Trường yếu vẫn muốn tuyển nhiều
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT vừa thông báo trong kỳ tuyển sinh năm nay có đến 94 trường ĐH, CĐ đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh vượt quá năng lực. Trong đó có những trường đáng lẽ chỉ tiêu phải về 0 hoặc thậm chí “âm” cả chục nghìn.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã yêu cầu các trường này phải tự soát, điều chỉnh theo đúng yêu cầu. Thế nhưng, chỉ một số ít trường điều chỉnh giảm… nhẹ, còn lại không ít trường bất chấp nhắc nhở, kiên quyết giữ chỉ tiêu đăng ký và… chờ nộp phạt.
“Đàm phán” với bộ
Trước hội nghị, Trường ĐH Thương mại dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 là 4.800, trong đó 4.500 chỉ tiêu ĐH và 300 cho CĐ. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Đinh Văn Sơn – hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại – cho hay trường quyết định điều chỉnh, giảm còn 4.500 chỉ tiêu. “Bộ đã gửi lại cho trường bản đăng ký và đánh dấu đỏ về số chỉ tiêu gợi ý trường thực hiện nên trường sẽ chấp hành” – ông Sơn cho biết.
Nhiều trường vẫn chưa gửi chỉ tiêu Theo ông Nguyễn Văn Áng, quy định của bộ ghi rõ đến ngày 31-1 là hạn cuối cùng để các trường đăng ký chỉ tiêu lên Bộ GD-ĐT, nhưng hiện mới chỉ khoảng 300 trong tổng số hơn 400 trường ĐH, CĐ gửi chỉ tiêu dự kiến.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, năm 2011 trường đã bị xử phạt hành chính vì tuyển sinh vượt chỉ tiêu đăng ký 899 SV (chiếm 24,3%), nhưng năm 2012 vẫn kiên quyết giữ chỉ tiêu đăng ký là 5.000 cho ĐH, CĐ chính quy. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, năm 2011 trường chỉ được bộ duyệt 2.500 chỉ tiêu. Thế nhưng, sau đó trường đã “xin” thêm hai lần để được duyệt trên 4.000 chỉ tiêu. Chưa thỏa mãn với con số này, trường vẫn kiên quyết tuyển đủ 5.000 SV theo đăng ký ban đầu, chấp nhận bị xử phạt hành chính vì vượt 899 chỉ tiêu.
Trao đổi với PV, GS.TS Vũ Văn Hóa – phó hiệu trưởng nhà trường – khẳng định: “Bộ muốn trường giảm chỉ tiêu để trừ số vượt của năm trước. Tuy nhiên, nếu đúng theo tinh thần của thông tư quy định về xác định chỉ tiêu, các trường tự chủ, tự tính toán, công việc của bộ là hậu kiểm. Chúng tôi sẵn sàng chờ hậu kiểm dù có thể sẽ bị phạt”. Theo ông Hóa, với 899 chỉ tiêu vượt năm trước, trường chỉ bị phạt hành chính hơn 60 triệu đồng. Ông Hóa cũng cho rằng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ không thể bị phạt khi hậu kiểm vì “số lượng 1.000 giảng viên của trường hiện đông nhất trong số các trường ngoài công lập, đông hơn cả nhiều trường công lập”.
Song cách tính của lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội là cộng gộp cả giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng. Thực tế, số lượng giảng viên cơ hữu của trường khoảng 600, chỉ đáp ứng giảng dạy cho 15.000 SV ĐH. Trong khi đó, thống kê của trường hiện có 16.000 SV ĐH kèm khoảng 1.800 SV CĐ. “Nếu phải giảm, trường giảm số chỉ tiêu nằm trong 700 chỉ tiêu CĐ. Tuy nhiên, hiện trường vẫn trong quá trình đàm phán với bộ” – ông Hóa khẳng định.
Video đang HOT
Thí sinh sẽ là người gánh chịu thiệt thòi khi các trường cố tình tuyển vượt năng lực đào tạo. Trong ảnh: học sinh đến tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2012 tại Cần Thơ.
