Trường nghèo nằm cạnh trường giàu
Một ngôi trường khang trang, diện tích 5.000m2 và có cả… thang máy nằm cạnh một ngôi trường có diện tích 400m2 cũ kỹ, thiếu sân chơi, phòng học phải ngăn bằng vách tạm.
Nghịch lý giữa lòng thành phố
Một phòng học tạo trường tiểu học Trần Quang Khải, quận 1 được ngăn đôi bằng vách chia thành hai phòng.
Vào mỗi mùa tuyển sinh, những ngôi trường ở quận 1, quận trung tâm của TP.HCM, luôn là niềm ao ước của các bậc phụ huynh. Những cái tên như tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng, Lê Ngọc Hân, Trần Hưng Đạo… thường được gọi là “trường điểm”, nằm ở các khu đất vàng của quận 1, với cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, thường quá tải hồ sơ xin học. Nhưng với trường tiểu học Trần Quang Khải thì mọi chuyện đều ngược lại.
Được xây dựng từ trước năm 1975 với diện tích chưa đến 400m2, cũ kỹ và nhỏ hẹp, chật chội và thiếu sân chơi, ngôi trường nằm chen chúc giữa khu dân cư ở chân cầu Hoàng Hoa Thám này đã tồn tại hàng chục năm nay dù không đạt tiêu chuẩn của một ngôi trường. Với khoảng sân trường quá hạn hẹp – chỉ chưa đầy 100m2, mọi hoạt động của nhà trường đều theo kiểu luân phiên, chắp vá. Những ngày lễ lớn trong năm như khai giảng, chỉ có một nửa số học sinh được tham gia, số còn lại phải ở nhà vì không có chỗ để xếp hàng! Mỗi ngày chỉ có một khối lớp được tập thể dục giữa giờ vì không đủ chỗ. Việc học thể dục cũng phải chia ca. Chỉ có 10 lớp nhưng vẫn không đủ phòng học. Mỗi phòng học được ngăn đôi bằng bức vách. Lối đi lên những phòng học được ngăn thêm chỉ đủ một người bước qua.
Phụ huynh ở địa bàn này chủ yếu là người lao động, buôn thúng bán bưng. Theo phân tuyến của ngành giáo dục quận 1, trường nhận học sinh của khu phố 5, 6, phương Tân Định và một số khu phố của phường Đa Kao. Tuy nhiên, không ít học sinh trong tuyến này đã nộp hồ sơ nhưng sau đó xin rút để “chạy” sang trường khác vì chê cơ sở vật chất của trường. Vài năm nay, số lớp của toàn trường chỉ dao động trong khoảng 10 lớp với số học sinh trên dưới 300 em. Năm học mới này trường có tất cả 10 lớp với tổng cộng 346 học sinh, tính ra vẫn còn ít hơn số học sinh của chỉ riêng khối 1 trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng cùng địa bàn tuyển sinh và ở cách đó không xa.
Trong khi rất nhiều trường tiểu học khác ở quận 1 quá tải học sinh, sĩ số cao, phụ huynh tìm mọi cách, huy động mọi mối quan hệ, thậm chí tiền bạc, để xin học cho con thì ở trường Trần Quang Khải chỉ vỏn vẹn 75 học sinh xin vào lớp 1, ít hơn chỉ tiêu 5 em. Thầy Lê Công Minh, hiệu trưởng nhà trường, sau chín năm làm việc tại ngôi trường này ngậm ngùi: “Nhiều phụ huynh đã đi một vòng xem cơ sở vật chất của trường rồi lặng lẽ ra về và không quay lại. Đầu năm số hồ sơ vào lớp 1 là hơn 100 nhưng phụ huynh cứ rút dần, chỉ còn 75 em”. Và dù ngôi trường này có chất lượng dạy học không thua kém bất cứ trường tiểu học nào trên địa bàn thành phố, phụ huynh vẫn ngại ngần khi đến tham quan cơ sở vật chất quá đỗi nghèo nàn của trường.
