Trường… trên giấy
Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội (ngày 14-7), bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – phó chủ tịch UBND TP Hà Nội – cho biết đã có thêm bốn trường mầm non được xây dựng mới và đưa vào sử dụng từ năm học 2010-2011. Thế nhưng theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tuổi Trẻ, cả bốn dự án xây trường mầm non Thanh Nhàn, Trung Liệt, Láng Thượng và Phương Mai vẫn còn… nằm trên giấy.
Đây là vị trí dự kiến xây Trường mầm non Phương Mai, nhưng hiện vẫn do một công ty nhựa của Bộ Y tế sử dụng – Ảnh: Vĩnh Hà
Sáng 15-7, bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc xác nhận thông tin về bốn trường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2010-2011 như báo cáo trả lời ý kiến chất vấn, kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND TP do bà trình bày trước HĐND TP ngày 14-7 (được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH Hà Nội) là chưa đầy đủ.
Bà Ngọc thừa nhận theo tiến độ thực hiện yêu cầu là như vậy, nhưng thực tế hiện nay mới đang trong giai đoạn triển khai, TP cũng đang đốc thúc để các dự án xây dựng trường tại đây sớm hoàn thành.
Chưa trường nào khởi công
Trường mầm non Thanh Nhàn (Q.Hai Bà Trưng) dự kiến xây dựng ở đường Trần Khát Chân, trên khu đất vài trăm mét vuông thuộc địa bàn phường Thanh Nhàn, một phường chưa có trường mầm non công lập nào. Nhưng sắp đến mùa tuyển sinh năm học 2011-2012, ở đây vẫn chưa có dấu hiệu khởi công xây trường.
Theo tìm hiểu, kế hoạch xây trường mầm non bị ngáng trở do xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất, sự việc mới được phân xử xong. Theo bà Đinh Lan Duyên – phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, UBND quận sẽ cố gắng giải quyết nhanh các thủ tục để khởi công xây trường trong năm nay.
Video đang HOT
Ba trường học khác “đã được đưa vào sử dụng”, theo thông tin của phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, đều thuộc địa bàn quận Đống Đa. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Đống Đa cho biết: “Sau ba năm đằng đẵng chạy theo các thủ tục, bây giờ mới xong mặt bằng cho Trường Láng Thượng. Đến thời điểm này, dự án đã được duyệt, kinh phí cũng được cấp rồi. Nếu cố gắng có thể khởi công xây dựng trường trong quý 4 năm nay”.
Riêng tại địa chỉ 89 Lương Đình Của, khu vực sẽ được giao xây dựng Trường mầm non Phương Mai, nơi đây vẫn là cơ sở của một công ty nhựa thuộc Bộ Y tế đang hoạt động. Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Đống Đa, lý do việc ngôi trường vẫn chỉ nằm trên giấy cũng do không có đất sạch. Ngành GD-ĐT chỉ biết đề nghị và chờ đợi. Tương tự, ngôi trường dự kiến xây ở phường Trung Liệt cũng chỉ là chủ trương. Vị trí được dự kiến xây trường hiện giờ do một cơ sở sản xuất mây tre đan tọa lạc, chưa thể di dời được. Theo đại diện Phòng GD-ĐT Đống Đa, các trường Phương Mai, Trung Liệt hiện giờ không thể gọi là có “dự án xây trường”, vì đất xây trường còn chưa có.
Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Lê Tiến Nhật cho biết với thực tế ba trường mầm non tại những phường chưa có trường gồm Trung Liệt, Láng Thượng, Phương Mai mới đang triển khai, còn nói đã hoàn thành và đưa vào sử dụng rồi là không chính xác.
Trường choàng gánh cho trường
Bà Phạm Thị Dung – phó Phòng GD-ĐT Đống Đa, phụ trách mầm non – cho biết giải pháp trước mắt để lo chỗ học cho trẻ mầm non chỉ có cách “trường choàng gánh cho trường”. Trường Phương Mai chưa thể khởi công, ba trường mầm non khác ở phường lân cận phải gồng để gánh đỡ là Kim Liên, Đống Đa và Hoa Sữa. Trẻ con trong độ tuổi mẫu giáo ở phường Trung Liệt phải học nhờ các trường Hoa Hồng, Quang Trung của phường khác.
Theo bà Dung, mùa tuyển sinh năm nay Đống Đa có đến mười điểm nóng về tuyển sinh do tình trạng quá tải học sinh. Với nỗ lực hạn chế việc “xếp hàng trắng đêm”, Phòng GD-ĐT phải căng người khắp các điểm, trực đến đêm. Đồng thời phải làm việc với các trường để tìm giải pháp mở rộng diện tích, tiếp nhận thêm trẻ của những phường không có trường.
Không hi vọng vào “dự án xây Trường Phương Mai” do dự án này đã “treo” quá lâu, Phòng GD-ĐT quận Đống Đa đã đề xuất cơi nới xây thêm diện tích của Trường Hoa Sữa để mùa tuyển sinh năm sau có thể nâng quy mô lên 20 lớp. Với kiểu phải choàng gánh này, nhiều trường mầm non, không chỉ của Đống Đa, Hai Bà Trưng, mà cả những nơi khác trong TP đều bị quá tải.
Theo Tuổi Trẻ
Hồ sơ "ảo" giảm, tính cạnh tranh không giảm
Thống kê ban đầu về thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2011 giảm nhưng việc giảm hồ sơ này không ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, điểm chuẩn vào các trường đại học, đặc biệt là các trường "tốp đầu".
Hồ sơ "ảo" giảm
Nhiều địa phương khu vực phía Bắc như Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương hàng năm có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH,CĐ nhiều nhất nước, năm nay đã giảm mạnh.
