Trường miền núi linh hoạt chuyển đổi trạng thái trong mùa dịch
Dù tình hình dịch bệnh ở miền núi trong tầm kiểm soát song ngành GD-ĐT các địa phương đã chủ động phương án ứng phó.
Sơn La có 215.926 học sinh chưa đủ điều kiện học trực tuyến. Ảnh: Ngọc Diệp
Tuy còn nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ song mỗi nơi vận dụng tối đa lợi thế của mình để đáp ứng yêu cầu cao nhất có thể trong việc dạy và học.
Khó… là chủ yếu
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, địa phương vẫn quán triệt, thực hiện nghiêm túc phương châm “Học sinh dừng đến trường, nhưng không dừng học”.
Toàn ngành cũng chủ động xây dựng phương án ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Các trường sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy – học phù hợp, có thể là dạy học trực tuyến, trên truyền hình hoặc giao bài trực tiếp. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức với toàn ngành là rất lớn.
Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, Sơn La hiện có 215.926 học sinh chưa đủ điều kiện học trực tuyến. Trong đó, 197.525 học sinh đang cần hỗ trợ thiết bị học tập. Cũng theo thống kê, nhiều học sinh đang gặp khó khăn do thiếu thiết bị, đường truyền để học trực tuyến. Nhiều nhất ở bậc tiểu học với gần 115 nghìn em, THCS là hơn 69 nghìn học sinh và THPT là trên 11 nghìn em.
Theo tính toán của Sở GD&ĐT Sơn La, nếu triển khai cho học sinh đồng loạt học qua truyền hình sẽ có khoảng 70 nghìn em không thể tiếp cận được vì gia đình không có tivi. Bên cạnh đó, trên 111 nghìn gia đình dù có tivi nhưng cũng không bắt được sóng Truyền hình Sơn La bởi các hộ sống rải rác ở khu vực núi cao, biên giới xa xôi.
Video đang HOT
Để phương án dạy học trực tuyến được khả thi, theo Sở GD&ĐT Sơn La cần phải có những hỗ trợ phù hợp từ nhiều phía. Sở mong muốn các Tập đoàn Viễn thông hỗ trợ gói DATA đủ dung lượng cho học sinh khó khăn. Đồng thời phủ sóng Internet rộng khắp đến các “vùng lõm”. Sở cũng cho rằng, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT-TH Hà Nội hỗ trợ trong việc dạy học trên truyền hình đầy đủ các cấp học để những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Sơn La được tiếp sóng. Qua đó, giúp học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến có thể học qua truyền hình.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Sơn La cũng đề nghị các đơn vị/ tổ chức/ tài trợ trang thiết bị, kinh phí và cơ sở vật chất thiết yếu để học sinh có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện học tập, nhất là học sinh cuối cấp.
Các trường vùng cao đang tranh thủ tối đa “thời gian vàng” để dạy học trực tiếp. Ảnh: Ngọc Diệp
Trưởng bản là “bưu tá”
Tà Hộc là xã vùng cao khó khăn của huyện Mai Sơn (Sơn La). Thầy Điêu Chính Quỳnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tà Hộc cho biết: Nếu phải học trực tuyến sẽ rất khó khăn. Hầu hết học sinh trong trường đều không có đủ thiết bị để học.
“Xã còn một điểm bản chưa có điện. Chỉ điểm trường chính khu vực ở trung tâm xã có sóng điện thoại, gọi là “tạm” ổn định. Các điểm bản khác “bập bõm”, lúc có lúc không”, thầy Quỳnh chia sẻ.
Năm học 2020 – 2021, khi triển khai dạy học trực tuyến, vì thiếu thốn về trang thiết bị dạy học, Trường Tiểu học và THCS Tà Hộc cho học sinh tạm nghỉ học và dạy học theo phương pháp giao bài tập về nhà. Thầy cô in bài và mang đến lớp hoặc nhờ trưởng bản giao đến cho học sinh. Mỗi tuần một lần, sau khi làm xong, học sinh mang bài đến lớp hoặc đến nhà trưởng bản rồi lấy bài mới về tự học. Những trường hợp đặc biệt, thầy, cô sẽ đến tận nhà học sinh để đưa và thu bài.
“Trong năm học trước, Trường Tiểu học & THCS Tà Hộc dạy học theo phương pháp giao bài tập về nhà. Mỗi khi thầy cô chuyển bài đến, tôi thông báo qua loa để các cháu đến lấy bài. Mỗi tuần một lần, bài tập từ lớp 1 đến lớp 9 đều do tôi phân loại và phát đến từng cháu. Tuy bận, nhưng là công việc chung, cũng muốn hỗ trợ thầy cô và các cháu nên tôi luôn cố gắng là cầu nối có hiệu quả”, ông Lò Văn Hùng – Trưởng bản Pơn xã Tà Hộc vui vẻ nói.
Cái khó ló cái khôn
Yên Bái là tỉnh có cùng điều kiện về địa hình, đời sống của người dân căn bản cũng giống Sơn La. Trước khó khăn chung, một số trường học của Yên Bái đã chủ động tìm hướng đi phù hợp. Đơn cử như Trường THCS Bình Thuận (huyện Văn Chấn). Ngoài việc nâng cấp hệ thống Internet nội bộ, nhà trường đã chia nhóm học sinh ở vùng cao, khó khăn để tổ chức học tập.
