Trường tiểu học Long Thành: Thu sai, vẫn không trả lại phụ huynh
Dù biết không đúng quy định thế nhưng ban giám hiệu Trường tiểu học Long Thành (Yên Thành, Nghệ An) vẫn “thống nhất” làm sai. Đặc biệt, khi thanh tra của Sở GD-ĐT Nghệ An yêu cầu phải hoàn trả các khoản thu sai thì BGH trường này lại có cách khác để “ lách luật”.
Ban giám hiệu Trưởng tiểu học Long Thành tại buổi làm việc với PV Dân trí.
Trong đơn gửi tới Dân trí, độc giả phản ánh ban giám hiệu (BGH) Trường tiểu học Long Thành (Yên Thành, Nghệ An) và cá nhân hiệu trưởng Nguyễn Văn Lưu có tới 16 sai phạm trong công tác thu chi, quản lý tài chính và sử dụng lao động. Trong quá trình làm việc với các bên liên quan, chúng tôi thấy rằng một số nội dung trong đơn tố cáo là có cơ sở. Những sai phạm này cũng đã được chính BGH nhà trường, đứng đầu là hiệu trưởng Nguyễn Văn Lưu, thừa nhận.
Vào cuối tháng 8/2011, trước khi năm học mới chính thức bắt đầu, BGH Trường tiểu học Long Thành đã tổ chức họp phụ huynh và thông qua các khoản đóng góp đầu năm với 12 khoản thu: hội phí 10.000 đồng, quỹ đội 10.000 đồng, Hội chữ thập đỏ 5.000 đồng, BHYT tự nguyên 209.000 đồng, học tăng buổi 558.000 đồng, trang trí lớp học 10.000 đồng, vệ sinh trường lớp 10.000 đồng, tiền điện 20.000 đồng, xây dựng 150.000 đồng, hỗ trợ hoạt động giáo dục 50.000 đồng, bảo vệ 25.000 đồng, giấy thi (4 kỳ) 10.000 đồng. Tổng số tiền học sinh (HS) phải nộp là 1.067.000 đồng.
Trong đợt thanh tra đầu năm học, đoàn thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An đã phát hiện nhà trường thu 7 khoản sai quy định gồm: tiền trang trí lớp, tiền điện, tiền bảo vệ, hội chữ thập đỏ, vệ sinh trường lớp, hỗ trợ các hoạt động giáo dục và tiền giấy thi. Tổng số tiền thu sai là 130.000 đồng/HS. Tại thời điểm thanh tra, trường đã thu được 19. 397.000 đồng. Đoàn thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An đã đề nghị trường trả lại cho phụ huynh các khoản thu không đúng quy định.
Kết quả thanh tra của Sở GD-DDT Nghệ An cho thấy Trường tiểu học Long Thành có 7 khoản thu sai quy định và đề nghị nhà trường trả lại cho phụ huynh nhưng trường không trả mà “hợp pháp hóa” bằng khoản thu xã hội hóa giáo dục.
Thế nhưng, chiều ngày 14/2, chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Long Thành và ghi nhận ý kiến của phụ huynh HS cho thấy nhà trường chưa trả lại khoản thu nào. Lý giải cho việc này, hiệu trưởng Nguyễn Văn Lưu cho biết: “Trường đã trả lại cho phụ huynh 2 khoản thu sai là hội phí 1.000 đồng và quỹ đội 1.000 đồng. Vào thời điểm thanh tra, trường chưa thành lập Ban vận động xã hội hóa giáo dục. Sau khi có kết quả thanh tra, nhà trường rút kinh nghiệm và triển khai thành lập Ban vận động, tổ chức họp phụ huynh và được sự nhất trí cao của phụ huynh đồng ý tự nguyện đóng góp xã hội hóa giáo dục với mức thu cao nhất là 280.000 đồng. Các khoản thu sai ở trên phụ huynh đề nghị không phải trả lại mà góp vào tiền xã hội hóa giáo dục. Trường thu sai nhưng sử dụng đúng mục đích và được sự đồng thuận cao trong BCH Hội cũng như các phụ huynh”.
