Trường tư vấn sai, thí sinh rớt đại học oan ức
6 thí sinh ĐH Kinh tế TP HCM triệu tập trúng tuyển nhưng khi nhập học, nhà trường cho biết thí sinh không đủ điểm trúng tuyển do không có giấy chứng minh thuộc diện ưu tiên.
ĐH Kinh tế TP HCM cho biết, có nhận được hồ sơ nhập học của các thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ĐH chính quy năm 2015 vào trường.
Trong dữ liệu của Bộ GD&ĐT và trong hồ sơ nhập học, sáu thí sinh trên đều khai thuộc đối tượng ưu tiên 06 theo diện “Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế” (được cộng 1 điểm – PV).
Tuy nhiên, điều đáng nói là cả sáu thí sinh này đều khẳng định không phải tự mình khai mà do hướng dẫn của nhà trường và công an địa phương.
Thí sinh trúng tuyển ĐH năm 2015 đến làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – Ảnh: Tuổi Trẻ.
Trường phổ thông tự xác định đối tượng ưu tiên
Huỳnh Thiên Trang – học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Đông Hòa, Phú Yên), là một trong sáu thí sinh trên – cho biết: “Sau khi được nhà trường phổ biến quy chế tuyển sinh, em hỏi cô hiệu phó về trường hợp ba em đi bộ đội Campuchia nhưng không có huy chương gì hết có được hưởng đối tượng 06 không.Trường phổ thông tự xác định đối tượng ưu tiên
Cô cho biết trường hợp ba em chỉ cần giấy trợ cấp một lần là được nhưng không nói do sở LĐ-TB&XH hay quân khu cấp. Em làm hồ sơ nộp gồm giấy quyết định chế độ trợ cấp một lần do Bộ tư lệnh Quân khu 5 cấp, giấy xuất ngũ của ba em cho trường và nhà trường tự ghi em thuộc đối tượng 06. Khi ĐKXT vào ĐH Kinh tế TP HCM em không ghi mình thuộc đối tượng 06 nhưng dữ liệu có sẵn em thuộc đối tượng này.
Sau khi ĐH Kinh tế TP HCM không cho nhập học, em liên lạc lại với Trường THPT Nguyễn Văn Linh, thầy cô vẫn khẳng định em thuộc đối tượng 06. Đồng thời hướng dẫn em làm đơn gửi Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên để xin cứu xét nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.
Thí sinh Lê Thị Tường Vi, học sinh THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), cũng cho biết: “Lúc đầu em không rõ mình thuộc đối tượng nào nên hỏi ý kiến thầy cô trong trường. Vì ba em có quyết định trợ cấp một lần do Bộ tư lệnh Quân khu 5 cấp nên trường hướng dẫn em thuộc đối tượng 06″.
Ông Lê Văn Ninh, cha của Tường Vi, cho biết thêm năm 1986 ông đi bộ đội hải quân tham gia công tác bảo vệ Tổ quốc ở Trường Sa, được cấp giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự biên giới, hải đảo. “Gia đình tôi không biết rõ quy chế nên nhờ thầy cô nhà trường hướng dẫn và làm theo. Thấy con chịu rớt ĐH quá oan ức tôi rất đau lòng”- ông Ninh nói.
Video đang HOT
Ông Bùi Tiến Nhân, cha của thí sinh Bùi Trần Phương Ngân, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Yên), cho biết mấy tuần qua đã gửi đơn thư nhiều nơi để nhờ có hướng giải quyết cho con nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
“Tôi là bộ đội tham gia nghĩa vụ quốc tế chiến trường Campuchia từ năm 1984-1987, được Chủ tịch nước khen tặng Huân chương Chiến công hạng 3 và có giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự quốc tế của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên cấp nhưng không có giấy xác nhận quyết định trợ cấp một lần vì hiện tôi là viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Khi con tôi làm thủ tục đăng ký dự thi, do chưa hiểu rõ đối tượng ưu tiên nên hỏi thầy cô trong trường và con tôi được hướng dẫn là đối tượng 06. Vì vậy giờ con rơi vào cảnh đậu thành rớt” – ông Nhân buồn bã.
Trong khi đó, thí sinh Lê Thị Hoàng Linh và Nguyễn Trung Hiếu, học sinh Trường THPT Quang Trung (Tây Sơn, Bình Định), đều khẳng định nhà trường phổ biến và hướng dẫn cho học sinh rằng những thí sinh có cha làm nghĩa vụ quốc tế, có giấy quyết định trợ cấp một lần của quân khu là thuộc đối tượng 06. Tuy nhiên, đến khi thí sinh nhập học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM không chấp nhận.
Nhà trường không biết mình sai
“Rất nhiều thí sinh và cả giáo viên hướng dẫn làm hồ sơ bị nhầm lẫn trong xác lập đối tượng 06. Các trường THPT cần đẩy mạnh việc phổ biến quy chế cho thí sinh trong đợt tuyển sinh các năm kế tiếp”.
