Trường ngoài công lập “kêu khổ” vì thiếu cơ chế
Trước tình cảnh “ thê thảm” trong tuyển sinh năm 2012, ngày 19/12 tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ngoài công lập đã có cuộc họp nội bộ để nghiên cứu các giải pháp kiến nghị lên Bộ GD-ĐT. Trong ngày hôm nay, Hiệp hội này tiếp tục làm việc với các trường phía Nam.
Cũng giống như các năm trước, câu chuyện điểm sàn tiếp tục được các thành viên Hiệp hội các trường ngoài công lập (NCL) phân tích, mổ xẻ nhưng không quá sâu bởi quan điểm: Đã bàn quá nhiều. Điểm khác biệt của cuộc họp năm nay đó là bàn sâu về cơ chế cũng như những bất công mà khối trường NCL đang phải gánh chịu.
Phân biệt công – tư: Người học mất quyền lợi
Mở đầu cho những cuộc tranh luận căng thẳng đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Hùng – hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh xoay quanh việc quyền lợi của chính người học khi theo học trường công và trường tư. Ông Hùng phân tích: “Cũng là công dân có nghĩa vụ đóng thuế như nhau nhưng chỉ chênh lệch nhau 0,5 điểm đã thấy sự mất bình đẳng. Người theo học công lập thì được hỗ trợ nhiều mặt như học phí, chính sách… còn ngược lại khi theo học NCL thì lại không được gì. Điều này đã tồn tại nhiều năm nay và cần phải được xem xét lại một cách kỹ lưỡng”.
Phân lớn các thành viên tham dự hội nghị này đều tán thành quan điểm, việc mất công bằng giữa trường công và tư khiến cho tuyển sinh trường ngoài công lập đã khó khăn lại càng thêm khó. Với cùng một mức điểm trúng tuyển cả công và tư thì chắc chắn thí sinh sẽ chọn trường có mức đầu tư cho học tập thấp.
“Với việc Bộ GD-ĐT cho phép lấy điểm chuẩn nguyện vọng sau có thể thấp hơn nguyện vọng trước miễn là đạt mức sàn trở lên thì vô hình trung đã tạo điều kiện cho các trường công lập “vét” nguồn tuyển tận đáy. Chính vì thế dù có kéo dài thời gian xét tuyển như thế nào thì trường NCL cũng “chịu” bởi có còn nguồn tuyển đâu” – hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng bức xúc nói.
Thí sinh dự thi đại học năm 2012.
Khá gay gắt, đại diện của Trường CĐ Asian cho rằng, cùng một sân chơi nhưng các trường công lập thì được hưởng rất nhiều chính sách còn trường NCL thì chưa được nhà nước hỗ trợ gì nhưng lại bị “kìm” kẹp bởi các quy định. Sở dĩ các trường không thể phát triển được là do thiếu cơ chế. Nếu không có người đến học thì đồng nghĩa với sự lãng phí về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên…
“Để có thể xây dựng và phát triển tạo dựng thương hiệu thì yếu tố đầu tiên là phải có thí sinh. Nhà nước cho mở trường nhưng Bộ GD-ĐT lại đưa ra các quy định “chặn” thí sinh. Nghịch lý là ở chỗ, trường còn chỗ cho thí sinh đến học, người học có nhu cầu nhưng lại không được học bởi rào cản “điểm sàn”. Đầu vào quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định chất lượng đâu ra bởi nó phụ thuộc vào phương pháp đào tạo” – đại diện này phân tích.
Video đang HOT
Cũng theo đại diện này thì rất khó để làm thay đổi quan điểm của Bộ GD-ĐT ngay lập tức nên trước mắt cần kiến nghị cho các trường NCL tuyển thí sinh dưới điểm sàn và sau đó cho học bổ túc kiến thức và tổ chức kì thi “vượt rào”. Nếu đáp ứng được thì mới được học ĐH.
Với tình hình tuyển sinh “thê thảm”, chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH Đông Á (Bắc Ninh) thẳng thắn nói: “Hiện tại Bộ GD-ĐT đang thực hiện theo hình thức thắt đầu vào và thả đầu ra. Rõ ràng chúng ta đang đi ngược lại với nền giáo dục phát triển”.
Đại diện của các trường NCL ở phía Bắc cũng khẳng định, nếu tạo cơ chế công bằng giữa trường công và tư mà trường NCL vẫn không tuyển sinh được thì lúc đó mới nên đề cập đến chuyện chất lượng đào tạo. Chưa tạo một sân chơi bình đẳng mà quy kết như vậy là vô cảm.
“Một ông bố thấy một đứa con còi cọc thì cần phải có những cơ chế chăm sóc để cho đứa con đó phát triển chứ không thể vô cảm đến mức là cứ kệ để cho chết được” – một số thành viên ví von.
