Trường quê và trường phố có khác nhau nhiều không?
Đồng nghiệp tôn trọng nhau, sống hòa thuận với nhau, thầy thương trò, trò kính trọng thầy thì rõ ràng dù ở trường quê hay thị thành thì cũng đều hạnh phúc.
Một trường học, ít cũng có vài chục giáo viên, nhân viên, nhiều lên đến hàng trăm con người. Chính vì tập thể đông người nên những chuyện xích mích, va chạm, xung đột về quyền lợi với nhau trong công việc là điều khó tránh khỏi.
Các thành viên trong Ban giám hiệu khi quản lý các trường lớn cũng khó khăn và có nhiều vất vả hơn. Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng ta thường thấy là các trường học ở nông thôn thì thường giáo viên vẫn dễ thở hơn, ít xung đột hơn các trường lớn, trường ở khu vực đô thị.
Giáo viên luôn muốn đơn vị mình đoàn kết phát triển để họ cống hiến (Ảnh minh họa: Báo Gia Lai)
Các trường nhỏ, trường quê ít áp lực hơn
Có lẽ vì trường quê thường có quy môn nhỏ hơn và lối sống của những người dân quê cũng chất phác, văn hóa làng xã, anh em họ hàng nhiều nên cũng có mối quan hệ ràng buộc giữa các thành viên với nhau. Nhất là mối xung đột về quyền lợi trong các trường quê thường không nhiều.
Quyền lợi trong trường học dù không lớn nhưng nó cũng luôn âm thầm tồn tại. Ở quê, tình trạng dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng có nhưng rất ít. Thậm chí có nhiều trường không hề tổ chức dạy thêm và giáo viên cũng không dạy ở nhà.
Chính vì thế, khi giáo viên chỉ hưởng đồng lương hàng tháng của mình sẽ tạo ra sự thân ái và ít có những soi mói, đố kỵ với nhau. Cuộc sống cứ bình lặng trôi qua đối với những thầy cô giáo chốn thôn quê.
Các thành viên trong Ban giám hiệu cũng thường sống chan hòa với giáo viên, nhân viên của mình vì phần đông là anh em trong đơn vị quen biết nhau khá rõ. Vì thế, xung đột quyền lợi dù có xảy ra thì nó cũng nhẹ nhàng và dễ dàng giải quyết.
Hơn nữa, các trường học ở quê thì những lợi ích vật chất, những tiêu cực trong quản lý tài chính cũng ít xảy ra hơn bởi chủ yếu chỉ có nguồn kinh phí từ nhà nước cấp. Chi tiêu tiền được cấp từ ngân sách thì hiệu trưởng, kế toán nhà trường cũng luôn phải kỹ lưỡng bởi chi cái gì cũng cần hóa đơn, chứng từ.
Các trường ở phố thường có sự cạnh tranh rất lớn
Phải nói thẳng ra rằng xung đột trong trường học hay ở đâu cũng vậy đều chỉ xoay quanh giữa “quyền lực” và “quyền lợi” mà thôi. Quyền lực trong nhà trường không nhiều bởi ngoài Ban giám hiệu chỉ còn chức Chủ tịch Công đoàn và các Tổ trưởng chuyên môn là đáng kể.
Video đang HOT
Nếu như ở quê thì những chức vụ này nhiều giáo viên khi được cơ cấu, bổ nhiệm thì họ tìm cách thoái thác bởi thực tế mỗi tháng thêm vài trăm nghìn đồng phụ cấp chức vụ mà nhiệm vụ, họp hành thì nhiều.
Nhưng, đối với khu vực đô thị thường là những trường lớn nên những chức vụ này đôi khi là sự cạnh tranh của một số người.
Chính vì thế, nhiều giáo viên không chỉ ngại các thành viên Ban giám hiệu mà còn ngại cả Tổ trưởng chuyên môn của mình. Vì người đó sẽ là người thường xuyên dự giờ, kiểm tra hồ sơ sổ sách và tiếng nói của họ có trọng lượng khi đánh giá, xét thi đua cuối năm đối với mỗi giáo viên trong tổ.
Phụ huynh nghe con mình học với thầy (cô) Tổ trưởng chuyên môn tổ Toán, tổ Văn, tổ Anh…cũng sẽ yên tâm hơn bởi quan niệm họ phải là những người nổi trội hơn những giáo viên khác. Vì thế, nếu thầy cô Tổ trưởng chuyên môn mà tổ chức dạy thêm ở nhà thì thường có sức thu hút học trò đến học thêm nhiều hơn.
Đối với những trường ở đô thị thì ngoài kinh phí được ngân sách cấp còn có nhiều khoản kinh phí khác cũng rất lớn như tiền xã hội hóa, tiền tài trợ, tiền từ các dịch vụ căn tin, nhà xe…cũng thường rất lớn.
Một khi có liên quan đến “chữ tiền” thì dù hiệu trưởng, kế toán nhà trường có thanh liêm cũng khó tránh khỏi những bàn tán của giáo viên về các khoản thu- chi, các loại “hoa hồng” từ các dịch vụ.
