Trường THPT chuyên không còn là nơi đào tạo ‘gà nòi’
Các trường THPT chuyên hiện không còn đơn thuần là nơi đào tạo những học sinh năng khiếu mà hướng tới môi trường giáo dục toàn diện, hội nhập quốc tế
Sáng 29/9 tại Hà Nội, trong hội nghị sơ kết thực hiện đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2016, lãnh đạo các trường trên toàn quốc khẳng định đến nay phụ huynh không thể gọi trường THPT chuyên là lò đào tạo “gà nòi” được nữa bởi sự chú trọng giáo dục toàn diện. Hình ảnh học sinh chỉ biết học và học đã bị xóa bỏ.
Xóa bỏ hai chữ ‘gà nòi’
Những năm trước đây, trường THPT chuyên luôn bị coi là lò đào tạo “gà nòi”, dạy học sinh chỉ để đi thi. Các em chỉ cần tập trung vào môn học thế mạnh và được bỏ qua những môn phụ như Thể dục hay Công nghệ nhằm giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, đem lại thành tích cho bản thân và nhà trường. Việc chú trọng đến sự phát triển toàn diện trong tương lai của học sinh không được đề cập.
Tuy nhiên, từ khi triển khai đề án năm 2010, các trường THPT chuyên trên cả nước đã chuyển hướng và đạt được những thành tựu rõ nét trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Ngoài giáo dục kiến thức, nhiều trường đã chú trọng đến vấn đề giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo và hoạt động xã hội để học sinh có thể phát triển năng lực ở mọi mặt.
Các trường chuyên đã có sáng kiến tổ chức và hoạt động giao lưu cho giáo viên và học sinh theo cụm tỉnh như cuộc thi Olympic Hùng Vương các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, hay Olympic các trường chuyên thuộc miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam; tổ chức câu lạc bộ, phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp trong việc tư vấn tâm lý, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thông qua các hoạt động, học sinh được trao đổi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và phát triển kỹ năng sống. Nhiều em tự tin với nền tảng kiến thức, kỹ năng khi ra trường.
Nhiều trường có thành tích hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội tốt như THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và THPT chuyên Quốc học Huế. Đây cũng là hai ngôi trường có học sinh lọt vào vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia trong nhiều năm, một chương trình đòi hỏi có kiến thức toàn diện. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) có học sinh tham gia vào cuộc thi ca hát trên truyền hình và đạt được giải cao. Hay ở các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, học sinh trường chuyên cũng luôn để lại ấn tượng tốt.
Để thực hiện giáo dục toàn diện, nhiều trường cũng mở rộng hợp tác quốc tế. Trường chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức trao đổi chuyên môn, giao lưu hợp tác với các trường uy tín của Nhật Bản, Đài Loan. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) thiết lập quan hệ hợp tác với đại sứ quán của một số nước ở Việt Nam như Pháp, Anh, Australia… nhằm tìm kiếm thêm học bổng cho học sinh. Một trường còn nhiều khó khăn như THPT chuyên Lào Cai cũng có hợp tác, trao đổi chuyên môn với trường trung học của Singapore và Trung Quốc…
Video đang HOT
Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn báo cáo kết quả đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2016. Ảnh: Thanh Tâm.
Biện pháp giáo dục toàn diện
Theo thầy Nguyễn Phước Bửu Tuấn, Hiệu trưởng THPT chuyên Quốc học Huế, các trường cần tạo điều kiện cho câu lạc bộ do học sinh sáng lập được hoạt động tích cực bằng cách hỗ trợ cơ sở vật chất, cho mượn phòng thí nghiệm ngoài giờ để thực hành và thực nghiệm các công trình nghiên cứu khoa học. Nhà trường cần giúp học sinh liên kết với thầy cô và cựu học sinh của trường, tổ chức những sân chơi, tạo môi trường học tập năng động, sáng tạo.
Thầy Tuấn cho rằng nội dung hoạt động ngoại khóa cần được thường xuyên đổi mới, nhà trường cần tăng cường dạy kỹ năng sống cho học sinh để các em phát triển toàn diện. Lấy ví dụ về việc dạy bơi, ở chuyên Quốc học Huế, 100% học sinh khi ra trường phải có chứng chỉ bơi do nhà trường cấp. Ngoài ra, các trường phải mở rộng hợp tác quốc tế để cả giáo viên và học sinh được tiếp cận với những mô hình giáo dục lớn trên thế giới.
Thầy Vũ Đình Thuận, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Tuyên Quang nhận định các trường chuyên cần xây dựng kế hoạch giáo dục toàn diện định hướng phát triển năng lực học sinh. Ví dụ, nếu dạy theo sách giáo khoa Công nghệ lớp 10, các em sẽ chỉ được học về nông, lâm, ngư nghiệp. Theo khảo sát, học sinh không hứng thú với phần kiến thức đó. Nhà trường phải lên nội dung, tập trung vào phần kiến thức về những nghề nghiệp các em mong muốn nhất như kinh doanh, coi tiết học như một buổi định hướng nghề nghiệp.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu các trường THPT chuyên phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện. Các Sở Giáo dục cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Vụ trưởng Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn cũng đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu các trường chuyên thực sự là hình mẫu của trường THPT về cơ sở vật chất, đôi ngũ nhà giáo và tổ chức hoạt động giáo dục ở địa phương.
Theo VNE
Môn công nghệ quá lạc hậu
Nói đến công nghệ là cập nhật và ứng dụng nhưng chương trình và sách giáo khoa môn này hiện nay ở trường phổ thông quá xa rời thực tế.
