Trường Trung Quốc bị điều tra vì cho học sinh dùng ‘máy quét não’
Phụ huynh nghi ngờ trường học cố đánh cắp dấu vân tay của học sinh trong quá trình sử dụng thiết bị đo tiềm năng trí tuệ.
Các cơ quan chức năng tại miền nam Trung Quốc đang điều tra trường tư thục Arcadia ở Thâm Quyến trước nghi vấn sử dụng “ máy quét não” thiếu cơ sở khoa học để đo lường tiềm năng trí tuệ của học sinh.
Hơn 2.800 trên tổng số 8.000 học sinh của trường đã tham gia thử nghiệm, bằng cách đeo một thiết bị lên đầu và ấn các đầu ngón tay vào cảm biến.
Sự việc khiến phụ huynh vô cùng hoang mang, trong đó một số người lo ngại đây là âm mưu nhằm đánh cắp dấu vân tay của học sinh, tờ Southern Metropolis Daily đưa tin hôm thứ năm. Những người khác đòi xem giấy cấp phép hoạt động của công ty công nghệ thông tin Aotian Thượng Hải – đơn vị sản xuất chiếc máy và tiến hành kiểm tra học sinh.
“Thứ nhất, chúng tôi nghi ngờ trường đang cố gắng thu thập dấu vân tay của học sinh. Thứ hai, thử nghiệm này có khoa học hay không? Thứ ba, trường hợp tác với một tổ chức thương mại và đang cố thu tiền để trả kết quả chi tiết cho học sinh”, phụ huynh họ Liu kể ra những điểm anh cảm thấy không yên tâm về thử nghiệm này.
Phụ huynh được xem bản tóm tắt kết quả miễn phí và phải trả tiền nếu muốn xem bản đầy đủ. Ảnh: SCMP
Video đang HOT
Theo Liu, sau khi học sinh đã được “quét não”, trường thông báo cho phụ huynh rằng họ có thể xem miễn phí bản tóm tắt kết quả trên WeChat, bao gồm điểm mạnh và điểm yếu của trẻ với nội dung khá mơ hồ. Học sinh được xếp loại dựa trên nhiều tiêu chí như “hoạt động của mô não”, “khả năng tổ chức” và “tư duy sáng tạo”. Nếu muốn xem bản phân tích đầy đủ, phụ huynh phải trả 198 nhân dân tệ (gần 700.000 đồng).
Trước làn sóng chỉ trích, công ty Aotian khẳng định “máy đo IQ” đã được Bộ Giáo dục thẩm định và thông qua, là “thiết bị tiêu chuẩn” để sử dụng ở trường tiểu học và trung học. Trong khi đó, nhà trường gọi đây là “công cụ phân tích tiềm năng”, hoạt động bằng cách phân tích sóng não và đầu ngón tay.
Cả hai đơn vị phủ nhận chiếc máy phục vụ mục đích bất chính hay dùng để lừa tiền phụ huynh và đã giao cho cảnh sát để kiểm tra. “Chúng tôi không thu thập dấu vân tay và sẽ không bao giờ chia sẻ bất kỳ thông tin nào nhận được”, công ty Aotian khẳng định.
Thùy Linh
Theo SCMP
18 trường quận Hoàng Mai dùng phần mềm xây dựng thực đơn bán trú
Phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc dự án Bữa ăn học đường, cung cấp ngân hàng 120 thực đơn gồm 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa.
Thực đơn bữa trưa được chuẩn bị theo phần mềm gồm 5 món ăn được phối hợp trên cơ sở khoa học về dinh dưỡng và sự phù hợp về ẩm thực cũng như khẩu vị vùng miền, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng. Đơn cử, thịt băm nấm đậu, khoai lang xào với cà rốt và thịt bò, canh bí nấu thịt và chuối; hay thịt bò kho bắp, trứng rán nấm thịt, canh bí xanh nấu tôm và dưa hấu...