Video đang HOT
Không chỉ có nhiều khoản thu sai quy định mà Trường Tiểu học Long Thành còn có thêm khoản thu bồi dưỡng HS giỏi. Thế nhưng theo lý giải của BGH nhà trường thì việc thu tiền đối với các em tham dự lớp bồi dưỡng HS giỏi đã được phụ huynh đồng ý theo tinh thần tự nguyện và việc này cũng đã được Phòng GD-ĐT huyện Yên Thành đồng ý. Lý do để nhà trường vận động phụ huynh đóng nộp tiền bồi dưỡng HS giỏi là do thời gian bồi dưỡng quá dài, kéo từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau trong khi đó nguồn để chi trả cho hoạt động này của nhà trường lại có hạn. Số tiền thu từ bồi dưỡng HS giỏi sẽ được dùng để chi trả cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.
“Số tiền cũng không lớn, có em nộp nhưng cũng có em không nộp, có em nộp 90.000 đồng nhưng cũng có em nộp 50.000 đồng”, thầy Lưu cho hay.
Năm học 2010-2011, Trường tiểu học Long Thành tổ chức bồi dưỡng cho hơn 100 HS ở 3 khối 3, 4, 5. Như vậy số tiền thu được không hề nhỏ. Thế nhưng khi chúng tôi đề nghị được xem các sổ sách liên quan đến việc thu, chi khoản tiền này thì ông Lưu cho biết số sổ sách này đang được bộ phận khác giữ, người giữ không đến trường nên không thể đưa cho PV xem.
Không những thế, để “tiện” và giảm bớt khó khăn cho giáo viên do đường đến trường lầy lội, khó đi vì đang trong quá trình xây dựng, BGH nhà trường đã sắp xếp lịch học môn thể dục cho mỗi lớp 2 tiết liên tục trong một buổi. “Sắp xếp lịch học như thế này là tạo điều kiện cho giáo viên 1 buổi dạy 4 tiết, đảm bảo số tiết dạy theo quy định nhưng hạn chế buổi đến trường. Chúng tôi biết làm thế này là không đúng và đầu học kỳ 2 đã điều chỉnh lại lịch học thể dục theo đúng quy định rồi”, ông Nguyễn Đức Hà cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi về những sai phạm tại Trường tiểu học Long Thành, ông Trần Văn Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Yên Thành cho biết: “Phòng đã nhận được đơn tố cáo và đã cử đoàn công tác tiến hành xác minh. Quan điểm của chúng tôi là không bao che cái sai, ai sai sẽ xử lý người đó. Các khoản thu sai đầu năm học của Trường tiểu học Long Thành Phòng cũng đã yêu cầu trả lại theo đúng kết luận của Sở GD-ĐT. Nếu trường không trả sẽ có hình thức xử lý. Còn đối với việc thu tiền bồi dưỡng HS giỏi của trường thì Phòng không biết bởi chúng tôi luôn yêu cầu các trường thu đúng các khoản thu theo quy định”.
Trong năm học 2010-2011, cô Võ Thị Mai xin được nghỉ tháng 4, tháng 5 với lý do sức khỏe yếu trong quá trình mang thai. Sau 3 tháng nghỉ hè, cô Mai tiếp tục xin nghỉ từ ngày 1/8 và đến ngày 20/9/2011 thì sinh con. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trong tháng 4, 5, dù không phải là thời gian nghỉ thai sản nhưng BGH Trường tiểu học Long Thành vẫn trả đủ nguyên lương cho cô giáo này. Về điều này, ông Nguyễn Đức Hà – Phó hiệu trưởng kiêm Chủ tịch công đoàn nhà trường lý giải: “Cô Mai là trường hợp đặc biệt, trong thời gian mang thai sức khỏe rất yếu nên xin được nghỉ. Vì tình cảm nên công đoàn nhà trường đã đề xuất và được các thầy cô giáo cũng như BGH đồng ý cho cô Mai nghỉ nhưng vẫn giữ nguyên lương, chỉ trừ chế độ đứng lớp cho giáo viên dạy thay”. Mặc dù cả Chủ tịch công đoàn và hiệu trưởng nhà trường đều thừa nhận như vậy như vậy là sai nhưng do “tình cảm” nên vẫn… làm!
