Trường quốc tế: Phân biệt bằng chương trình đào tạo
Trường THPT Chu Văn An được chọn để thí điểm thực hiện chương trình song bằng của TP Hà Nội từ năm học 2017-2018. Học sinh sẽ tốt nghiệp với 2 tấm bằng: bằng tốt nghiệp THPT Quốc gia Việt Nam và bằng tốt nghiệp THPT Quốc tế.
Là một trong 7 thành viên nòng cốt của Ban đề án Song bằng ISV/CVA, cô giáo Mai Bích Thủy – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Quốc tế Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Đại Đoàn Kết về khó khăn, thuận lợi của học sinh Việt Nam khi theo học chương trình này. Đồng thời, cô Thủy cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm về tên gọi trường quốc tế hiện nay với tư cách là người trong cuộc.
Trường “quốc tế” không nằm ở tên gọi
PV: Đến thời điểm này vẫn chưa có một định nghĩa chính xác thế nào là trường quốc tế. Theo bà, phụ huynh nên căn cứ vào đâu để không lựa chọn nhầm trường cho con?
Bà Mai Bích Thủy: Vừa rồi cũng có những xôn xao dư luận thế nào là trường quốc tế. Thực ra chưa có một định nghĩa chính thức nào về tên gọi này. Với tư cách là một phụ huynh, tôi cho rằng nếu bạn định cho con học ở trường quốc tế, thì nghĩa là con phải đạt được chứng chỉ quốc tế để sau này con đi du học ở nước ngoài, để hội nhập và trở thành công dân toàn cầu. Nếu chúng ta cho con đến học ở một trường có cơ sở vật chất tốt nhưng vẫn giảng dạy chương trình của Việt Nam thì đấy vẫn trường Việt Nam.
Với bằng tốt nghiệp Việt Nam, các em vẫn có thể đi du học nước ngoài được, nhưng sẽ học thêm 1 năm bổ trợ. Như vậy, thời gian sẽ kéo dài hơn và tốn kém hơn. Như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của ngành Giáo dục thủ đô, đó là gia đình sẽ tốn kém thêm một khoản 50-60 ngàn USD nữa. Chính vì thế, chúng tôi đang nghiên cứu chương trình “du học tại chỗ”.
Nhiều phụ huynh đã đến trường chúng tôi xem nhưng vẫn bán tín bán nghi vì thực ra mô hình trường quốc tế hiện nay mở ra nhiều quá, hỗn loạn quá. Như phụ huynh đến trường tôi, tôi luôn tư vấn là có những chương trình thế này, phụ huynh muốn con học chương trình nào? Xa hơn, phụ huynh muốn con đi du học ở nước nào? Ví dụ nếu đi học ở Anh thì nên học A level vì nó rút ngắn con đường cho học sinh rất nhanh. Còn nếu chưa quyết định được học ở đâu thì nên học IB. Tất nhiên, còn phải phụ thuộc vào trình độ của học sinh, các cháu có đủ khả năng tiếng Anh để học bằng IB hay không?
Tôi đang đề nghị các lãnh đạo của nhà trường mở một lớp trong trường để tuyển các em học sinh Việt Nam vào cấp bằng tú tài quốc tế ngay tại Việt Nam, tuyển từ lớp 10. Đề án đó tôi đề nghị sau khi hoàn thành đề án Song bằng. Từ nay đến năm 2020 là thời gian chuẩn bị cho đề án đó, vì hệ IB không thể tổ chức ở trường công được, nên nếu ta phân loại được các em muốn đi du học và có nguyện vọng sở hữu tấm bằng tú tài quốc tế thì nên giới thiệu cho các em hướng đi này, với một nguồn ngân sách rất hợp lý, tiết kiệm nhiều tiền và không phải sớm xa gia đình.
Kiểm định chặt chẽ
Vấn đề kiểm định chương trình quốc tế của Trường quốc tế Việt Nam như thế nào, thưa bà?
