Trường nghề kiến nghị gỡ khó để học viên được liên thông cao hơn
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị trực tuyến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tại hội nghị, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, ở dự thảo mới nhất của Thông tư này, có một nội dung mà người học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn vướng mắc.
“Dự thảo lần 1 quy định học sinh có giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được bảo lưu, khi học bổ sung các môn học để hoàn thành chương trình tiếp theo. Song dự thảo gần nhất thì không còn, mà ghi chung chung, đúng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 là: giúp cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp có nguyện vọng học lên trình độ cao đẳng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học kiến thức văn hóa trung học phổ thông để học lên trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật”, ông Hùng nói.
Một điểm nữa mà ông Hùng cho rằng là khó khăn, đó là thêm phần trách nhiệm của Sở GD-ĐT về việc phê duyệt kế hoạch giảng dạy của các trường.
“Kế hoạch đó sẽ như thế nào, hồ sơ ra sao, trình tự thủ tục thế nào,… thì không đặt ra. Đây là vấn đề khó”, ông Hùng nói.
Ảnh minh họa.
Gây khó khăn cho người học?
Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường CĐ Y Thái Bình cho rằng, phạm vi điều chỉnh như dự thảo thông tư hiện nay đang gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền được học của người học.
Bà Dung dẫn giải: “Nếu chỉ được học như thế này, sau khi các em tốt nghiệp trình độ trung cấp học lên trình độ cao đẳng mà muốn thi tuyển vào các vị trí viên chức, công chức thì sẽ rất khó khăn. Bởi hầu như các nơi, hồ sơ dự tuyển đều yêu cầu có bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy, khi thiếu bằng tốt nghiệp THPT thì rõ ràng bằng tốt nghiệp cao đẳng là không đủ”.
Do đó, theo bà Dung, Bộ GD-ĐT không những nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Thông tư mà còn cần quy định 2 chương trình học văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Thứ nhất là chương trình 4 môn để người học trung cấp có thể liên thông lên cao đẳng; thứ hai là chương trình được phép dạy 7 môn nếu người học có nhu cầu, để có thể sau này thi tốt nghiệp lấy bằng tốt nghiệp THPT, liên thông lên đại học.
Cùng đó, quy định luôn điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào đó, nếu đáp ứng đủ thì được triển khai chủ động việc dạy văn hóa THPT.
“Điều này giải quyết bất cập hiện nay khi đang phải liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc dạy kiến thức văn hóa và dạy nghề”, bà Dung nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.Hồ Chí Minh băn khoăn: “Dự thảo thông tư đang xây dựng theo hướng chỉ cho học sinh sau khi học văn hóa liên thông lên trình độ cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì không thể nào mà việc liên thông chỉ giới hạn trong giáo dục nghề nghiệp, mà phải liên thông trong hệ thống toàn quốc. Nếu các em chỉ dừng lại ở cao đẳng và chững lại ở đó, bế tắc, không được phát triển nữa thì đó là một bất cập, điều phi lý trong nền giáo dục mở theo tinh thần của Nhà nước ta”.
Ông Lộc cũng đề nghị cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện được giảng dạy bổ sung các môn văn hóa để các học viên có thể dự thi tốt nghiệp THPT.
“Tôi cũng đề nghị Bộ GD-ĐT và các Sở GD-ĐT cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có điều kiện thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc để giải quyết việc này. Chứ trung tâm giáo dục thường xuyên không thể nào hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giải quyết các chương trình văn hóa. Bởi, hiện nay, như trường chúng tôi, hầu hết các em học các môn bổ sung thì rất khó. Còn các trung tâm giáo dục thường xuyên vào trường dạy thì lại khó theo kế hoạch của nhà trường”, ông Lộc nói.
Ông Lộc cũng đề nghị cần xem lại các môn học mà dự thảo Thông tư đưa ra, liệu sau này, các trung tâm giáo dục thường xuyên có công nhận chương trình văn hóa do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giảng dạy hay không.
Video đang HOT
Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.Hồ Chí Minh
Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác cũng tiếp tục đề nghị cho phép các học sinh đã có giấy chứng nhận được học bổ sung các môn học còn thiếu của chương trình giáo dục phổ thông để có đủ điều kiện để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu có nguyện vọng.
