Trường ngoài công lập trước mùa tuyển sinh: “Ngồi trên đống lửa”
Càng đến gần mùa tuyển sinh, lãnh đạo các trường ngoài công lập (NCL) như “ngồi trên đống lửa”. Nguy cơ thiếu thí sinh dẫn đến phải đóng cửa chẳng khác nào cái thòng lọng treo lơ lửng trên đầu các trường này.
Đối với các em học sinh cuối cấp, việc định hướng nghề nghiệp,
chọn trường phù hợp là rất quan trọng
(Ảnh minh họa)
Những “cái chết” được báo trước
Những con số ảm đạm trong mùa tuyển sinh năm 2012 đã báo hiệu sự đóng cửa nhiều trường NCL. Năm qua, không ít trường chỉ đạt 10%-20% chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí có trường chỉ tuyển được vài chục sinh viên, như trường ĐH Quốc tế B.H dù có 500 chỉ tiêu ĐH và 100 chỉ tiêu CĐ song chỉ có gần 40 thí sinh nhập học. Do không đạt chỉ tiêu, không đủ số lượng sinh viên để mở lớp nên nhiều trường đã phải trả lại hồ sơ cho học viên và giải thể một số ngành học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do trong số hơn 1,2 triệu thí sinh dự thi đại học, trong đó có 30% đạt điểm sàn hầu hết đều chọn trường công lập, số rất ít còn lại tìm đến các trường NCL. Do đó, để thu hút sinh viên các trường NCL phải ồ ạt tung ra các “chiêu” như giảm học phí 20% trong năm học đầu tiên, tặng học bổng cho những sinh viên có điểm đầu vào cao nhất, thậm chí còn thuê người bám trụ ở các cổng trường PTTH để tiếp thị và rải tờ rơi… Trước nguy cơ phá sản, có trường NCL còn “nhắm mắt làm liều”, tuyển cả những thí sinh không đủ điều kiện, vi phạm quy định nên bị xử phạt. Ngoài ra, sự ra đời, nâng cấp của một loạt các trường công lập thời gian qua cũng là lý do khiến các trường NCL lao đao.
Video đang HOT
Anh Lê Phương ở phường Quảng An, quận Tây Hồ – một phụ huynh có con đang học tại một trường ĐH NCL cho biết, ngay từ khi con anh học lớp 12, trường đã cho nhân viên hàng ngày đến tiếp thị tại cổng trường PTTH, xin số điện thoại của gia đình, gọi điện liên lục và vẽ ra viễn cảnh vô cùng tươi sáng đối với các em: “Môi trường học tập hiện đại vào bậc nhất”, “Nhiều chính sách ưu đãi về học phí, học bổng”, “Cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”… Bùi tai, anh Phương quyết định cho con theo học ở trường này và qua hơn 1 năm, trong anh chỉ còn lại nỗi thất vọng. Anh Phương than thở: “Phòng học chật chội, nóng bức, lèo tèo vài cái quạt chạy lờ đờ. Bàn ghế thì cũ nát, phương tiện dạy và học hầu như chẳng có gì, địa điểm học tập không ổn định. Đến tôi còn thấy chán nữa là các cháu”.
Trong khi các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đã khó thì với các trường trung cấp chuyên nghiệp còn khó khăn hơn nhiều. Với các thí sinh, yếu tố khiến họ quyết định vào trường nào chính là thương hiệu và mức học phí của trường đó. Ưu thế này hoàn toàn thuộc về các trường công lập bởi học phí của trường công luôn thấp hơn trường NCL khá nhiều.
Đâu là lối ra?
Một lý do nữa khiến các trường NCL bị “mất điểm” là cách làm ăn kiểu chụp giật, thời vụ của một số trường. Việc thành lập một cách vội vã khi chưa có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thiếu và yếu nhưng đã lao vào đào tạo các ngành “hot” như kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh… đã dẫn đến tình trạng cho ra lò hàng loạt sinh viên yếu về chất nhưng lại thừa về lượng. Hiện mới có rất ít trường NCL có cơ sở vật chất khang trang còn hầu hết là phải đi thuê, mượn địa điểm. Lỗi này rõ ràng không chỉ thuộc về bản thân các trường mà còn do đơn vị quản lý đã buông lỏng việc cấp phép.