- Trường quốc tế Việt Nam nằm trong khu đô thị Đại Kim trên mảnh đất gần 2.000 mét vuông thuộc dự án xã hội hóa. Khi công ty tôi đến đó, đề án tôi trình lên UBND TP với mục đích có quy mô đầu tư và quy mô giảng dạy là ngay từ đầu sẽ giảng dạy chương trình tú tài quốc tế với nguồn giáo viên ra sao, giấy tờ bằng cấp thế nào, thời gian sát hạch ra sao, đối tượng đào tạo là ai…?
Trong giấy phép của trường chúng tôi hiện nay vẫn có chữ “thí điểm”. Khi thành lập thí điểm xong thì TP Hà Nội cấp phép thành lập, Sở GDĐT Hà Nội xuống sát hạch và cấp giấy phép hoạt động. Ngay năm 2013, tổ chức CAIE đã sang và cấp giấy chứng nhận cho trường là trường thành viên của Cambridge và được tổ chức giảng dạy và tổ chức thi bằng tú tài quốc tế.
Tôi nhấn mạnh ở đây là trường chỉ tổ chức thi bằng tú tài quốc tế A Level. Cấp bằng là tổ chức Cambridge cấp chứ không phải Việt Nam mình cấp.
Không có trường nào được cấp bằng quốc tế. Chúng ta chỉ được phép giảng dạy nếu có đầy đủ cơ sở vật chất và chương trình được họ phê duyệt. Khi trở thành thành viên chính thức, chúng ta được phép giảng dạy chương trình đó và sau đó tổ chức thi, được quyền rút đề thi. Khi thi xong, họ là người chấm bài. Điểm số sẽ được đăng tải trên mạng, không phải do chúng tôi chấm điểm. Ai đạt sẽ được tổ chức tú tài quốc tế cấp bằng.
Video đang HOT
Để được tổ chức tú tài quốc tế công nhận, phải trải qua kỳ sát hạch rất nghiêm ngặt. Như trường chúng tôi, hàng năm mình phải làm việc và báo cáo theo từng giai đoạn cụ thể. Đến 2016, toàn bộ trường ở cả 3 cấp 1,2,3 đều đã được sát hạch và công nhận trở thành thành viên chính thức của tổ chức tú tài quốc tế.
Phụ huynh cần thông thái
Hiện nay, vẫn còn có sự nhập nhèm giữa tên trường quốc tế, thưa bà?
- Qua quá trình tiếp xúc với các vị phụ huynh và học sinh hiện nay, tôi thấy họ rất hiểu biết. Tôi không biết ở những trường khác thế nào, nhưng khi họ đến trường chúng tôi, họ đều hiểu thế nào là hệ A level, thế nào là Cambridge. Sự lựa chọn hệ khác khi giảng dạy chương trình song ngữ là quyền của họ, còn chữ quốc tế, nếu nói chi tiết chưa có quy định nào. Nhưng tên trường chỉ là tên trường. Các phụ huynh nên tìm kiếm các thông tin ở trên mạng, tìm hiểu thêm thế nào là quốc tế.
Thực tế, nhiều trường hiện nay đều công khai trên trang mạng hoặc khi đến thăm trường là họ giảng dạy chương trình Việt Nam.
Giảm tải cho hệ Song bằng
Về đề án Song bằng đang được triển khại tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), bà có thể cho biết tại sao chúng ta lại chọn chương trình này chứ không phải là chương trình khác?
- Hiện nay trên toàn thế giới, bằng tốt nghiệp hệ Cambridge A level và bằng tú tài quốc tế Diploma Programme- DP là hai văn bằng tốt nghiệp hệ THPT quốc tế phổ biến nhất. Học sinh tốt nghiệp một trong hai văn bằng này có cơ hội đăng ký và theo học ở hầu hết các trường ĐH trên thế giới. Các em có thể tìm trường, tìm nước nhưng ta không phải học lại một năm nữa.
