TT Trump phát biểu về virus nhưng không quên bài ngoại và tranh cử
Bài phát biểu của Tổng thống Trump để trấn an người dân Mỹ giữa dịch bệnh dường như càng gây thêm hoang mang với giọng điệu bài ngoại, quân phiệt và nhầm lẫn tai hại.
Bài phát biểu phòng Bầu dục đầu tiên của ông Donald Trump – dấu mốc quan trọng của các tổng thống Mỹ vào giờ vàng trên truyền hình – đến vào tháng 1/2019 trong bối cảnh chính phủ đóng cửa một phần, khi ông khăng khăng rằng chỉ có bức tường biên giới mới có thể ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp nguy hiểm.
Theo Guardian, bài phát biểu thứ hai của ông vào tối 11/3 một lần nữa tràn ngập luận điệu về sự cần thiết phải chống lại “sự xâm lược của nước ngoài” và đổ lỗi cho người khác.
Vấn đề là virus corona đã ở bên trong nước Mỹ và đang lan rộng.
Ông Trump nói về phản ứng của Mỹ đối với virus corona từ Phòng Bầu dục. Ảnh: Reuters.
Cuộc chiến chống “virus ngoại lai”
Thông điệp được người đàn ông 73 tuổi đọc bằng giọng như nghẹt mũi dường như không cho thấy bức tranh tươi sáng về sức khỏe. Khẳng định táo bạo của ông tuần trước – “Tôi thích thứ này. Tôi thực sự hiểu. Có lẽ tôi có năng khiếu” – dường như còn đáng kinh ngạc hơn trước.
Bài phát biểu quốc gia từ phòng Bầu dục thường dành cho những khoảnh khắc quan trọng khi tổng thống đóng vai trò tổng tư lệnh hay thống soái.
Sau khi phi hành đoàn tàu con thoi Challenger chết trong thảm họa năm 1986, Ronald Reagan hứa: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên họ, cũng như lần cuối chúng ta nhìn thấy họ, sáng nay, khi họ chuẩn bị cho cuộc hành trình và vẫy tay tạm biệt và ‘vút lên khỏi bề mặt gồ ghề của Trái Đất’ để ‘chạm vào khuôn mặt của Chúa’”.
George W Bush đã đọc hàng chục bài phát biểu từ phòng Bầu dục, bao gồm đêm xảy ra vụ khủng bố 11/9. Barack Obama có ba bài phát biểu.
Ông Trump thường chống lại truyền thống – đã đúng một năm kể từ cuộc họp báo cuối cùng của Nhà Trắng – nhưng ông thậm chí không còn thấy chúng cần thiết hoặc hữu ích.
Video đang HOT
Hôm 11/3, ông mặc bộ suit màu xanh, áo sơ mi trắng và cà vạt có hoa văn màu xanh – không phải màu đỏ yêu thích của ông. Ông cũng đeo huy hiệu sao và sọc và khoanh tay trước mặt. Khuôn mặt ông ửng màu cam. Đằng sau ông là những bức ảnh đóng khung, bao gồm chân dung của cha mẹ ông, cùng những lá cờ và rèm cửa màu vàng.
Lúc 19h02, ông Trump bắt đầu như những tổng thống khác thường làm: “Những đồng bào Mỹ của tôi”. Nhưng trong những câu tiếp theo, ông trở lại giọng điệu quen thuộc của chủ nghĩa dân tộc, về “chúng ta đối đầu với họ”, đề cập đến sự bùng phát virus corona “bắt nguồn từ Trung Quốc” và đang lan rộng khắp thế giới.
“Đây là nỗ lực tích cực và toàn diện nhất để đối đầu với virus ngoại lai trong lịch sử hiện đại”. Không chỉ là một virus, mà là “virus ngoại lai”.
“Du khách châu Âu gieo mầm dịch bệnh ở Mỹ”
Tổng thống ca ngợi những quyết định hạn chế đi lại của ông với người đến từ Trung Quốc và, ngoài việc bày tỏ sự thông cảm và đoàn kết với các đồng minh, lập luận rằng Liên minh châu Âu “đã không thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự và hạn chế đi lại từ Trung Quốc và các điểm nóng khác. Kết quả là, số lượng lớn cụm lây nhiễm ở Mỹ được gieo mầm bởi khách du lịch từ châu Âu”.
Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ cấm khách du lịch từ nhiều nước châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày tới với ngoại lệ cho người Mỹ, thường trú nhân và gia đình của công dân Mỹ đã trải qua sàng lọc và cả Vương quốc Anh, mặc dù nước này có số ca nhiễm cao hơn một số nước châu Âu khác.
Một y tá cầm các mẫu xét nghiệm của bệnh nhân từ một trạm kiểm tra tài xế tại Trung tâm Y tế UW Tây Bắc ở Seattle, ngày 9/3. Ảnh: Reuters.
Ông nói rằng “những lệnh cấm này sẽ không chỉ áp dụng cho số lượng lớn thương mại và hàng hóa, mà còn nhiều thứ khác khi chúng tôi được phê duyệt”. Guardian nhận định đó là một phát ngôn “vụng về khủng khiếp” và những từ như vậy có thể gây ra hoảng loạn kinh tế toàn cầu.
Ông Trump buộc phải nhanh chóng làm rõ trên Twitter: “tất cả quốc gia và doanh nghiệp cần biết rằng thương mại sẽ không bị ảnh hưởng bởi hạn chế 30 ngày đối với việc đi lại từ châu Âu. Hạn chế ngăn cản người, không phải hàng hóa”.
Ông tiếp tục nói về mầm bệnh như thể đó là đội quân nước ngoài hoặc mạng lưới khủng bố. “Virus này sẽ không có cơ hội chống lại chúng ta. Không có quốc gia nào được chuẩn bị hoặc kiên cường hơn Mỹ”, ông nói.
Giữa lúc khẩn cấp, ông Trump vẫn không thể không vận động tranh cử. “Nhờ những chính sách kinh tế mà chúng tôi đã đưa ra trong ba năm qua, chúng ta có nền kinh tế lớn nhất ở bất cứ nơi nào trên thế giới cho đến nay”, ông nói.
“Đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính, đây chỉ là một khoảnh khắc tạm thời mà chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua như một quốc gia và như một thế giới”.
Nhiều nhà quan sát nhận thấy bài phát biểu không có tác dụng trấn an và hết sức kỳ lạ. Susan Glasser, cây bút của New Yorker, viết trên Twitter: “Ngôn ngữ quân phiệt, dân tộc chủ nghĩa trong bài phát biểu của ông Trump tối nay rất rùng mình: một ‘virus ngoại lai’, tránh xa Trung Quốc và châu Âu”.
David Litt, người chấp bút cho các bài phát biểu của cựu tổng thống Obama, chia sẻ: “Phân tích tu từ cẩn thận của tôi là ông ấy sẽ khiến tất cả chúng ta bị giết”.
Bài phát biểu từ phòng Bầu dục thứ hai của ông Trump kết thúc sau 10 phút. Sau đó, một người đàn ông tắt camera nói: “Chúng ta xong rồi”. Tổng thống đã cởi nút áo khoác của mình và kêu lên nhẹ nhõm: “OK!”.
Đối với hàng triệu người xem, mọi chuyện có vẻ không ổn chút nào, bài viết của Guardian kết luận.
Theo news.zing.vn
Iran - Trung Quốc: Những lý do khiến Mỹ và châu Âu ngày càng xa nhau
Xung đột với Tehran, thương mại với Trung Quốc, sự nóng lên toàn cầu - các đối tác xuyên Đại Tây Dương không thể đồng ý với Mỹ về bất cứ điều gì.
Việc Mỹ giết tướng Iran Qasem Soleimani đã kích động một sự chia rẻ khác trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, dù cho nó vốn không ở trong tình trạng tốt nhất - tờ Hill viết. Xung đột với Iran, thương mại với Trung Quốc, sự nóng lên toàn cầu - các đối tác xuyên Đại Tây Dương không thể đồng ý với Mỹ về bất cứ điều gì.
Nhiều người ở EU đổ lỗi cho người đứng đầu Nhà Trắng, Donald Trump, và rõ ràng một phần trách nhiệm chắc chắn thuộc về ông - tác giả bài viết thừa nhận. Nhưng nguyên nhân của sự căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và người châu Âu nằm ở sâu xa hơn. Và nếu không có gì thay đổi, vào những năm 2020, Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục rời xa nhau, bất kể ai có ngồi vào Phòng Bầu dục.
