Từ 30/6, người vi phạm giao thông có thể ngồi nhà ‘kích chuột nộp phạt’
Nộp phạt trực tuyến lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ được triển khai thực hiện trên toàn quốc trước 30/6/2020.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng vừa chủ trì cuộc họp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan về việc triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến đối với nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, thuế, lệ phí trước bạ và cấp, đổi, giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Mới có 5 trường hợp nộp phạt trực tuyến
Tại cuộc họp, ông Ngô Hải Phan Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) thuộc Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến, dư luận xã hội hiện rất quan tâm đến tình hình, kết quả thực hiện thanh toán trực tuyến đối với nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.
Đến ngày 13/3/2020, việc thanh toán trực tuyến đối với thu tiền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền xử phạt của CSGT đã được đưa vào triển khai thực hiện thí điểm tại 5 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận.
Đến ngày 27/4, có trên 6.100 lượt truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) để tìm kiếm về thông tin quyết định xử phạt phục vụ thực hiện thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng tìm kiếm không ra kết quả là trên 6.000 trường hợp (chiếm 97,2%), chỉ có 170 trường hợp có kết quả từ dữ liệu của CSGT (chiếm 2,8%).
“ Vì vậy, số lượng thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG rất thấp, chỉ có 5 trường hợp (05/170, chiếm 3%)“, ông Ngô Hải Phan cho biết.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên theo ông Ngô Hải Phan là do phạm vi thực hiện thí điểm tại 5 địa phương có số lượng xử phạt lớn nhưng chỉ thực hiện đối với quyết định xử phạt từ cấp phòng trở lên nên số lượng đối tượng thuộc trường hợp này còn ít. Hơn nữa, cá nhân, tổ chức cũng khó phân biệt được trường hợp của họ thuộc thẩm quyền xử phạt của ai nên gây khó khăn trong tra cứu, thực hiện.
Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện ở 5 địa phương thí điểm còn chưa theo đúng quy định, nhất là việc cập nhật biên bản và quyết định xử phạt trên phần mềm xử lý vi phạm của CSGT.
Đối với kết quả thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí trước bạ, ngày 13/3, việc thanh toán trực tuyến lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG với phạm vi thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. Đến nay, mới phát sinh 5 trường hợp thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí trước bạ.
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Thống nhất mẫu khai dùng trong khi thanh toán
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, qua theo dõi mấy tháng qua Bộ nhận thấy tỷ lệ sử dụng dịch vụ trực tuyến trong lĩnh vực giao thông vận tải tăng, chiếm trên 68% trong khi những năm trước chỉ 35%. Kết quả này là do thời điểm dịch COVID-19 người dân tăng cường sử dụng dịch vụ trực tuyến.
Về việc triển khai xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được Bộ xây dựng xong hệ thống kết nối với Cổng DVCQG. Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, thống kê Cục Kiểm soát TTHC nêu có 170 quyết định xử phạt trên hệ thống cũng là do thời gian qua một phần do dịch COVID-19 nên việc đi lại giảm. Tuy nhiên tỷ lệ nộp phạt trực tuyến vẫn thấp, người vi phạm vẫn đến kho bạc nộp phạt.
Giải pháp đặt ra là Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông đến người dân; gắn trách nhiệm đối với người xử phạt; tiếp tục theo dõi, đánh giá để đến 30/6 cơ bản vận hành hệ thống này.
Cục CSGT đường bộ cho biết, đến nay đơn vị đã đưa 1.903 quyết định xử phạt lên Cổng DVCQG, số người người dân đóng tiền xử phạt trực tuyến có 5 trường hợp, có 441 người dân trực tiếp nộp tại Kho bạc Nhà nước và mang biên lai đến CSGT, còn lại trên 1.000 trường hợp chưa nộp phạt.
Hiện đơn vị đang hoàn thiện dữ liệu thông tin để đến 30/6 triển khai đồng bộ, hoàn thiện phần mềm của xử phạt, thực hiện đồng bộ đến các phòng CSGT của 63 tỉnh/thành phố.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, để việc nộp phạt trực tuyến triển khai thực hiện toàn quốc trước 30/6/2020 đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng, VPCP và các Bộ, cơ quan cần quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trên Cổng DVCQG, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, hạn chế dùng tiền mặt.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho rằng việc triển khai vẫn vướng về quy trình TTHC, vì vậy cần rà soát để chuẩn hóa dịch vụ công tại các Bộ, địa phương; chuẩn hóa thống nhất mẫu khai, đặc biệt là form điện tử dùng chung và giao Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để có mẫu khai dùng chung trước ngày 10/5.
Video: Tranh cãi về ứng dụng điện thoại báo chốt CSGT
Vụ CSGT bị tố 'gạ tình': Cô gái vi phạm giao thông lên tiếng
Người phụ nữ vi phạm giao thông vào khách sạn với Thượng úy CSGT lên tiếng giãi bày bất ngờ về tình tiết vụ việc.
