Truyền cảm hứng, tình yêu môn Lịch sử cho học sinh
Cô giáo Phạm Hồng Lê gắn bó với Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Kỳ Đồng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đến nay đã gần 20 năm.
Cũng bằng ấy thời gian, cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học nhằm truyền cảm hứng, niềm yêu thích môn Lịch sử đến nhiều thế hệ học sinh. Cô cũng là giáo viên dạy Lịch sử đầu tiên tại Thái Bình tổ chức dạy học lồng ghép thực địa thông qua hình thức trải nghiệm thực tế đưa di sản và di tích lịch sử địa phương vào giảng dạy.
Một buổi dạy học của cô giáo Phạm Hồng Lê tại Đình, chùa Ngọc Liễn xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, cô giáo Phạm Hồng Lê được phân công công tác tại Trường Trung học Cơ sở Kỳ Đồng (nay là Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Kỳ Đồng, xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Bằng tất cả sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô Lê luôn tỉ mỉ, cẩn thận soạn từng trang giáo án trước mỗi giờ lên lớp.
Cô chia sẻ, trước đây, môn Lịch sử bị coi là môn phụ, học sinh không dành nhiều thời gian để học. Mỗi lần thấy học sinh không hứng thú với giờ học, cô giáo trẻ không khỏi chạnh lòng. Từ đó, suy nghĩ làm thế nào để “kéo” học sinh lại gần hơn với môn Lịch sử và các em không còn sợ học Lịch sử luôn thôi thúc cô Phạm Hồng Lê đổi mới phương pháp dạy học.
Sau nhiều năm tìm hiểu, năm 2014, cô Phạm Hồng Lê đã mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học của mình. Thời gian đầu, bằng đồng lương ít ỏi của nghề giáo, cô Lê đã tự bỏ kinh phí tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm một số di tích trên địa bàn. Sự hào hứng của học sinh đã trở thành động lực để cô thiết kế bài giảng phù hợp có lồng ghép di sản, di tích vào mỗi nội dung.
Đây là một trong những điểm khác biệt trong phương pháp giảng dạy của cô giáo Phạm Hồng Lê so với phương pháp dạy học truyền thống trước kia. Thay vì bị động tiếp nhận kiến thức, nay chính học sinh sẽ là chủ thể chủ động tiếp nhận kiến thức. Môn học Lịch sử không chỉ đơn thuần là kiến thức trong sách vở hay không gian lớp học, mà được mở rộng hơn khi học sinh tận mắt chứng kiến, khám phá các di tích lịch sử dưới sự hướng dẫn của cô giáo Phạm Hồng Lê.
Không chỉ vậy, để khơi dậy niềm đam mê với môn Lịch sử, cô Phạm Hồng Lê còn giúp các em được hóa thân thành chính những nhân vật lịch sử, tự tìm tòi, sưu tầm tranh ảnh hay tổ chức trò chơi lịch sử. Từ đó giúp kiến thức lịch sử vốn được coi là “khô, khó” trở nên gần gũi hơn, dễ nhớ, dễ hiểu hơn.
Em Vũ Thị Phượng, học sinh lớp 8A Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kỳ Đồng chia sẻ, trước đây, học Lịch sử em thấy rất khó hiểu vì nhiều dấu mốc, sự kiện. Tuy nhiên, với cách giảng dạy kiến thức gắn liền với trải nghiệm thực tế của cô Phạm Hồng Lê, giờ đây, những tiết học Lịch sử đã không còn là nỗi sợ, thay vào đó, học sinh đều hào hứng, chờ đón giờ học môn này.
