Truyền hình IPTV giao thức OTT đang đầu tư mạo hiểm
Truyền hình IPTV giao thức OTT được xem là một xu thế tất yếu mà nhiều doanh nghiệp chạy đua để phát triển, nhưng do chưa có hành lang pháp lý nên thực tế các doanh nghiệp đang đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực này.
Từ đầu năm 2013 đến nay, thị trường đang chứng kiến sự thay đổi lớn trong công nghệ truyền hình, đó là cuộc đua của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền hình trong việc tung ra dịch vụ truyền hình phương thức mới – truyền hình IPTV giao thức OTT. Ảnh minh họa: Internet
Đua nhau phát triển ứng dụng IPTV trên OTT
Từ đầu năm 2013 đến nay, thị trường đang chứng kiến một sự thay đổi lớn trong công nghệ truyền hình, đó là cuộc đua của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền hình trong việc tung ra dịch vụ truyền hình phương thức mới – truyền hình IPTV giao thức OTT (Over The Top).
MyTV (dịch vụ của VNPT) đã thử nghiệm dịch vụ MyTV Net từ đầu năm 2012 và chính thức cung cấp từ đầu năm 2013, FPT Telecom cũng cung cấp dịch vụ FPT Play HD từ 1/3/2013, VTC ra mắt dịch vụ ZTV từ đầu năm 2013 và chính thức thu phí từ 1/1/2014. Mới đây, một thành viên khác của VNPT là VNPT Technology đã ra mắt thiết bị giải trí đa phương tiện VNPT TVSmart Box có tính năng cung cấp dịch vụ truyền hình IPTV giao thức OTT.
Với dịch vụ truyền hình IPTV truyền thống thì nhà cung cấp dịch vụ truyền hình truyền dẫn tín hiệu trên đường điện thoại cố định và ADSL, người dùng sẽ gắn một bộ chuyển đổi tín hiệu (set top box – STB) vào tivi là xem được truyền hình và dùng một số dịch vụ gia tăng khác. Do đó, để cung cấp IPTV truyền thống đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ truyền hình phải có hạ tầng mạng viễn thông (giống như VNPT, Viettel và FPT Telecom đang cung cấp) hoặc phải hợp tác với doanh nghiệp có hạ tầng mạng viễn thông mới có thể thương mại hóa dịch vụ (như VTC hợp tác với VNPT các tỉnh, thành).
Video đang HOT
Nhưng IPTV giao thức OTT có thể cho phép nhà cung cấp dịch vụ truyền hình phát triển trên mọi hạ tầng Internet. Tức là chỉ với một bộ thiết bị thông minh kết nối trên đường truyền Internet của bất cứ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nào là có thể cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Nhà cung cấp dịch vụ truyền hình chỉ cung cấp giải pháp và nội dung mà không phải lo đầu tư hạ tầng truyền dẫn.
Nhờ ưu điểm này mà IPTV trên OTT không chỉ giải được bài toán khó về đầu tư hạ tầng truyền dẫn mà còn biến chiếc tivi thường thành SmartTV với mức chi phí vừa phải, thiết bị giải mã cũng có tính năng như một Android box. Ví dụ, hiện nay TVSmart Box của VNPT Technology có giá 2,49 triệu đồng (trong một số đợt khuyến mãi giảm còn 2,29 triệu đồng) khách hàng có thể xem được hơn 64 kênh trong đó có nhiều kênh HD, kho phim 10.000 bộ phim HD, hát karaoke âm thanh 5.1 và rất nhiều ứng dụng tiện ích khác như: phát Wi-Fi, nghe nhạc, lướt mạng, chơi game, mail… VNPT TVSmart Box hiện chưa thu phí thuê bao mà người xem chỉ trả một lần ban đầu chi phí mua STB là có thể sử dụng thoải mái.
ZTV của VTC đang cung cấp 3 dòng sản phẩm STB với mức giá 3,29 triệu đồng, 2,99 triệu đồng và 2,29 triệu đồng. Bắt đầu từ năm 2014 VTC đã thu phí dịch vụ 2 gói: Gói xem truyền hình trực tuyến và theo yêu cầu (VOD) 50.000 đồng/tháng, gói Karaoke 20.000 đồng/năm.
FPT Play HD có giá STB 2,5 triệu đồng, khách hàng dùng trên đường truyền Internet của FPT sẽ được giảm giá còn 1,5 triệu đồng, FPT Play HD thu phí theo từng gói dịch vụ.
MyTV Net của VNPT không công bố công khai mức phí thuê bao và giá STB vì ủy quyền cho VNPT các tỉnh, thành tự quyết định mức giá tùy thuộc vào khả năng phát triển dịch vụ ở địa bàn. Nhưng MyTV Net cũng thu phí gói dịch vụ truyền hình, phim truyện và giải trí, miễn phí các dịch vụ giải trí đa phương tiện.
