Trường nghề lay lắt
Bỏ chi phí lớn để đầu tư trang thiết bị dạy học nhưng khan hiếm người học khiến bức tranh về các trường nghề càng ngày càng ảm đạm
Trong khi một số trường nghề đã bị “thâu tóm” vào các trường ĐH thì cũng còn không ít trường vì không tuyển sinh được nên cầm cự bằng nhiều cách như cho thuê trang thiết bị, tuyển sinh sơ cấp, ngắn hạn… khiến các trường nghề đang xa dần mục tiêu đào tạo chính thống.
Quá nhiều bất lợi
Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT quy định các trường ĐH không đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) được xem là tín hiệu vui cho các trường nghề vì sẽ có một lượng lớn thí sinh không vào TCCN trong các trường ĐH sẽ tính đến phương án học nghề. Thế nhưng, tháng 6-2011, khi Bộ GD-ĐT sửa đổi điều 6 trong Thông tư 57 nêu rõ các trường ĐH không phải ngừng tuyển sinh hệ TCCN ngay từ năm 2012 mà xây dựng lộ trình giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh hệ này (mỗi năm giảm không thấp hơn 20% so với chỉ tiêu năm 2011) để dừng tuyển sinh hệ đào tạo này trước năm 2017 khiến các trường nghề lại rơi vào hụt hẫng.
Hiện các trường ĐH không những không giảm mà còn tăng chỉ tiêu TCCN. Đơn cử như tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trong khi lẽ ra phải giảm không thấp hơn 20% so với chỉ tiêu TCCN năm 2011 theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT thì năm 2012 lại thêm đến 4.000 chỉ tiêu, tăng hơn 45% so với năm trước.
ThS Đỗ Thị Phương Khanh hướng dẫn sinh viên Khoa Cơ khí thực hành trên máy CNC tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng . Ảnh: TẤN THẠNH
Hiệu trưởng một trường nghề tại TPHCM cho biết: “Trong khi chờ đến năm 2017 thì các trường ĐH cũng kịp vét hết thí sinh, nhất là khi dự thảo về đào tạo liên thông mới đây của bộ sẽ siết chặt liên thông thì còn ai dám vào trường nghề”.
Vị hiệu trưởng này phân tích: Dự thảo quy định nếu liên thông từ trình độ trung cấp nghề, TCCN lên trình độ CĐ, từ trình độ CĐ nghề, CĐ lên ĐH, thí sinh sẽ phải dự thi tuyển một môn văn hóa theo khối thi của ngành dự định học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hằng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức và thêm 2 môn cơ sở ngành.
Video đang HOT
Bộ thừa biết tâm lý lâu nay của người học đều cho rằng trường nghề chỉ là chỗ “tạm trú”, dù thế nào cũng phải có bằng ĐH, giờ nếu siết chặt liên thông thì chẳng thà học sinh ở nhà ôn thi ĐH cho đến khi nào đậu mới thôi chứ học nghề làm gì?
Cầm cự
Để duy trì hoạt động, nhiều trường nghề đã tính đến các phương án cầm cự. Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng thông báo tuyển sinh các khóa sơ cấp nghề với thời gian đào tạo chỉ từ 1-3 tháng, Trường Trung cấp nghề Việt Giao cũng chiêu sinh những khóa nghề ngắn hạn và phối hợp đào tạo theo đặt hàng của các doanh nghiệp. Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng tuyển sinh đủ hệ TCCN nhưng hệ CĐ nghề thì đến nay vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo hiệu trưởng một trường nghề: “Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải làm vậy vì đào tạo sơ cấp, ngắn hạn là chúng tôi xa dần mục tiêu chính thống của trường nghề. Nhưng nếu không cầm cự như vậy thì chúng tôi lấy gì sống khi hằng tháng vẫn phải trả tiền thuê địa điểm, trả lương cho nhân viên. Chúng tôi còn đang tính đến phương án cho thuê thiết bị để nuôi trường, tránh lãng phí”.
