Trường trăm tuổi thành trường… một tuổi
Sau gần một năm tạm dừng việc xây mới Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), sáng 16/3, UBND TP Cần Thơ nghe ý kiến về việc trùng tu hay xây mới trường này.
UBND và các đại biểu dự hội thảo “Dự án Trường THPT Châu Văn Liêm” do ông Lê Văn Tâm – Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ và ông Trần Việt Trường – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, chủ trì.
Rất đông thành phần đại biểu được mời tham dự gồm các nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy, cựu học sinh Trường Châu Văn Liêm và đại diện nhiều ban ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố tham dự.
Mở đầu buổi hội thảo, ông Trần Việt Trường cho biết Trường THPT Châu Văn Liêm là trường có tính đặc thù riêng không chỉ của TP Cần Thơ mà còn của ĐBSCL. Từ năm 1987, cơ quan chức năng của Pháp đã có gửi văn bản cảnh báo hết niên hạn sử dụng và năm 1997 gửi văn bản lần 2. UBND TP Cần Thơ đã có chủ trương xây dựng nhưng “vì nhiều lý do khách quan”, đến nay chưa xây dựng được trường này.
“Tới thời điểm này trường đã xuống cấp trầm trọng, một phần đã đóng cửa không sử dụng. Hội thảo hôm nay xin ý kiến các đại biểu để có sự thống nhất, kiến nghị lãnh đạo thành phố có giải pháp tối ưu cho trường”, ông Trường nêu.
Trường THPT Châu Văn Liêm do Pháp xây dựng từ năm 1917, nhận được sự quan tâm đặc biệt của không chỉ giới kiến trúc sư cả nước mà còn của nhiều người dân và cựu học sinh. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Trường trăm tuổi thành trường… một tuổi
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 2 TP Cần Thơ, trình bày ba phương án đối với Trường Châu Văn Liêm và một phương án của Sở Giáo dục – đào tạo mới bổ sung.
Theo đó phương án 1 sẽ là cải tạo cơ bản với việc tập trung cải tạo 5 công trình kiến trúc Pháp gốc (bổ sung thêm nhà vệ sinh); cải tạo, nâng cấp hệ thống sân vườn, cây xanh ngoài vườn gắn với hệ thống thoát nước mưa và bể nước điều hòa; làm lại cổng, hàng rào và các hạng mục nhà để xe; xây mới công trình đa năng ở vị trí nhà xe học sinh phía đường Trương Định với quy mô 300m2, cao hai tầng theo kiến trúc hiện đại, nhưng phải hài hòa với kiến trúc cổ xung quanh. Chi phí cho phương án này khoảng 110 tỷ đồng.
Ông Phúc nhận định phương án này chi phí đầu tư thấp, giữ lại được kiến trúc cũ, gốc, nhưng không đáp ứng được nhu cầu học sinh của trường đạt chuẩn quốc gia, kết cấu không đảm bảo theo nguyên bản gốc, nguyên liệu phải nhập khẩu và thời gian thi công kéo dài…
Phương án 2 là cải tạo toàn diện trường mà theo đó vẫn tập trung cải tạo 5 công trình thời Pháp nhưng xây mới khối công trình thời Mỹ (giai đoạn năm 1972) theo hình thức kiến trúc Pháp gốc; cải tạo khối hội trường, đưa thêm chức năng hòa âm, xây dựng thêm khối phòng tin học; xây mới nhà đa năng và trung tâm học liệu… với chi phí khoảng 133 tỷ đồng.
Phương án 3 được ông Phúc trình bày là xây dựng mới trường trên nền kiến trúc cũ mà theo đó chỉ giữ lại duy nhất khối phòng học cặp đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, còn lại phá dỡ và xây dựng lại toàn bộ các khối nhà theo hình thức kiến trúc Pháp.
Tổng vốn đầu tư của phương án này khoảng 117 tỷ đồng. Còn phương án 4 là xây mới hoàn toàn trường này dựa trên nền kiến trúc cũ với kinh phí khoảng 94 tỷ đồng.
Sau khi trình bày các phương án nêu trên, ông Phúc cho biết đơn vị này đã họp với các sở ngành liên quan rất nhiều lần “và chúng tôi mạnh dạn đề xuất làm theo phương án 3 (chừa lại một dãy phòng cặp đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, còn lại xây mới)”.
