TT-Huế: Hàng ngàn giáo viên chậm nhận tiền trợ cấp khó khăn
Đã quá hạn định gần 3 tháng nhưng hàng ngàn giáo viên tại tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp khó khăn của chính phủ được cấp từ các Phòng GD, Sở GD-ĐT tại tỉnh này.
Ngày 30/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 471/QĐ-TTg về việc trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn.
Theo đó, các giáo viên có mức lương dưới 3,00 sẽ được Nhà nước trợ cấp khó khăn 250.000 đồng/người. Việc chi trả trợ cấp khó khăn cho các đối tượng theo quy định của sẽ được các tỉnh thực hiện 2 lần vào quý II (từ đầu tháng 4 đến hết tháng 6) năm 2011.Thế nhưng cho đến nay (tháng 9/2011 – quá hạn định gần 3 tháng) nhưng đa số các giáo viên ở cả 3 cấp: tiểu học, THCS, THPT cùng các Trung tâm GDTX tại tỉnh TT-Huế vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp này.
Ngày 7/9, PV Dân trí tại TT-Huế đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Trần Duy Hân, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch, Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế về vấn đề này. Ông Hân cho biết “Tại sở quản lý 61 đơn vị giáo dục (gồm tất cả trường THPT, Trung tâm GDTX, 1 trường THCS, 2 trường nội trú và Văn phòng Sở GD-ĐT) với tổng số 2.061 giáo viên và nhân viên được nhận trợ cấp. Do Sở Tài chính giao kinh phí cho Sở chúng tôi vào cuối tháng 7 với số tiền hơn 515 triệu đồng đúng vào dịp nghỉ hè của các trường học nên không thể chuyển kịp về trường được.
Chúng tôi đã thông tin tới các kế toán nhà trường linh động trả trước cho giáo viên ngay trong hè nếu trường còn dư quỹ nhiều. Còn lại, Sở sẽ đưa hết tiền về các trường trong đầu năm học mới trên cơ sở dự toán của trường gửi lên Sở. Vì vậy nên đã có sự chậm trễ như các anh thông tin”.
Video đang HOT
Đơn dự toán xin trợ cấp khó khăn của Trung tâm GDTX Hương Thủy với số tiền 3.750.000đ vừa được Sở GD-ĐT Thừa Thiên – Huế duyệt ngày 1/9. Đây là một trong rất nhiều đơn vị giáo dục bị phát tiền chậm so với kế hoạch đề ra.
Ông Hân cũng cho biết thêm là sẽ cố gắng làm nhanh công việc để các giáo viên không mất thời gian chờ đợi. “Tuy vậy cũng đã có khá nhiều trường được nhận tiền, chúng tôi sẽ làm thống kê toàn bộ và gửi cho các anh vào ngày mai (8/9 – PV). Nhiều trường ở vùng sâu vùng xa do có lực lượng giáo viên trẻ nhiều nên nhận được nhiều tiền hơn. Ví dụ như Trường THPT Vinh Xuân có 64 cán bộ, giáo viên được nhận, Trường THPT Hà Trung có 71 người. Nhưng tổng lại thì số tiền trên cũng không nhiều lắm. Trường nhiều nhất trong đợt này cũng chỉ nhận 17 triệu đồng, trường thấp nhất là 1 triệu đồng” – ông Hân nói.
Cũng theo thông tin chúng tôi được biết, tại nhiều trường cấp 1, 2 tại các huyện trong tỉnh TT-Huế cũng đang chờ đợi tiền trợ cấp từ Phòng Giáo dục huyện chuyển về. Đã có một số trường được nhận tiền nhưng phần lớn vẫn đang “dài cổ” chờ đợi.
Theo Dân Trí
Hướng dẫn giảm tải chương trình SGK: Tải chưa hết nội dung giảm
Chỉ được đưa ra lấy ý kiến 2 tuần trước ngày khai giảng cho cả 3 cấp học và hiện nay năm học mới đã bắt đầu nhưng hướng dẫn giảm tải chương trình SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn mới được "nghe nói" ở các trường.
Đáp lại sự chờ đợi và kỳ vọng của xã hội, giảm tải lần này chủ yếu chỉ tập trung ở phần bài tập, kèm cả sửa lỗi chính tả...
Hữu danh vô... nghĩa!
Chiều 6/9, ngày học thứ hai năm học 2011-2012, các trường cho biết chưa nhận được bất cứ văn bản hướng dẫn nào từ Sở GD-ĐT về việc giảm tải chương trình SGK được áp dụng chính thức từ năm học này. Thầy Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) cho biết: "Mấy ngày nay, chúng tôi vẫn trong tư thế nghe ngóng. Thông tin trên mạng nhiều nhưng chưa thấy văn bản hướng dẫn chính thức nào".
Trong khi đó, nội dung giảm tải ở một số môn như Vật lý khối 10, Địa lý khối 10, Hóa học khối 12, Sinh học cả 3 khối lớp 10, 11, 12... có nội dung giảm tải ngay từ bài 1 nhưng với tình hình hiện nay, các thầy cô khó lòng áp dụng.