Với bằng A level, học sinh thi 4 môn, cách quản lý của mỗi tổ chức khác nhau. Tổ chức Cambridge cho phép mình giảng dạy khi mình chưa trở thành thành viên chính thức và họ sẽ quản lý ở trường thi. Chúng tôi lấy ví dụ khi triển khai ở trường Chu Văn An, triển khai trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn học sinh, giáo viên, chương trình mới… Khó khăn nhất là học sinh phải học hai hệ, rất nặng. Một bằng Việt Nam đã rất nặng rồi, thêm một bằng nước ngoài nữa thì chắc chắn là khó khăn. Giáo viên cũng khan hiếm nhưng vẫn có thể làm được dựa trên yếu tố học sinh Việt Nam rất chăm, hàng năm đều đạt giải quốc tế rất nhiều, đặc biệt là học sinh chuyên.
Công tác gần 30 năm trong ngành Giáo dục nên tôi thấy nếu chọn tổ hợp khoa học tự nhiên thì yêu cầu về ngôn ngữ sẽ ít hơn. Môn kinh tế ở nước ngoài, như ở Anh tới lớp 11 mới học nên là mới đều với tất cả học sinh chúng ta, nhưng riêng Toán, Lý, Hóa thì học sinh Việt Nam đã học rất tốt rồi, chỉ phải chuyển đổi về vấn đề ngôn ngữ thôi. Chúng ta sẽ có 1 năm lớp 10 để bổ trợ. Chính vì vậy, tính khả thi rất cao.
Đối với chương trình tú tài quốc tế IBDP, bắt buộc phải thi 6 môn và như vậy phải có ít nhất 2 môn xã hội. Khả năng ngôn ngữ lúc này đòi hỏi rất cao. Mời được giáo viên giảng dạy những môn này cũng rất khó khăn. Với số lượng học sinh ít, nguồn kinh phí nhà nước phê duyệt rất thấp, chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng, làm rất khó.
Thực tế học sinh Việt Nam rất thích du học tại Mỹ vì 2 năm đầu họ chưa thể phân định rõ được họ muốn học ngành nghề gì. ĐH Mỹ học 4 năm, học đại cương 2 năm đầu, sau đó quyết định nghề. Nhưng đối với các trường ĐH ở các nước khác, học sinh phải chọn ngay. Nếu như bạn thi A level thì phải rất chắc chắn muốn học nghề đó. Còn khi muốn chuyển nghề thì kết quả thi tốt nghiệp đó không chuyển được. Trong khi bằng IBDP nếu học cảm thấy không thích hợp, hoàn toàn có thể chuyển được. Hơn nữa bằng tú tài quốc tế là phổ cập, công nhận ở phạm vi rộng hơn.
Đối với đề án Song bằng hiện nay, nhiều người băn khoăn liệu học sinh có “quá tải” khi cùng lúc phải học hai hệ. Làm thế nào để bớt đi những phần kiến thức trùng lặp ở hai chương trình, giảm tải cho học sinh?
- Đó chính là phần tích hợp. 3 môn Toán, Lý, Hóa là khoa học tự nhiên nên luôn luôn đúng. Làm việc cặp đôi giữa giáo viên giảng dạy chương trình quốc tế và chương trình Việt Nam phải chặt chẽ để tránh việc trùng lặp. Ví dụ cần làm việc theo tổ để xem trong chương trình lớp 10, hai chương trình học cái gì sau đó bổ trợ sao để các em không phải học lại kiến thức đó. Khi đã nắm vững được kiến thức thì chuyển tải sang chỉ là vấn đề phiên dịch, là ngôn ngữ toán học.
Trân trọng cảm ơn chị!