Video đang HOT
Theo ông Phúc, ý kiến này được các sở ngành đánh giá cao và “hội nghị hôm nay tôi xin truyền đạt ý kiến mà chúng tôi đã họp, thống nhất với nhau nhiều lần”.
Xuống cấp là xây mới thì Nhà hát lớn Hà Nội chẳng còn
Dù là hội thảo mà mục tiêu là để lấy ý kiến các đại biểu về các phương án trùng tu hay xây mới trường nhưng một bản đề dẫn hội thảo khá dài do bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đã được gửi đến nhiều cơ quan báo chí vào ngày 14/3 (tức trước khi hội thảo diễn ra hai ngày) giãi bày “tính cấp thiết trong triển khai dự án Trường THPT Châu Văn Liêm ở thời điểm hiện nay”.
Ngoài ra công tác triển khai các hoạt động ngoại khóa, giáo dục truyền thống, hoạt động thư viện có nhiều hạn chế vì khu phòng truyền thống đã bị cách ly, thư viện phải chuyển sang phòng khác; công tác quản lý các hoạt động giải trí của học sinh gặp nhiều khó khăn, an toàn của học sinh chưa được đảm bảo tuyệt đối khi nhà trường có nhiều khu vực nguy hiểm…
Tại hội thảo, bà Thắm trình bày lại toàn bộ bản báo cáo đề dẫn này rằng: Thực tế trường đã thực hiện dạy 2 buổi/ngày kể từ năm học 2001-2002 nhưng năm học 2015-2016 đã chuyển sang hình thức dạy học 1 buổi/ngày vì một số dãy phòng học đang xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo duy trì dạy học 2 buổi/ngày như trước đây nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh; số lượng phòng học dạy ứng dụng công nghệ thông tin giảm từ 7 xuống còn 2 phòng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận thông tin thực tế.
Trước thực trạng trên, bà Thắm nêu “tính cấp thiết” trong triển khai dự án là trường đã hư hỏng nặng, từ năm 2007 đến nay chỉ sửa chữa nhỏ; trường là nơi học tập, tập trung đông người, dù đã triển khai các giải pháp an toàn tính mạng cho học sinh và giáo viên ở thời điểm hiện tại. Tình hình trường lớp xuống cấp trầm trọng đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần học sinh và thầy cô giáo đang tham gia học tập tại trường…
Tuy nhiên, ông Trương Công Mỹ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Cần Thơ, lưu ý nếu tư duy kiểu xuống cấp mà xây mới thì những công trình như nhà hát lớn TP Hà Nội, TP HCM không còn nữa mà phải đập bỏ hết rồi.
Theo ông Mỹ, một ngày nào đó TP Cần Thơ phát triển mà ông ví như Singapore hiện tại thì những công trình như Trường THPT Châu Văn Liêm là một viên ngọc vô cùng quý. Ông Mỹ cũng nêu quan điểm là coi trọng phương án bảo tồn, đương nhiên cần phải tính toán đảm bảo an toàn sử dụng.
Cũng theo ông Mỹ, việc xây mới trường này cần có đánh giá về kết cấu chịu lực mà theo ông “công trình này cũ, xuống cấp nhưng kết cấu chịu lực chưa được thăm dò đầy đủ”.
Theo Chí Quốc – Tiến Trình – Thuỳ Trang/Tuổi Trẻ
Trường Châu Văn Liêm, Cần Thơ: Xây mới vì không thể trùng tu?
TT - Trước giờ "G" khi cơ quan hữu quan chuẩn bị đập bỏ Trường THPT Châu Văn Liêm - ngôi trường "trăm tuổi" hiếm hoi của ĐBSCL - để xây mới, nhiều người dân TP Cần Thơ và cựu học sinh trường này đã đề nghị TP nên trùng tu ngôi trường.
Trường THPT Châu Văn Liêm được xây dựng từ năm 1917 - Ảnh: Chí Quốc
Những ngày qua, khi biết Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) sắp được xây mới, nhiều cựu học sinh của trường từ nhiều nơi đã cố gắng một lần nữa về thăm trường cũ để kịp ghi lại hình ảnh ngôi trường trăm tuổi trước khi bị phá bỏ.