Video đang HOT
Một buổi dạy học của cô giáo Phạm Hồng Lê tại Đình, chùa Ngọc Liễn xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Cô Phạm Hồng Lê cho biết, để có được tiết học mang lại hứng thú cho học sinh, bản thân cô đã dành nhiều thời gian soạn giáo án, tìm những tình huống thực tế, tổng hợp kiến thức của các bộ môn với hình thức thể hiện sinh động để lồng ghép vào bài giảng. Đến nay, cô đã tổ chức thành công cho học sinh đi trải nghiệm thực tế một số di tích lịch sử như đền Tiên La (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà), Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), Khu Di tích Cổ Loa (Hà Nội)…
Bên cạnh đó, cô còn lập trang fanpage “Em yêu lịch sử Việt Nam” nhằm lưu trữ tài liệu hoạt động dạy học. Trang fanpage đã trở thành diễn đàn chung của thầy, cô, học sinh và phụ huynh trên địa bàn tỉnh Thái Bình có chung niềm yêu thích với Lịch sử.
Thầy giáo Chu Sỹ Nhất, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kỳ Đồng cho biết, cô giáo Phạm Hồng Lê là tấm gương nhà giáo tiêu biểu, với nhiệt huyết lan tỏa niềm đam mê môn Lịch sử cho học sinh. Một trong những đóng góp quan trọng của cô là đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với di sản, di tích lịch sử địa phương, giúp học sinh yêu thích môn học hơn.
Liên tiếp trong 4 năm học gần đây, chất lượng dạy và học môn Lịch sử do cô giáo Phạm Hồng Lê phụ trách luôn đạt kết quả cao. Nhiều chuyên đề bài giảng do cô thiết kế được nhân rộng như: Chuyên đề dạy học gắn liền với di sản tại Khu Di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Từ tấm gương sáng tạo của nhà giáo Phạm Hồng Lê, hiện nay, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Kỳ Đồng đang tiếp tục từng bước đổi mới phương pháp ở các môn học khác.
Không chỉ tâm huyết với hoạt động chuyên môn, cô giáo Phạm Hồng Lê còn tích cực tham gia các cuộc thi sáng tạo do ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Năm học 2015 – 2016, cô giáo Phạm Hồng Lê đoạt giải Nhất cấp quốc gia về dạy học chủ đề tích hợp liên môn dành cho giáo viên trung học với đề tài “Nhà Trần với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quốc gia Đại Việt”.
Trong các Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ tỉnh Thái Bình những năm gần đây, các đề tài của cô giáo Phạm Hồng Lê đều đoạt giải cao và được ứng dụng rộng rãi trong ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương. Với những cống hiến cho sự nghiệp trồng người, năm 2018, cô được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và là một trong những điển hình tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Bình lần thứ VII vừa diễn ra tháng 10/2020.
Cô giáo "chữa" nỗi sợ môn Lịch sử cho học sinh bằng "liều thuốc" đặc biệt
Những kiến thức Lịch sử vốn khô khan, khó nhớ được cô Trần Quỳnh Chi sâu chuỗi, liên hệ đến thực tế giúp học sinh cảm thấy gần gũi, hấp dẫn và hứng thú hơn khi học.
Là một trong những số ít giáo viên vinh dự được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục năm 2020, cô Trần Quỳnh Chi, giáo viên trường THPT chuyên tỉnh Tuyên Quang gây ấn tượng với nhiều đồng nghiệp và học sinh khi chia sẻ phương pháp dạy môn Lịch sử hấp dẫn, chân thực.
Cô Trần Quỳnh Chi, giáo viên trường THPT chuyên tỉnh Tuyên Quang khiến nhiều học sinh yêu thích môn Lịch sử bằng những phương pháp dạy sáng tạo. (Ảnh: NVCC)
Là một giáo viên dạy môn Lịch sử, cô Chi cho rằng, nhận thức đúng đắn về lịch sử, về quá khứ đã qua và hiện tại đang diễn ra là cơ sở để mỗi người, mỗi dân tộc hoạch định tương lai của mình. Điều đó không chỉ đúng với lịch sử một dân tộc mà còn đúng với lịch sử cá nhân mỗi người. Trong mối quan hệ biện chứng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, dạy học môn Lịch sử có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp học sinh biết trân trọng quá khứ, sống tốt ở hiện tại và dự đoán tương lai.