Tuy vậy, thời gian qua đã có một số trường NCL đã xây dựng được thương hiệu khá vững chắc như trường ĐH FPT, trường ĐHDL Thăng Long, ĐH Duy Tân…GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho rằng, việc nâng cao chất lượng đào tạo và ứng dụng công nghệ trong giáo dục, củng cố cơ sở vật chất chính là biện pháp quan trọng để các trường NCL tự cứu lấy mình. Ngoài ra, các trường phải tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động trong nước để tổ chức đào tạo một cách hợp lý.
Sự dễ dãi trong thẩm định và cấp phép thành lập mới các trường ĐH, CĐ đã đẩy nhiều trường NCL bước vào giai đoạn khủng hoảng. Vừa qua, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL (gồm trên 80 thành viên) đã gửi kiến nghị lên Chính phủ về nguy cơ giải thể của các trường này. Hiệp hội cũng đã làm việc với Bộ GD-ĐT về nhiều vấn đề liên quan nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Để cứu lấy các trường NCL, nhiều ý kiến đã được đưa ra như nên có hai loại điểm sàn, bỏ kỳ thi “ba chung” để các trường tự tuyển sinh… Song, những đề nghị này chưa được chấp thuận do thiếu cơ sở khoa học và thực tế.
Theo Bộ GD-ĐT, để định hướng hoạt động của các trường NCL, Bộ đang gấp rút triển khai soạn thảo Quy chế hoạt động của trường ĐH, CĐ tư thục phù hợp với các quy định mới của Luật Giáo dục Đại học. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã tạm dừng cấp phép mở mới đối với các ngành Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh ở một số trường bởi số lượng trường đào tạo các ngành này đã vượt quá nhu cầu của thị trường lao động. Mới đây nhất, ngày 4-4, trước kiến nghị của một số trường NCL về vấn đề điểm sàn, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 2 phương án dự kiến điểm sàn cho kỳ tuyển sinh 2013 song vẫn chưa được sự đồng thuận của khối các trường này.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch HĐQT Trường ĐHDLThăng Long, trường công có ưu thế hơn hẳn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động lại được nhân dân tin tưởng… Còn với các trường NCL, họ phải tự lo về mọi mặt và trên thực tế, để tồn tại, bản thân các trường này đã phải nỗ lực hết sức mình vì ngoài áp lực phải nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên và sinh viên, họ còn phải lo cho đời sống của cán bộ công nhân viên trong trường. Do đó, theo ông, để giải quyết tình trạng này, Nhà nước cần thể hiện rõ quan điểm có nên để hệ thống các trường NCL phát triển nữa hay không. Nếu có thì cần có ngay các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ cấp bách. Còn nếu cứ bàn bạc, tranh luận xung quanh vấn đề điểm sàn thì sẽ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề.
Theo ANTD
Trường ngoài công lập: Năm 2013 sẽ còn đìu hiu
Hà Nội đang rà soát điều kiện tuyển sinh năm 2013 đối với các trường THPT ngoài công lập. Với 102 trường THPT ngoài công lập trên toàn thành phố, sự khan hiếm "đầu vào" khiến các trường lo ngại trước khả năng khó tồn tại khi số tiền đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng.
Nhiều trường ngoài công lập thiếu trầm trọng phòng học bộ môn
Khan hiếm đầu vào
Bà Trần Minh Trang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm học này toàn thành phố có 92 trường THPT ngoài công lập đang hoạt động, chiếm gần 50% số trường THPT của Hà Nội. Trong khi đó, các trường này lại chỉ thu hút được 16,4% số học sinh THPT. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, vai trò của các trường ngoài công lập là rất cần thiết bởi thành phố mới chỉ đáp ứng chỗ học cho khoảng 70% học sinh THPT vào các trường công lập trong bối cảnh đa phần nguyện vọng của học sinh Thủ đô là được tiếp tục học phổ thông thay vì học nghề.