Cách Trường Trần Quang Khải chỉ chưa đầy 1km, một ngôi trường mới xây dựng khang trang và rộng rãi bậc nhất thành phố đang tọa lạc. Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng với diện tích gần 5.000m2nằm ở vị trí thoáng mát trên đường Đinh Tiên Hoàng với hơn 30 phòng học và phòng chức năng được trang bị đầy đủ phương tiện nghe nhìn, hội trường rộng gần 200m2, hai thang máy, sân trường đầy bóng cây xanh, đủ chỗ cho mọi sinh hoạt, lễ hội và các hoạt động giáo dục khác. Ngôi trường này vừa được cải tạo, xây dựng mới với quy mô một trệt ba lầu, tổng kinh phí hơn 52 tỷ đồng.
Video đang HOT
Ông Lê Công Minh tâm tư: cùng một địa bàn trung tâm thành phố nhưng môi trường học tập của con em quá khác xa nhau. Chuyện ngôi trường Trần Quang Khải nghèo nàn, xập xệ đã tồn tại nhiều năm nay và được các ban ngành quan tâm, song để mở rộng, nâng cấp hay xây mới ngôi trường này không phải là chuyện ngày một ngày hai bởi ở quận 1 tấc đất là tấc vàng.
“Kẻ ăn không hết, người lần không ra”
Cách đó không xa, học sinh lớp 2 trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1 trong ngôi trường mới.
Tương tự ở quận Phú Nhuận, cùng nằm trên địa bàn phường 12 nhưng hai trường tiểu học Nguyễn Đình Chính và Vạn Tường là một trời một vực. Trong khi Trường Nguyễn Đình Chính có cơ ngơi khang trang, sân chơi, phòng ốc rộng rãi thì Trường Vạn Tường rất khiêm tốn về mọi mặt. Với hai cơ sở thuộc dạng nhỏ, lẻ, cơ sở 1 của Vạn Tường là nơi tổ chức những hoạt động lớn của trường thì sân chơi chỉ rộng hơn… hành lang của nhiều trường tiểu học khác. Các phòng học chỉ có diện tích 30m2/phòng. Theo thầy Cún Thế Quốc – hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Tường: “Cơ sở 1 đã xây dựng từ rất lâu mà cũng không đúng quy cách vì trước kia là doanh trại quân đội, sau giải phóng nhà trường tiếp nhận và cải tạo phòng ở thành phòng học”.
Tuy chất lượng giáo dục ở Vạn Tường không thua kém các trường nổi tiếng khác: có giáo viên giỏi cấp quốc gia, có giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp quận, năm học vừa rồi tập thể sư phạm của trường được UBND TP tặng bằng khen “tập thể lao động xuất sắc”, hằng năm tỷ lệ học sinh giỏi đạt hơn 80% nhưng vẫn không thu hút được học sinh vào học. “Năm học 2013-2014, Phòng GD-ĐT quận phân tuyến cho trường 128 học sinh lớp 1 nhưng chỉ có 83 em vào học.
Những năm trước cũng vậy, tỷ lệ tuyển sinh của trường chỉ đạt 75-80% so với chỉ tiêu”, thầy Quốc cho biết. Bởi trong cùng một phường, hai trường chỉ cách nhau vài bước chân, đa số phụ huynh đều có nguyện vọng xin cho con chuyển sang học tại trường Nguyễn Đình Chính. Cũng không khó hiểu khi sĩ số học sinh ở Trường Nguyễn Đình Chính có lớp trên 50 học sinh thì ở Vạn Tường chỉ có 27 học sinh/lớp. Có phụ huynh đến gặp chúng tôi thắc mắc: “Tại sao hai bé cùng ở đường Trần Huy Liệu, trong khi bé nhà đối diện được vào lớp 1 trường Nguyễn Đình Chính còn con tôi phải vào Trường Vạn Tường?”.