Song, khi tham khảo nội dung giảm tải trên mạng, thầy Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM) bày tỏ: "Mang tiếng là giảm tải chương trình nhưng thực chất những phần được giảm rất vụn vặt, chủ yếu nằm ở phần bài tập, lác đác vài thí nghiệm nhỏ ở trong bài giảng. Như vậy, giảm hay không giảm không khác nhau mấy".
Một phụ huynh ở Hà Nội đang chọn mua sách giáo khoa cho con vào đầu năm học mới. (Ảnh: Quỳnh Anh)
Đồng quan điểm, cô Dương Thu Trang, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TPHCM) cho biết nội dung giảm tải môn Văn tập trung chủ yếu ở hai khối lớp 10 và 11. Đây là hai khối lớp đã được Sở GD-ĐT giao quyền tự chủ ra đề thi cho các trường nên dù không giảm tải, mỗi trường cũng tự giới hạn chương trình cho học sinh trường mình. Trong khi đó, khối 12 vốn chịu nhiều áp lực thi cử nhất nhưng theo hướng dẫn giảm tải của bộ, chỉ giảm đúng 1 bài "Nhân vật giao tiếp", trong khi bài này không nằm trong chương trình thi cử. Do đó, mang tiếng là giảm tải nhưng thực chất chương trình học không có bất kỳ thay đổi nào.
"Mặc dù chưa được triển khai chính thức nhưng hướng dẫn giảm tải của bộ không khiến nhiều giáo viên dạy Văn như tôi quan tâm vì có giảm cũng như không", cô Trang chia sẻ.
Riêng phần giảm tải chương trình Anh văn khối 8, có đến 4/10 nội dung giảm tải dành cho việc sửa lỗi chính tả như sửa "ansers" thành "answers" (bài tập 2, unit 6, trang 57), thay "to" thành "from" (dòng thứ 6 từ dưới đếm lên, unit 15, trang 145), "Delhi" thành "New Delhi" (dòng cuối cùng, unit 15, trang 145)...
Nội dung giảm tải môn Sinh học lớp 12 cũng có phần thay đổi từ vựng "giải thích" thành "nêu cơ chế..." (bài 3, chương 1, trang 15). Như vậy, phải chăng văn bản hướng dẫn giảm tải đã làm nhiệm vụ của một tờ đính chính? Và như thế, mục tiêu giảm tải theo hướng "cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết đối với học sinh" do Bộ GD-ĐT đề ra có còn ý nghĩa?
Giảm tải xuất phát từ nhu cầu người học
Nhiều năm qua, ngành giáo dục cứ luẩn quẩn mãi trong nhiệm vụ giảm tải nhưng càng giảm, chương trình lại bộc lộ nhiều bất ổn, áp lực học hành, thi cử vẫn đè nặng lên vai học sinh. Vì sao? Hiện nay, hầu hết các trường đều dạy theo áp lực của kỳ thi đại học. Rất nhiều kiến thức trong các đề thi đại học nằm ngoài chương trình giáo dục cơ bản của bậc phổ thông. Do đó, nếu không cải tiến cách ra đề và chấm thi ở bậc đại học, giảm tải chương trình phổ thông dù có cũng không được nhiều giáo viên và học sinh quan tâm.
Đơn cử như phần giảm tải kiến thức năm nay ở bộ môn Vật lý lớp 11, văn bản hướng dẫn bỏ hẳn phần năng lượng tụ điện, một trong những nội dung quan trọng nhất của kỳ thi đại học. Như vậy, liệu các thầy cô có yên tâm giảm tải?
Trong khi đó, ở môn Ngữ văn lớp 12, cô Dương Thu Trang, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) bày tỏ: "Chương trình tập trung vào các tác phẩm trung đại quá nhiều, trong khi đó hầu hết các tác phẩm đều mang chủ đề chung là yêu nước, vốn đã được giới thiệu chung ở các bài khái quát từng thời kỳ văn học lịch sử. Thay vào đó, mảng văn học đương đại, vốn phù hợp với lối sống, cách suy nghĩ các em hơn lại chưa được quan tâm đúng mức".
Nhiều ý kiến cho rằng, một khi muốn giảm tải chương trình, cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục hiện nay là gì, học để phục vụ những yêu cầu gì trong xã hội, từ đó mới có những hướng dẫn giảm tải căn cơ và hiệu quả.
Mặt khác, theo kế hoạch của ngành giáo dục, năm 2015 cả nước sẽ trải qua một đợt thay mới sách giáo khoa. Nhưng với các diễn biến giảm tải hiện nay mới dừng ở việc nhặt sạn, chương trình khung chưa có chắc chắn ngành giáo dục sẽ còn rất nhiều việc phải làm.
Theo Dân Trí
Bộ GD-ĐT công bố toàn cảnh xét tuyển NV2 Truy cập vào địa chỉ www.monet.gov.vn để biết chi tiết từng khối ngành, chỉ tiêu, điều kiện xét tuyển NV2 của từng trường. Bộ GD-ĐT vừa công bố toàn cảnh NV2 của các trường ĐH, CĐ trên cả nước, gồm chỉ tiêu, thông tin ngành học, điểm xét tuyển... Bộ cũng đề nghị sở GD-ĐT các địa phương phải gửi thông báo điều...