Từ 2021, tổ chức thi Tốt nghiệp THPT trên máy tính ở nơi có điều kiện
Sáng nay (5/6), Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước khi hoàn thành cấp THPT, học sinh được trải qua kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng, để kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh.
“Như vậy, việc tổ chức kỳ thi không chỉ đơn thuần là để công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Kỳ thi do đó phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2020 kỳ thi về cơ bản giữ ổn định. Từ năm 2021-2025, kỳ thi có thể đổi mới thêm là thi trên máy tính ở nơi có điều kiện, còn lại cơ bản vẫn ổn định.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 được xây dựng dựa trên nhiều căn cứ. Trước hết là để phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019; thứ hai là để phù hợp với thực tế dạy – học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Video đang HOT
Căn cứ Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được giao về cho địa phương tổ chức.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dù giao kỳ thi về cho các địa phương tổ chức, song trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vẫn rất lớn.
“Bộ vẫn sẽ chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi”, ông Nhạ cho biết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT có liên quan đến rất nhiều Bộ ngành, trong đó có Bộ Công an, Bộ Giao thông, Thanh tra Chính phủ… Bởi vậy, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải có lãnh đạo UBND tỉnh là Trưởng ban chỉ, phó trưởng ban và các uỷ viên là đại diện của các Sở, ban ngành liên quan.
“Việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan là nhiệm vụ rất quan trọng. Tôi đề nghị các cấp uỷ chính quyền địa phương có chỉ đạo, quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung cụ thể trong thực hiện tổ chức kỳ thi này. Địa phương cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi, để chuẩn bị chu đáo các khâu, tránh tiềm ẩn các rủi ro. Năm nay chúng ta làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, sẽ là tiền đề để những năm tiếp theo thực hiện ổn định, an toàn kỳ thi, chỉ bổ sung công nghệ để làm kỳ thi nhẹ nhàng hơn”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm 2020 với mục đích chính là để xét tốt nghiệp THPT nhưng thực tế rất nhiều trường đại học sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Do đó, các trường ĐH, CĐ cũng cần có trách nhiệm trong kỳ thi. Dù không trực tiếp tham gia công tác chấm thi, coi thi, song các trường vẫn cần tăng cường tham gia vào công tác kiểm tra, thanh tra của kỳ thi. Đội ngũ tham gia thanh tra, kiểm tra không chỉ cần đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải có đạo đức chính trị tốt, trách nhiệm, được tuyển chọn kỹ lưỡng và tập huấn bài bản.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định việc thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ có sự tham gia của 3 cấp thanh tra Bộ GD-ĐT, thanh tra tỉnh, thanh tra Sở GD-ĐT. Lực lượng này, sẽ “phủ kín” hoạt động thanh – kiểm tra tại các điểm thi và thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp, bảo đảm hiệu quả. Kỳ thi cũng sẽ có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ./.
Học sinh Hà Nội sẽ 'thi thử' tốt nghiệp THPT 3 lần trên máy tính
Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức 3 lần kiểm tra khảo sát chất lượng đối với học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức 3 đợt "thi thử" tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 - ẢNH M.C
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa cho biết, để chuẩn bị cho học sinh lớp 12 năm học 2019 - 2020 đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Sở phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) sẽ tổ chức 3 lần kiểm tra khảo sát chất lượng đối với lớp 12 trên phần mềm mang tên Hanoi study.
Cụ thể, lần thứ nhất diễn ra vào các ngày 29, 30 và 31.5. Lần thứ hai vào các ngày 19, 20 và 21.6. Lần thứ ba vào các ngày 10, 11 và 12.7.
Mỗi đợt kiểm tra, khảo sát sẽ được tiến hành như quy định của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, do kiểm tra trên máy nên không có môn ngữ văn (môn duy nhất của kỳ thi tốt nghiệp theo hình thức tự luận).
Mỗi học sinh THPT dự kiểm tra sẽ làm 3 bài thi, trong đó có 2 bài bắt buộc (các môn toán, tiếng Anh) và 1 bài tự chọn khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Mỗi học sinh hệ giáo dục thường xuyên dự kiểm tra 2 bài, trong đó có 1 bài bắt buộc là môn toán và 1 bài tự chọn khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý).
Các bài kiểm tra khảo sát lớp 12 được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Học sinh làm bài khảo sát tại nhà, ngoài giờ học trên lớp. Ngay sau mỗi lần kiểm tra khảo sát, phần mềm thông báo kết quả bài làm cho học sinh và có phân tích phổ điểm của từng môn đối với từng đơn vị trường học, chỉ ra các câu làm bài bị sai so với đáp án; các tổ, nhóm chuyên môn của từng đơn vị căn cứ vào kết quả khảo sát, phân tích và tìm ra các điểm yếu, hạn chế của học sinh và ngay sau đó có các biện pháp ôn tập củng cố, bổ sung kịp thời kiến thức cho học sinh.
Thông qua các lần kiểm tra khảo sát, giáo viên bộ môn nắm được những điểm còn yếu, hạn chế của học sinh và có các biện pháp bồi dưỡng kịp thời để khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Ngoài ra, qua kỳ kiểm tra khảo sát, học sinh sẽ tự rút ra được kinh nghiệm trong việc làm bài, xác định được những phần kiến thức còn yếu cần khắc phục; cha mẹ học sinh thông qua giám sát việc học sinh làm bài sẽ hiểu và nắm được những điểm mạnh, yếu của học sinh, từ đó có giải pháp phù hợp trong việc phối hợp với nhà trường để giáo dục học sinh, giúp học sinh phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, để các kỳ khảo sát đạt hiệu quả cao nhất, Sở đã yêu cầu các trường rà soát công tác chuẩn bị, tổ chức họp cha mẹ học sinh để phối hợp trong công tác bố trí thiết bị, giám sát việc làm bài của học sinh; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn trực tiếp phối hợp với cha mẹ học sinh chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, đường truyền internet) phục vụ cho kiểm tra khảo sát.
Các trường cũng đã tiến hành rà soát và có giải pháp đối với những học sinh hoàn cảnh khó khăn không có đủ phương tiện để tham gia khảo sát (bố trí cho học sinh làm bài khảo sát tại trường, cho học sinh mượn thiết bị nhà trường, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân có điều kiện tài trợ), đảm bảo cho tất cả học sinh lớp 12 đều được tham dự các lần kiểm tra khảo sát.
TP HCM: Các trường trung học hoàn thành kiểm tra học kỳ 2 vào ngày 30/6 Đây là một trong những quy định trong hướng dẫn dạy học, kiểm tra học kỳ và số cột điểm kiểm tra đánh giá học kỳ 2 năm học 2019-2020 của Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh từ giờ tới khi kết thúc năm học. Theo đó, để tổ chức dạy học và thực hiện kiểm tra, đánh giá phù hợp với điều...