Cùng đó, cho phép các trường trung cấp, cao đẳng có đủ điều kiện và đã dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT rồi thì được quyền tổ chức giảng dạy, bổ sung các môn học còn thiếu cho người học để đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cần quy định rõ, cụ thể hơn nữa mục đích của việc học khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
“Không phải như dự thảo hiện nay mà ghi rõ không chỉ học để liên thông lên trình độ cao đẳng mà còn là điều kiện để học sinh tham gia dự tuyển vào đại học hoặc liên thông lên trình độ đại học và sử dụng trong những trường hợp khác”, ông Vũ Xuân Hùng kiến nghị.
Còn nhiều vướng mắc về dạy văn hóa ở trường nghề
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) chủ trì hội nghị.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, qua thực tiễn, còn rất nhiều vướng mắc xung quanh việc dạy văn hóa THPT cho các học viên ở các trường nghề.
Theo ông Dũng, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi cho Bộ GD-ĐT góp ý về dự thảo Thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT được đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
“Tinh thần chúng tôi đóng góp một số ý để làm sao khi Thông tư được ban hành tạo cơ hội học tập cho người học đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo ra cơ hội khai thác tối ưu hóa năng lực của các cơ sở đào tạo trên cả nước trong việc tham gia vào việc dạy chữ dạy nghề cho người học”, ông Dũng nói.
Ông Dũng mong Thông tư tới đây giải quyết được đồng thời 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là quy định cụ thể khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà các em cần được học để có thể liên thông từ trung cấp lên cao đẳng.
“Tôi nghe các trường phản ánh khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những điều kiện hết sức cơ bản để được tham gia giảng dạy, triển khai là vấn đề đội ngũ. Vậy chính những người đang dạy các học viên khối lượng chương trình THPT trong các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp lại không được tham gia những chương trình đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến chương trình phổ thông mới. Nếu không được bồi dưỡng nghiệp vụ để giảng dạy chương trình mới thì chắc là chúng ta không đáp ứng được yêu cầu”.
Thứ hai, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mong muốn học viên học kiến thức văn hóa THPT không chỉ dừng ở việc liên thông lên cao đẳng.
“Bởi điều này lãng phí đi phần mà các em đã được học. Chúng tôi muốn có thêm một phần “delta” về khối lượng văn hóa. Để sau khi các em học đủ khối lượng cốt lõi kia, muốn được liên thông lên các trình độ giáo dục nghề nghiệp thì cộng thêm một “delta” khối lượng văn hóa để có thể thi tốt nghiệp được chương trình THPT hoặc được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông”, ông Dũng nói.
Chìa khóa để thay đổi quan niệm về văn mẫu
Chìa khóa để thay đổi lối tư duy, giảng dạy và học tập, lối viết và nói sao chép, lệ thuộc văn mẫu, tài liệu mẫu hiện nay chính là đề thi Ngữ văn.
Chấm dứt văn mẫu trong học đường là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, chiều ngày 12/8/2021 tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Không thể xóa bỏ văn mẫu học đường mà cần thay đổi quan niệm về văn mẫu.
Văn mẫu có cần thiết
Những người đi học ở bất cứ quốc gia nào cũng cần có những bài mẫu, sản phẩm mẫu, động tác mẫu hay tài liệu tham khảo. Sản phẩm mẫu thực chất là một công cụ quy chuẩn theo yêu cầu nào đó dùng để tham khảo, học hỏi và dựa vào sản phẩm mẫu để thực hiện công việc tiếp theo.
Văn mẫu cũng là sản phẩm mẫu và rất cần thiết cho người học, dù lớp 1 hay sau đại học. Dù văn mẫu được các chuyên gia, các nhà giáo có thâm niên và nghiệp vụ tốt hay học sinh viết thì văn mẫu đều được biên tập, in, phát hành và đảm bảo các yêu cầu chung của bộ môn (ngoại trừ các bài văn mẫu trên mạng internet).
Nhiều thế hệ học sinh đã thành công khi biết sử dụng văn mẫu. Những cuốn văn mẫu rõ ràng rất ý nghĩa với những người học văn, viết văn lâu nay.