Ngoài vấn đề mất công bằng, một số lãnh đạo của các trường cũng cho rằng, với việc để cho một số cán bộ nhà nước đưa ra những phát ngôn thiếu “thận trọng” cũng khiến các trường NCL “điêu đứng”. Chẳng hạn như vừa qua, một số địa phương không tuyển ứng viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập vào công chức. Họ có thể âm thầm thực hiện chứ không thể vì quan điểm riêng mà phê phán các trường NCL. Đây là một sự “xúc phạm” lớn đối với các đơn vị đang làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Bộ GD-ĐT cũng cần “công khai”
Đại diện của các trường cũng cho rằng, trong khi yêu cầu các trường phải công khai mọi mặt thì ngược lại Bộ GD-ĐT lại ít khi thực hiện. Ngay như chuyện đề thi đã phù hợp hay chưa, điểm sàn đã hợp lý để cho các trường tuyển thí sinh ra sao thì xã hội lại không được biết.
“Hội đồng họp điểm sàn chỉ họp bàn với số liệu, phương án được Bộ GD-ĐT biên soạn sẵn. Nhiệm vụ đến chỉ để biểu quyết để chọn phương án nào. Đây là cách làm không công khai” – đại diện của nhiều trường bày tỏ.
Cũng theo các trường ngoài công lập ở Hà Nội thì hàng năm Bộ cũng cần phải đánh giá mức độ đề thi như vậy đã hợp lý hay chưa. Với việc Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD-ĐT) làm công tác thống kê so sánh thì không khó để biết vùng phổ điểm trung bình ở các môn thi, qua đó sẽ đánh giá được phần nào về mức độ của đề thi. Với việc vùng phổ điểm trung bình thi ĐH mà chênh lệch quá lớn với kì thi tốt nghiệp THPT thì rõ ràng là đề thi khó.
“Chúng ta phải trả lời câu hỏi đó là tại sao nhiều em dự thi ĐH ở Việt Nam không đạt điểm sàn nhưng đi du học vẫn học tập tốt. Có phải chăng là do nền giáo dục của nước học thấp kém hơn ở Việt Nam? Mấu chốt ở đây không hẳn là các em có năng lực kém mà có thể trước đây các em chưa thích học nên kết quả thi ĐH chưa được tốt” – phó Chủ tịch Hiệp hội các trường NCL nói.
Còn đại diện ĐH Đông Á tiếp tục cho rằng, hiện nay đào tạo giáo dục ĐH theo hướng ứng dụng, thực hành. Trong khi đó với công nghệ phát triển thì không nhất thiết cần đào tạo quá chuyên sâu mà cần chú trọng hướng đến kỹ năng và kiến thức cơ bản nhất. Chẳng hạn như trong xây dựng cần thiết kế một cây cầu thì cần tính rất kỹ về kết cấu, trước kia thì phải ngồi tính toàn còn ngày nay với công nghệ thì chỉ cần đưa thông số đầu vào sau đó nhấn lệnh là cho ra kết quả ngay.
“Với xu hướng phát triển như vậy thì có nhất thiết phải không chế điểm sàn ở mức qua cao. Tại sao có hơn 1 triệu thí sinh dự thi mà Bộ GD-ĐT không thể tạo đủ nguồn để cho các trường tuyển. Việc này đâu có gì là khó?” – các trường NCL bày tỏ quan điểm.
Kết thúc cuộc họp bàn ở Hà Nội, Hiệp hội các trường NCL cho biết sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ý kiến ở các trường phía Nam sau đó sẽ làm kiến nghị lên Bộ GD-ĐT. Nếu không có sự chuyển biến sẽ tiếp tục kiến nghị lên các cấp cao hơn và năm nay sẽ quyết liệt làm đến cùng.
“Nếu không quyết liệt thì chắc chắn các trường NCL không thể tồn tại, thậm chí là giải thể. Lúc đó thử hỏi 50.000 sinh viên và hơn 3.000 giảng viên của 80 trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ đi đâu về đâu” – đại diện Hiệp hội cho biết.
S.H
Theo dân trí
'Biệt thự đắp chiếu, trường mầm non thì thiếu'
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, Việt Nam đang có những căn biệt thự, nhà ở đắp chiếu, trong khi nhiều nơi đang thiếu trường mầm non cho trẻ, thiếu các tòa nhà đào tạo tài năng và nguồn nhân lực...
Sáng 18/12, các đại biểu tham dự hội thảo về "xã hội hóa giáo dục" khẳng định, cần phải để cho toàn xã hội làm giáo dục, tất cả cho giáo dục và giáo dục cho mọi người. Xã hội hóa giáo dục bao hàm cả xã hội hóa trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người đối với lĩnh vực trồng người.
