TS Vũ Thu Hương: Để con cô độc là dễ rơi vào tâm điểm của nhóm thích bắt nạt
Những ngày qua dư luận vô cùng xôn xao về những vụ bạo hành dã man trong trường học, đã đến lúc cha mẹ nên nhìn nhận lại và nghiêm túc hơn trong việc dạy con ứng phó với bạo lực.
Việc trẻ đi học bị bắt nạt, hành hung ở trường luôn là điều khiến cha mẹ phải lo ngại và có nhiều trường hợp trẻ bị đe dọa không dám kể với bố mẹ những chuyện đã trải qua, và khiến mọi chuyện ngày càng tồi tệ hơn.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội) đã có bài viết chia sẻ về cách cha mẹ dạy con phòng tránh và ứng phó với bạo lực như sau:
“DẠY CON PHÒNG TRÁNH VÀ ỨNG PHÓ VỚI BẠO LỰC
1. CHỌC CHO NÓ TỨC. Nghe phương pháp này có vẻ rất trái tai nhưng đúng thế các mẹ ạ. Nếu con mình hiền, phải chọc cho nó tức lên để nó bùng phát cơn điên khi quá sức chịu đựng. Chỉ khi con nhìn thấy con bùng lên và mọi sự trêu chọc chấm dứt, con mới hiểu phải làm gì khi bị bắt nạt. Tớ ngày xưa cũng thế, khùng lên cái thấy ổn liền nên sau đó đanh đá dần lên.
Tớ đã làm việc này ngay khi con dưới 2 tuổi và làm liên tục. Dì con Péo tiếp tay cho mẹ nó vụ này rất nhiệt tình. Vậy mà, tin không, nó bị trêu liên tục tận hơn 2 năm mới phát khùng lên. Một ngày đẹp trời, nó điên tiết lao vào cắn cấu, đánh dì ầm ầm. Lúc này, tớ xử cả em gái lẫn con. Dặn con không được đánh nhưng cũng cấm dì không trêu cháu nữa. Bước 1 đã xong.
2. KHÔNG BAO GIỜ BẠO LỰC VỚI CON. Với 1 người chẳng bao giờ đánh ai như tớ thì việc này quá dễ. Tuy nhiên, nếu các bố mẹ là người đã từng cáu lên mà đánh ai đó thì cần phải tìm cách xử lý tính cách của mình đi. Bạo lực với con, nó chịu quen rồi, ra đời nó bị ăn đòn thì cũng chịu đựng đó. Đến lúc ấy, nó khổ sở đủ đường, các bố mẹ có phải là đã tiếp tay cho kẻ bắt nạt con mình không?
Tiến sĩ Vũ Thu Hương hiện là Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội)
3. PHẠT NGHIÊM NẾU CON CÓ TÍNH HAY TRÊU CHỌC (LÀM PHIỀN) NGƯỜI KHÁC. Nói chung, ngoài việc hiền quá ra, nếu con hay trêu bạn, hay thích làm phiền người khác thì con cũng sẽ rất dễ bị ăn đòn. Vì thế, các cha mẹ phải xử lý nghiêm các trường hợp con hay trêu chọc và đánh bạn. Phạt thật lực và phạt thứ mà con sẽ thấy tiếc nuối lắm (ví dụ: cả nhà ăn kem mà con nhịn, cả nhà chơi món gì đó mà con ngồi nhìn…). Khi đó con sẽ dần rút kinh nghiệm và bớt trêu chọc làm phiền người khác.
Video đang HOT
4. LÀM BẠN VỚI CON ĐỂ BIẾT MỌI VIỆC. Khi cha mẹ luôn là bạn bè, con sẽ khắc nói ra mọi chuyện của mình. Nếu cha mẹ luôn xa cách, con sẽ chẳng bao giờ chia sẻ. Luôn nói với con bằng luật nhưng lúc thường ngày thì trêu đùa và chia sẻ mọi thứ trên trời dưới bể với con, nó sẽ coi bố mẹ là bạn. Tôn trọng nó, chia sẻ mọi điều hay dở với nó, nó sẽ thật sự tin tưởng bố mẹ.
5. KHÔNG ĐỂ CON CÔ ĐỘC. Nếu biết con mình khó kết bạn, các bố mẹ phải tạo ra cách để con tự kết bạn. Con ở lớp mà chỉ lủi thủi một mình thì rõ là dễ rơi vào tâm điểm của nhóm thích bắt nạt. Vì thế, phải dạy con kết bạn.
