Trường xét tuyển từ điểm sàn “bội thu”
Ngày đầu tiên nộp hồ sơ xét tuyển ĐH (1-8) nhiều trường tốp giữa với mức điểm xét tuyển từ điểm sàn được lợi
Trường ĐH Thủy lợi (Hà Nội) đã bố trí 3 bàn thu nhận hồ sơ xét tuyển trong ngày 1-8. Tuy nhiên trong ngày đầu, số thí sinh (TS) đến tìm hiểu và nộp hồ sơ chỉ khoảng 50.
Đắn đo, nghe ngóng tình hình
Học viện Ngân hàng (Hà Nội) cũng bố trí 3 bàn tình nguyện viên phát phiếu đăng ký, hỗ trợ TS các thông tin cần thiết trước khi nộp hồ sơ xét tuyển. Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo, cho biết trong buổi sáng, học viện nhận được hơn 300 hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, theo ông Dũng, thông thường phải đến gần cuối đợt xét tuyển mới có nhiều TS đến nộp hồ sơ vì các em còn đắn đo, nghe ngóng tình hình. Những ngày đầu, đa phần TS còn chưa nhận được giấy báo điểm nên đến chưa nhiều.
Video đang HOT
Thí sinh nộp hồ sơ vào Trường ĐH Y Dược TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cũng chỉ nhận được vài trăm hồ sơ trong ngày đầu tiên nhận hồ sơ xét tuyển. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có rất đông TS và người nhà đến nghe tư vấn tại chỗ nhưng chỉ khoảng 400-500 em nộp hồ sơ. Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo, cho biết đã có một vài trường hợp quên đăng ký đối tượng ưu tiên nhưng được nhà trường cho phép ghi thông tin vào tờ đăng ký bổ sung để sau này tổng hợp lại.
Tại TP HCM, TS cũng tỏ ra thận trọng với các trường tốp trên nên số hồ sơ nộp vào không nhiều. Trường ĐH Y Dược TP HCM chỉ nhận được gần 400 hồ sơ trong ngày đầu. Năm nay, trường xét tuyển ngành bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt và dược học với điểm sàn tối thiểu là 22, các ngành khác là 18 điểm. Trường ĐH Kinh tế
TP HCM xét tuyển đối với TS đạt từ 18 điểm trở lên và trong ngày đầu tiên đã nhận được 531 hồ sơ. Trường ĐH Ngân hàng TP HCM nhận được 200 hồ sơ/2.800 chỉ tiêu ĐH với những TS có điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển từ 19 điểm trở lên. Trường cũng nhận được một số hồ sơ xét tuyển của TS dưới 19 điểm nhưng đã cảnh báo những TS có tổng điểm dưới 19 không có cơ hội trúng tuyển.
Trong khi đó, các trường nhận hồ sơ với mức điểm sát sàn lại hút TS. Với mức điểm xét tuyển 15, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM nhận được 600 hồ sơ/3.700 chỉ tiêu. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nhận được 744 hồ sơ xét tuyển từ mức điểm 16 đến 17 tùy ngành. Trường ĐH Mở TP HCM nhận được 641 hồ sơ/2.650 chỉ tiêu cũng với mức điểm nhận hồ sơ là 15. Trường ĐH Tài chính Marketing nhận được 400 hồ sơ/2.500 chỉ tiêu ĐH với mức xét tuyển từ 15 điểm trở lên.
Trường ngoài công lập cũng thu hút được TS do cơ hội đậu cao. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận được 300 hồ sơ xét tuyển, Trường ĐH Lạc Hồng có trên 500 hồ sơ xét tuyển…
Không lạm dụng việc rút hồ sơ
Ông Trần Văn Nghĩa – Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo – cho biết để có cơ hội trúng tuyển cao nhất từ nguyện vọng 1, TS cần tham khảo kỹ các thông tin gồm điểm chuẩn năm trước của ngành, trường định xét tuyển; số điểm đạt được; vị trí của mình theo phổ điểm. Theo ông Nghĩa, nguyên tắc rất cơ bản là những trường, ngành năm trước có điểm chuẩn cao thì năm nay cũng sẽ cao. TS phải dựa vào điểm này để xác định nên nộp vào đâu thì nhiều cơ hội đậu.
Ông Nghĩa cũng nói thêm năm nay số lượng TS đạt từ 24 điểm trở lên không có biến động nhiều so với năm trước nhưng điểm từ 15-19 rất nhiều. Vì thế, có thể dự báo các trường tốp giữa sẽ cao hơn năm trước ít nhất 2 điểm. Ví dụ, nếu năm ngoái trường lấy 15-16 điểm thì năm nay, TS được 17,5-18 điểm có nhiều cơ hội đậu.
Trong vòng 20 ngày của đợt xét tuyển đầu tiên, TS được chuyển nguyện vọng sang ngành khác của trường hoặc rút hồ sơ nộp sang trường khác. Ông Nghĩa lưu ý TS phải rất cẩn thận, cần làm đúng như hướng dẫn và chỉ khi có đột biến mới nên rút hồ sơ vì thông tin đăng ký xét tuyển biến đổi hằng giờ, trong vòng 1-2 giờ tới không biết ai rút ra, ai nộp vào nên đây chỉ là thông tin tham khảo. “Đến ngày thứ 15, chỉ tiêu chỉ lấy 300 nhưng TS ở vị trí 500 thì mới nên rút. Không nên xem việc rút hồ sơ là cứu cánh và không nên lạm dụng việc này” – ông Nghĩa khuyến cáo.
Thí sinh điểm cao có nhiều lợi thế
Ông Trần Văn Nghĩa cho rằng với phổ điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, cả nước chỉ có vài trăm em được trên 28 điểm. Dựa vào đây, TS hoàn toàn có thể tính toán được khả năng đỗ của mình dựa trên điểm chuẩn vào các trường năm trước, điểm mình đạt được và vị trí trong toàn hệ thống. Đây là cơ sở quan trọng nhất để các em xác định ngành, trường nộp hồ sơ xét tuyển.
Theo NLĐO