Trường “thêm” nơi lưng núi Phia Jạ
Trường Mầm non Thái Sơn (Bảo Lâm, Cao Bằng) như đứa “con thêm” trong chuỗi con không đếm hết của nhà nghèo. Đi hết nửa học kỳ của năm học thứ 2 mà từ trường chính đến các điểm trường “vệ tinh” vẫn gianh lá xác xơ, “bấu” vào những góc khuất nhất của trường “anh chị”.
Đỉnh Phia Jạ cao nhất huyện Bảo Lâm, xấp xỉ 2.000m, quanh năm mây phủ, đứng từ xa tưởng như chỉ có mây và gió, nhưng giữa gió và mây ấy vẫn có những xóm, bản của người Mông, Dao, Lô Lô… Năm 2012, Trường Mầm non Thái Sơn được thành lập, về mặt cơ cấu đã hoàn chỉnh các cấp giáo dục ở một trong những điểm khó khăn nhất huyện, nhưng thực tế thì đứa con út, hoặc như nhiều người nói vui “con thêm” ra đời cứ như sự nhỡ nhàng không mong muốn.
Trường học 24m2
Đại bản doanh của Trường Mầm non xã Thái Sơn là một phòng tạm do dân bản dựng rộng 24m2, nằm hẳn phía sau Trường THCS xã Thái Sơn trên thửa đất rộng chừng 100m2, giáp vách núi chia làm 3 lớp. Không có ván, các thầy cô huy động dân lấy giát tre bưng tạm, 2 năm nay ở Bảo Lâm tre nứa bị khuy (nở hoa), xốp ộp, mới được nửa năm mà mọt “không tả được” mỗi buổi gió, bụi mọt bay “không mở được mắt”. Cô giáo Lương Thị Mười cười nói với chúng tôi: “Ở đây chúng em thiếu bụi phấn mà thừa bụi… mọt, sau mỗi buổi học là tóc, quần áo cô trò đều chuyển màu bụi… lãng mạn lắm”.
Giờ học của lớp 5 tuổi tại điểm trung tâm Trường Mầm non Thái Sơn
Năm nay cô Đinh Thị Cúc- Hiệu trưởng nhà trường khoe cơ sở hạ tầng nhà trường có tiến bộ so với năm trước, sự tiến bộ ấy là cái nền xi măng. Nhân dịp doanh nghiệp làm sân cho trường anh chị, các cô giáo “vận động” được ít xi măng, cát, lát cái nền đất cho 3 phòng học. “Tụi trẻ đỡ vày đất trong giờ học, vệ sinh hơn nhiều…”- cô Cúc bảo.
Tới đây cái nhà trường rộng 24m2 ấy cũng sẽ không còn, xã mượn dân miếng đất để trường mầm non về đóng tạm, “ngôi trường” dù xác sơ cũng phải trả lại cho trường cũ. Kinh phí làm trường mới chưa có, vận động dân mãi cũng không được. Chuyển đến các cô giáo khoản tiền gúp đỡ cô trò mà ông Dương Đức Nguyện – Phó Tổng biên tập Báo NTNN buồn rười rượi. Khoản tiền đóng góp của Đoàn thanh niên phòng Dịch vụ Ngân hàng điện tử VietinBank và công nhân xưởng in của Báo NTNN chỉ đủ mua khung gỗ, tái tạo lại “ngôi trường 24m2″, mà chắc sẽ kém hơn bởi thua cái nền xi măng.
Người thầy và những cô giáo
Thầy Nông Văn Long- giáo viên mầm non nam của duy nhất của trường cũng là duy nhất của huyện Bảo Lâm giờ đã có 2 năm trong nghề. Hai năm trước, tôi có may mắn đi cùng thầy lên nhận lớp ở bản Sán Xáy – bản xa nhất của xã. Cũng vì quá xa mà bao năm Sán Xáy không nhận bố trí được giáo viên mầm non để mở lớp. Phòng Giáo dục tính phương án “đột phá” chọn giáo viên nam mở lớp mầm non ở Sán Xáy, thầy Long được chọn để làm thực hiện bước đi đột phá ấy.
Buổi lên lớp đầu tiên của thầy Long có đến cả trăm người hồi hộp- cả thầy, các đồng nghiệp và dân bản. Nghe có giáo viên mầm non về mở lớp, ai cũng mừng rồi lo vì là… thầy giáo, rồi xúm đến xem thầy giáo Tày dỗ trẻ. Tiếng Mông thầy chưa rành, hơn 20 đứa trẻ “bị” bố mẹ lần đầu tiên “thả” vào lớp học, ngơ ngác quanh thầy giáo, cũng lần đầu tiên đứng lớp. Một cháu khóc rồi 3 cháu cùng khóc, trong trời lạnh mà chúng tôi thấy rõ từng giọt mồ hôi trên trán thầy. Thầy Long bế 2 cháu trên tay, một cháu trên đùi… nựng, lần lượt từng cháu nín, các thầy cô thở phào, mấy bà mẹ xuýt xoa “ui cái thầy giáo khéo quá”.