Sử dụng phần mềm, các trường có thể luân phiên thay đổi 120 thực đơn sẵn có, linh hoạt kết hợp các món ăn trong ngân hàng hay sử dụng nguyên liệu tại địa phương để tạo ra nhiều thực đơn mới mà vẫn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Ngoài ra, phần mềm còn được trang bị tính năng hỗ trợ tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của học sinh hiệu quả, phù hợp với chi phí thu hàng tháng.
Song song với thực đơn, dự án Bữa ăn học đường còn triển khai áp phích minh họa "3 phút thay đổi nhận thức". Trước mỗi giờ ăn, học sinh sẽ được giới thiệu thực đơn và lợi ích dinh dưỡng của thực phẩm, từ đó tạo nền tảng kiến thức dinh dưỡng cơ bản cho học sinh.
Thực đơn bữa trưa bán trú tại trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai.
Là một trong những quận tiên phong triển khai và áp dụng đồng bộ dự án tại Hà Nội, bà Trương Thu Hà - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết: "Trước đây các bữa ăn xây dựng dựa trên kinh nghiệm từng trường nên quy trình chế biến, thay đổi món ăn chưa đồng bộ. Sau khi triển khai đồng loạt, áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, chúng tôi thấy rõ tính hiệu quả, nhất là thể chất và nhận thức dinh dưỡng của các con có nhiều thay đổi".
Cũng theo bà Thu Hà, một trong những điểm sáng thực hiện tốt dự án này là trường Tiểu học Chu Văn An. Với tổng số lượng trên 2.000 học sinh, trường đã xây dựng kế hoạch rõ ràng trong việc sử dụng những thực đơn cân bằng dinh dưỡng mà phần mềm cung cấp.
Học sinh lần lượt xếp hàng để nhận suất ăn tại lớp.
"Thời gian đầu mới triển khai, chúng tôi đã gặp những khó khăn nhất định như thay đổi nhận thức, thói quen của phụ huynh, học sinh; cách tính toán thực đơn hợp lý... Tuy nhiên, sau khi áp dụng từng bước một, tới nay, sau hơn một năm, nhà trường đã sử dụng thành thạo phần mềm và áp dụng thực đơn vào tất cả các ngày trong tuần", cô Lê Thị Thêu - Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô Thêu nhấn mạnh các điểm mấu chốt dẫn đến việc áp dụng thành công dự án Bữa ăn học đường tại nhà trường bao gồm: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến giáo viên, phụ huynh học sinh và tổ bếp về dự án; lập kế hoạch cụ thể áp dụng thực đơn dự án từ một bữa mỗi tuần đến 5 bữa một tuần. Bên cạnh đó là triển khai đồng bộ nội dung áp phích "3 phút thay đổi nhận thức" để giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh; liên tục lắng nghe và rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai và kiên trì áp dụng.
Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng là một trong những nội dung trọng tâm của dự án Bữa ăn học đường, do Công ty Ajinomoto Việt Nam nghiên cứu và khởi xướng, hưởng ứng Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng và Đề án Tổng thể phát triển thể lực người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.
Sau 6 năm triển khai, dự án Bữa ăn học đường đã nhận những phản hồi tích cực trong việc cải thiện chất lượng bữa ăn học đường cũng như giáo dục kiến thức cho trẻ em tại hơn 3.000 trường tiểu học bán trú khắp các tỉnh thành trên cả nước. Tại Hà Nội, chương trình bắt đầu từ năm 2017, đến nay, đã triển khai đến 331 trường tiểu học bán trú.
Thế Đan
Theo VNE
Zimbabwe: Đặt kỳ vọng vào giáo dục điện tử Designetic (Pvt) Ltd, một công ty công nghệ thông tin đang phát triển ở Zimbabwe, quyết tâm triển khai ý tưởng phát triển giáo dục điện tử tại quốc gia châu Phi này ngay từ năm 2019, với mong muốn kéo gần các bên liên quan lại với nhau trong giáo dục, từ học sinh, phụ huynh, trường học, các nhà viết sách...