Văn mẫu sẽ giúp người học - cả phổ thông và sau đại học - nhận thức vấn đề, kiến giải và định hướng tháo gỡ những khó hiểu, bế tắc, nhờ bắt chước và làm theo mẫu để có những sản phẩm mới đạt mục đích của mình.
Đọc nhiều tài liệu mẫu sẽ giúp chúng ta biết nhiều tri thức và kỹ năng, sẽ mở ra ý tưởng và sáng tạo, sẽ hoàn thiện tư duy và trưởng thành. Đôi khi, văn mẫu còn như khuôn vàng thước ngọc, như đỉnh cao cho người học mơ ước, phấn đấu.
Trái lại, nhiều người dựa văn mẫu, tài liệu mẫu để sao chép, đạo văn để qua bài, qua môn, lên lớp hay để đỗ đạt, thăng tiến. Văn mẫu với họ không liên quan gì nhiều đến học vấn, tư duy hay tri thức. Văn mẫu chỉ là phương tiện hữu ích sống còn với tương lai của họ.
Dù vì mục đích tích cực hay tiêu cực, văn mẫu xưa nay vẫn rất quan trọng trong học đường và cuộc sống. Người lao động cần sản phẩm mẫu thế nào thì người học cần văn mẫu, bài giải mẫu như vậy!
Ảnh minh hoạ: Sachhoc.com
Văn mẫu bị lên án
Người ta dễ dàng chấp nhận sách tham khảo giải bài tập các môn Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa,... nhưng lại sôi sục lên án văn mẫu, nhất là sau ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Vì sao lại có nghịch cảnh này?
Ngẫm lại, thời bao cấp những năm 80-90 thế kỷ XX, tài liệu, văn mẫu không tràn lan ngập đầu như hai chục năm nay. Văn mẫu ngày đó là những tài liệu quý hiếm, chỉ thầy cô dạy cho học sinh giỏi mượn đọc tham khảo. Người nào cẩn thận thì ghi chép. Nhưng vì hiếm có khó tìm (do hạ tầng, vật tư, công nghệ in thấp kém lúc đó) cho nên thầy cô phải lặn lội tìm kiếm mới có tài liệu, văn mẫu kia.
Ngày nay, sản phẩm văn mẫu bung nổ đủ loại, đáp ứng tất tần tật nhu cầu của thượng đế miễn phí hay trả phí. Trong thi thì phao thi, trên mạng internet thì là tài liệu, nhờ công nghệ hiện đại, chỉ chớp mắt có liền.
Thi trắc nghiệm đã triệt tiêu phao thi mấy năm rồi. Chỉ còn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận và 50% điểm bài có thể dùng phao thi - tài liệu - văn mẫu.
Sự chùng chình cải cách giáo dục trong thời mở cửa phát triển kinh tế thị trường đã tạo nhiều hệ lụy giáo dục mà sau hàng chục năm mới lộ ra. Những thế hệ học trò học lệch bị cuốn theo căn bệnh yếu kém và thành tích của giáo dục. Môn Ngữ văn đã bị bỏ quên trong cặp sách học trò từ bao giờ.
Những con điểm, con số chỉ tiêu đã hạ gục tâm huyết của nhiều nhà giáo yêu tiếng Việt, yêu văn chương, lúc nào cũng tha thiết muốn dạy trò học văn và viết văn để làm Người.
Học Ngữ văn kiểu gì cũng lên lớp. Viết được hay không viết được bài, đúng sai không quan trọng bằng văn của cô và càng đúng văn mẫu điểm càng cao!
Giám khảo bài tự luận "chấm nương tay" từ lớp học đến trường thi, thành thử bài thi Ngữ văn gần đây đã bỏ qua mọi tiêu chí chuẩn mực ngôn ngữ và văn chương nên nhiều năm chỉ khoảng 10% điểm Văn thi tốt nghiệp THPT dưới 5, với rất nhiều điểm từ 7 trở lên.[1]
Mặt khác, đội ngũ thầy cô dạy Ngữ văn còn nhiều bất cập về năng lực Tiếng Việt, làm văn và đọc văn. Sản phẩm học lệch kiến thức phổ thông tạo nên không ít thầy cô không dám dạy thoát li văn mẫu, rồi chấm bài theo văn mẫu và tệ hơn, yêu cầu học sinh học thuộc và làm bài y như văn mẫu!