Thừa nhận bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông có lượng kiến thức tương đối phong phú về lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, cô Chi cũng thẳng thắn cho rằng, do đặc trưng của bộ môn, đối tượng của lịch sử là quá khứ đã diễn ra, không thể tái hiện hay trực tiếp quan sát được mà chỉ được phản ánh qua các nguồn sử liệu, nhiều học sinh bởi vậy mà chưa hứng thú với môn học này. Làm sao để giúp học sinh nhận thức được lịch sử một cách chính xác, chân thực như nó đã tồn tại là một khó khăn với người thầy, cũng là nỗi trăn trở của cô Chi trong suốt những năm tháng đứng lớp.
"Chương trình môn Lịch sử hiện hành còn nặng về kiến thức, việc kiểm tra, đánh giá vẫn thiên về nhận biết, tái hiện kiến thức trong sách giáo khoa. Nhiều học sinh cho rằng lịch sử đơn giản chỉ là những gì xảy ra trong quá khứ, đã qua từ lâu, không liên hệ gì đến hiện tại, không liên quan gì đến tương lai. Đa số học sinh xem nhẹ môn học này vì cho rằng không ứng dụng gì trong cuộc sống, ít cơ hội nghề nghiệp sau này.
Tôi vẫn nhớ, trong buổi tham dự triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở: "Tại sao Lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh?
Nếu không thay đổi thực tế này thì làm sao chúng ta bồi dưỡng tinh thần, ý thức dân tộc; và nếu không thay đổi được thực tế này thì chúng ta khó có thể động viên, lôi kéo những tài năng trẻ, những thanh niên ưu tú của Việt Nam trên khắp thế giới về đây cống hiến, phụng sự quốc gia"?
Khi giảng dạy Lịch sử, giáo viên cần giúp học sinh thấy rõ những bài học từ quá khứ có mối liên hệ đến hiện tại và tương lai, biết quá khứ, hiểu hiện tại và dự đoán cho tương lai, làm cho những giá trị của quá khứ tiếp tục đóng góp cho hiện tại và tương lai; giúp các em thấy được ẩn sau lớp bụi phủ của thời gian, lớp rêu phong của di tích, lăng tẩm, đền đài, trầm tích, cổ vật... là lấp lánh những giá trị vô giá của lịch sử. Từ đó, các em biết tôn trọng lịch sử và ứng xử văn minh với quá khứ", cô Chi nói.
Từ những suy nghĩ trên, cô Trần Quỳnh Chi cho rằng, giáo viên cần cho các em đi từ biết đến hiểu, từ hiểu đến hứng thú, từ hứng thú đến đam mê.
Kể câu chuyện lịch sử từ những "nhân chứng sống"
Chia sẻ về phương pháp dạy môn Lịch sử, cô Trần Quỳnh cho cho biết, cô thường cùng học sinh trực tiếp gặp gỡ những "nhân chứng chiến tranh" để tìm hiểu thông tin sống động về những cuộc chiến vốn chỉ được biết đến qua sách vở. Sau đó, các em sẽ đóng vai giáo viên để thuyết trình kiến thức trước lớp.
Bằng cách này, khoảng cách thế hệ phần nào được rút ngắn, mỗi câu trả lời của "nhân chứng sống" chứa đựng nhiều thông tin quan trọng giúp các em hiểu và thu nhận được không ít kiến thức quý báu về lịch sử.
Bên cạnh đó, để học sinh có những cái nhìn chân thực về các vấn đề lịch sử, cô giáo Trần Quỳnh Chi còn thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng, khu di tích lịch sử.
