Trưởng thành từ “lò luyện thép”
Trong lễ khai giảng đầu tiên năm học 1963 – 1967 của Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (sau đổi tên thành Trường Sĩ quan Biên phòng và nay là Học viện Biên phòng), Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã phát biểu: “Nhà trường chúng ta là nền công nghiệp nặng, là lò luyện thép, mà các đồng chí là những thỏi thép được tôi luyện trong lò đó…”.
30 năm sau, những “thỏi thép” nguyên là học viên Trường Sĩ quan Biên phòng khóa 16 (1984 – 1987) đã tề tựu về với vùng đất xứ Đoài mây trắng trong không khí đầm ấm tình đồng đội, nghĩa thầy trò.
Tổ quân kỳ học viên khóa 16 Sĩ quan Biên phòng làm lễ tuyên thệ trước Lăng Bác trước khi ra trường năm 1987.
Ngày tựu trường mùa thu cách đây 35 năm, có tất cả 372 học viên là học sinh phổ thông và các đồng chí quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ đang làm nhiệm vụ tại các tuyến biên giới đã cùng về học tập dưới mái trường này. Trở về nơi ghi dấu một thời “tráng niên đại mộng”, nơi đã rèn luyện các anh trở thành những sĩ quan Biên phòng tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, mang sức trẻ và kiến thức được trang bị từ nhà trường đến với mọi miền biên cương Tổ quốc, những người lính trẻ năm nào giờ tóc đã hoa râm.
“Cậu… tớ, đằng ấy… mình…”, cách xưng hô thân mật, ấm áp ngày nào rộn lên trong từng câu chuyện, từng lời đùa vui giữa khuôn viên của Học viện.
Ra trường giữa lúc biên cương còn nhiều khó khăn, bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nên những sĩ quan có mặt trong ngày Hội khóa lần này hầu hết đều trải qua những thử thách khắc nghiệt nhất trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực công tác. Với các anh, đó là quãng thời gian huấn luyện đầy ý nghĩa với cường độ đặc biệt lớn, yêu cầu đặc biệt cao để xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm và kĩ năng chiến đấu cho chính mình.
Và họ còn có một niềm tự hào rất lớn, đó là khóa học viên năm ấy là khóa đầu tiên thay mặt cho tuổi trẻ Trường Sĩ quan Biên phòng vinh dự về Quảng trường Ba Đình làm Lễ báo công dâng Bác. Bức hình đen trắng của Tổ quân kỳ học viên khóa 16 gồm các đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Vũ Tiến Ninh, Vũ Quang Thành, Nguyễn Đình Anh thay mặt đồng đội làm lễ tuyên thệ trước cửa Lăng khiến tôi hết sức ấn tượng trước những gương mặt trẻ cương nghị và đôi mắt sáng niềm tin. Và tôi tin rằng, lời thề năm ấy đã theo họ suốt những năm tháng trong quân ngũ.
Thay mặt cho bạn bè, đồng đội, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP khái quát với chúng tôi về quá trình phấn đấu trưởng thành của lớp sĩ quan Biên phòng khóa 16. Cùng với thời gian, nhiều anh em đã chuyển ngành, phục viên hoặc nghỉ chính sách. Đến nay, hiện còn 134 đồng chí đang công tác trong các cơ quan, đơn vị trong lực lượng BĐBP và Quân đội, Công an.
Trong đó có nhiều đồng chí đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng như Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh BĐBP; Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP; Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP; Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP; Đại tá Nguyễn Như Lôi, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang, Bộ Công an…
Video đang HOT
Số còn lại có 45 đồng chí được thăng cấp đại tá, 84 đồng chí mang quân hàm thượng tá đang là chỉ huy các phòng, ban, đơn vị… Một số đồng chí về với đời thường cũng phát huy tinh thần của người lính, trở thành những doanh nhân, những cán bộ công chức có tầm nhìn và chuyên môn cao.
Bằng nỗ lực học tập, rèn luyện không ngừng nghỉ, những sinh viên Trường Sĩ quan Biên phòng khóa 16 có quyền tự hào về những người bạn đồng khóa của mình, với 3 đồng chí đạt học vị Tiến sĩ, 6 đồng chí đạt học vị Thạc sĩ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.
Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang…, hầu hết các tỉnh biên phòng đều có sự góp mặt của những sinh viên khóa 16. Có cảm giác ngày Hội khóa là một cuộc kiểm danh, kiểm duyệt đội hình.