Tình trạng trên cũng diễn ra ở quận 3: học sinh cùng ở phưởng 7 nhưng một số được phân tuyến vào học tại trường Kỳ Đồng (ngôi trường nhiều học sinh mơ ước) trong khi số học sinh khác bị phân tuyến về Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền – ngôi trường đang gặp nhiều khó khăn, ngay cả bàn ghế hư cũng không có kinh phí để thay thế. Ở quận 26, quận Bình Thạnh cũng vậy, chỉ một số học sinh được vào Trường tiểu học Chu Văn An (trường chuẩn quốc gia với sĩ số thấp, khuôn viên khang trang), số còn lại phải vào Trường tiểu học Tầm Vu ở gần đó với cơ sở vật chất thiếu thốn hơn, chật hẹp hơn và sĩ số học sinh cao hơn nhiều. Chưa nói đến chất lượng dạy học, chỉ riêng chuyện cơ sở vật chất đã biến Chu Văn An thành ngôi trường điểm đáng mơ ước của mọi phụ huynh sống trên địa bàn.
Chị Thu Thủy – phụ huynh ở khu phố 5, phường 26, quận Bình Thạnh, có con học lớp 4 trường tiểu học Tầm Vu – cho biết: “Nhìn ngôi trường chuẩn cũng ham lắm, nhưng mình phải cho con đi học theo phân tuyến của ngành giáo dục. Nhiều người cũng khuyên tôi chạy trường và tôi cũng không ít lần đắn đo khi thấy điều kiện học tập của hai ngôi trường rõ ràng chênh lệch nhau rất nhiều, nhưng rồi cũng chấp nhận và may mắn là cháu được học với các giáo viên giỏi và kết quả học tập khá tốt nên dần dần tôi cũng không so sánh hai trường nữa”.
Theo Tuoitre
Trường mới xây đã... sắp sập
Ngày học đầu tiên của Trường THCS Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cũng là ngày thầy trò trường này "bỏ của chạy lấy người" khi mới đặt chân vào các phòng học.
Rất nhiều mảng tường bị nứt, nền sụp lún đổ hẳn về một bên, có thể sập bất cứ lúc nào.
Ngay sau ngày học đầu tiên 13/8, khoảng 700 học sinh của trường đã được di dời khẩn cấp sang điểm Trường tiểu học Đốc Binh Kiều 1 học tạm.
Sửa chỗ này bung chỗ khác
"Thứ bảy tuần rồi các em vào trường để thi. Tôi đứng coi thi mà một con mắt phải để ở ngọn cây bên ngoài trường xem gió thế nào. Gió mạnh là tôi lo muốn rớt tim ra ngoài luôn vì sợ trường sập". Thầy Võ Thanh Long (giáo viên Trường THCS Đốc Binh Kiều)
Nhìn từ xa, Trường THCS Đốc Binh Kiều nổi bật với màu sơn còn tươi mới. Trường có hai khu được xây dựng kết cấu một trệt và một lầu khá khang trang. Tuy nhiên, khi đến gần thì thấy vô số vết nứt trên tường, nền nhà. Một số vết nứt đã được trám, trét tạm bợ nhìn thấy ớn lạnh. Bậc tam cấp hiện đã tách khỏi chân tường hơn 20cm, dễ dàng cảm nhận khu nhà đã bị nghiêng về phía sau.
Trên nền gạch có nhiều dấu vết của những lần sửa chữa, thay gạch mới nhưng sửa chỗ này thì chỗ khác bung lên hay sụp xuống. Hiện trạng này được một số phụ huynh mô tả như là "bãi chiến trường".
Chúng tôi đến trường đúng vào giờ ra chơi nhưng sân trường và trong các phòng học, hành lang không có tiếng lao xao của học trò. Không có bất cứ học sinh nào chạy nhảy, nô đùa mà lại "đi nhẹ, nói khẽ". Một học sinh giải thích: "Thầy cô dặn trường bị yếu nên đừng nô đùa nhiều, nguy hiểm lắm".
Bậc thềm trường học bị nứt toạc
Thầy Võ Thanh Long, giáo viên dạy môn địa lý, kể: "Thứ bảy tuần rồi các em vào trường để thi. Tôi đứng coi thi mà một con mắt phải để ở ngọn cây bên ngoài trường xem gió thế nào. Gió mạnh là tôi lo muốn rớt tim ra ngoài luôn vì sợ trường sập". Đầu năm học nhà trường tạm bố trí cho học sinh học trên lầu vì trên đó... ít bị nứt hơn. Thầy Phan Thanh Thảo, hiệu trưởng, giải thích: "Ban giám hiệu và giáo viên ở tầng trệt, nếu xảy ra chuyện gì thì cũng thiệt hại nhẹ hơn. Các em cần ở chỗ an toàn hơn".
