Trường THCS Tô Hiệu (Lê Chân, Hải Phòng): Điểm sáng về giáo dục pháp luật cho học sinh
Tròn 30 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THCS Tô Hiệu đã đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục pháp luật cho học sinh.
Trường THCS Tô Hiệu ( quận Lê Chân, TP Hải Phòng) tiền thân là Trường PTCS Tô Hiệu, được thành lập ngày 09/8/1990 theo Quyết định số 94-QĐ của UBND quận Lê Chân. Từ nhiều năm nay, nhà trường có nề nếp về công tác dạy và học, hàng năm đều được Bộ GD&ĐT, UBND thành phố Hải Phòng, UBND quận Lê Chân đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Những kết quả trên là điều kiện hết sức quan trọng để nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh bậc THCS. Mặc dù, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh của nhà trường còn gặp không ít khó khăn, kinh nghiệm của các thầy cô cho hoạt động tuyên truyền pháp luật chưa được tích lũy nhiều, cơ sở vật chất cho hoạt động lên lớp chuyên đề còn thiếu thốn.
Chào cờ kết hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật về An toàn giao thông
Một trong những điểm sáng của Trường THCS Tô Hiệu trong những năm qua là nhà trường đã tổ chức tốt các chuyên đề tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh. Thực hiện chủ trương của Cấp ủy, Chi bộ Nhà trường về lãnh đạo nhiệm vụ chính trị hàng năm, Ban Giám hiệu có kết hoạch tổ chức các chuyên đề lên lớp ngoài giờ giáo dục pháp luật cho học sinh.
Qua tìm hiểu, một trong những biện pháp tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh là tổ chức dạy lồng ghép kiến thức pháp luật hiệu quả vào giờ chào cờ hàng tháng, nhà trường đã mời các cơ quan chức năng của thành phố về nói chuyện, tuyên truyền, có nhiều buổi do chính giáo viên dạy môn giáo dục công dân của trường đảm nhiệm tuyên truyền. Nội dung tuyền tập trung vào Luật Giáo dục, Luật Giao thông đường bộ, Pháp luật về bảo vệ môi trường,…
Gần đây nhất, Trường đã tổ chức rất thành công hoạt động “Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông và hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đúng cách, ngồi sau xe an toàn” kết hợp cùng Công ty Honda Việt Nam. Đồng thời, nhà trường đã tích cực vận động giáo viên, học sinh tham gia cuộc thi “An toàn giao thông nụ cười ngày mai” do Bộ GD&ĐT kết hợp cùng Công ty Honda tổ chức nhiều năm đạt giải cao.
Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về kiến thức pháp luật, nhà trường còn hiện thực việc tuân thủ pháp luật thông qua việc xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn”. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông khu vực cổng trường, giải tỏa ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, giúp phụ huynh cũng như các em học sinh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng ý thức văn hóa giao thông, văn minh học đường và an ninh trật tự đô thị, nhà trường đã tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động để mô hình “Cổng trường an toàn” của nhà trường tiếp tục hiệu quả hơn nữa.
Mô hình “Cổng trường an toàn” của Trường THCS Tô Hiệu.
Cô giáo Hứa Thanh Mai, Phó hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu cho biết: “Tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường góp phần không nhỏ vào nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giá trị sống cho học sinh hiện nay. Nhà trường sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hơn nữa để công tác giáo dục pháp luật của nhà trường ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu”.
Nhờ những thành tích xuất sắc đã đạt được trong tuyên truyền giáo dục pháp luật, Trường THCS Tô Hiệu được Bộ Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc năm học 2016-2017, danh hiệu thi đua “Lá cờ đầu công tác Đội và phong trào thiếu nhi” năm học 2017-2018, giải Khuyến khích cấp Quốc gia cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” năm học 2018-2019, là đơn vị tích cực giáo dục, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho học sinh.
Video đang HOT
Đánh giá học sinh THCS và THPT: Sẽ không còn điểm kiểm tra một tiết
Trong kiểm tra định kỳ với học sinh THCS và THPT sẽ chỉ còn một điểm kiểm tra giữa kỳ và một điểm kiểm tra cuối kỳ, không còn điểm kiểm tra một tiết như hiện nay.
Trên đây là chia sẻ của TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở (THCS) và học sinh trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.
Vì sao Bộ GD&ĐT không ban hành Thông tư để áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới, thay thế Thông tư 58 của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, mà chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58, TS Sái Công Hồng cho biết: "Đối với học sinh đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hiện vẫn đang thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 58 cho đến hết năm học 2023-2024.
Tuy nhiên, với sự phát triển của giáo dục đào tạo, Thông tư 58 sau 9 năm ra đời, đến nay đã có một số hạn chế.
Cụ thể, nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm; số lượng đầu điểm nhiều; việc kiểm tra chưa tiếp cận đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, chưa đánh giá được sự tiến bộ trong quá trình học tập của người học.