Nhất là các trường lớn ở khu vực đô thị thường tổ chức dạy thêm cho học trò. Khi dạy thêm thì phải chia phần trăm cho Ban giám hiệu, cho những hư hao của phòng ốc và các khoản tiền điện, nước…
Vậy nên, khi giáo viên bị đề nghị chia phần trăm lại cho nhà trường nhiều đương nhiên cũng sẽ có những bàn tán, bình phẩm. Rồi người dạy thêm, người không dạy thêm, người dạy đầu cấp, cuối cấp cũng tạo ra nhiều chuyện thị phi.
Hơn nữa, các trường ở thành phố thì thường giáo viên cũng ít khi có mối quan hệ ruột rà, thân thiết như các trường quê nên trong quan hệ, giao tiếp có lúc họ cũng luôn phải đề phòng nhau trong từng lời ăn, tiếng nói.
Ở đâu có niềm vui, có sự tôn trọng nhau trong công việc là ở đó có hạnh phúc
Quan niệm hạnh phúc của mỗi người khác nhau và trong môi trường giáo dục cũng vậy. Có người thì muốn được chuyển đến các trường lớn, trường ở khu vực đô thị để phát triển tài năng của mình và có thu nhập được tốt hơn.
Có người lại thích công tác ở các trường nhỏ, các trường ven thành phố, thậm chí là các trường quê để bớt đi những áp lực trong công việc dù họ biết thu nhập có thể thấp hơn rất nhiều vì chỉ có đồng lương hàng tháng theo hệ số.
Tuy nhiên, dù công tác ở trường nông thôn hay thị thành thì mỗi nơi đều có những cái hay, cái dở. Áp lực nhiều, vất vả nhiều thì cuộc sống tốt hơn cũng là điều rất bình thường.
Chính vì vậy, điều hạnh phúc nhất của giáo viên dù công tác ở đâu cũng cần có những lãnh đạo nhà trường gương mẫu, sống chan hòa, biết lắng nghe và phải là một người tiên phong trong các hoạt động của nhà trường.
Đặc biệt những lãnh đạo nhà trường biết hóa giải mọi xung đột của giáo viên để hướng tới một tập thể đoàn kết và cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Ban giám hiệu biết phân công công việc hợp lý và đưa nền nếp, kỷ cương của nhà trường vào quy củ.
Một khi đồng nghiệp tôn trọng nhau, sống hòa thuận với nhau, thầy thương trò, trò kính trọng thầy thì giáo viên dù công tác ở trường quê hay thị thành cũng đều cảm thấy hạnh phúc và thấy được niểm vui trong công việc hàng ngày.
NHẬT DUY
Theo giaoduc
Cô và trò hạnh phúc từ những điều bình dị
Nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng có những nhà giáo đang nỗ lực không biết mệt mỏi để chung tay xây dựng trường học hạnh phúc.
Thầy cô giáo ở đây từ lâu đã có chung một quan điểm là làm sao để HS cảm nhận mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui, trường là ngôi nhà hạnh phúc luôn rộn vang tiếng cười.
Thầy cô giáo được vinh danh "Nhà giáo tâm huyết, tài năng - học sinh sáng tạo" năm học 2019 - 2020
Nhà giáo tâm huyết sáng tạo
Cô Nguyễn Thị Thu Hảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học vừa qua, trường có 24 giáo viên đạt giải cao các cuộc thi dạy giỏi cấp thành phố, quốc gia; 526 HS đạt giải cao các cuộc thi cấp thành phố, quốc gia, quốc tế. Chung tay xây dựng đạt mục đích trường học hạnh phúc nhờ sự đóng góp rất lớn của những nhà giáo tâm huyết với trường lớp và HS.
Cô Vũ Thanh Hà là một trong những GV có nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố, liên tục đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở", GV dạy giỏi cấp quận và là điển hình tiên tiến ngành GD-ĐT quận Hai Bà Trưng. Cô đã vinh dự đón nhận danh hiệu nhà giáo "Tâm huyết sáng tạo" cấp trường với thành tích bồi dưỡng hơn 100 HS giỏi tại các kỳ thi quốc tế, quốc gia và thành phố.
Cô truyền cảm hứng học tập cho HS bằng những phương pháp mới, cô biến lớp học là ngôi nhà hạnh phúc và ứng xử với HS như những đứa con của mình. Cô luôn đồng hành, sát cánh cùng HS trong mọi hoạt động. Ngoài giờ học, những ngày cuối tuần trong tháng, cô cùng HS đến thăm hỏi, động viên những gia đình các bạn có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ những món quà ý nghĩa với mong muốn chia sẻ hạnh phúc.
Từ trải nghiệm trong nghề, cô Thanh Hà tâm sự: Hơn ai hết GV cần phải thấu hiểu rằng, hạnh phúc đến từ những điều rất nhỏ bé và bình dị chứ không phải là điều gì đó lớn lao. Mỗi giờ học trên lớp, ánh mắt HS sáng lên khi hiểu bài, vui vẻ sẻ chia cảm xúc là tôi cảm thấy hạnh phúc.