Sửa chữa liên miên
Theo Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Tháp Mười, đơn vị này làm chủ đầu tư hạng mục xây dựng 22 phòng học, nhà vệ sinh, sân, san lấp mặt bằng của Trường THCS Đốc Binh Kiều. Nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hố Nai. Thời gian thi công từ tháng 5/2006 đến tháng 12/2007. Công trình được phê duyệt với kinh phí gần 3,5 tỉ đồng, nhưng giá trúng thầu chỉ còn dưới 3 tỉ đồng. Công trình này nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ năm 2008.
Còn hạng mục ba phòng bộ môn thí nghiệm thực hành, thư viện, công trình phụ do Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tháp Mười làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là liên danh doanh nghiệp tư nhân Diễm Tường và doanh nghiệp tư nhân Vân Tuyết. Thời gian thi công từ tháng 6/2010 đến 11/2011. Theo kế hoạch, các bên sẽ tiến hành nghiệm thu trong vài ngày tới. Gói thầu này được phê duyệt gần 5,8 tỉ đồng, còn giá trúng thầu là 4,8 tỉ đồng.
Sau khi hạng mục 22 phòng học đưa vào sử dụng, nhà trường đã tổ chức sửa chữa lớn hai lần với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều lần sửa chữa nhỏ, đến mức tất cả thời gian rảnh rỗi không học như nghỉ hè, nghỉ tết, thứ bảy, chủ nhật đều được tận dụng để sửa chữa trường.
Ông Ngô Thanh Sang, phó Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tháp Mười, cho biết nguyên nhân khiến trường mới xây đã xuống cấp đang được Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cử cán bộ đến khảo sát để kết luận. Để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, tạm thời nhà trường sẽ chuyển các em qua cơ sở Trường tiểu học Đốc Binh Kiều 1 để học tạm. Sau khi Sở Xây dựng tìm ra nguyên nhân khiến trường xuống cấp và sửa chữa, khắc phục xong thì nhà trường sẽ cho học sinh trở lại học. Riêng hạng mục ba phòng bộ môn thí nghiệm thực hành, thư viện và công trình phụ chưa nghiệm thu thì nhà thầu phải có trách nhiệm khắc phục sự cố.
Chúng tôi đặt câu hỏi mà nhiều phụ huynh đã đặt ra: "Đến khi nào học sinh được yên tâm ngồi học mà không sợ trường sập?", nhưng cả lãnh đạo Phòng Giáo dục - đào tạo huyện Tháp Mười và lãnh đạo nhà trường không ai dám khẳng định.
Chiều 13/8, chúng tôi gặp một số phụ huynh đi đón con, họ bảo rất xót xa khi nhìn con em mình phải đi rón rén, nói năng nhỏ nhẹ trong khu nhà nứt toác trong khi tuổi các em là tuổi chơi, tuổi lớn. Nhiều phụ huynh đứng ngoài cổng trường nhìn vào bên trong với vẻ mặt rất căng thẳng, đến khi gặp con em thì họ ôm vào lòng hôn lấy hôn để. Bà N.T.C. vừa đón con xong, quay sang nói với chúng tôi: "Đêm qua nghe con nói còn học ở trường này mà tui rầu ngủ không được. Giờ gặp nó bình an thế này mừng lắm". Còn bà N.T.A. bảo: "Nhiều lúc tui muốn cho con nghỉ học hay chuyển sang trường khác chứ học ở trường này sợ lắm, không yên tâm làm gì hết"... Nhiều người vừa đón con xong đã vội vã đưa con rời khỏi trường vì sợ nguy hiểm...
Theo tuổi trẻ
Những ngôi trường bỏ hoang giữa Thủ đô Rất khó để tin được ngay cửa ngõ Thủ đô lại có những "ngôi trường hoang" nhiều năm liền "chung sống" ngay trong khuôn viên nhà trường. Thầy trò phải chen chúc trong những phòng học xập xệ vì thiếu lớp học, còn những công trình bề thế chỉ để... trang trí. Cỏ mọc giữa... nền đá hoa Ngày khai giảng năm học...