ThS Nguyễn Ngọc Thái
Chiều 1/10, trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Đình Diêm – Hiệu trưởng THPT Nguyễn Văn Linh (Phú Yên) – cũng xác nhận nhà trường đã hướng dẫn và tự xác định đối tượng ưu tiên cho thí sinh Huỳnh Thiên Trang.
“Nhà trường dựa vào công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký ban hành để xác định đối tượng ưu tiên đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Theo hướng dẫn này, chúng tôi xác lập em Trang thuộc đối tượng 06. Chúng tôi đã có ý kiến lên Sở GD-ĐT Phú Yên và sở cũng đã có kiến nghị lên Bộ GD-ĐT nhưng vẫn chưa giải quyết được” – ông Diêm cho biết.
Suốt gần một tháng qua, gia đình thí sinh Bùi Thiên Hoàng, học sinh THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), đã làm đủ các thủ tục, chạy khắp nơi để kêu cứu nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.
Bà Đoàn Thị Tuyết Mai, mẹ của Hoàng, bức xúc: “Tôi phải bỏ việc ở quê theo con vào TP HCM ở trọ vật vờ gần tháng nay để chờ Bộ GD-ĐT giải quyết thỏa đáng nhưng vẫn chưa được”.
Sáng 18/9 chồng bà Mai đã trực tiếp đem toàn bộ hồ sơ và có giấy xác nhận của nơi tuyển sinh hướng dẫn làm hồ sơ ra tận Hà Nội tìm đến Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD&ĐT để đòi quyền lợi cho con.
Cũng giống như năm thí sinh trên, ngày 9/9 thí sinh Bùi Thiên Hoàng đến ĐH Kinh tế TP HCM làm thủ tục nhập học thì bị nhà trường trả hồ sơ do sai đối tượng ưu tiên nên không đủ điểm đậu.
Ngày 22/9, Trường THPT Trần Cao Vân đã có tờ trình gửi Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết trong đợt nhận hồ sơ dự thi THPT quốc gia năm 2015, trường này có thu nhận hồ sơ của thí sinh Bùi Thiên Hoàng.
Liên quan hồ sơ để hưởng ưu tiên đối tượng 06, thí sinh Bùi Thiên Hoàng có nộp quyết định xác nhận có tham gia chiến trường Campuchia của bố mình và giấy xác nhận của bộ phận tuyển sinh Công an TP Tam Kỳ đủ điều kiện để hưởng ưu tiên đối tượng 06 (cấp khi thí sinh Bùi Thiên Hoàng làm hồ sơ sơ tuyển trong đợt tuyển sinh vào các trường công an năm 2015).
Các giấy tờ trên đều được bộ phận thu nhận hồ sơ của trường và hiệu trưởng kiểm tra tính xác thực nên nhà trường đã nhập liệu cho thí sinh này được hưởng ưu tiên đối tượng 06, thí sinh đã kiểm tra thông tin đăng ký của mình và ký xác nhận thông tin nhập là đúng.
Lỗi không thuộc về thí sinh
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thái, cán bộ phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết theo thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26-2-2015 của bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thí sinh thuộc đối tượng 06 phải có hồ sơ gồm: giấy tờ chứng minh được khen tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến hoặc Huy chương Chiến thắng; quyết định trợ cấp một lần của giám đốc sở LĐ-TB&XH. Khi làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, các thí sinh này đều không xuất trình được hai loại giấy tờ trên. Do đó, thí sinh không được hưởng ưu tiên là đúng quy chế tuyển sinh hiện hành.
“Trường có trao đổi với một số trường ĐH khác – nơi các thí sinh trên có nguyện vọng muốn học, có trường mong muốn hỗ trợ thí sinh. Tuy nhiên, chưa có ý kiến hoặc văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT nên không thể giải quyết. Qua tìm hiểu, hầu hết thí sinh này được giáo viên ở bậc học THPT tư vấn ghi đối tượng 06 khi làm hồ sơ. Rất nhiều thí sinh và cả giáo viên hướng dẫn làm hồ sơ bị nhầm lẫn, điều này các trường THPT cần đẩy mạnh việc phổ biến quy chế cho thí sinh trong đợt tuyển sinh các năm kế tiếp”- ông Thái nói.
Tất cả thí sinh trên có điểm thi từ 21,5 – 22,5 (chưa tính điểm ưu tiên khu vực). Với mức điểm này các thí sinh hoàn toàn có cơ hội trúng tuyển ngay nguyện vọng 1 vào nhiều trường ĐH công lập khác. Nay các thí sinh đều có nguyện vọng được xem xét vào các trường cùng ngành đào tạo có số điểm tương đương với điểm thi.
Theo Trần Huỳnh/Tuổi Trẻ
Nữ sinh đất võ ngồi xe lăn vào đại học
Nữ sinh đất võ Tây Sơn (Bình Định) Nguyễn Thị Như Ý vừa trở thành tân sinh viên ngành Kế toán, ĐH Quy Nhơn trên chiếc xe lăn, mang theo nhiều âu lo, trăn trở.