Hoàng Lam
Theo Dân trí
Đổi giờ học, nữ sinh bị trêu ghẹo
Người đứng đầu một trường THPT thuộc huyện Thanh Trì trong buổi họp với lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội vừa diễn ra sáng 10-2 đã phản ánh những khó khăn về tình hình giao thông và cả chuyện học sinh nói rằng bị trêu ghẹo trên đường về.
Trở về sau cuộc họp, hiệu trưởng một trường THPT thuộc huyện Thanh Trì cho rằng: "Chủ trương thay đổi lịch học là đúng, nằm trong tổng thể các biện pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông của thành phố".
Phụ huynh tới đón con sau giờ tan học buổi chiều lúc 17h - Ảnh chụp tại Trường TH Trung Tự, quận Đống Đa)
Tuy nhiên, theo ông: "Cũng cần tính tới những khó khăn, đặc biệt là với các trường thuộc vùng ngoại thành như chúng tôi. Hiện nay, số học sinh của trường phải đạp từ 5-7km, thậm chí 9km tới lớp khá đông.
Đường đi hầu hết là các đường nhỏ, liên thôn, liên xã rồi đoạn đường qua đê rất xấu. Buổi tối nhiều đoạn không có đèn, đường vắng. Nhiều em tan sau 19h thường phải 20h mới về đến nhà.
"Không nói đến chuyện tâm sinh lý thay đổi, tôi chỉ đề cập đến chuyện đi lại của học sinh thôi cũng khá phức tạp. Đã có một số em phản ánh bị trêu ghẹo trên đường về.
Đa phần các em đi xe đạp. Vì đường như vậy nên có em đã va chạm với xe máy, lao vào hố ga hay lao xuống mương dù chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc".
Theo ông, việc Hà Nội đổi giờ tan sau 18h là kịp thời, nhưng một số trường ở vùng ngoại thành như trường ông vẫn đề nghị giữ nguyên lịch tan từ 17h15 hoặc cho phép trường để học sinh tan sớm từ 17h30 hoặc 17h45.
Ông cho biết lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã lắng nghe, ghi nhận và tiếp tục có ý kiến trả lời sau.
Phụ huynh có thể đón trẻ trước 17h
Ngày 9-2, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn về việc điều chỉnh giờ học đối với học sinh các khối từ mầm non đến THPT. Theo đó, cha mẹ học sinh có thể đón trẻ trước 17h và để tránh gây ùn tắc cục bộ trên địa bàn một số tuyến phố có các trường mầm non, tiểu học, THCS ở gần nhau, đồng thời giãn được thời gian giao giữa 2 ca học buổi sáng và buổi chiều của cấp THCS.
Các trường THCS có thể bắt đầu giờ học buổi sáng sau 7h30, kết thúc giờ học vào buổi chiều trước 17h30.
Với các trường THPT, TT GDTX điều chỉnh giờ học buổi chiều vào sau 18h. Các trường phổ thông có nhiều cấp học, thường có xe ô tô đưa đón học sinh được chủ động chọn giờ học theo một cấp học được quy định trong quyết định 315/QĐ-UB của thành phố để tổ chức hoạt động cho phù hợp với điều kiện của từng trường.
Sở GD-ĐT cũng ghi rõ: "Việc điều chỉnh như trên chỉ áp dụng đối với giờ học chính khóa của các trường học 2 ca/ngày. Các trường có học sinh học một ca, có thêm một số tiết phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc tiết ngoại khóa buổi chiều thì thời gian học sẽ do các trường chủ động quyết định cho phù hợp, tránh không cho học sinh tan học vào giờ cao điểm.
Việc thực hiện bắt đầu từ 13/2".
Theo Phong Đăng (Vietnamnet)
Trường "lách luật" để không "giam" HS đến 19h Thực hiện khung giờ học mới, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn v không được tự ý đnh ra các giờ học tránh. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn "lách luật" để tránh cảnh cả thầy đều khổ vì tan học muộn buổi chiều. Cả ng lẫn tư đều "lách" Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Quận Ba Đình) chỉ tổ...