Ths Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, bày tỏ: “Các trường ĐH được đào tạo nghề quá nhiều là nguyên nhân không nhỏ khiến các trường nghề lâm vào thế khó. Xét về Luật Giáo dục thì các trường ĐH đào tạo nghề không sai nhưng đã là nghề thì phải có thực hành, trong khi chương trình dạy nghề ở các trường ĐH chủ yếu dạy lý thuyết. Ngược lại, các trường nghề biết phải đào tạo ra sao để các em có một nghề thuần thục. Về cơ sở vật chất, các trường đã trang bị khá đầy đủ trang thiết bị để học viên thực hành. Mỗi hệ có một mục tiêu đào tạo khác nhau, vì vậy nên trả lại việc đào tạo nghề cho các trường nghề”.
TS Đỗ Kỳ Công, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, nhận định: “Việc các trường nghề tuyển sinh khó khăn cũng phản ánh có sự sàng lọc chất lượng giảng dạy ở các trường. Nhiều trường quảng cáo quá mức nhưng chất lượng đào tạo kém, cơ sở vật chất lại đi thuê, không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Học viên ra trường không kiếm được việc làm. Khi đã bộc lộ những yếu kém và không tạo được uy tín với học viên thì việc khó tuyển sinh là điều dễ hiểu”.
Theo người lao động
Rút ngắn thời gian học phổ thông: Bắt đầu từ việc phân luồng
Một số chuyên gia cho rằng chương trình giáo dục phổ thông không còn phụ hợp với thực tế, cần phải thay đổi để rút ngắn thời gian học. Tuy nhiên, xét về một góc độ nào đó thì "lộ trình" rút ngắn thời gian học đã được đề cập đến trong việc phân luồng học sinh.
Với các quy định hiện nay thì học sinh (HS) có thể "bẻ nhánh" đi học Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cũng như các trường nghề ngay sau khi học xong lớp 9. Theo lộ trình này thì chỉ ở độ tuổi 18 thì các em hoàn toàn có thể bước vào đời để làm việc và góp sức cho đất nước. Bên cạnh đó, với cánh cửa thông thoáng trong đào tạo "liên thông" thì ước mơ sở hữu tấm bằng ĐH không phải là điều gì đó quá xa vời. Lợi thế cùng sự tiết kiệm được chi phi lớn cho xã hội nhưng dường như bao nhiêu năm nay việc phân luồng cho HS sau THCS còn có quá nhiều bất cập. Một phần nguyên nhân đó xuất phát từ chính quan niệm của các bậc phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung.
"Chê" học nghề thích vào trường ĐH
Phân luồng học sinh sau THCS là việc lựa chọn, sắp xếp mang tính xã hội để HS sau khi tốt nghiệp tiếp tục được GD-ĐT theo những khuynh hướng và ngành học khác nhau phù hợp với nguyện vọng, năng lực học sinh và nhu cầu xã hội hoặc tham gia lao động sản xuất (LĐSX).
Hiện nay, HS sau khi tốt nghiệp THCS chủ yếu được phân chia theo bốn luồng khác nhau, đó là tiếp học học giáo dục phổ thông (luồng chính); giáo dục thường xuyên; giáo dục nghề nghiệp và tham gia lao LĐSX. Với xu hướng phát triển của xã hội cũng như sự hình thành các trường THPT ngoài công lập nên phần lớn HS sau khi tốt nghiệp THCS đều được gia đình tạo điều kiện cho tiếp tục học lên bậc THPT. Trong khi đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT những năm qua luôn cao "ngất ngưởng", nhiều người thường "ví von":Cao như thế thì bỏ kì thi này cho xong!
Phân luồng sớm sẽ tạo cú "hích" cho ngành giáo dục.
Sau khi tốt nghiệp THPT, các HS lại đổ xô đi dự thi vào các trường ĐH, CĐ. Với việc chỉ tiêu của hệ chính quy ở mức gần 600 nghìn nên "tham vọng" để sử hữu tấm bằng ĐH, CĐ ngày càng trở nên nóng bỏng. Số thí sinh dự thi so với chỉ tiêu ở mức chênh lệch thấp nên nhiều năm nay điểm chuẩn vào các trường ĐH, CĐ ở mức rất khiêm tốn.
Theo đánh giá của một cán bộ giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT thì nếu để đến hết bậc THPT mới tổ chức phân luồng thì quá muộn, khó định hướng tốt về ngành nghề phù hợp với các em.
