Trường ngoài công lập kêu cứu tới Thủ tướng
Hiệp hội các trường ngoài công lập đã có văn bản kiến nghị được báo cáo trực tiếp với Thủ tướng về một số nội dung khẩn cấp liên quan đến vấn đề tồn tại, phát triển hay tan rã của hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ GD&ĐT và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Theo đó vào ngày 17/1, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập gửi Thủ tướng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến hệ thống cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.
Trong bản kiến nghị, Chủ tịch Hiệp hội Trần Hồng Quân cho rằng loại hình trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ra đời đã thu hút nguồn lực to lớn từ xã hội đầu tư cho giáo dục và tạo thêm cơ hội học tập, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người. Mặc dù vậy, một loạt trường ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, hoặc phá sản bởi số lượng tuyển sinh quá thấp, mà nguyên nhân quan trọng là do chủ trương tuyển sinh.
ĐH ngoài công lập kêu cứu tới Thủ tướng khi một số trường đứng trước nguy cơ đóng cửa do không tuyển sinh đủ chỉ tiêu trong nhiều năm liền. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Nhiều trường công lập ở địa phương, một số ngành như sư phạm, khoa học xã hội trong nhiều trường công lập cũng khó tuyển sinh, nhưng không phá sản vì là trường công có ngân sách Nhà nước rót xuống. Điều này làm nản lòng các nhà giáo và nhà đầu tư đang hoặc sẽ có ý định tham gia hoạt động giáo dục đào tạo.
Chính vì vậy, Hiệp hội kiến nghị 3 vấn đề cấp bách. Thứ nhất, đề nghị Bộ Giáo dục thực hiện ngay Luật Giáo dục đại học, trong đó có Điều 34 về chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Video đang HOT
Thứ hai, Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục đại học ngoài công lập, tổ chức nghiên cứu những bài học thành công về phát triển giáo dục đại học ngoài công lập của Hàn Quốc, Malaysia, Singapore để vận dụng sáng tạo…
Cuối cùng, Hiệp hội xin được gặp và báo cáo trực tiếp với Thủ tướng về một số nội dung khẩn cấp khác liên quan vấn đề tồn tại, phát triển hay tan rã của hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập. Mục đích trước mắt là giải cứu hệ thống giáo dục ngoài công lập khỏi nguy cơ tan rã, sau là nhằm phát triển mạnh hệ thống này, đồng thời thúc đẩy toàn bộ hệ thống giáo dục đại học Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Tiếp nhận công văn, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục làm việc trực tiếp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập để trao đổi các đề nghị của hiệp hội. Hai bên cần thống nhất và đề xuất với Thủ tướng xem xét, giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền, báo cáo trước ngày 15/3.
Theo VNE
Giảng viên thưởng Tết gần 70 triệu đồng
Mức thưởng tết dành cho cán bộ - giảng viên của nhiều trường ĐH,CĐ năm nay đã được nâng lên 1 - 2,5 triệu đồng/người. Cá biệt có trường mức thưởng Tết lên đến gần 70 triệu đồng/người
Năm nay, các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM có mức thưởng Tết cho đội ngũ cán bộ, giảng viên (CB, GV) khá... "sộp". Cụ thể, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM khoảng 10 triệu đồng/người; ĐH Quốc tế khoảng trên 8 triệu đồng/người.
Thưởng tết gần 70 triệu đồng
Trưởng phòng đào tạo một học viện top đầu tại Hà Nội dự kiến mức thưởng tết của trường năm nay vẫn duy trì như mọi năm. Nghĩa là, trường thực hiện mức thưởng tết không cao quá ba lần thu nhập trung bình của từng người trong 10 tháng. Theo đó, sẽ có các mức thưởng tết khác nhau, tùy theo chức vụ, thời gian công tác. Tuy nhiên, mức thưởng thấp nhất cũng 5 - 7 triệu đồng/người.
Ở khối các trường ngoài công lập, mức thưởng tết cũng khá... "xông xênh". Cụ thể, tại ĐH Lạc Hồng, mức thưởng tết giao động từ 8,5 đến gần 70 triệu đồng đối với từng CB, GV tùy theo vị trí công tác, cấp bậc. Ông Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: "Để có một cái tết đầy đủ và ý nghĩa cho từng CB, GV, ngoài các suất quà Tết từ phía công đoàn, nhà trường cũng có những khoản thưởng tết sao cho xứng đáng với công sức công hiến của các thầy cô. Điều này tạo điều kiện để các thầy cô thêm yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo".
Tại ĐH Văn Lang, mức thưởng tết năm 2012 được quy định khá "lạ". Lấy mức lương tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên từ cấp quản lý cho đến tạp vụ, bảo vệ trong trường cộng lại rồi chia đều cho tổng số đầu người. Theo một cán bộ phòng đào tạo nhà trường: "Công thức này được duy trì từ nhiều năm nay và hầu hết CB, GV đều rất hài lòng với cách phân chia thưởng tết như thế".