“Sẵn sàng chịu phạt”?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính Bộ GD-ĐT, khẳng định nếu xét đúng quy định về tiêu chí SV/giảng viên (trình độ ĐH là 25 SV/giảng viên, tỉ lệ tương ứng ở trình độ CĐ là 30 SV/giảng viên), có 94 trường (55 ĐH và 39 CĐ) đăng ký vượt chỉ tiêu so với năng lực. Trong đó, có đến chín trường ĐH đã gửi thông tin tuyển sinh về Bộ GD-ĐT trong tình trạng… “âm” chỉ tiêu, nghĩa là dù không tuyển sinh năm 2012 thì với số SV hiện có trường cũng không bảo đảm yêu cầu chất lượng theo thông tư về xác định chỉ tiêu Bộ GD-ĐT mới ban hành. Theo quy định, những trường này sẽ bị đình chỉ tuyển sinh. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn tiếp tục đăng ký chỉ tiêu rất cao.
“Thậm chí có trường “âm” hơn 10.000 chỉ tiêu nhưng vẫn cố đăng ký chỉ tiêu mới lên đến 3.000″ – ông Áng nói. Chín trường ĐH có chỉ tiêu “âm” này cùng với 85 trường ĐH, CĐ khác đã đăng ký vượt chỉ tiêu sẽ phải tự rà soát để đăng ký lại chỉ tiêu với bộ. Các cơ sở đào tạo “âm” chỉ tiêu phải báo cáo bộ những biện pháp khắc phục, đề xuất các phương án bảo đảm chất lượng đào tạo năm 2012 và trong những năm tiếp theo để bộ xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
Năm 2012 bộ giao cho các trường tự chủ, chưa đến kỳ tuyển sinh đã phát hiện gần 100 trường đăng ký vượt chỉ tiêu. Với mức xử phạt hành chính đơn giản như hiện nay đã xuất hiện nhóm trường sẵn sàng vượt chỉ tiêu, lấy lợi nhuận đào tạo bù vào chi phí nộp phạt hành chính.
Khối A1 thi riêng Hôm qua (20-2), thường trực ban tuyển sinh Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp bàn thảo về những quy định, dự kiến cải tiến tuyển sinh áp dụng cho mùa tuyển sinh 2012. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định năm 2012 khối A1 chắc chắn sẽ được tổ chức thành một khối thi riêng, cùng đợt với khối A, V với hai môn toán, lý chung đề với khối A và môn tiếng Anh theo đề thi riêng biệt, khác với khối D. Lý giải về quyết định này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng nếu thực hiện thi tuyển khối A1 theo cách tổ hợp các môn thi từ khối A và khối D sẽ không công bằng cho những thí sinh thi các khối khác: “Từ nay đến năm 2015, nếu có bổ sung những khối thi mới nữa thì chủ trương của bộ vẫn không tổ hợp các môn thi từ các khối thi cũ thành khối mới. Việc tổ hợp môn thi sẽ được tính đến trong phương án thi ĐH nhiều môn theo lộ trình cải tiến tuyển sinh sau năm 2015″. Về trường hợp ĐH Kiến trúc TP.HCM dự kiến tổ chức thi khối H1 (gồm ba môn toán, văn, vẽ) thay cho khối V (gồm ba môn toán, lý, vẽ), bộ đã trả lời chính thức là không áp dụng cho năm 2012. Nếu trường ĐH nào muốn bổ sung khối thi mới như cách ĐH Kiến trúc TP.HCM đề xuất thì phải lập ra được phương án tuyển sinh riêng, phù hợp, khả quan, được bộ đồng ý. Còn trường ĐH vẫn thi “ba chung” mà muốn bổ sung khối thi mới cho riêng trường mình sẽ không được chấp nhận. Ông Ga cho biết thêm cuối tuần này, những văn bản cải tiến tuyển sinh sẽ được trình ban cán sự Đảng của Bộ GD-ĐT xem xét, phê duyệt để áp dụng cho mùa tuyển sinh 2012. Chậm nhất sang tuần sau bộ sẽ quyết định cụ thể, sau đó sẽ có hướng dẫn chi tiết gửi đến các trường để triển khai cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ vào tháng 7-2012.
Theo TTO
Kéo dài thời gian tuyển sinh đại học không gây xáo trộn
Sáng nay (14-2), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, chủ trương kéo dài thời gian tuyển sinh kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay sẽ không gây xáo trộn cho thí sinh và các trường.
Năm nay, Bộ GD&ĐT quyết định tuyển sinh khối thi A1?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Khối A1 (Toán Lý, tiếng Anh) sẽ thi ở đợt một. Thí sinh khối A thi môn Hóa thì thí sinh chọn khối A1 sẽ thi môn tiếng Anh. Thí sinh theo dõi kế hoạch tuyển sinh của các trường xét tuyển nguyện vọng A1 để đăng ký thi tuyển.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc kỳ thi tuyển sinh 2012 ưu tiên học sinh giỏi quốc gia, quốc tế vào thẳng đại học?