Thực tế cho thấy, khi cầm được tấm bằng THPT mà không thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ thì số lượng đi học TCCN hay các trường nghề ở mức độ khá khiêm tốn. Một là các em sẽ ấp ủ "tham vọng" ôn luyện để thi đỗ ĐH. Hai là các em chuyển hướng đi làm các công việc phổ thông. Đây cũng là bất cập dẫn đến câu chuyện thừa thầy nhưng thiếu thợ hiện nay. Nghiêm trọng hơn là số HS chuyển đi làm nghề phổ thông lại không có năng lực chuyên môn cần thiết để đáp ứng được nhu cầu.
Phần luồng sớm: Sẽ tạo cú "hích" cho ngành giáo dục
Trước thực trạng trên thì bài toàn cần đặt ra cho ngành giáo dục trong trong việc đổi mới toàn diện, đó là cần giảm HS vào luồng chính đến một tỷ lệ phù hợp, tăng tỷ lệ HS các luồng phụ ở mức cần thiết.
Để giải quyết vấn đề này, ngành giáo dục cần phải nỗ lực chấn chỉnh việc dạy và đánh giá ở bậc THPT. Cấp thiết hơn cả là không chỉ ngành và ngay cả xã hội cần nhìn nhận kì thi tốt nghiệp THPT như là một bước "sàng lọc" cơ bản trước khi HS đến với chặng đường thi ĐH, CĐ.
Trong thời gian giữ cương vị là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã từng nhấn mạnh: "Nếu HS không đỗ tốt nghiệp thì cấp cho các em giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT". Tuy nhiên, cho đến nay điều này chưa một lần được Bộ GD-ĐT đưa ra bàn thảo để áp dụng! Khi việc học THPT "siết chặt" đồng nghĩa với việc các gia đình cũng như HS sẽ cân nhắc hơn trong khâu phân luồng ở sau THCS.
Tuy nhiên, khác với phân luồng HS sau THPT là chỉ có luồng giáo dục nghề nghiệp và tham gia lao động sản xuất, phân luồng HS sau THCS ngoài giáo dục nghề nghiệp và tham gia lao động sản xuất, người học còn có luồng tiếp tục học vấn phổ thông với mức độ phù hợp với trình độ, điều kiện của người học theo chương trình GDTX.
Do đó, nếu thực hiện không tốt việc phân luồng HS sau THCS sẽ đồng nghĩa với việc chúng ta vô tình "đẩy" một bộ phận HS sau THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh, điều kiện gia đình không được tiếp tục học mà phải nghỉ học, phải tham gia lao động sản xuất mà trong tay không có nghề qua đào tạo.
Giải pháp quan trọng để thực hiện việc này là cần có các cơ chế đặc thù và sự quyết tâm của ngành giáo dục. Hiện nay, nhiều HS sau khi tốt nghiệp THCS vẫn đổ dồn đi học THPT bởi mức chi phí học tập tương đối thấp, khi cầm được tấm bằng tốt nghiệp THPT thì các em vẫn có cơ hội đi làm sau khi được các doanh nghiệp đào tạo ngắn hạn. Trong khi đó, chi phí học ở các trường TCCN cũng như trường nghề thì lại ở mức khá cao cộng thêm các chi phí xã hội khác kết hợp với việc xã hội chưa trả thù lao xứng đáng cho nguồn nhân lực này khiến họ "thờ ơ". Ngoài ra Nhà nước cũng chưa có chính sách đặc biệt gì để "hút" HS tìm đến với các bậc đào tạo này.
Một cán bộ làm công tác đào tạo lâu năm của một trường TCCN ở Hà Nội chia sẻ: "Phân luồng HS sau THCS chẳng những không làm triệt tiêu các cơ hội học lên của HS mà còn đa dạng hoá phương thức học, luồng học cho người học, tạo điều kiện thích hợp cho nhiều người học và cho cả việc học lên của HS. Nếu HS có nhu cầu nguyện vọng và năng lực thì việc học lên có nhiều cơ hội - như học liên thông, liên kết, từ xa hoặc vừa học vừa làm...".
S.H
Theo dân trí
Trả dạy nghề cho trường nghề Phải bỏ chi phí lớn để đầu tư mọi mặt nhưng ngày càng thưa vắng người học nghề dài hạn, các trường nghề phải xoay xở bằng nhiều cách để tồn tại. Tuy nhiên, về lâu dài các trường đều kiến nghị các trường ĐH, CĐ phải trả việc dạy nghề cho trường nghề. Học sinh Trường TCN Nhân Đạo thực hành trong...