Quan trọng hơn, cách đánh giá cho điểm số hiện nay chưa tạo động lực để tiến bộ cho người học.
Với việc dạy và học được điều chỉnh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng cần thiết đổi mới để phù hợp với định hướng trên".
TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT)
Theo ông, ở Thông tư 58 sửa đổi, Bộ GD&ĐT giữ nguyên và thay thế những điểm cơ bản nào?
Dự thảo giữ lại những nội dung phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và thực tế dạy học, bãi bỏ hoặc điều chỉnh những nội dung lạc hậu so với thực tế hiện nay.
Một số nội dung mới được bổ sung để tiếp cận việc đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh.
Chẳng hạn, việc đánh giá vì sự tiến bộ của người học; tăng cường và coi trọng kiểm tra, đánh giá quá trình học tập; coi kiểm tra đánh giá như một hoạt động học tập...
Dự thảo đồng thời hướng tới việc khen thưởng toàn diện và khen thưởng các năng lực chuyên biệt của người học.
Bước đầu một số biểu hiện về năng lực, phẩm chất trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng trong kiểm tra, đánh giá học sinh.
Những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT là gì, thưa ông?
Thứ nhất, dự thảo tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Việc này thực hiện ở hầu hết các môn học, trừ Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục.
Việc đánh giá bằng nhận xét này không chung chung mà đánh giá bằng những biểu hiện cụ thể về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của học sinh gắn với từng bài học, theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Điểm mới thứ hai là đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Nếu trước đây chúng ta chú trọng kiểm tra đánh giá bằng điểm số thông quá các bài kiểm tra viết, kiểm tra hỏi đáp (miệng) thì dự thảo này, có nhiều hình thức kiểm tra đánh giá như: hỏi-đáp, thuyết trình, kiểm tra viết trên giấy hoặc trên máy tính...
Dự thảo khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá trên máy tính nhằm nâng cao năng lực tự học.
Việc đa dạng hoá các hình thức kiểm tra, đánh giá này hướng tới mục tiêu đổi mới quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá của giáo viên trong thực tế dạy học hiện nay. Số lần sử dụng các hình thức đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số lần lấy điểm.
Một học kỳ chỉ còn một điểm kiểm tra giữa kỳ và một điểm kiểm tra cuối kỳ, không còn điểm kiểm tra một tiết.
Thứ ba, dự thảo thống nhất số đầu điểm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ cho mỗi môn học, theo hướng giảm số đầu điểm so với quy định hiện hành.
Cụ thể, trong kiểm tra định kỳ sẽ giới hạn một học kỳ chỉ còn một điểm kiểm tra giữa kỳ và một điểm kiểm tra cuối kỳ, không còn điểm kiểm tra một tiết.
Quy định thời gian cho kiểm tra bài giữa kỳ và cuối kỳ cũng được điều chỉnh, phụ thuộc vào từng môn học.
Tuy nhiên, số lần kiểm tra đánh giá thường xuyên không bị giới hạn bởi số đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Ví dụ, môn học có 2 đầu điểm kiểm tra nhưng giáo viên có thể thực hiện đến 3-4 lần kiểm tra đánh giá học sinh để lấy 2 đầu điểm đó.
Mục đích là khuyến khích học sinh nỗ lực học tập hơn để có thể cải thiện điểm số. Đây chính là kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của người học, tạo động lực phát triển cho người học.
Như vậy, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ một năm học của một môn học, nhiều nhất là 6, giảm rất nhiều so với hiện nay.
Điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, điểm kiểm tra đánh giá giữa kì được tính hệ số 2, điểm kiểm tra đánh giá cuối kì được tính hệ số 3; trong tính điểm tổng kết cuối năm học.
Điểm mới thứ tư trong dự thảo Thông tư là tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu học sinh giỏi; mở rộng hơn đối tượng khen thưởng.
Quy định tại Dự thảo Thông tư cũng cụ thể, thống nhất với các quy định về đánh giá học sinh khuyết tật.
Theo ông, việc sửa đổi thông tư 58 có ý nghĩa như thế nào với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sắp sửa triển khai từ năm học tới đây?
Việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Thông tư 58 là bước đệm, để tiếp cận dần với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điều này giúp học sinh của chương trình hiện hành cũng được thụ hưởng những ưu điểm chương trình giáo dục coi học sinh là trung tâm, giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh, giáo dục định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho người học.
Đồng thời, sự điều chỉnh này giúp giáo viên, cán bộ quản lý chuyển dần từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận nội dung (kiến thức, kĩ năng), sang định hướng hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy cô sẽ không bỡ ngỡ mà có kinh nghiệm để khi triển khai hiệu quả hoạt động kiểm tra đánh giá này.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Thay đổi cách đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011. Theo Bộ GDĐT, Chương trình Giáo dục phổ thông...