Nhìn những gương mặt cương nghị, lắng nghe những tiếng cười hào sảng, tôi chợt nghĩ đến lời nói đầy tâm đắc của Thượng tá Nguyễn Văn Thặng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Học viện Biên phòng, các sinh viên khóa 16 tốt nghiệp đã hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, chiến đấu, cống hiến và hi sinh xứng đáng với sự kỳ vọng của thầy cô, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.
Học viên khóa 16 Sĩ quan Biên phòng gặp mặt kỷ niệm 30 năm ngày ra trường năm 2017.
Được biết, vào những dịp Hội khóa như thế này, các anh vẫn thường tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà thủ trưởng Học viện các thời kì và các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy trong niên khóa 1984 – 1987. Những bạn bè, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè đồng môn. Sự đoàn kết, thân ái, vẹn toàn trước sau của tập thể học viên khóa 16 Trường Sĩ quan Biên phòng thực sự rất đáng trân trọng, tạo thêm một truyền thống tốt đẹp của nhà trường cũng như của lực lượng.
“Lò có tốt thì thép mới tốt. Thép có tốt thì công cụ mới tốt được…” – lời của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ngày nào đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Học viện Biên phòng vẫn luôn hoàn thành tốt vai trò “lò luyện thép” của lực lượng quân hàm xanh, đề cao phương châm “Học đi đôi với hành, lí luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn với biên giới”. Và các anh, những học viên ưu tú của khóa 16 sẽ luôn là niềm tự hào của thầy cô, của Học viện và là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ chiến sĩ Biên phòng kính trọng, noi theo.
Phạm Vân Anh
Theo bienphong.com
"40 năm ấy biết bao ân tình"
Ngày 23-6, tại TP Hồ Chí Minh, các cựu học viên Khóa 1, Trường Sĩ quan Biên phòng 2 tổ chức Hội khóa kỷ niệm 40 năm Ngày ra trường (1979 - 2019).
Trong không khí thân mật, đầm ấm, trên 100 đại biểu là các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên của trường và các cựu học viên Khóa 1 xúc động ôn lại những kỷ niệm, những chặng đường cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành những cán bộ ưu tú của lực lượng sau này.
Các cựu học viên Khóa 1 chụp ảnh lưu niệm sau 40 năm ra trường. Ảnh: Phương Vy
Sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho đất nước
Sau 40 năm trôi qua với nhiều biến đổi, những thanh niên trai tráng năm xưa nay đã ở độ tuổi trên 60, dưới 70 tuổi. Gặp nhau khi mái tóc đã bạc màu thời gian, da đã chuyển đồi mồi, nhưng câu chuyện, ký ức của những cựu học viên sĩ quan Khóa 1 vẫn còn "nóng" và trẻ trung, nhiệt huyết như ngày nào tuổi mới đôi mươi.
Cựu học viên Khóa 1 - Trung tướng Trần Hoa, nguyên Tư lệnh BĐBP nhớ lại: Trường Sĩ quan Biên phòng 2 được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cán bộ miền Nam để đào tạo đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tháng 3-1977, trường tổ chức lễ khai giảng khóa đầu tiên (Khóa 1) đào tạo sĩ quan Công an nhân dân vũ trang. Ban đầu có trên 250 học viên là hạ sĩ quan, chiến sĩ từ các đơn vị Công an nhân dân vũ trang trên cả nước. Sau khi huấn luyện xong giai đoạn cơ bản, trước yêu cầu cấp bách về nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh rút số học viên có quân hàm Thượng sĩ chuyển sang học bổ túc ngắn hạn để sớm ra trường, về công tác ở biên giới. Số còn lại (197 người) tiếp tục học tập, rèn luyện trong bối cảnh các tuyến biên giới đang nóng lên từng ngày.
Hồi tưởng lại những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, đầy nhiệt huyết, Thiếu tướng Nguyễn Đình Khẩn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng nói: "Tuy đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng chúng tôi lúc nào cũng ở tâm thế sẵn sàng xung trận. Vì cuộc chiến trên biên giới Tây Nam diễn ra từng ngày hết sức khốc liệt. Xung đột biên giới và dự báo chiến tranh xâm lược biên giới ở phía Bắc cũng rất căng thẳng. Mà chúng tôi là bộ đội, là tuổi trẻ, không thể ngồi yên. Chúng tôi sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho đất nước".
Nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Biên phòng 2, thầy Lê Cảnh hồi tưởng lại: Tháng Giêng năm 1979, biên giới Tây Nam vừa tạm ổn, thì tháng 2-1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, đất nước đặt trong tình trạng có chiến tranh, lệnh tổng động viên được ban bố. Nhà trường phải đẩy nhanh chương trình giảng dạy, rút ngắn thời gian tốt nghiệp để các sĩ quan trẻ kịp thời tăng cường cho biên giới Tây Nam, chi viện cho chiến trường miền Bắc và sang chiến đấu giúp bạn Campuchia.
Cùng với đó, thực hiện lệnh điều động của trên, có 24 đồng chí học viên được tốt nghiệp sớm, lên đường làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia. Trong những năm tháng anh dũng chiến đấu trên đất bạn Campuchia, có 4 đồng chí hy sinh. Đó là các đồng chí Nguyễn Văn Phách, Nguyễn Duy Khương, Lê Thành Quả và Nguyễn Kiên Cường. Đến năm 1980, còn có đồng chí Nguyễn Văn Hòa tham gia chiến đấu chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược và hy sinh ở biên giới Hà Giang.
Đẩy mạnh các hoạt động "Nghĩa tình đồng đội"
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP xúc động nhớ lại: Tháng 6-1979, Khóa 1, Trường Sĩ quan Biên phòng 2 tốt nghiệp. Phần lớn các sĩ quan trẻ đều phấn khởi vác ba lô về nhận nhiệm vụ ở những vùng chiến sự còn khốc liệt, vẫn còn đổ máu, hy sinh. Một số đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Tuy còn rất trẻ, nhưng khi được giao trọng trách bảo vệ biên giới thiêng liêng, không ai sợ hiểm nguy, gian khổ.
Mọi người ngày đêm cùng đồng đội bám nắm địa bàn, xây dựng thế trận biên phòng, chiến đấu giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, chiến đấu giúp cho đất nước Campuchia hồi sinh. Nhiều đồng chí đã lập được những thành tích xuất sắc và trưởng thành nhanh chóng. Một số đồng chí giữ các cương vị chỉ huy, lãnh đạo khác nhau trong và ngoài lực lượng BĐBP. Dấu son tự hào của Khóa 1, đó là có 3 đồng chí trở thành lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP, nhiều đồng chí là lãnh đạo cấp Cục, chỉ huy BĐBP cấp tỉnh và tương đương. Đặc biệt, Khóa 1, Trường Sĩ quan Biên phòng 2 có 5 đồng chí được phong hàm cấp tướng.
Ban Liên lạc Khóa 1 phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên, Ban Liên lạc truyền thống BĐBP tại TP Hồ Chí Minh tặng nhà "Nghĩa tình đồng đội" tại Phú Yên. Ảnh: Phương Vy
Gần thế kỷ mới có buổi gặp mặt đông đủ, thân tình. Rất nhiều người đã trưởng thành trên các lĩnh vực, nhưng không ai muốn nói về mình. Vì theo Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, vẫn còn đó những người bạn học với mình không thành đạt. Nhiều đồng chí do công tác nhiều năm ở vùng độc hại chướng khí, sức khỏe bị bào mòn, mắc bệnh hiểm nghèo, gia cảnh còn khó khăn, éo le... Vậy nên, ngoài không khí hân hoan của ngày hội ngộ sau 40 năm ra trường, nguyện vọng của đại đa số cựu học viên Khóa 1 là đẩy mạnh các hoạt động "Nghĩa tình đồng đội".
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, các cựu học viên Khóa 1 đã chung tay, góp sức, góp của hỗ trợ 3 đồng chí xây nhà. Cùng với đó, Ban Liên lạc truyền thống BĐBP tại TP Hồ Chí Minh đã ủng hộ kinh phí để xây thêm 3 căn nhà "Nghĩa tình đồng đội". Không thể giúp được nhiều, nhưng với tấm lòng, sự chân thành, trong buổi hội ngộ sau 40 năm, các cựu học viên Khóa 1, Trường Sĩ quan Biên phòng 2 đều mong muốn sẽ chung tay để góp phần chia sẻ với những bạn đồng khóa còn khó khăn.
Phương Vy
Theo Bienphong
Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Lào thăm, làm việc tại Học viện Biên phòng Ngày 5-6, Đoàn cán bộ Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân (QĐND) Lào do Đại tá Khăm-ta Vông-văn-đi, Cục trưởng làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Học viện Biên phòng. Đi cùng đoàn có Đại tá Trần Ngọc Thanh, Phó Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và các...