Thu Hương (thực hiện)
Theo daidoanket
An toàn trên những chuyến xe đưa đón học sinh - Bài cuối: Cần chế tài cho dịch vụ vận tải đặc thù
Những trường tổ chức các chuyến xe đưa đón vẫn đang trong tình trạng tự xoay sở để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Chỉ khi có vụ việc xảy ra ngành giáo dục mới thực sự vào cuộc và cũng chỉ dừng ở... văn bản ban hành. Do đó, việc đưa vào quy định pháp luật và giám sát thực hiện là cần thiết đối với loại hình vận tải đặc biệt này.
Quy trình chặt và nhân sự có trình độ
Hiện nay, một số trường trên địa bàn Hà Nội thực hiện được quy trình khép kín trong việc đưa đón học sinh. Một số hiệu trưởng khẳng định, dù có máy móc, camera giám sát nhưng vận hành vẫn là con người. Nếu con người thực hiện đúng quy trình và có giám sát thì sẽ không có sự cố, dù là nhỏ.
Cán bộ quản lý một trường quốc tế tại Hà Nội khẳng định, vấn đề người có trình độ sư phạm, nghiệp vụ trên các xe đưa đón trường đã giải quyết được. Theo vị này, quy trình cần phải tuân thủ là: Học sinh được đón tại nhà hoặc tại điểm gần nhà nhất, cô giám sát theo xe sẽ xuống tận nơi để dắt học sinh lên xe. Mỗi cô giám sát có sổ theo dõi học sinh đi xe, các cô sẽ điểm danh theo ngày. Khi đến trường: Cô giám sát xuống trước đỡ học sinh xuống xe. Học sinh xếp hàng, thực hiện kiểm tra 3 vòng: Vòng 1, cô giám sát lên xe kiểm tra, vòng 2, lái xe kiểm tra lại, vòng 3 là bảo vệ trường kiểm tra lại một lần nữa. Cô giám sát theo xe dẫn học sinh vào nhà ăn. Trường hợp học sinh nghỉ học, cô giám sát theo xe sẽ báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm.
Trường quốc tế Việt Nam (Khu đô thị Đại Kim, Hà Nội) khẳng định quy trình nghiêm cẩn trên các chuyến xe đưa đón trước sự giám sát của chính phụ huynh đến từ 42 quốc gia khác nhau. Ảnh: ISV.
"Việc kiểm soát còn diễn ra ở mỗi đầu giờ học. Giáo viên chủ nhiệm kiểm tra sĩ số lớp. Nếu có học sinh nghỉ học mà chưa có thông báo của phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp liên lạc với cô giám sát. Nếu cô giám sát thông báo học sinh có đi xe nhưng giáo viên chưa thấy học sinh ở lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ trực tiếp liên lạc với lái xe để kiểm tra học sinh còn ở trên xe không, đồng thời báo cáo Ban Giám hiệu để xin ý kiến chỉ đạo. Đối với việc trả học sinh: Học sinh xếp thành hàng đi ra xe, cô giám sát báo cáo cho trợ lý Ban Giám hiệu về số lượng học sinh. Khi đã đủ học sinh, trợ lý Ban Giám hiệu mới cho xe xuất phát", một cán bộ trường quốc tế tại Hà Nội chia sẻ.
Thầy Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Trường tổ chức 20 tuyến xe buýt nhưng từ nhiều năm nay, chính những giáo vụ nhà trường đều có trách nhiệm theo xe. Thậm chí, ở tuyến xe nào họ đều thuộc tên những học sinh tuyến xe ấy. Đặc biệt, những học sinh mới vào như lớp 1 càng cần có sự quan tâm của giáo viên chủ nhiệm và nhân viên nhà trường.
Tuy nhiên, những quy trình này mới chỉ dừng lại ở việc các trường tự xoay sở để đảm bảo được sự an toàn cho học sinh mà chưa có có sự giám sát một cách có quy mô, nghiêm cẩn của ngành giáo dục.
