc để mua.
Người dân xếp hàng trước hiệu thuốc trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận)
“Sợ đi trễ sẽ hết thuốc”
Trong khi đó, tại các hiệu thuốc trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận), đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), đường Quốc Hương (Q.2)… cũng có đông người đến mua thuốc.
Gọi điện nhắc vợ nấu cơm, anh Lương Thành (ngụ Q.Phú Nhuận) liên tục cập nhật cho vợ tình hình xếp hàng tại hiệu thuốc, anh Thành cho biết có con nhỏ ở nhà nhưng đang sốt lại hay đau ốm nên phải xếp hàng đi mua thuốc. Anh Thành là tài xế giao hàng, hôm nay vợ anh đi siêu thị còn anh đi làm bình thường. “Ban đầu cũng không tính mua nhưng thấy người ta xếp hàng mình cũng nóng lòng. Tâm lý chung của mọi người mà, giao hàng xong cho khách là mình tấp xe vào xếp hàng luôn”, anh nói.
Dãy nhà thuốc trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) sáng 21.8 đông khách đến mua
Đi làm về sẵn ghé một hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng, chị Trần Thị Bảo Trân (25 tuổi) cho biết từ khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chưa thấy ngày nào mà đường sá đông đúc như hôm nay khi người người đổ ra đường mua thuốc và thực phẩm.
Thay vì đi siêu thị, chị Trân chọn xếp hàng đi mua thuốc vì sợ đi trễ sẽ hết thuốc. Chị tâm sự ở nhà có bà 85 tuổi có nhiều bệnh như huyết áp, bệnh não nên không thể thiếu thuốc men. “Đồ ăn thì nghe nói bên quân đội sẽ hỗ trợ, cũng có thể đặt hàng online nhưng thuốc thì không được. Nếu phải xếp hàng cả ngày thì mình cũng chấp nhận để mua được thuốc cho bà”, chị nói.
TP.HCM tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp đầu cơ tích trữ nhu yếu phẩm
Chiều 15/7, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM đã họp sơ kết 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Đại diện Sở Công thương cho biết đang tăng cường kiểm tra xử phạt các trường hợp đầu cơ, tích trữ lương thực thực phẩm.
Theo đó, thực tế trong những ngày vừa qua có hiện tượng lan truyền các thông tin xấu, sai sự thật dẫn đến hoang mang dư luận. Từ những thông tin sai sự thật, xuất hiện tình trạng người dân tập trung đông tại các nơi buôn bán hàng hoá thiết yếu trong một vài thời điểm. Trong khi đó, có thời điểm các địa điểm cung ứng chưa kịp thời bổ sung các hàng hoá. Nguyên nhân do gặp phải một số hạn chế trong công tác vận chuyển và phương tiện vận chuyển, khó khăn trong tiếp cận chuỗi cung ứng.
Người dân mua thực phẩm tại phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức. Ảnh: H.T
Việc ngưng 3 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố dẫn đến việc tiếp cận hàng hóa của tiểu thương hạn chế hơn nên giá cả một số mặt hàng tại chợ truyền thống tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên nhờ hệ thống các siêu thị nên giá các mặt hàng vẫn đảm bảo ổn định và không thay đổi.
Đối với thông tin một số người dân mua lượng lớn mặt hàng, đại diện Sở Công thương cho biết, đơn vị đã và đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát, tăng cường xử phạt đối với các trường hợp đầu cơ, tích trữ nhu yếu phẩm thiết yếu.
Được biết, hiện nay, tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn đã quy định giới hạn lượng nhu yếu phẩm được mua đối với từng người dân. Biện pháp này đã góp phần giảm bớt tâm lý mua nhiều, tích trữ lương thực thực phẩm của người dân.
Liên quan đến việc đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn TP.HCM và đảm bảo lưu thông hàng hoá đối với các tỉnh thành lân cận. Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, Sở Giao thông - Vận tải đang nỗ lực đảo bảo lưu thông cho những phương tiện thuộc "luồng xanh" (những phương tiện vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu - PV) đến thành phố hoặc quá giang qua địa bàn thành phố.
Hiện nay, Sở Giao thông - Vận tải cũng đang khởi xướng chương trình cấp mã nhận diện cho xe luồng xanh. Chương trình này áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin hoàn toàn, góp phần đáp ứng được lưu thông hàng hoá nhanh, kịp thời hơn.
Cũng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, một số tỉnh thành lân cận TP.HCM có những quyết định phòng chống dịch có phần gấp gáp, chưa có sự trao đổi với TP.HCM và cả tỉnh khác. Ông Lâm mong muốn đối với các quyết định dừng hoạt động phương tiện vận chuyển nhu yếu phẩm, các địa phương cần có sự thông báo với TP.HCM và các tỉnh thành để có sự thống nhất, triển khai các phương án tốt hơn.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố nhận được những đề xuất về việc lựa chọn một số ki ốt và tiểu thương tại một số chợ truyền thống để tiếp tục cho phép mua bán nhu yếu phẩm thiết yếu. Tuy nhiên các quận, huyện, TP Thủ Đức cần có những tính toán về phương án phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Ví dụ, các quận, huyện có thể tính toán đến phương án kẻ vạch, phân ô tại các vỉa hà, sân vận động để tiểu thương mua bán nhu yếu phẩm thay vì lựa chọn mở lại gian hàng trong chợ truyền thống.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đặc biệt lưu ý, các phương án cần được tính toán kỹ lưỡng và phù hợp với tình hình cụ thể tại từng địa bàn.
Người phụ nữ ngày ngày chặn xe tải, xe đầu kéo xin đường cho học sinh ở TP.HCM Ngày hai lần, người phụ nữ cầm tấm bảng ra đứng giữa dòng xe cộ để giúp hàng nghìn học sinh qua đường an toàn khiến nhiều người thán phục. Hơn 7 tháng qua, người dân huyện Bình Chánh, TP.HCM quen thuộc với hình ảnh của bà Nguyễn Thị Bạch Phượng (62 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) hàng ngày cầm tấm bảng ghi...