"Để cho em xuống trường nhập học, ba mẹ phải chạy vạy khắp nơi vay tiền. Trong nhà chỉ có mình em được học hành đàng hoàng nhất. Giờ chị dâu lại phải xuống chăm lo cho em học, việc đồng, việc nhà phải bỏ bê..." - Như Ý nghẹn ngào kể.
Như Ý và chị dâu đồng hành đến giảng đường đại học.
12 năm đi học trên lưng mẹ
Chào đời với cái tên đầy hy vọng về sự may mắn, nhưng ngay sau đó, Như Ý mắc chứng bệnh teo cơ, chân tay ngày càng teo lại, không thể tự vận động, sinh hoạt. Thế nhưng ngay từ nhỏ, Ý đã ham học hơn bất kỳ đứa trẻ nào trong xóm. Thương con, mẹ em - bà Nguyễn Thị Oanh dù tất bật việc nhà, việc đồng vẫn tranh thủ cõng con đến trường. Suốt cuộc trò chuyện, mắt Ý đỏ hoe.
Trong ký ức học trò của Ý, hình ảnh mẹ còng lưng cõng con hay những vòng xe đến trường bất kể nắng mưa để cho con toại nguyện với con chữ luôn ám ảnh. Có hôm đang trên con đường từ trường về nhà xe chạy xuống dốc, hai mẹ con té nhào.
Vì lo đỡ cho con, mẹ Ý bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Vừa lo sợ, vừa tủi thân, mặc cảm: "Lúc đó em trách mình nhiều lắm. Vì mình tật nguyền nên để mẹ khổ, cả gia đình khổ. Nhưng ngay khi tỉnh dậy mẹ mỉm cười và lúc nào cũng động viên em học thật tốt".
Có hôm trời mưa thấy mẹ tất tả chạy đi đón, mảnh áo mưa khoác trên người vội xé ra để che đôi chân mới mổ chưa lành khiến Ý không kìm được nước mắt. Cho nên mặc vết thương hoành hành khi trái gió trở trời, Ý vẫn miệt mài với đống bài vở, biến ước mơ trở thành tân sinh viên thành hiện thực để thấy được nụ cười mãn nguyện sau bao vất vả của mẹ, cha.
Sách xin, vở mượn vẫn vào đại học
Hiểu gia cảnh và sự ham học của Ý, bạn bè, anh chị đi trước thường cho Ý sách cũ để bớt tốn kém. Việc di chuyển, đi lại khó khăn nên Ý cắt hẳn khoản học thêm. Thế nhưng điểm số của Ý luôn nằm trong top đầu của lớp suốt những năm tiểu học và THCS.
Lên cấp ba, Ý được chọn vào lớp chuyên Toán của trường THPT Tây Sơn. Bài vở nhiều khiến em luôn phải cố gắng gấp đôi. Những ngày ôn thi đại học, Ý mượn vở bạn chép, mượn điện thoại của chị để lên mạng tải bài tập về tự làm. Kết quả thi THPT quốc gia, Ý đạt 21,75 điểm khối A, trúng tuyển vào ngành Kế toán (ĐH Quy Nhơn).
Niềm vui tràn về trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Vĩnh Lộc, xã Bình Hòa, Tây Sơn. Riêng Ý nhiều đêm trằn trọc, bởi nếu xuống phố đi học phải có người kèm theo, nhà mất thêm một lao động, kinh tế thêm chật vật.
Hơn một tuần nay, chị dâu Lâm Thị Hằng đã theo Ý xuống phố nhập học. Để tiết kiệm chi phí, hai chị em xin vào ở ký túc xá, nằm chung trên chiếc giường đơn, ăn uống chi tiêu tiết kiệm nhất.
Cô bạn cùng lớp mới quen cũng sẵn lòng giúp đỡ, cõng Ý đi học mỗi khi chị có việc phải chạy về nhà. "Ở môi trường mới, em chỉ biết cố gắng học tốt nhất dù còn rất nhiều nỗi lo trước mắt và cả tương lai nữa. Chỉ hy vọng sau này mình trở thành người hữu ích, đỡ đần được phần nào cho gia đình..." - Như Ý nói.
Như Ý từ bé đã ước mơ trở thành cô giáo. Nhưng để phù hợp với hoàn cảnh bản thân, em đăng ký học ngành kế toán. Song, những ngày hè, Như Y lại mở lớp dạy thêm cho lũ trẻ trong xóm, vừa giúp các em học tốt hơn vừa lâng lâng cảm giác được cầm phấn giảng bài.
Theo Hoài Văn/Tiền Phong
'Đuổi học con vì mẹ chê đồng phục là không chấp nhận được' Phó vụ trưởng Vụ Học sinh - Sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu phụ huynh phản ánh đúng, việc trường VStar đuổi học sinh lớp 3 vì mẹ chê đồng phục xấu là không chấp nhận được. "Không chấp nhận được" Nhiều ngày nay, dư luận quan tâm câu chuyện cháu bé Minh Hải (lớp 3, trường VStar, quận 7, TP HCM)...