Khi đặt vấn đề này ra, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Đầu năm học nào, Sở GD&ĐT cũng ra những văn bản quy định việc đảm bảo an toàn, an ninh trong trường học, trong đó có phần đưa đón. Tuy nhiên, việc ra quy định chuẩn cũng như những hướng dẫn phải do từng nhà trường đưa ra quy định chi tiết đối với lái xe, người đưa đón, giáo viên chủ nhiệm,... để tuân thủ quy trình đó.
"Tôi nghĩ cần phải có khung quản lý. Đó là yêu cầu chất lượng xe, sức khoẻ tài xế, trách nhiệm của người phụ trách đưa đón, tiếp nhận học sinh. Nếu hành vi của lái xe và người quản lý, quy trình quản lý không chặt chẽ sẽ phát sinh nhiều tình huống phức tạp khác", ông Phạm Ngọc Tuấn nói.
Thậm chí, hội phụ huynh các trường, các lớp cũng có thể tham gia vào kiểm soát công tác đưa - đón học sinh. Anh T.L (Gia Lâm, Hà Nội), có con gái trúng tuyển một trường tốt ở khu vực Mỹ Đình. Sau thời gian dài cả nhà vò đầu bứt tóc trăn trở bởi hành trình đi học xuyên hai đầu thành phố, thì đã quyết định cho con theo xe bus của trường. "Những hôm đầu, con về than thở là chú lái xe chạy quá ẩu để kịp giờ tại các điểm đón. Xe quá ồn, có nhiều bạn nói tục, hoặc chụm đầu xem những đoạn phim youtube "quá lứa tuổi" trên xe mà không có ai nhắc nhở. Tôi đã phản ánh gay gắt với phụ huynh từng cháu và thoả thuận với cả nhóm phụ huynh cũng như lái xe về "quy tắc" cấm nói bậy, cấm xem các chương trình không được phép trên điện thoại khi đi xe; ai vi phạm sẽ không được đi chung nữa. Kết quả là sau 1 năm, nhóm đi xe chung đã hình thành được một môi trường văn minh trên xe buýt" - anh T.L cho biết.
Tăng thanh tra, giám sát và chế tài chịu trách nhiệm
Hiện nay, việc triển khai thanh kiểm tra, giám sát của các ngành liên quan từ trước mới chỉ dừng ở những văn bản chung chung. Cho đến khi sự việc gây chấn động dư luận thì các ngành liên quan mới đặt vấn đề chi tiết.
Để triển khai "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường", ngày 14/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường học. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ điều kiện phương tiện, người lái và an toàn giao thông đối với hoạt động vận chuyển học sinh bằng xe buýt, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như thời gian qua.
Ngành Giao thông vận tải phát đi thông điệp về việc rà soát các quy định về an toàn và sức khỏe trẻ em trên xe ô tô, trong đó nhấn mạnh việc nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với xe khách hợp đồng đưa đón học sinh. Về vấn đề xe đưa đón, TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, với xe đưa đón trẻ em, cơ quan chức năng cần có quy định để đảm bảo chặt chẽ hơn, trong bối cảnh nhà nước chưa thể cung cấp riêng loại hình xe buýt đặc thù này.
Đánh giá về cả quy trình này, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về hiệu trưởng các trường. Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn cho học sinh trên những chuyến xe đưa đón, trong khi việc giám sát, kiểm tra của các phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT đối với các tuyến xe buýt đưa đón là chưa thực hiện được bài bản và các chế tài liên quan đến việc này cũng chưa có.
Nhằm có những giải pháp thiết thực hơn, ông Bùi Văn Linh cho biết: Thời gian tới, Bộ GD&ĐT phối hợp Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản chỉ đạo các sở GD&ĐT triển khai các nội dung: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng khi ngồi trên ô tô đi học, thăm quan, dã ngoại gặp các tình huống nguy hiểm mà không có người trợ giúp như: Bấm còi gây sự chú ý cho mọi người sung quanh; cách mở cửa xe khi bị khóa và tìm các phương pháp báo hiệu cho những người ở gần biết đến kịp thời ứng cứu; đeo dây bảo hiểm khi ngồi trên xe ô tô theo quy định của pháp luật...
Bộ GD&ĐT cùng với Ban An toàn giao thông, cơ quan đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức rà soát các nhà trường tổ chức phương tiện đưa đón học sinh đi học như: Tăng cường công tác kiểm tra phương tiện bảo đảm tiểu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật an toàn khi tổ chức đưa đón học sinh đi học. Tuyệt đối không ký hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải đưa đón học sinh không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
"Các xe ô tô đưa đón học sinh đi học, thăm quan, dã ngoại do nhà trường tổ chức phải có lắp hệ thống camera hoạt động kể cả khi xe tắt máy, để cán bộ phụ trách đưa đón, giáo viên chủ nhiệm kịp thời phát hiện những học sinh vắng mặt", ông Bùi Văn Linh nói.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an để nghiên cứu hướng dẫn khuyến khích sử dụng/ áp dụng một số qui định về quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đảm bảo an toàn, dấu hiệu nhận biết, các vị trí biển báo bến đón trả học sinh đối với dịch vụ hoạt động đưa đón học sinh, đáp ứng yêu cầu an toàn tuyệt đối cho học sinh. Từ đó, lựa chọn các nội dung phù hợp đề xuất đưa vào phần kiến nghị để sửa đổi Luật Giao thông đường bộ trong thời gian tới đây.
Cho tới nay, về hoạt động của xe đưa - đón học sinh, các Bộ, ngành mới chỉ dừng lại ở mức ban hành văn bản. Sau bài học xót xa của cháu bé tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe, các văn bản được quy định được chi tiết hơn. Tuy nhiên, trong hoạt động đưa đón học sinh này của các nhà trường, đơn vị nào thực hiện giám sát, thanh tra và nếu không thực hiện thanh tra, giám sát sẽ bị xử phạt ra sao, vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp từ phía các cơ quan chức năng.
Có thể thấy, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trên những chuyển xe đưa đón phải là quy trình khép kín, có trách nhiệm của các nhà trường ở tất cả các khâu, bao gồm: Chất lượng xe, lái xe, nhân sự chính đưa đón, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường. Quy trình này bắt buộc phải có sự minh bạch và giám sát thường xuyên của: sự thanh kiểm tra ngành giáo dục, Uỷ ban an toàn giao thông, của chính phụ huynh.
Tuy nhiên, trước thực tế mạnh trường nào trường nấy làm, phụ huynh chưa được minh bạch trong quy trình đưa đón, đảm bảo an toàn tinh thần, thể chất cho con em trên các chuyến xe, thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của ngành giáo dục và các ngành liên quan trong việc thanh kiểm tra các quy trình này. Thậm chí, phải có các chế tài nếu việc thanh tra, kiểm tra của ngành giáo dục không được thực hiện. Cần có cơ chế giám sát, phản biện từ chính những phụ huynh, xã hội, để tăng cường đảm bảo an toàn cho trẻ trên những chuyến xe. Mục tiêu cuối cùng là học sinh được đến trường một cách an toàn chứ không phải đến trường rồi... không bao giờ trở về như sự việc xót xa vừa qua.
Lê Vân
Theo Báo Tin tức
Hà Nội hạ điểm chuẩn vào lớp 10: Sốc, trường Thăng Long tụt đến 10 điểm Từng được coi là ngũ hổ tướng của giáo dục Hà Nội, trường THPT Thăng Long năm nào điểm chuẩn cũng thuộc top 1 toàn thành phố. Thế nhưng năm nay, điểm chuẩn vào trường đã đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trường THPT Thăng Long hạ đến 10 điểm vào lớp 10. Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công...