Video đang HOT
Bụi mọt dày đặc trên vách lớp học
Gặp lại thầy Long, thấy thầy “già” đi nhiều, nhưng vẫn hát hay múa dẻo, thầy bảo: “Em đã chọn đúng nghề”. Nơi chót cùng, xa xôi và gian khó nhất vùng lưng núi Phia Jạ 2 năm qua đã ổn ở hệ mầm non, dù thầy Long ngã xe nhiều không đếm hết nhưng “may lắm chưa rách hay gãy cái gì”- thầy Long nói.
Hai năm trước, tôi từng đi dọc tuyến 4 điểm trường Khau Dề, Bản Là, Bản Lìn, Sán Xáy bằng xe máy mà không ngã lần nào, các thầy cô vỗ tay phong “anh hùng”. Thú thực nghĩ lại chặng đường mà ớn, tuyến đường đất dài hơn 50km, rộng chừng nửa mét, như con rắn trườn bên mép vực, đi xe lúc nào cũng co chân sẵn sàng đạp bỏ xe lao mà nhào vào vách núi. Hỏi các cô giáo “tớ là anh hùng thì các cô là gì”, mấy cô giáo nhìn nhau buồn thiu, một cô nói “chúng em… quen rồi, với lại việc nó phải thế”.
Hồi đầu năm học, cô giáo Nguyễn Thị Trang – giáo viên mầm non ở điểm trường Bản Là ngã nhào xuống vực, rách te tua… đứng khóc một tý rồi nhờ dân bản kéo xe lên… đi tiếp. Lúc mới thành lập trường vào tháng 10.1012, cô Cúc – Hiệu trưởng cùng cô Nguyễn Thị Đường – Hiệu phó đưa cô giáo Nông Thị Hồng vào nhận lớp ở bản Lũng Là, đường dốc trơn thi nhau ngã, đến lúc cùng ngã, hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên mới cùng nhau đứng khóc giữa đường. Sau những chuyến đi xe máy để ngã lên ngã xuống phần lớn các cô có kinh nghiệm hơn để… không đi xe nữa. Họp hành hay có việc gì thì đi nhờ xe hoặc đi bộ, gần nửa ngày, xa cả ngày thong thả bước.
Mơ về một… khu lều trung tâm
Cô Cúc tâm sự: “Trước chưa tách trường, thôi thì mọi việc còn dựa vào hệ trên, nay tách ra thành tay trắng, nhiều khi cứ thấy tủi tủi …”. Cô cho biết đất dự kiến chuyển đến vẫn là đi mượn, còn việc xây trường mới thì cô cũng chịu, không thể biết được đến bao giờ. Chứng kiến trường học của các cô, anh Lê Việt Hưng – Phó phòng Dịch vụ Ngân hàng điện tử VietinBank sốc thực sự: “Không hiểu tại sao lại có cái cảnh trường lớp, dạy và học như vậy được”.
Hơn một năm vào làm hiệu phó của nhà trường, “thon thả” đi 4-5 ký, đến giờ cô Nguyễn Thị Đường đã thực sự “ngấm đòn”. Tới đây khi cô Cúc – Hiệu trưởng không thể đi bản được, cái sự chị kéo em đẩy xe mỗi khi quá khó không còn, cô nói thực: “đành bỏ xe mà đi bộ thôi, mà đi bộ thì tháng không thể đi kín vòng các bản được”. Chuyện trường sở, cô không dám mơ lớn chỉ mong “giáo viên ở các bản về có chỗ trú lại, họp hành, ngủ qua đêm. Trường xây, chắc mơ xa quá, chỉ dám mơ trường trung tâm có một khu lều kín gió, chắc chắc một chút cho chị em là mừng rồi”.
Theo TNO
Nam sinh tự tử: Chết để mẹ bớt khổ?
Người mẹ đau đớn, ngất xỉu liên tục sau khi đứa con trai út mà bà rất mực thương yêu đã treo cổ tự tử.
Trước đó, ngày 5/11, em Nguyễn Quốc Anh (17 tuổi, học sinh lớp 12, trường THPT Phước Bình, phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) đã treo cổ tự tử tại nhà.
Mẹ đau đớn tột cùng
Sau những ngày liên tục ngất xỉu, tỉnh dậy thì mơ hồ và hay nói sảng, mãi đến ngày 9/11, sức khỏe, đầu óc bà Nguyễn Thị Bích (mẹ Quốc Anh) mới tạm ổn sau khi chôn cất con.