Người phụ nữ vi phạm giao thông trong vụ CSGT 'gạ tình' lên tiếng. Ảnh:
Liên quan đến vụ việc CSGT bị tố 'gạ tình' người phụ nữ vi phạm giao thông để đổi lấy biên bản, người phụ nữ này đang bị CSGT Nha Trang tạm giữ. Theo đó người này có tên là K.N. Trao đổi trên PLO, N cho rằng, Thượng úy N.C.A. (Đội CSGT Công an TP.Nha Trang) không phải là CSGT trực tiếp lập biên bản bắt cô vi phạm giao thông mà là người gặp cô ở nơi xử lý và chủ động xin số điện thoại, chủ động kết bạn Zalo và nhắn tin "gạ tình".
Cụ thể, trưa 22/3, N. đến Đội CSGT Công an TP Nha Trang hỏi về thủ tục nộp phạt hành chính để lấy lại giấy tờ xe máy thì gặp Thượng úy A. Người này xin số điện thoại và đến chiều cùng ngày thì nhắn tin và yêu cầu kết bạn trên Zalo. Do dịch bệnh Covid-19, nơi làm việc đóng cửa, không có việc làm nhiều ngày nên N. cho biết đang rất cần giấy tờ để chạy xe về quê. Thượng úy A. yêu cầu đưa 600.000 đồng để nộp phạt và gợi ý phải "trả ơn".
Sau khi nhắn tin qua lại, N. đồng ý đi khách sạn với Thượng úy A. thời gian 2 giờ nhưng từ chối ở qua đêm theo yêu cầu của Thượng úy A. do mẹ cô vừa từ quê lên thăm. Sau đó, khoảng 23h cùng ngày, sau khi nhận được tin nhắn của Thượng úy A., vì nóng lòng muốn lấy giấy tờ xe để về quê nên cô đến một khách sạn trên đường Lý Tự Trọng, TP Nha Trang. N. lên phòng 203 đã có Thượng úy A. chờ sẵn. Hai người ở trong phòng khoảng gần 10 phút thì nghe gọi cửa phòng để khách sạn giao khăn. Lúc này, ông N. chỉ mặc quần đùi trên người ra mở cửa thì vợ, mẹ vợ và hai người đàn ông họ hàng bên vợ của ông A. lao vào khống chế và quay phim.
"Công an hỏi có yêu cầu xử lý về việc bị hành hung gây thương tích không nhưng tôi từ chối vì mình đã sai quá rồi. Vào chung phòng khách sạn với chồng người khác là đã quá sai trong khi trên tài khoản Zalo của ông A. không có hình ảnh gì của gia đình nên tôi cứ tưởng ông ta chưa có vợ con. Người ta chỉ lấy một đoạn tin nhắn rồi đổ cho tôi gạ tình là không đúng vì tất cả trong vụ này, ông A. đều là người chủ động", N. nói thêm.
Trong khi đó, thông tin trên NLĐ, thượng úy A. nói: "Chính xác là người tên K.N chủ động gạ, trong tin nhắn đã thể hiện điều này. Khi đọc tin nhắn thì có thể hiểu được ai là người gạ ai. Bản thân em không dám phát biểu linh tinh. Sự việc xảy ra bây giờ vợ em đã làm đến mức này, em đã làm báo cáo lên công an TP về sự việc như thế nào. Sự thật như thế nào cũng rõ ràng rồi. Em sai đến đâu thì chờ thanh tra xác minh, sai phạm đến đâu thì xử lý kỷ luật đến đó".
Trước đó, chiều 18/4, tài khoản Facebook "Yêu cảnh sát giao thông" đăng bài viết "Cảnh sát giao thông TP Nha Trang bắt xe gái trẻ xin số điện thoại, gạ đi khách sạn". Bài viết có nội dung tố cáo ông N.C.A, CSGT Nha Trang, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra chiều 22/3 đã bắt xe của một phụ nữ tên K.N. Ông A. đã gạ cô gái này đi khách sạn quan hệ tình dục tại một khách sạn ở TP Nha Trang và sẽ đóng phạt giúp cô N. 600.000 đồng, lấy giấy đăng ký xe ra trước ngày quy định.
Kèm theo bài viết là một số hình ảnh, trong đó có hình ảnh đôi nam nữ trong tình trạng bán khỏa thân đang bị một người bắt quả tang ngồi trên giường trong một căn phòng. Bài viết còn cho rằng sự việc đã được ghi nhận tại Công an phường Lộc Thọ, TP Nha Trang. Tài khoản Facebook nói ông A. đã có vợ và hai con.
Thiên Thanh
Thông báo phạt nguội của CA Vĩnh Phúc gắn lên kính ô tô có nội dung gì? Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện phạt nguội đối với các trường hợp vi phạm giao thông. Đáng chú ý, lực lượng này đã gắn thông báo vi phạm cho tài xế bằng cách cài lên kính trước. Vậy trong thông báo đó có nội dung gì? Thông tin từ Công an tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 15/02 Phòng cảnh sát...