Những năm trước, chúng ta bỏ việc tuyển thẳng học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, kết quả cho thấy không khuyến khích các em tham gia các kỳ thi và đạt giải. Năm nay, Bộ phục hồi việc này. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự ủng hộ quyết định này tại hội nghị sáng nay.
Năm nay, chủ trương của Bộ GD&ĐT kéo dài thời gian tuyển sinh, một số trường lo ngại sẽ gây lộn xộn?
Sáng nay, một số đại biểu băn khoăn việc kéo dài thời gian tuyển sinh không nên dài quá. Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường đã tuyển được 70% từ nguyện vọng 1, chỉ có 30% là nguyện vọng khác, nên không làm lộn xộn đến việc xét tuyển của các trường. Ngoài ra, những trường đào tạo chứng chỉ thì có thể bắt đầu việc học bất cứ lúc nào.
Những năm trước có trường tuyển sinh quá chỉ tiêu và không đảm bảo chất lượng, Bộ GD&ĐT có giải pháp nào ngăn chặn tình trạng này?
Trong năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư để các trường tự xác định chỉ tiêu dựa trên hai tiêu chí: số lượng sinh viên/giảng viên cơ hưu và diện tích mặt bằng/sinh viên. Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với địa phương để kiểm tra, theo đúng việc phân cấp quản lý. Nếu trường nào vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, không chỉ lập tức sau khi tuyển sinh mà bất cứ lúc nào trong quá trình kiểm tra. Một hay hai năm sau, nếu phát hiện sai phạm đều bị xử lý.
Sau 2015 thay đổi "ba chung"
Năm nay, Bộ GD&ĐT giao cho các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển?
Năm 2012, về cơ bản vẫn giữ như những năm trước, vẫn giữ "ba chung" nhưng có một số đổi mới để phù hợp với đặc thù các ngành nghề... Đặc biệt, năm nay, Bộ GD&ĐT giao các trường tự chủ trrong xét tuyển. Sẽ không có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 nữa, xét tuyển kéo dài đến khi nào đủ chỉ tiêu, chứ không giới hạn về thời gian, không quy định điểm nguyện vọng sau cao hơn trước.
Đổi mới này nhằm hạn chế tình trạng xảy ra trong những năm trước, là thí sinh điểm cao không tìm được chỗ học mà nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu.
Thứ trưởng sáng nay có đưa thông tin, từ 2016-2019 chỉ thi vào một số trường hàng đầu, còn các trường khác thực hiện việc xét tuyển học sinh THPT?
Theo lộ trình, từ nay đến 2015, không có gì thay đổi nhiều, nhưng từ 2016 trở đi sẽ không có khối nữa, chỉ thi hai môn cơ bản Toán - Ngữ Văn. Sau đó, các môn lý, hóa, sử địa, thành các tổ hợp do trường tự xét.
Sau năm 2020, khi đó sẽ có luật giáo dục, việc thi tuyển sinh chỉ còn với các trường tốp trên, còn các trường đại trà thì xét tuyển theo kết quả THPT.
Xem "những điều cần biết" trên mạng internet
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hàng năm Bộ vẫn phát hành cuốn sách này nhưng thấy có một số bất cập. Cụ thể, có những em ở vùng nào đấy chỉ quan tâm đến những trường ở khu vực đó thôi, không cần tất cả các trường. Trong khi đó, hiện nay, chúng ta đang có khoảng 440 trường, cả đại học, cao đẳng, TCCN. Số lượng các trường rất lớn nên nếu in quyển đó sẽ rất dày. Những thông tin cơ bản về tuyển sinh Bộ GD&ĐT sẽ đưa lên trên mạng trang web của Bộ, các em vào đó có thể tra cứu nhanh gọn.
Theo TPO
14/2 chốt phương án tuyển sinh ĐH, CĐ Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sẽ được tổ chức ngày 14/2 để quyết định các vấn đề quan trọng trong mùa tuyển sinh 2012. Theo đó, lãnh đạo Bộ sẽ cùng lãnh đạo các trường ĐH, học viện, CĐ bàn và thống nhất phương án tuyển sinh, khối thi, phương thức...