Chính vì thế, tôi xác định ngoài việc không ngừng bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ để có những tiết học thú vị và thu hút học trò thì GV cũng phải tạo dựng mối quan hệ yêu thương, hiểu biết lẫn nhau giữa cô và trò. Từ đó, để HS đến lớp học là cảm nhận được yêu thương đó, các em mới thấy hạnh phúc. Với khát vọng truyền lửa đam mê, thắp sáng trí tuệ, lan tỏa yêu thương, cô Thanh Hà đã đưa HS tới các cung bậc hạnh phúc trong từng khoảnh khắc, giờ học.
Mỗi ngày được đến trường là hạnh phúc của các em
Giúp học sinh tự tin và dám sẻ chia
Được nhà trường phân công dạy lớp 1, cô Trần Thị Thanh Huyền biết được đây là nhiệm vụ nặng nề và phải có nhiều cố gắng. Bởi, lớp đầu cấp tiểu học tâm lý HS còn nhiều bỡ ngỡ, rụt rè, GV phải biết cách giúp các em cởi mở và tự tin hơn. Ngày đầu năm học, cô làm từng bưu thiếp với các họa tiết bông hoa, trái tim để thay lời chào đón các em tới với ngôi nhà 1A2 thân thương.
Cô chỉ bảo các em từng nét chữ đầu tiên một cách thật nhẹ nhàng. Bên cạnh việc dạy chữ, cô còn thường xuyên tổ chức cho các em nhiều hoạt động trải nghiệm, vừa sáng tạo, lý thú lại mang đến ý nghĩa GD đạo đức như: Cho HS vẽ tranh, làm lì xì bán gây quỹ ủng hộ bệnh nhi dịp Tết Nguyên đán; Gói bánh chưng để dành tặng cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn...
Cô Huyền tâm sự: Để HS thực sự hạnh phúc khi đến trường, GV không chỉ nỗ lực dạy tốt mà cần quan tâm chăm lo cho trẻ như tình cảm của người mẹ với con mình. Tôi đã luôn quan tâm, lắng nghe và sẻ chia với từng hoàn cảnh của mỗi cháu. Bạn nào học chưa tốt, tôi tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình, sức khỏe thể trạng từng em ra sao, cá tính thế nào...
Tranh thủ thời gian nghỉ vào các giờ ra chơi hay cuối giờ, tôi gặp riêng từng em để kèm cặp, giảng giải lại bài. Những HS ốm đau, tôi cũng cố gắng thu xếp thời gian đến thăm hỏi, động viên. Trong quá trình dạy học, tôi luôn tìm ra được năng khiếu, tố chất của mỗi HS để khích lệ, động viên các em. Năm học vừa qua, dưới sự dìu dắt của cô, đã có 2 em HS trong lớp vinh dự đạt giải cao, lọt top 5 và top 10 cuộc thi Toán Kaagaroo cấp quận.
Để cảm nhận được hạnh phúc
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Linh là khối trưởng, liên tục đạt CSTĐ cấp cơ sở, nhiều SKKN đạt giải cấp thành phố, phụ trách đội tuyển HS giỏi của trường. Rất nhiều lứa HS của cô từ năm 1989 đến nay đã trưởng thành, thành đạt. Khi trở về trường, họ nhắc đến cô như một niềm tự hào và may mắn vì được học cô. Mỗi giờ học của cô giáo Linh, HS luôn truyền được sự đam mê, nhiệt huyết. Các em được học ở cô tính tự giác, say mê, tìm tòi chiếm lĩnh kiến thức để tự tin bước vào tương lai.
Cô Linh luôn khuyên nhủ từng bạn: "Sự thành công lớn nhất là các con biết biến những tri thức thành của mình". Còn phụ huynh mỗi khi nhắc đến cô, họ luôn nhớ câu của cô nói: "Quan trọng trong đầu con mình có gì?". Ngoài những giờ học văn hoá, cô Linh cũng thường xuyên tổ chức cho HS các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa.
Qua các buổi học đó, HS tự lên chương trình, tự luyện tập và thể hiện... tạo nên không khí vui tươi và đoàn kết. Khi được hỏi về cách thức giúp HS cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường, cô Linh cho biết: Tuổi học trò là ham chơi, GV làm thế nào để gắn chơi với học, tạo nên giờ học thực sự hấp dẫn, không nhàm chán. Từ quan điểm đó, chúng tôi đã giúp các con cảm thấy vui khi được đến lớp. Mỗi giờ học ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám thực sự hạnh phúc đối với HS.
Hạ An
Theo giaoducthoidai
Mong chờ một nền giáo dục nhân văn trong thập niên mới Thập niên 20 của thế kỷ 21, người ta trông đợi vào một nền giáo dục nhân văn, hiện đại mà ở đó giáo viên và học sinh đều cảm thấy hạnh phúc. Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 1 - KHẢ HÒA Năm 2020 với ngành GD-ĐT có ý...