Thầy Nguyễn Văn Khiển – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi đã nâng cấp hệ thống Internet trong toàn trường. Thầy cô cũng tự trang bị máy tính cá nhân để sẵn sàng dạy học. Về phía học sinh, chúng tôi thống kê trường hợp có đủ trang thiết bị: Sóng điện thoại, Internet, điện thoại… sẽ học ở nhà. Nếu trong bản có một vài em đủ điều kiện sẽ gom thiết bị để tổ chức học theo nhóm tại thôn, bản. Mỗi nhóm có từ 3 – 5 em. Một số nơi như thôn: Đồng Hảo, Rẹ 1, Rẹ 2 chưa có sóng điện thoại ổn định sẽ chọn gia đình nào bắt được sóng khỏe nhất để sinh hoạt nhóm. Nếu triển khai theo hình thức này, khoảng 95 – 97% học sinh có đủ điều kiện học tập”.
Dù còn nhiều khó khăn, song Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái đã linh hoạt trong việc xã hội hóa, nhờ đó 100% học sinh ở ngôi trường này có thể học trực tuyến khi cần.
Theo cô Đặng Thu Hà – Hiệu trưởng nhà trường, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có đủ điều kiện trang bị thiết bị học tập. Tuy nhiên, giáo viên đã đến từng nhà để vận động mua sắm. Ngoài ra, trường cũng kêu gọi công ty viễn thông tỉnh hỗ trợ học sinh.
“Nếu trong thời gian tới phải dạy học trực tuyến thì đây là lần thứ 3, trường tổ chức dạy và học theo hình thức này. Hai lần trước trường đã triển khai và đạt 100% học sinh tham gia. Quan điểm của chúng tôi là sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh có thể tham gia đầy đủ các tiết học”, cô Đặng Thu Hà, Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái.
Thế chân kiềng bền vững
Một trong những phân tích chi tiết kết quả khảo sát của Chương trình đánh giá kết quả học tập của HS tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) tại Việt Nam cho thấy:
Ảnh minh họa/INT
Trình độ học vấn của cha mẹ càng cao thì kết quả học tập của con cái càng tốt. Bên cạnh đó, nghề nghiệp của cha mẹ, điều kiện học tập ở gia đình cũng ảnh hưởng khá lớn đến kết quả học tập của học sinh.
Với phương thức giáo dục sớm, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, con đường học vấn của trẻ bắt đầu tại nhà. Cha mẹ là những giáo viên đầu tiên đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng tính cách của trẻ. Giáo dục cân bằng giữa nhà trường và gia đình giúp hình thành nên thói quen học tập thực tế. Thái độ tích cực của phụ huynh với trường học sẽ góp phần truyền cảm hứng tích cực cho trẻ trong học tập.
Học hòa nhập là xu hướng giúp học sinh khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ có được những kỹ năng xã hội khác ngoài việc tiếp thu kiến thức căn bản. Những em có hồ sơ khuyết tật được học tập với chương trình giảm thiểu và tinh giản kiến thức ở mức tối thiểu.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều giáo viên có học sinh học hòa nhập, để các em hình thành được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và tính toán ở mức độ thấp, ngoài sự nỗ lực của thầy cô, rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Những kỹ năng tưởng như đơn giản nhưng làm được là rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực của cả nhà trường và gia đình. Đây cũng là cách để phụ huynh cùng tham gia với nhà trường theo đúng tinh thần của mô hình trường học mới.
Phân tích chi tiết kết quả khảo sát SEA PLM 2019 tại Việt Nam cũng cho thấy, học sinh vùng sâu, vùng xa còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác về kết quả ở 3 lĩnh vực trên. Kết quả giáo dục gần như chỉ có sự đầu tư của Nhà nước và tâm huyết của thầy cô giáo.
Phụ huynh ít tham gia vào quá trình học tập của con. Năm nào, tỉnh Quảng Nam cũng trích vài tỉ đồng từ tiền ngân sách để "giữ chân" học sinh lớp 12 người dân tộc ở huyện miền núi ở lại trường cho đến tận ngày thi để ôn tập. Trong khi đó, với vùng đồng bằng, đặc biệt là các đô thị lớn, phụ huynh đầu tư rất nhiều để con cái có được kết quả tốt trong học tập.
Chính vì vậy, muốn xã hội hóa giáo dục, ở các vùng khó, trước hết phải bắt đầu từ xã hội hóa nhận thức. Phải làm sao để phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con, ít nhất phải hình thành cho con động cơ, hứng thú học tập. Nhà trường và giáo viên phải động viên, hướng dẫn cha mẹ học sinh quan tâm đến việc học tập của con em, ít nhất phải biết chuyện học hành, đạo đức của con em để phối hợp giáo dục; biết tình hình hoạt động và khó khăn của nhà trường để tham gia hỗ trợ.
Cách phụ huynh nói về trường lớp, giáo viên, các môn học và giá trị của giáo dục có ảnh hưởng đến thái độ của trẻ đối với trường học. Phụ huynh và nhà trường có vai trò khác nhau nhưng cùng bổ trợ cho nhau, góp phần hình thành kiến thức, phẩm chất cũng như kỹ năng của trẻ. Sự quan tâm của xã hội, những nỗ lực từ phía thầy cô giáo và nhà trường cùng với sự đầu tư của gia đình sẽ tạo được thế chân kiềng vững chắc để giáo dục phát triển theo hướng bền vững.
Động lực dẫn lối vào đại học Chưa từng biết mặt cha, năm 3 tuổi lại mất mẹ vì căn bệnh ung thư quái ác, cô học trò Phạm Quỳnh Anh (Điện Biên) lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của làng trẻ SOS. Không chỉ giúp đỡ, Phạm Quỳnh Anh còn truyền cảm hứng học tập cho các em trong nhà. Suốt 18 năm qua, chỉ có cánh...