Không chỉ chương trình quá cũ, thiếu tính ứng dụng, tư duy đây chỉ là môn phụ khiến môn học này là môn tập trung những giáo viên kiêm nhiệm. Kiến thức chuyên môn còn yếu, có thực trạng giáo viên còn dùng tiết học này để dạy các môn khác còn dang dở... Thực tế đó khiến học sinh thờ ơ, không còn hứng thú với môn học.
Sử dụng số liệu của năm 2004
Dẫn chứng về sự lạc hậu của môn công nghệ, giáo viên một trường THPT tại quận Tân Bình (TP HCM) cho biết trong chương trình công nghệ lớp 10 học về nông nghiệp, sách giáo khoa (SGK) vẫn còn sử dụng số liệu của những năm 1995 đến 2004.
Chẳng hạn, ở bài "Ngành nông lâm ngư nghiệp có vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu", SGK lấy nguồn từ Tổng cục Thống kê để dẫn chứng nhưng số liệu này có từ những năm 1995, 2000 và 2004.
Nghiêm trọng hơn, ở phần biểu đồ thể hiện về cơ cấu lực lượng lao động xã hội ở nước ta lại tiếp tục dùng số liệu của những năm 1995 đến 2000. Rõ ràng cơ cấu lao động hiện nay tại các ngành nghề ở nước ra đã khác rất nhiều. Số liệu lạc hậu sẽ dẫn đến những phân tích sai và cách hiểu sai.
Tương tự, bài học về tầm quan trọng của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong nền kinh tế quốc dân yêu cầu học sinh dựa vào biểu đồ trong sách để nhận xét về đóng góp của ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm nội địa. Biểu đồ sử dụng số liệu của 3 năm là 1995, 2000 và 2004 để yêu cầu học sinh nhận xét
"Nếu các em nhận xét theo số liệu cách đây hơn 10 năm thì vô hình trung chúng ta đang gieo vào đầu các em những tư duy lạc hậu vì số liệu này không phản ánh được thực tế ngành nghề hiện nay" - giáo viên này bức xúc.
Một giáo viên khác dẫn chứng trong chương trình môn công nghệ lớp 12, ở bài máy thu hình, SGK ghi khái niệm về máy thu hình là thiết bị nhận và tái tạo âm thanh và hình ảnh của đài truyền hình. Âm thanh và hình ảnh được xử lý độc lập trong máy thu hình.
Tiếp sau đó, SGK có hình mô phỏng nhưng vẫn còn sử dụng khái niệm ăng-ten. Ăng-ten là thiết bị thu sóng nhưng hiện nay rất ít gia đình còn sử dụng. Hầu hết đã sử dụng đầu thu và các thiết bị kỹ thuật số. Chưa kể, sắp tới sẽ chuyển hoàn toàn sang việc sử dụng đầu thu, không còn ăng-ten nữa. Vậy học sinh học về ăng-ten thì cũng như không, trong khi đó đầu thu lại không biết sử dụng.
Một bằng chứng lạc hậu của sách giáo khoa môn công nghệ lớp 12 . Ảnh: Người Lao Động.
Cập nhật không đúng chỗ
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, giáo viên môn công nghệ Trường THPT Bà Điểm (TP HCM), cho biết trong vài năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cập nhật một số chuyên đề bổ sung trong SGK công nghệ.
Đơn cử như chuyên đề về kinh doanh, dạy học sinh các kỹ năng về tài chính, gọi chung là các chuyên đề về kỹ năng sống. Nhưng có bất cập là những giáo viên chuyên về công nghệ thì được đi tập huấn về những thay đổi, còn những giáo viên kiêm nhiệm thì không. Trong khi đó, hầu hết hiện nay giáo viên dạy môn công nghệ là giáo viên kiêm nhiệm.
Ông Thịnh cũng cho rằng việc giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh là yêu cầu cần thiết, trách nhiệm của tất cả môn học, giáo viên song nếu bỗng dưng xây dựng thành chuyên đề rồi cập nhật vào SGK công nghệ thì rất khiên cưỡng. Giống như môn học thập cẩm, có thể ghép bất kỳ môn nào còn thiếu vào. Lâu dần tạo tâm lý cho học sinh tư tưởng học lệch vì là môn phụ, có hay không cũng không ảnh hưởng gì.
Hiệu trưởng một trường THPT thống kê trong 10 giáo viên dạy môn công nghệ thì có tới 8 giáo viên là kiêm nhiệm từ môn sinh học. Từ thực tế này dẫn đến tình trạng nếu giáo viên nào dạy quen thì biết SGK chỗ nào hạn chế, chỗ nào cần cập nhật để bổ sung kiến thức cho học sinh. Ngược lại, nếu là giáo viên không chuyên thì bám sách, dạy theo phân phối chương trình (thiếu sự cập nhật) cho đủ tiết.
Giáo viên không có hứng thú dạy
Giáo viên một trường THPT tại quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết số liệu lạc hậu, không những khiến học sinh không hứng thú, thờ ơ với môn học mà chính bản thân người dạy cũng không còn cảm hứng để dạy. Mặt khác, SGK cung cấp những số liệu, kiến thức quá cũ thì mục đích cung cấp trở thành sự không nghiêm túc. Chưa kể công nghệ mà lạc hậu dễ dẫn đến học sinh học sai, hiểu sai và không thể thực hành, áp dụng trong thực tế được thì rất nguy hiểm.
Theo Đặng Trinh/Người Lao Động
ĐH Công nghệ được phép đào tạo thạc sĩ ngôn ngữ Anh Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga vừa ký quyết định cho phép ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ Anh. Ngành ngôn ngữ Anh được HUTECH bắt đầu tuyển sinh trình độ ĐH từ năm 1995. Chương trình đào tạo thạc sĩ ngôn ngữ Anh tại HUTECH được xây...