Đại biểu Thái Xuân Đào cho rằng, cộng đồng phải coi việc nâng cao dân trí là trách nhiệm của địa phương chứ không phải của riêng ngành giáo dục. Cần phải xã hội hóa để tạo cơ hội cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học thường xuyên, suốt đời, khuyến khích và tạo điều kiện để cả xã hội tham gia phát triển giáo dục.
Để làm được điều này, PGS Lê Hồng Sơn (Hội Khuyến học Việt Nam) đề xuất, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục, thực hiện đa dạng hóa loại hình trường, lớp và các hình thức giáo dục. Một giải pháp hữu hiệu và quan trọng để thực hiện xã hội hóa giáo dục là tổ chức đại hội giáo dục.
"Đây là hội nghị dân chủ của cộng đồng dân cư bàn về giáo dục, tổ chức ở từng cấp chính quyền, với sự tham gia của người dân", PGS Sơn nói và cho rằng, đại hội sẽ đánh giá tình hình phát triển giáo dục địa phương, xây dựng kế hoạch và phát triển giáo dục. Ngoài ra, đại hội cần bầu ra Hội đồng giáo dục địa phương, gồm đại diện người dân, tổ chức đoàn thể, lãnh đạo ban ngành...
Cả xã hội cần quan tâm đến giáo dục bởi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi. Ảnh minh họa: AT.
Theo ông Sơn, đại hội giáo dục huy động được sự tham gia dân chủ và của toàn dân vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo mang đặc thù địa phương và phát huy được sự đóng góp của nhân dân vào phát triển, xây dựng xã hội học tập. "Có thể xem đạo hội giáo dục như một hội nghị Diên Hồng của địa phương bàn về giáo dục", PGS Sơn nói.
Còn PGS Đặng Quốc Bảo thông tin, xã hội hóa giáo dục đã huy động nguồn tài chính trong và ngoài nước để phát triển giáo dục như thành lập các quỹ học bổng, trợ giúp học sinh, sinh viên nghèo vượt khó. Xã hội hóa giáo dục làm tăng ngân sách của giáo dục ước tính 25 - 30% tổng số ngân sách Nhà nước. Nhờ xã hội hóa mà 76 - 80% số cháu nhà trẻ, 60% mẫu giáo, 0,4% tiểu học, hơn 2% THCS, 30% THPT, 21% sinh viên được học trong các trường ngoài công lập.
Theo PGS Bảo, giáo dục được cho là quốc sách hàng đầu nhưng thực tế thì chưa được như thế. Ông Lý Quang Diệu từng tâm sự với các nhà lãnh đạo Việt Nam "có thắng trong giáo dục mới thắng trong kinh tế". Thế nhưng, Việt Nam đang có những căn biệt thự, nhà ở đắp chiếu, một nguồn vốn rất lớn đang trong tình trạng "vốn chôn" trong khi nhiều nơi đang thiếu trường mầm non cho trẻ, thiếu các tòa nhà đào tạo tài năng và nguồn nhân lực...
"Không thể coi việc tiếp tục mở thêm trường ngoài công lập, có thêm các hình thức thu từ người học, phụ huynh là việc làm bình thường của xã hội hóa giáo dục. Cách làm này chỉ phù hợp với những năm cuối thế kỷ 20 và thập niên đầu thế kỷ 21", PGS Bảo nói.
Theo vị giáo già, trong bất cứ trường hợp nào, mở thêm một trường học là bớt đi một nhà tù, trừ các nhà trường đội lốt, trá hình cho âm mưu trục lợi bất chính. Vì vậy, cần lập quỹ hỗ trợ phát triển trường ngoài công lập để bất cứ học sinh, sinh viên nào học trường ngoài công lập đều được thụ hưởng một khoản kinh phí nhất định từ nhà nước, bởi nhà nước có trách nhiệm cung ứng dịch vụ giáo dục cho họ. Khi nhà nước không có khả năng lo chỗ học cho học sinh hoặc họ không chọn dịch vụ cung ứng từ nhà nước thì họ vẫn phải được hưởng quyền lợi trên.
"Khi nào tạo nên sự cộng hưởng ba trạng tháng: Tổ chức nhà nước, cơ chế thị trường và sự hoạt động của các mạng lưới đoàn thể xã hội phục vụ cho mục tiêu xã hội hóa giáo dục, lúc đó xã hội hóa giáo dục sẽ phát triển bền vững chứ không ăn đong như hiện nay", PGS Bảo nhận xét.
Hoàng Thùy
Theo VNE
Đại học, cao đẳng tư than khóc! 80 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ thu hẹp một phần, thậm chí đóng cửa vì không tuyển được sinh viên Ngày 19-12, lãnh đạo các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngoài công lập đã họp bàn về kế hoạch tuyển sinh năm 2013. Trường Đại học FPT là trường ngoài công lập hiếm...