Trong những năm 2020, châu Âu và Mỹ có thể ngày càng cách xa nhau. (Ảnh: Reuters)
Đây không phải là lần đầu tiên người Mỹ và người châu Âu bất đồng ý kiến - ấn phẩm lưu ý. Nhưng những sự bất đồng trước đó hoàn toàn mang tính chất chính trị. Hiện giờ, người ta đang đặt ra câu hỏi về chính quan niệm và giá trị của liên minh xuyên Địa Tây Dương.
Ông Trump trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ không những không ủng hộ mà còn làm suy yếu sự liên kết châu Âu, xem EU không phải là đồng minh, mà là đối thủ, và gây ra sự không tin tưởng trong các đối tác NATO.
Nhiều người châu Âu cho rằng, sau khi khi ông Trump rời khỏi vị trí Tổng thống, sự bất đồng sẽ chấm dứt. Và, có lẽ, người kế nhiệm ông ấy thực sự sẽ có thể làm giảm mức độ căng thẳng, nhưng "tuần trăng mật" sẽ không kéo dài lâu. Người châu Âu sẽ thất vọng, bởi những lý do chính cho sự bất đồng vẫn sẽ không biến mất. Có tất cả 5 lý do.
Lý do đầu tiên là vấn đề chi tiêu quốc phòng. Nhiều khả năng, người châu Âu sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của người Mỹ.
Thứ hai là quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tiếp tục thắt chặt lập trường về quan hệ với Bắc Kinh, người châu Âu vẫn chưa lựa chọn giữa chính an ninh mà người Mỹ bảo đảm với thương mại, cũng như quan hệ đầu tư với Trung Quốc.
Lý do thứ ba là trong tương lai, Nhà Trắng sẽ mất sự hứng thú với châu Âu, chuyển toàn bộ sự chú ý sang khu vực Thái Bình Dương, nơi sẽ xảy ra chiến tranh lạnh với Trung Quốc.
Thứ tư, trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các cường quốc khác, Mỹ sẽ ngày càng khó khăn trong vai trò "cảnh sat toàn cầu". Điều đó có nghĩa là người châu Âu sẽ phải xây dựng mối quan hệ với các quốc gia khác, bao gồm Nga và Trung Quốc.
Và cuối cùng, trong những năm gần đây, người châu Âu đã quá quen với việc bất đồng quan điểm với Mỹ. " Và rượu đơn giản sẽ được đổ lại chai" - tờ Hill cảnh báo.
Bên cạnh đó, mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương là rất quan trọng đối với cả EU và Mỹ, bởi trong thập kỷ mới, họ sẽ phải đối đầu với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc -tác giả giải thích. Và để thay đổi tình hình, cần phải làm gì đó.
Một thỏa thuận thương mại mới có thể giúp kéo châu Âu ra khỏi Trung Quốc, thiết lập các quy chuẩn thế giới mới và " các quy tắc của trò chơi". Nhà Trắng và Brussels cần xây dựng chính sách chung đối với Iran, Nga, Trung Quốc, Syria, cũng như cùng nhau tìm ra câu trả lời cho những thách thức khác.
Ngoài ra, người Mỹ và người châu Âu nên một lần nữa " đổi mới lời tuyên thệ của mình" và khẳng định lại cam kết với NATO, biến liên minh này không chỉ thành nền tảng quân sự, mà còn thành nền tảng chính trị.
Thật không may, tất cả điều này là không thể - tờ Hill viết. Và cho đến khi tình hình chưa thay đổi, người châu Âu cần thoát khỏi ảo tưởng rằng, những căng thẳng sẽ mất một cách kỳ diệu sau khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump kết thúc. " Nếu không có gì được thực hiện, trong thập kỷ tới, Đại Tây Dương sẽ lớn hơn, chứ không nhỏ đi - bất chấp kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11" - tờ báo kết luận.
VĂN ĐỨC (Nguồn: Hill)
Theo vtc.vn
Luận tội ông Trump: Cố vấn Nhà Trắng đóng vai trò gì trong phiên tòa Thượng viện? Tổng thống Trump hôm 19/12 cho biết cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone sẽ giữ vai trò luật sư bào chữa hàng đầu của ông tại phiên tòa luận tội tại Thượng viện. "Đúng, dường như vậy", ông Trump nói với các phóng viên trong Phòng Bầu dục . "Chúng tôi có một vài người khác nữa, nhưng Pat Cipollone thật tuyệt vời...