Thiếu hành lang pháp lý, nhà đầu tư có nguy cơ gặp rủi ro
Ông Lê Đoàn Quân – Giám đốc công ty VTC Giải trí đa phương tiện cho biết, dịch vụ ZTV lai ghép trên cả 3 màn hình: tivi, máy tính và thiết bị di động. ZTV lai ghép giữa truyền hình vệ tinh, Internet và hệ điều hành Android, người dùng chỉ cần một tài khoản ZTV là xem truyền hình và sử dụng các dịch vụ giải trí đa phương tiện trên mọi màn hình. ZTV không chỉ là IPTV trên OTT mà còn có thể gọi là Conected TV – một xu thế dịch vụ đang phát triển mạnh ở nhiều nước.
Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, hiện nay các nhà phát triển dịch vụ IPTV trên OTT nói riêng và dịch vụ OTT nói chung đang đầu tư mạo hiểm bởi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Các nhà cung cấp dịch vụ OTT phụ thuộc vào hạ tầng mạng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nhưng Việt Nam chưa có một chính sách quy định về kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ nội dung và doanh nghiệp có hạ tầng, nhà nước cũng chưa có một chính sách phát triển rõ ràng về OTT.
“Cuộc đua truyền hình OTT là tất yếu mà nhiều doanh nghiệp đang nhắm vào và lợi thế thuộc về các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Do đó, rất cần có một cơ chế để cung cấp dịch vụ và một hành lang pháp lý nhằm chia sẻ hạ tầng”, ông Quân nói.
Có ý kiến khác cho rằng, cung cấp dịch vụ IPTV trên đường cáp của nhà mạng khác gặp rủi ro rất cao vì nếu băng thông Internet không đủ 2Mb thì chất lượng dịch vụ truyền hình không đảm bảo. Do đó, nếu giữa hai bên không có thỏa thuận hợp tác, khi nhà mạng hạ dung lượng đường truyền thì chắc chắn dịch vụ IPTV sẽ chập chờn hoặc là “chết”.
Theo ICTnews
Viber chính thức vào Việt Nam từ tháng 1/2014
Giáng Sinh Tím vừa qua chính là lời chào của Viber đến thị trường Việt Nam và họ chính thức có mặt tại Việt Nam từ tháng 1/2014.
Viber đã chính thức vào Việt Nam và gửi lời chào qua Giáng Sinh Tím
Trao đổi với ICTnews, bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, đại diện của Viber tại Việt Nam cho biết, Viber chính thức vào thị trường Việt Nam từ tháng 1/2014 và sự kiện Giáng Sinh Tím diễn ra ngày 24/12/2013 tại TP.HCM chính là lời chào của Viber đến người dùng trong nước.
Theo đại diện Viber Việt Nam, kế hoạch của Viber trong năm 2014 là tập trung phát triển và đẩy mạnh chức năng chat nhóm, phát triển thêm nhiều bộ sticker mang tính địa phương, gần gũi với giới trẻ; việc hạn chế các tin nhắn rác trong thời gian vừa qua cũng đã được thực hiện triệt để và bản thân Viber cũng đấu tranh hết sức mang lại một môi trường "Không tin nhắn rác" cho người tiêu dùng. Vế vấn đề bảo mật thông tin cá nhân cũng luôn được Viber đấu tranh bảo vệ một cách tối ưu.
Về kế hoạch hợp tác với các Telco trong nước, đại diện Viber cũng cho biết, họ luôn chào đón tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nội địa để cùng nhau hợp tác với phương châm: "Cùng mang lại lợi ích cho mọi người". Nếu việc hợp tác mang lại lợi ích cho người dung Việt, họ sẽ không từ chối bất cứ đề nghị nào.
Việc Viber chính thức vào thị trường Việt Nam, theo các chuyên gia trong ngành chia sẻ, đây là một điều thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước. Bởi từ nay công ty này cũng sẽ phải tuân thủ các chính sách quản lí, như các doanh nghiệp cung cấp cùng dịch vụ trong nước khác. Cơ quan quản lí sẽ quản được dịch vụ xuyên biên giới này, khi họ có văn phòng đại diện tại Việt Nam, và mọi thứ sẽ công bằng hơn đối với doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ trong nước, chứ không như trước đây.
Đồng thời việc Viber vào thị trường Việt Nam tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn và sẽ buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực OTT phải cải tiến ứng dụng của mình và làm tốt hơn để phục vụ người dùng, nếu muốn chiếm được thiện cảm của họ.
Theo ICTnews
"Doanh nghiệp OTT xem nhà mạng như đại lý" Vẫn chưa có thỏa thuận hợp tác nào được ký kết giữa nhà mạng viễn thông và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT... Bộ Thông tin và Truyền thông đã khuyến khích hợp tác, các nhà mạng viễn thông đã nhắc đến viễn cảnh bắt tay với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí trên Internet...