Cụ thể, tại Hà Nội, phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai năm nay nhận hồ sơ của thí sinh tự do khoảng 500 bộ hồ sơ, giảm 300 bộ so với năm 2010; Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm nhận được khoảng 300 bộ, giảm 100 bộ; Phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức nhận được 700 bộ, giảm 200 bộ; Phòng GD-ĐT quận Ba Đình nhận 500 bộ, giảm 100 bộ; Phòng GD-ĐT quận Đống Đa nhận được khoảng 700 bộ, giảm 1 nửa so với năm 2010...
Tại nhiều địa điểm thu hồ sơ của trường THPT như THPT Việt Đức, Trần Phú, Yên Hòa, Nguyễn Gia Thiều, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Quang Trung..., số lượng hồ sơ năm nay đều giảm đáng kể so với năm trước.
Theo cán bộ nhận hồ sơ phòng giáo dục quận Đống Đa cho biết: "Trung bình mỗi thí sinh nộp từ 1-2 bộ/người, rất ít trường hợp nộp 3 - 4 bộ hồ sơ ĐKDT. Đặc biệt, chưa có thí sinh nào đến 5 bộ hồ sơ".
Tại Thanh Hóa, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa thống kê thu được khoảng 90.000 hồ sơ ĐKDT, giảm khoảng 2.000 hồ sơ so với năm 2010.
Sở GD-ĐT Hải Dương cho biết số lượng hồ sơ ĐKDT của thí sinh giảm rất nhiều so với năm trước. Các điểm nhận được lượng hồ sơ của thí sinh tự do chỉ bằng 30-50% so với năm trước.
Theo PGS.TS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội, số lượng hồ sơ ĐKDT hàng năm đều giảm cũng hợp lý vì một phần do từ trước khi nộp hồ sơ, các trường THPT đã tư vấn kỹ cho các em việc chọn trường, lưu ý các em không nên nộp quá nhiều hồ sơ tốn tiền, mất công. Do vây, các em đã ý thức được chọn phương án nào là tối ưu nhất cho bản thân trong việc chọn trường, chọn ngành trong tương lai.
Theo nhận xét của lãnh đạo nhiều Sở GD-ĐT, số hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ năm nay giảm chủ yếu do quy định thu gộp lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi nên thí sinh và phụ huynh cân nhắc hơn.
Điểm chuẩn hàng năm của các trường là yếu tố quan trọng để thí sinh cân nhắc dự thi.
Tính cạnh tranh sẽ không giảm!
Theo số liệu từ nhiều điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT trong cả nước năm nay thống kê giảm hơn nhiều so với năm trước. Nhưng đó chỉ là giảm "ảo", chưa thể hiện sự biến động về số lượng thí sinh dự thi thực tế. Việc giảm hồ sơ này không ảnh hưởng nhiều đến tính cạnh tranh vào từng trường.
Tuyển sinh năm 2010, số lượng hồ sơ ĐKDT vào các trường "tốp đầu" có giảm hơn so với năm 2009, kéo theo tỷ lệ "chọi" cũng giảm nhưng điểm chuẩn lại không giảm chút nào. Cụ thể, ĐH Ngoại thương, tỷ lệ "chọi" năm 2010 là 1/2,8 nhưng điểm chuẩn vào trường vẫn không giảm, điểm sàn trúng tuyển chung vào trường, áp dụng cho cả hai cơ sở đào tạo Hà Nội và TPHCM: khối A: 24, khối D: 22. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ "chọi" năm 2010, vào trường 1/4, điểm sàn chung trúng tuyển vào trường đối với khối A là 21, khối D1 là 20. ĐH Bách khoa, năm 2010, tỷ lệ "chọi" 1/2 điểm chuẩn từ 16 - 21, Học viện Bưu chính viễn thông tỷ lệ "chọi" khu vực phía Bắc 1/2 nhưng điểm chuẩn cũng từ 20 - 23.
Thí sinh lưu ý, tỉ lệ "chọi" hàng năm vào các trường chỉ là một yếu tố mang tính tham khảo thêm. Cơ hội trúng tuyển của thí sinh phụ thuộc nhiều vào số lượng chỉ tiêu cần tuyển, chất lượng thí sinh dự thi đầu vào của từng trường, ngành và năng lực của bản thân thí sinh. Đặc biệt, thí sinh cần căn cứ vào mức điểm trúng tuyển của trường, ngành đó trong ba năm gần đây và đánh giá năng lực của bản thân có đạt đến mức đó hay không.
Cũng theo thống kê của tuyển sinh năm nay, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Quản trị kinh doanh có lượng hồ sơ ĐKDT nhiều nhất. Theo dự báo của nhiều chuyên gia nhóm ngành Kinh tế - Tài chính năm nay vẫn là ngành có mức độ cạnh tranh cao nhất.
Thí sinh tiếp tục chọn trường nhà Tuyển sinh 2011, nhiều thí sinh cũng đã biết lượng sức mình chọn trường gần nhà như tại Hải phòng, trong số 900 hồ sơ ĐKDT của Trường THPT An Dương (Hà Nội), chỉ có trên 50 hồ sơ học sinh ĐKDT vào các trường ở Hà Nội, còn lại hầu hết là trường đóng trên địa bàn như ĐH Hải Phòng, ĐH Hàng hải, ĐH Y Hải Phòng và ĐH Dân lập Hải Phòng. Tại Thái Nguyên, theo Sở GD-ĐT Thái Nguyên, tuy chưa thống kê số lượng hồ sơ nhưng so với năm trước số lượng học sinh ĐKDT năm nay giảm hơn nhiều. Hồ sơ ĐKDT của thí sinh tập trung vào ĐH Thái Nguyên, số lượng ĐKDT vào các trường ĐH tại Hà Nội năm nay không nhiều.
Theo Dân Trí