Người mẹ đáng thương nói, mặc dù căn bệnh tim hành hạ bà quanh năm nhưng bà đã cố gắng hết sức mình để làm lụng vất vả nuôi con ăn học chỉ với mong ước giản dị sau con mình này có cuộc sống ổn định. Nào ngờ, đứa con bồng bột, suy nghĩ nông cạn đã dại dột kết thúc cuộc đời bằng cách treo cổ tự tử khiến bà suy sụp, muốn chết đứng.
Bà kể, từ khi cha Quốc Anh mất cách đây 7 năm, các anh chị lập gia đình ra riêng sống và do điều kiện các con cũng khó khăn nên ít về thăm mẹ con bà. Nhiều năm qua chỉ còn hai mẹ con sống trong căn nhà xây đơn sơ. Thời gian đầu, sau khi cha mất, thấy nhà nghèo nên Quốc Anh hứa với mẹ sẽ học tập chăm ngoan sau này thành tài nuôi mẹ tuổi già.
Bà Bích kể tiếp, sáng ngày 5/11, hai mẹ con ăn cơm sáng với nước tương, sau đó Quốc Anh đến trường đi học bình thường. Hơn 11h, khi về nhà, Quốc Anh không ăn cơm và vào phòng khóa cửa trong lại. Ăn cơm xong bà đi làm ngay (cách nhà khoảng 500m) để kịp nguồn hàng cho chủ.
Sợ con ngủ quên nên khoảng 13h, bà về gọi con dậy đi học. Về nhà thấy cửa chính khép kín, bà đẩy cửa vào nhà, đến phòng riêng Quốc Anh gọi cửa nhưng không thấy con ra mở. Bà đi ra cửa sổ nhìn vào phòng thì thấy con thắt cổ trong phòng. Quá hoảng sợ, bà hô hoán nhờ hàng xóm cứu giúp. Ngay sau đó rất đông hàng xóm vào phòng cắt sợi dây dù thả em xuống và sơ cứu. Sờ thấy người còn nóng nên mọi người vội gọi taxi chuyển đến bệnh viện nhưng các y bác sĩ xác định em Quốc Anh đã chết trước đó.
"Nó (Quốc Anh - PV) là niềm an ủi duy nhất để tôi chống chọi lại căn bệnh tim. Nhiều lúc cơn đau hành hạ, chỉ mình nó lo liệu, nó đi rồi không biết sau này ai lo cho tôi đây" - bà Bích nức nở nói.
Bà Nguyễn Thị Bích đau đớn bên quan tài con trai út
Chết để mẹ bớt khổ?
Theo bà Bích, công việc phân loại hạt điều nhân cho một cơ sở chế biến ở gần nhà trung bình mỗi ngày cho thu nhập từ 60-70 nghìn đồng. Khỏe thì đi làm, đau lại phải nghỉ. Ngần ấy thu nhập san sẻ cho cuộc sống của hai mẹ con những năm qua. Còn bệnh tình trở nặng thì vay mượn bà con lối xóm hoặc các con. Số nợ bao nhiêu bà giấu không dám cho con biết vì sợ con buồn nghỉ học.
"Vì nó rất thương mẹ nên hai mẹ con có no ăn no, có đói ăn đói. Thường chỉ cá khô, tàu hũ, nước tương cộng thêm với tô canh nhưng chẳng bao giờ nó chê dở cả mà cứ hay khen mẹ nấu ngon. Mới đây tiết trời trở lạnh, nó có mượn được ở đâu đó cái áo gió (áo lạnh) về mặc. Tôi hỏi áo ở đâu thì nó nói mượn của thằng Nhân (bạn thân của Quốc Anh). Tôi nói chờ lãnh lương mẹ mua cho con áo mới nhá, nó gật đầu. Ai ngờ chưa mua được áo mới thì nó bỏ tôi mà đi. Chắc nó nghĩ tôi ốm yếu mà cứ phải làm việc khó nhọc để nuôi nấng nó nên nó tìm đến cái chết để tôi bớt khổ" - bà Bích nghẹn ngào.
Em Huỳnh Trọng Nhân, người bạn cùng lớp và thân nhất trong số bạn bè của Quốc Anh, cho biết hai người sống với nhau như anh em ruột. Có bất cứ chuyện gì Quốc Anh cũng kể cho em biết. Cách đây không lâu khi mẹ Quốc Anh lên cơn đau tim, Quốc Anh đưa mẹ đi khám bệnh và được các bác sĩ cho biết, chi phí điều trị tốn hơn 100 triệu đồng và khả năng thành công của ca mổ là 50-50. Thấy vậy nên mẹ Quốc Anh nói để uống thuốc sống cầm cự. Sau lần đó, Quốc Anh rất buồn nhưng vẫn đi học đều đặn.