Để học sinh có cái nhìn sinh động, chân thực về các sự kiện lịch sử, cô Chi thường tổ chức các buổi đi thực tế tại bảo tàng, các khu di tích. (Ảnh: NVCC)
"Trước buổi tham quan, tôi thường nêu rõ mục đích tham quan, những nội dung lịch sử cần tìm hiểu kỹ. Mở đầu buổi tham quan, hướng dẫn viên giới thiệu sơ lược về vị trí, những phòng trưng bày chính, sau đó lần lượt giới thiệu các hiện vật trưng bày theo nội dung, chủ đề của phòng trưng bày.
Hướng dẫn viên là người giới thiệu, giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát, tìm hiểu những hiện vật, tài liệu chủ yếu, nêu các câu hỏi về những vấn đề chưa rõ, duy trì đúng tiến trình, kế hoạch của một buổi tham quan.
Cuối buổi tham quan, tôi giao nhiệm vụ học tập cho học sinh thực hiện ở nhà để thu hoạch về một vấn đề chủ yếu của buổi tham quan dưới dạng các bài tập nhận thức. Sau đó, tổ chức cho học sinh trao đổi nội dung thu hoạch nhằm nâng cao nhận thức cho các em", cô Chi cho biết.
Dạy Lịch sử bằng cách đóng vai
Chia sẻ thêm về phương pháp dạy Lịch sử tạo hứng thú cho học sinh, cô Trần Quỳnh Chi cho biết, một trong những cách giúp học sinh tham gia và thể hiện tư duy phản biện đối với các sự kiện lịch sử là đóng vai "giả sử em là...", "nếu em là..." để học sinh trở thành những nhân vật lịch sử, tranh biện một vấn đề lịch sử, qua đó, giáo viên phát hiện khả năng tư duy, giải pháp và nhận định của các em về sự kiện đó.
Thoát khỏi những cách dạy truyền thống cô đọc trò chép, trong mỗi tiết học cô Trần Quỳnh Chi đều đặc biệt quan tâm, tìm cách thay đổi cách truyền tải kiến thức qua video, hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ để học sinh dễ tiếp cận hơn.
"Quá trình nhận thức của học sinh trong học tập bao giờ cũng đi từ hình ảnh cụ thể, trực tiếp, từ đơn giản đến khái quát. Nếu như quá trình nhận thức của loài người diễn ra theo con đường "mò mẫm", "thử sai" thì nhận thức của học sinh qua môn Lịch sử không phải là việc tìm ra cái mới, cái chưa biết mà các em phải tái tạo những tri thức lịch sử đã được thừa nhận, những tri thức khoa học, tạo cơ sở cho các em khôi phục lại bức tranh quá khứ.
Học lịch sử thông qua video, kênh hình, sơ đồ, biểu đồ giúp học sinh phát triển tư duy, khả năng liên kết nội dung. Thay vì trình bày diễn biến trận đánh bằng những đoạn văn mô tả, học sinh dễ dàng nhớ hơn khi thể hiện sự kiện bằng bản đồ lịch sử", cô Chi cho hay.
Trong suốt những năm tháng đứng lớp, cô Trần Quỳnh Chi luôn quan niệm sứ mệnh cao cả của người giáo viên dạy lịch sử là làm cho học sinh hiểu rõ giá trị các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, từ đó các em sẽ tự hào với truyền thống của dân tộc, có ý thức trách nhiệm với tương lai của đất nước.
Dạy và học môn Lịch sử chính là trang bị cho các em những kiến thức xã hội cần thiết để bước vào đời được vững vàng và chững chạc hơn. Qua đó tạo cho các em cảm hứng, thích thú, nhớ lâu và càng muốn học môn Lịch sử để hiểu sâu thêm về đất nước, con người Việt Nam; để ra sức cống hiến, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai./.
Thi tốt nghiệp THPT 2020: Sẽ có thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn lịch sử Giáo viên môn lịch sử tại TP.HCM dự đoán sẽ có thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn sử kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - B.THANH Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nhận xét: "Đề thi môn lịch sử...