Cũng theo cán bộ này, mức thưởng tết hàng năm thường dao động khoảng 6,8 - 7 triệu đồng/người.
Năm nay, Trường CĐ Công nghệ dệt may thời trang Hà Nội có mức thưởng tết cao hơn năm ngoái 30%. Thầy Hoàng Xuân Hiệp, Phó hiệu trưởng của trường thông tin: Trường có 335 CB, GV, áp dụng mức thưởng tết là tháng lương thứ 13. Mức thấp nhất là 4,8 triệu đồng. Còn cán bộ quản lý thì được công thêm hệ số theo từng chức danh cụ thể.
"Sở dĩ có được mức thưởng này, trường phải tận dụng từ nguồn tự có, các hoạt động sản xuất dịch vụ cộng với các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp", thầy Hiệp cho biết.
Giảng viên ĐH đã bớt ngậm ngùi vì thưởng tết (Ảnh mang tính minh họa).
Thưởng ở mức... động viên!
Dù nhà trường chưa họp thông báo mức thưởng tết, nhưng căn cứ vào tình hình hoạt động của trường trong năm qua, thầy Phạm Văn Bổng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH công nghiệp Hà Nội, dự đoán mức thưởng tết của trường chỉ ngang bằng năm ngoái. Thầy Bổng phân tích: "Năm nay, tổng thể mọi mặt hoạt động của nhà trường vẫn giữ ổn định như mọi năm, không tăng thêm. Trong khi đó, đầu tư vào xây dựng cơ bản lại trượt giá lên nhiều, chi tiêu bị phát sinh nhiều. Bởi vậy, mức thưởng tết chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/người, áp dụng thưởng như nhau từ hiệu trưởng đến nhân viên làm đủ 12 tháng tại trường".
Không có mức thưởng cao như nhiều trường tại TP.HCM, tại ĐH An Giang, ông Hoàng Xuân Quảng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Với đội ngũ CB, GV lên tới hơn 900 người, do vậy trường gặp rất nhiều khó khăn để cân đối việc thưởng tết. Tuy nhiên, để cho đội ngũ CB, GV có một cái Tết ấm áp và ý nghĩa, ngoài mức hỗ trợ từ phía UBND tỉnh với mức hỗ trợ khoảng 500.000đ/CB, GV, trường cũng sẽ hỗ trợ thêm cho mỗi GV khoảng 1.500.000đ".
Còn tại ĐH Nguyễn Tất Thành, mức thưởng Tết chỉ khoảng 1.000.000đ/CB, GV. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng nhà trường, lý giải: "Thể theo nguyện vọng của đa số CB, GV nhà trường, chúng tôi không chủ trương thưởng một lúc vào dịp tết mà &'dàn trải' ra đều trong các dịp lễ trong năm như: 20/11, 30/4, ngày truyền thống của trường..."
Các trường ĐH vùng, địa phương mức thưởng tết rất khiêm tốn. Thầy Vũ Ngọc Pi, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp, ĐH Thái Nguyên, cho biết, năm nay mức thưởng Tết của trường là 2 triệu đồng/người/CB-GV. "Để có mức thưởng như thế, trường phải rất tiết kiệm chi tiêu. Năm ngoái mức thưởng cho mỗi CB, GV là 1 triệu đồng". Thầy Nguyễn Bá Hòa, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quảng Nam, cũng cho biết năm nay mức thưởng như năm ngoái, được lấy từ nguồn quỹ phúc lợi của trường, với số tiền thưởng là 1 đồng/người.
Các trường ĐH ngoài công lập mới thành lập tình hình thưởng Tết cũng rất thấp, chỉ là chút quà. Vì còn phụ thuộc vào tình hình tuyển sinh trong năm đó và nhà đầu tư đánh giá công sức của CB, GV như thế nào. Ông Trần Văn Tuyến, phụ trách tuyển sinh của ĐH Nguyễn Trãi dự đoán: "Tiền thưởng Tết sẽ cao hơn năm ngoái một chút vì số lượng tuyển sinh có khá hơn. Mỗi người sẽ được thưởng 1 tháng lương theo hệ số".
Theo ĐVO
Giữ nguyên quan điểm cho thí sinh sử dụng máy quay, ghi âm Ngày 19/2, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã họp bàn để thống nhất lại những điểm thay đổi trong các kì thi năm 2013. Hầu hết các chủ trương đều được giữ nguyên so với bản dự thảo được đem ra bàn luận tại hội nghị thi và tuyển sinh trước đó. Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, hai điểm đang được cân...