Cách hay nhất là mua cho con độ hơn 10 gói kẹo. Mỗi ngày cho con 1 gói và bảo con phát tặng các bạn bè con thích. Hỏi con về những bạn con đã phát kẹo: mẹ bạn tên gì, nhà bạn có chó/mèo không?… để con buộc phải giao tiếp với bạn. Sau 10 ngày, đứa trẻ liên tục có kẹo đó sẽ có hẳn 1 nhóm bạn chơi chung. Khi đó, bắt nạt nó chẳng dễ tí nào.
6. KHI CON BỊ TẨY CHAY/BẮT NẠT HÃY CỔ VŨ CON TỰ XỬ LÝ. Thường thì khi con bị tẩy chay/bắt nạt, các bố mẹ nóng máu lên thường sẽ lao đến trường để xử hộ con hoặc mách thày cô giáo. Nếu vậy, con sẽ bị trả thù. Việc mình cần làm là bình tĩnh cùng con tìm cách đối phó.
Bố mẹ đừng xui con làm cái này cái kia mà hãy bảo con tự nghĩ cách xử lý. Nếu cần khuyên, chỉ cần nói: Ngày xưa bố/mẹ bị …. bố/mẹ đã làm…. và kết quả là…. Đứa trẻ sẽ tham khảo lời khuyên đó và xử lý một cách tự tin vì nghĩ rằng mình đã tự tìm ra cách chứ không cần ai giúp. Điều này sẽ khiến con mạnh mẽ hơn.
7. DẠY CON ỨNG PHÓ KHI BỊ BẠO HÀNH. Các bố mẹ hãy đặt ra các tình huống khác nhau như túm tóc, đá vào lưng, giật áo…. và bảo con nghĩ cách ứng phó. Tối nào cũng làm việc này thì con sẽ tự hình thành được thói quen tự vệ hết sức bản năng. Đến lúc đó, động vào con chẳng dễ tí nào.
Các mẹ ạ, xã hội mà. Có những bạn đáng yêu thì cũng có những con quỷ đội lốt người. Tìm cách giáo dục con là cách hay nhất để con sống tốt. Chúc các bố mẹ thành công”.
TS Vũ Thu Hương hiện là giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Chị cũng là người thường xuyên chia sẻ những bài viết trên trang cá nhân giúp các bố mẹ hiểu rõ hơn tâm lý trẻ nhỏ hơn cũng như truyền cảm hứng cho nhiều bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con.
Theo Helino
Từ chuyện cậu bé 13 tuổi đạp xe 103km: Thay vì xiềng xích con bằng nỗi sợ hãi, bố mẹ hãy dạy con kỹ năng
Câu chuyện về cậu bé Vì Quyết Chiến 13 tuổi đạp xe hơn 100km với ước muốn được thăm em đang nằm viện dưới Hà Nội đã chia đôi mạng xã hội. Bên thì thương và cảm mến cậu bé. Bên thì giận vì lo lắng. Nhưng cả hai "phe" dường như đều bỏ qua một điều...
Nhiều bạn phóng viên hỏi tôi: Anh thuộc phe nào? Tôi chẳng biết trả lời sao nữa.
Thực ra, cách đây 6 năm, khi cậu nhóc Hoàng Gia Bách của tôi mới 7 tuổi, cậu ấy cũng đã từng khiến tôi thót tim như thế. Khi cậu dắt theo cô em gái Trà My mới 6 tuổi vượt một quãng đường chỉ chừng 3 con phố thôi nhưng cũng nườm nượp xe cộ. Chỉ là bởi cậu nhóc ấy muốn ra chỗ ông nội cậu hay đánh cầu lông.
Tôi khi đó cũng thót cả tim khi nghe điện thoại ông nội báo về việc đó. Là may mắn giờ đó ông nội chưa rời khỏi sân cầu lông. Là may mắn trên con đường cậu nhóc đó qua không xảy ra vụ tai nạn nào. Là may mắn cho tôi, một người cha hay lo lắng, khi con mình đã có một hành trình ngây thơ như thế.
Lần ngược lại hơn 30 năm về trước, khi tôi cũng mới chỉ là cậu nhóc 5 tuổi, đang học mẫu giáo lớn trên phố Nguyễn Hữu Huân. Một buổi tan học nọ, thay vì đứng chờ bố đến đón, cậu nhóc tôi hồi đó cũng lén trốn cô giáo băng qua 3 dãy phố: Hàng Mắm- Hàng Bạc để về đến Hàng Bồ, nhà tôi hồi đó.
Khi đó, cậu nhóc Hoàng Anh Tú chỉ nghĩ rằng con đường từ nhà đến trường ngồi sau xe đạp của bố cũng đâu có quá xa. Khi người ta đã vô cùng "người nhớn" rồi, sắp làm anh trai trưởng rồi (mẹ tôi lúc đó đang mang bầu em gái tôi) thì đoạn đường ngắn xíu ấy làm sao ngăn nổi ước mơ hành trình của mình?