Một lần khác, Quốc Anh tâm sự muốn nghỉ học đi phụ bán ở một cây xăng để có tiền chữa bệnh cho mẹ nhưng mẹ và các bạn khuyên nên vẫn tiếp tục đi học. Ở lớp Quốc Anh sống vui vẻ, hòa đồng với các bạn, gặp bạn bè Quốc Anh thường nói nhiều, toàn chuyện vui nên trong lớp ai cũng mến. Tuy nhiên, ở nhà Quốc Anh lại sống rất khép kín, thường đóng chặt cửa phòng riêng và không quan hệ với bạn bè xóm giềng. Có lẽ quá buồn vì nhà nghèo, mẹ lại bị bệnh nên trong lúc quá quẫn trí Quốc Anh đã treo cổ tự tử.
"Khoảng 12h ngày 5/11, Quốc Anh có gửi cho em và 2 bạn khác bản tin nhắn ngắn gọn: "Tạm biệt mọi người, mình mãi mãi không gặp các bạn nữa". Em cứ tưởng Quốc Anh đùa. Đến 1h30 em xuống nhà chở Quốc Anh đi học như thường lệ thì thấy rất đông người đang cấp cứu Quốc Anh. Em đến trường đi học và nhận được tin báo Quốc Anh đã chết sau đó không lâu. Đến giờ em cũng không nghĩ Quốc Anh lại treo cổ tự tử như thế này".
Các anh chị của Quốc Anh cũng cho biết, ở nhà em rất ít nói, ăn xong là lẳng lặng vào phòng đóng cửa một mình. Thời gian gần đây anh chị cũng thấy em mình có biểu hiện của bệnh trầm cảm nhưng chưa kịp đưa đi điều trị thì em đã làm chuyện dại dột. Chị Nguyễn Thị Oanh, chị cả trong nhà nói: "Ở nhà em nó là người mà mẹ thương nhất. Cuộc sống khó khăn nên chúng tôi đều phải nghỉ học sớm. Cả nhà ai cũng mong nó học hành đỗ đạt sau này thành tài. Ai ngờ nó lại nỡ lòng nào bỏ mẹ, anh chị em ra đi".
Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Vẫn, hiệu trưởng trường THPT Phước Bình, cho biết Quốc Anh là học trò ngoan, học lực khá, hạnh kiểm tốt. Em rất hòa đồng, gần gũi thầy cô, bạn bè. Trước khi chết vài ngày Quốc Anh có xin phép cô chủ nhiệm nghỉ học đi khám bệnh và thăm thầy giáo chủ nhiệm hồi lớp 10 ở thị xã Đồng Xoài, sau đó đi học trở lại.
Do là hộ cận nghèo nên mọi khoản phí đều được nhà trường miễn, ngay cả tiền quỹ lớp. Thấy nhà nghèo nên em rất cố gắng vươn lên trong học tập, có học lực khá nên liên tiếp những năm qua, học kỳ nào em cũng được nhận học bổng, do đó luôn được thầy cô bạn bè quý mến. "Các anh chị của Quốc Anh cũng tâm sự gần đây em bị bệnh trầm cảm và ngày càng trầm trọng. Có lẽ cái chết của em chính do căn bệnh trầm cảm gây ra".
Cô Nguyễn Thị Kim Huyên, giáo viên chủ nhiệm của Quốc Anh, cũng cho biết nhiều lúc em nhịn đói đến lớp học thấy rất thương, ngoài căn nhà xây đơn sơ thì trong nhà chẳng có vật dụng gì quý giá cả. Biết chuyện nhà nghèo nên đôi khi thầy cô cũng dành dụm tặng em ít tiền trang trải cuộc sống.
"Thật tội nghiệp cho người mẹ (bà Bích - PV) gầy gò ốm yếu, đau bệnh khi Quốc Anh chết đi. Trước đây khi cha còn sống thì kinh tế gia đình em ổn định lắm. Bà rất hy vọng vào con mình, vì với lực học của em thì không khó để chọn cho mình một trường đại học" - cô Huyên chia sẻ.
Theo Khampha
Liều mạng mưu sinh Đã có 3 người bị lũ cuốn vì vớt củi, gỗ trong nước lũ nhưng nhiều người dân Hà Tĩnh vẫn đổ xô đi lấy "của trời cho" với hy vọng kiếm chút tiền hoặc gặp may thì trúng lớn. Mấy ngày qua, ở Hà Tĩnh có mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn cuốn theo nhiều củi, gỗ....