Kêu gọi ký tên bảo tồn ngôi trường
Hiện trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đang chia sẻ, kêu gọi ký tên vào trang "Triệu chữ ký cần bảo tồn di tích kiến trúc THPT Châu Văn Liêm".
Lời kêu gọi cần cùng có tiếng nói bảo tồn một di tích văn hóa lịch sử có tuổi đời 100 năm, gắn liền với lịch sử 276 năm được phát hiện, hình thành, xây dựng, phát triển của thủ phủ miền Tây và có vị trí rất quan trọng trong tâm thức cựu học sinh Phan Thanh Giản (xưa) và cựu học sinh Châu Văn Liêm (nay) nói riêng, người dân thành phố Cần Thơ nói chung...
Những ngày cuối tháng 6, anh Võ Khắc Tâm - học sinh của trường niên khóa 1985 - 1988 - cùng các bạn đã họp mặt với thầy cô giáo cũ tại trường ôn lại kỷ niệm.
Những hình ảnh đẹp về ngôi trường cũ và cả những đoạn video clip về cảnh sinh hoạt đầu tiết học năm xưa được chia sẻ trên Facebook khiến nhiều người xem không tránh khỏi bùi ngùi, xúc động.
"Mặc dù ngôi trường sẽ bị phá bỏ để xây mới nhưng tôi và các bạn hoàn toàn ủng hộ vì ngôi trường đã "hết tuổi" nhiều năm nay. Tôi cũng làm trong ngành kiến trúc nên hiểu rõ cho dù có trùng tu cũng không đảm bảo an toàn. Những hình ảnh đẹp của ngôi trường giờ có rất nhiều cách để lưu giữ, phải đảm bảo sự an toàn cho học sinh là điều quan trọng trước mắt" - anh Tâm nêu ý kiến.
Trong khi đó, thầy Lê Văn Quới - giáo viên dạy văn tại Trường THPT Châu Văn Liêm suốt 39 năm (từ năm 1964 đến 2003) - cho rằng hai ngôi trường ông từng học là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) và THPT Lê Hồng Phong (tên cũ là Trường Pétrus Ký, TP.HCM) có "tuổi thọ" tương đương với Trường THPT Châu Văn Liêm nhưng hiện vẫn giữ được "cốt cách" vì được trùng tu.
Theo thầy Quới, "cái gì qua thời gian thì cũng phải thay đổi" nhưng ông vẫn mong muốn nếu có thể gia cố, trùng tu được thì nên giữ lại và nên phối hợp với các kỹ sư Pháp. "Đi tới dãy hành lang, thấy cửa sổ cũ, mái ngói tường vôi làm mình bồi hồi không yên" - thầy Quới chia sẻ.
Một giảng viên Trường đại học Cần Thơ cho rằng ngôi trường có bề dày lịch sử đáng tự hào này đã đào tạo ra hàng vạn thanh niên có học thức, tài năng, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển Cần Thơ.
Mọi người đều nhận thấy rằng ngôi trường rất xứng đáng được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Ngoài ra, nhiều người còn đề xuất nên giữ lại trường như một di tích, còn Trường Châu Văn Liêm thì xây mới ở nơi khác...
Trường THPT Châu Văn Liêm được xem là một trong hai trường có kiến trúc cổ thời Pháp hiếm hoi của ĐBSCL, cùng với Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) - Ảnh: Chí Quốc
Sẽ xem xét thận trọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ về các ý kiến mà dư luận đặt ra, ông Trần Trọng Khiếm, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP Cần Thơ, cho biết "bỏ thì thương, vương thì tội" đối với Trường THPT Châu Văn Liêm.
"Tội", theo ông Khiếm, là nếu trùng tu và tiếp tục cho sử dụng thì không khỏi lo ngại đến sự an toàn cho cả ngàn học sinh. Theo ông Khiếm, Sở Xây dựng TP Cần Thơ đã có khuyến cáo đóng cửa trường này hơn 10 năm nay nhưng chưa thực hiện được.
Năm ngoái, Đại sứ quán Pháp cũng đã cử hai kỹ sư đến khảo sát trường này và đưa ra khuyến cáo là không thể trùng tu được nữa. Vì vậy, sau bốn năm bàn bạc giữa các cơ quan hữu quan và được Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ cho ý kiến, sở đã chọn phương án xây mới trường.