Vấn đề hiện nay là Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường ngoài công lập phải nâng cao chất lượng đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất để xứng đáng với chi phí phụ huynh học sinh bỏ ra, đồng thời giải quyết tình trạng kém sức hút, "khan" đầu vào với chính các trường này. Tuy nhiên, thực tế, cảnh đìu hiu không chỉ diễn ra ở những trường thiếu cơ sở vật chất. Ông Vũ Văn Tiếu, Hiệu trưởng trường THPT Phạm Ngũ Lão cho biết, trường đã xây dựng khang trang trên diện tích hơn 8.000m2 với 32 phòng học, đầy đủ phòng chức năng. "Trung bình mỗi năm trường tuyển khoảng 350 học sinh nhưng năm học này chỉ tăng thêm được 70 học sinh và đến khi tập trung lại không đến đủ. Ngoài cơ sở vật chất, trường cũng đảm bảo tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt trên 90%. Ở đây rõ ràng không phải do chất lượng đào tạo mà do học sinh đã vào hết các trường công lập. Không có học sinh thì kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng thành quá lãng phí"- ông Tiếu phân tích.
Lời giải chung vẫn là chất lượng
Một thực tế các trường ngoài công lập cũng phải thừa nhận là tình trạng thuê mượn, thiếu thốn cơ sở vật chất, giáo viên cơ hữu diễn ra tại khá nhiều trường. Hiện mới có khoảng 20% số trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội có cơ ngơi ổn định và xây dựng kiên cố. Số còn lại phải đi thuê, mượn địa điểm. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, có 40% số trường chỉ có dưới 2 phòng học bộ môn, trong đó chủ yếu là phòng chứa đồ dùng học tập, 30% số trường thiếu sân chơi, bãi tập cho học sinh, 14% số phòng học là bán kiên cố, học tạm... Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hoàng Cơ Chính cho biết, qua kiểm tra chuyên môn có thể thấy nhiều trường hệ thống sổ sách theo dõi chuyên môn không đầy đủ, không có kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra hoạt động giáo dục của trường. "Hiệu trưởng không dự giờ của giáo viên thì làm sao nắm được chất lượng dạy học của trường mình" - ông Chính đặt vấn đề.
Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các trường ngoài công lập cần cố gắng tập trung đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy học để thu hút học sinh. "Quan điểm của ngành là cố gắng bảo đảm duy trì và phát triển hệ thống ngoài công lập, tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu vẫn là bảo đảm quyền lợi của học sinh và hướng tới chất lượng thực chất. Vì vậy, chỉ những trường ngoài công lập có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo quy định mới được giao chỉ tiêu tuyển sinh" - ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh. Về vấn đề này, đại diện các trường ngoài công lập cũng ủng hộ khi cho rằng Sở cần đưa ra lộ trình thực hiện, trường nào không đảm bảo điều kiện hoạt động sau thời gian quy định sẽ phải giải thể, tránh tình trạng dàn trải, hoạt động cầm chừng ảnh hưởng uy tín hệ thống ngoài công lập nói chung. Được biết hiện tại có 8 trên tổng số 102 trường THPT ngoài công lập đã dừng hoạt động và đang được Sở GD-ĐT trình thành phố để giải thể.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang thực hiện các biện pháp giảm dần sĩ số học sinh/lớp và số lớp/trường ở tất cả các cấp học của khối trường công lập từ năm học 2012-2013. Việc giảm quy mô học sinh không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện một cách bền vững mà còn là cơ hội để các trường ngoài công lập có cơ hội thu hút học sinh và khẳng định uy tín của mình.
Theo VNE
Lớp VIP trường công 'doanh thu' 300 triệu Soi vào số tiền thu và đầu tư cho lớp học này khiến nhiều người phải giật mình. Mới chỉ là đợt thu đầu năm đã lên đến trên 300 triệu đồng. Lớp VIP: Đến trường quốc tế cũng thua Lộng lẫy hơn cả lớp học của trường quốc tế nhưng lại nằm trong khuôn viên trường công lập, lớp 1A, 1 B...