Tôi sau lần đó đã bị bố tôi đánh cho một trận quắn đít. Đến lớp cô giáo vẫn chưa nguôi giận nhốt vào nhà vệ sinh tối om phạt một chập. Thằng tôi khi đó chỉ biết rấm rứt khóc vì không hiểu nổi vì sao mình đã làm được điều kỳ vỹ như thế mà phải chịu ăn đòn, phải chịu bị phạt.
Thế nên, khi tôi đến đón cậu nhóc Hoàng Gia Bách của tôi, tôi đã không phạt cậu nhóc ấy. Thay vì thế, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện như hai người đàn ông đã trưởng thành. Tôi dạy cậu những kỹ năng và phân tích cho cậu ấy về việc chúng ta không thể vượt biển chỉ bằng một con thuyền nan.
Trở lại cậu bé Vì Quyết Chiến, bao nhiêu người đang như bố tôi, cô giáo tôi trước kia? Bao nhiêu người cha, người mẹ khi chứng kiến con mình làm điều gì đó nguy hiểm là ngay lập tức trách mắng, bắt phạt? Liệu có bao nhiêu người cha, người mẹ nhìn thấu niềm tin ngây thơ của con?
Tình yêu, đôi khi trở thành thứ cùm gông bởi những bủa vây sợ hãi. Vì yêu con, nhiều bậc cha mẹ đã nhốt con trong những nỗi sợ hãi của chính mình. Nỗi sợ hãi đó làm cho họ chỉ thấy những hiểm nguy rình rập mà không nhìn thấy sâu thẳm trong đầu óc thơ ngây kia những khát khao, mơ mộng.
Không! Tôi cũng không ca ngợi hành trình hơn 100km với hàng chục con dốc đổ đèo khiến cả người lớn nhiều phen cũng hãi, chiếc xe đạp không phanh, bàn chân rướm máu của cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến. Cũng như cậu nhóc Hoàng Gia Bách của tôi, chúng ta hãy cùng nhau học thêm những kỹ năng để biến những niềm tin thơ ngây có thêm cơ sở. Đừng dạy con bằng sự sợ hãi của mình. Hãy tạm giấu đi nỗi sợ hãi vào trong để cùng con học từ chính những trải nghiệm đó.
Tôi của hơn 35 năm trước, cậu con trai của tôi 6 năm về trước và cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến hôm nay đều giống nhau như thế. Chúng tôi đều chẳng có nhiều kỹ năng ngoài trái tim tha thiết, niềm tin ngây thơ. Chúng tôi có thể phải trả giá bằng cả mạng sống của mình, khiến những người ở lại đau xót. Chúng tôi xứng đáng bị phạt vì điều đó - làm cho người khác phải lo lắng, sợ hãi.
Nhưng chúng tôi cũng xứng đáng để được cha mẹ ghi nhận về những điều mình đã làm chứ? Dù cho cách làm đó là sai phương pháp nhưng hãy cứ phải ghi nhận điều chúng tôi đã làm được chứ? Đừng nhốt chúng tôi trong sự sợ hãi của mọi người, đừng vùi dập chúng tôi bằng sự khôn ngoan từng trải của người lớn. Bởi, nếu người lớn nhớ lại đi, hồi bằng tuổi chúng tôi, chúng ta có ai không từng đôi lần "dại dột" như thế?
Nhìn rộng ra, bao nhiêu đứa trẻ đang sống trong vòng tròn mà bố mẹ chúng đã vẽ ra? Bao nhiêu đứa trẻ đã không dám bước ra khỏi vòng tròn đó vì chính những nỗi sợ hãi mà bố mẹ chúng đã truyền sang chúng? Bao nhiêu đứa trẻ đã không dám sai để lần sau làm đúng?
Vậy thì hôm nay, nếu bạn không muốn con mình phạm sai lầm như Vì Quyết Chiến, xin hãy dành nhiều thời gian cho con mình thêm những bài tập kỹ năng, tình huống. Điều đó hẳn tốt hơn nhiều so với việc lên mạng mắng mỏ cậu bé hay sa đà trong những cuộc tranh cãi có nên tung hô cậu bé này không? Tôi nghĩ điều đó hẳn sẽ tốt hơn nhiều.
Theo Helino
Tội ác dưới mái trường là tất yếu của sự dung dưỡng những điều dối trá Nếu còn giáo viên chủ nhiệm vô cảm như giáo viên chủ nhiệm của lớp 9A trường Trung học cơ sở Phù Ủng chắc chắn sẽ là đất dung dưỡng cho cái ác trong trường học Việc nữ sinh lớp 9 Trường trung học cơ sở Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên bị 5 học sinh khác đánh tàn bạo lan truyền...