Tuy nhiên phương án này phải đảm bảo điều kiện: xây trên vị trí cũ, số tầng như cũ và kiến trúc như cũ, chỉ thay bằng vật liệu mới.
Theo ông Khiếm, dự án xây mới Trường THPT Châu Văn Liêm có tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong tháng 8-2015. Năm học tới, trường sẽ di dời toàn bộ học sinh sang học tạm ở Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều).
Chiều 6-7, ông Lê Văn Tâm - phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ - cũng cho biết tại cuộc họp chiều cùng ngày, ông đã chỉ đạo văn phòng UBND TP Cần Thơ phải làm báo cáo vụ việc, xin ý kiến thường trực Thành ủy một lần nữa về việc xây dựng lại trường.
Theo ông Tâm, trước đây TP đã quyết định xây lại trường trên cơ sở kiến trúc cũ, vị trí cũ nhưng trước ý kiến của người dân và sự quan tâm của công luận, TP sẵn sàng lắng nghe, thận trọng và sẽ trình thường trực Thành ủy có ý kiến, xem xét vụ này.
Lãnh đạo Sở Giáo dục - đào tạo TP Cần Thơ cho rằng Trường THPT Châu Văn Liêm đã quá xuống cấp, không thể trùng tu mà phải xây mới để đảm bảo an toàn cho cả ngàn học sinh theo học tại đây - Ảnh: Chí Quốc
Phát triển và bảo tồn cần đạt hiệu quả cao nhất
Tôi may mắn có biết về Trường THPT Châu Văn Liêm (tiền thân là trường Collège de Can Tho - một trong những ngôi trường lâu đời tại VN, vốn được đánh giá tương đương với Trường THPT Lê Hồng Phong - Trường Pétrus Ký tại TP.HCM) và cũng vừa có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Trương Công Mỹ (chủ tịch Hội Kiến trúc sư, phó giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ) và kiến trúc sư Lương Hoàng Cần (TP Cần Thơ) về việc này.
Qua xác minh vụ việc và trao đổi mang tính chất chuyên môn với các đồng nghiệp, tôi thấy trong ý định thực hiện các công việc trùng tu kiến trúc trường hay là những ý kiến bức xúc có nhiều phần hoài cảm về việc lưu giữ thì rất may không có sự đối chọi, mà vấn đề hiện nằm ở chỗ làm cách nào để tránh việc thiếu thông tin để dẫn đến sự thiếu cảm thông về sự việc.
Với việc bảo tồn một công trình có giá trị lớn như thế, các bên đều có cùng một thái độ trân trọng. Tuy nhiên ứng xử cấp bách đối với an toàn sử dụng, nhất là một công trình luôn có sự tập trung đông người như trường học thì phải bằng giải pháp cụ thể.
Về giải pháp thì phía các cơ quan có trách nhiệm đã khẳng định sẽ xây mới với hình thức, quy mô hết sức trung thực với nguyên bản, nhưng điều này cũng có nhiều bất cập vì vật liệu nào cũng có "ngôn ngữ" riêng của nó.
Biết là có văn bản xác định hết thời hiệu trong trách nhiệm vận hành công trình của nhà thiết kế từ Pháp nhưng điều đó cũng không có nghĩa phải ngay tức khắc tháo dỡ công trình.
Vì ai cũng phải thừa nhận có những công trình, dù rất nổi tiếng trên thế giới hay chỉ là một quán cà phê nhỏ ở Pháp, ở Ý hiện vẫn tồn tại hàng thế kỷ và trở thành những điểm đến "bất hủ" với du khách.
Vì thế, theo tôi vẫn có thể phải thẩm định, rà soát lại toàn diện công trình để có giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn khi muốn tiếp tục sử dụng...
Và thực chất vấn đề này không ở tầm mức một sự kêu cứu có tính cấp bách mà thể hiện mục đích tốt đẹp của việc cân đối phát triển với bảo tồn, sao cho đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo và phát huy được giá trị của văn hóa bảo tồn.
KTS NGUYỄN VĂN TẤT (ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư VN)
Theo TTO