Học trò kể với người viết, cô giáo em dạy theo sách, chỉ dẫn tu từ ẩn dụ "Mặt trời trong lăng rất đỏ" (Bài Viếng lăng Bác - Viễn Phương)! Không ít bố mẹ 7X, 8X, 9X không thể trả lời con yêu, từ này là từ loại nào, câu này là câu đơn hay ghép, viết đoạn tả con vật thế nào... Mua cho con văn mẫu là thượng sách. Hoặc nhờ thầy cô dạy thêm, kèm thêm, nhưng lại không biết rằng, cô giáo của con cũng trung thành với văn mẫu từ khi còn học phổ thông.
Học trò được khuyến khích sử dụng văn mẫu. Em nào tự viết điểm thấp, em nào văn mẫu điểm cao, thậm chí viết càng dài, điểm càng cao.
Văn mẫu đã ít nhiều làm trầm trọng thêm hiện tượng người Việt không nói và viết đúng chuẩn tiếng mẹ đẻ; nhiều bạn trẻ không thể trình bày nói hay viết bài luận nhưng "chém gió", "comment" - không theo quy chuẩn nào, thì rất thạo!
Văn mẫu chỉ dùng tham khảo
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ý kiến chấm dứt văn mẫu nhưng chúng ta không nên nghĩ tới đây sẽ xóa được văn mẫu. Chúng ta đã thấy rõ tác hại lâu dài của quốc nạn văn mẫu và lên án văn mẫu.
Ông Bộ trưởng cũng như đồng bào và giáo giới tâm huyết giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt muốn thay đổi cách dạy và học, thi và đánh giá môn Ngữ văn để học sinh được học thật, thi thật, chất lượng thật.
Chúng ta làm thế nào để từng bước làm cho văn mẫu hay tài liệu không còn là phao cứu điểm cho người học từ lớp 1 trở lên.
Chúng ta muốn văn mẫu chỉ còn là công cụ tham khảo đắc lực, trợ giúp người học để các thế hệ con em biết nói đúng, viết đúng rồi nói hay, viết hay tiếng Việt; biết thuyết trình, biết viết bài luận thể hiện quan điểm, tri thức và sự sáng tạo của cá nhân. Chúng ta muốn, văn mẫu chỉ là tài liệu tham khảo bổ ích, không thể thiếu của người học.
Hiện nay, đề bài môn Ngữ văn, phần Đọc hiểu và viết đoạn nghị luận xã hội đã loại bỏ được phao thi. Chỉ câu nghị luận văn học 5 điểm vẫn để cơ hội cho phao thi. Giới hạn các tác phẩm văn xuôi và thơ dùng nghị luận, từ khi bố mẹ thi rồi đến con thi. Dù hỏi cách nào thì vẫn dùng văn mẫu được, chỉ cần viết nhiều chữ là ổn.
Chúng ta có cần tìm hiểu, đánh giá và chấn chỉnh việc chấm bài Ngữ văn coi trọng văn mẫu và xem nhẹ yêu cầu hành văn, chính tả, dùng từ, và ngữ pháp của thầy cô lâu nay để kê đơn bốc thuốc?
Tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm thay đổi cấu trúc đề thi Ngữ văn từ 45 phút theo cấu trúc đề Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mấy năm nay.
Chìa khóa để thay đổi lối tư duy, giảng dạy và học tập, lối viết và nói sao chép, lệ thuộc văn mẫu, tài liệu mẫu hiện nay chính là đề thi Ngữ văn. Đề thi thay đổi, cách dạy và học, cách kiểm tra và đánh giá môn Ngữ văn sẽ mau chóng thay đổi và thích ứng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/pho-diem-mon-ngu-van-thi-tot-nghiep-thpt-2021-759257.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp: Triển khai ngay còn kịp! Ngày 20/7, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Bộ LĐTB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Nhiều vướng mắc trong công tác GDNN được các đại biểu đề cập về tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại...