Trường mẫu giáo dạy cung cách hoàng gia ở Mỹ
Ngôi trường tư từng giảng dạy các hoàng tử Anh vừa mở cơ sở mới tại Mỹ, đề cao tác phong lịch thiệp, yêu cầu trẻ ăn bằng đồ sứ.
Trường Wetherby-Pembridge cơ sở New York vừa mở năm nay với mức học phí 45.500 USD (hơn một tỷ đồng) một năm. Ở Anh, đây là ngôi trường tư nổi tiếng từng dạy hoàng tử William và Harry, theo Business Insider ngày 15/10.
Tọa lạc ở Manhattan, con đường tới trường tràn ngập cây xanh, rải rác lá vàng dưới chân trong một ngày ấm áp giữa mùa thu.
Cô hiệu trưởng Kate Bailey (trái) cười tươi cùng học sinh. Đồng phục có tông màu chủ đạo là xám và đỏ. Bé gái mặc váy len caro, khoác áo và cài nơ trên tóc; trong khi các bé trai mặc áo phông polo trắng bên trong áo vest lịch sự.
Lối vào trường tách biệt hẳn với giao thông bên ngoài. Cửa mở vào 8h30 mỗi sáng. Ban đầu, tòa nhà là dinh thự của kiến trúc sư người Mỹ nổi tiếng Ogden Codman vào năm 1913.
Codman đã muốn “biến đường số 96 giữa đại lộ thứ 5 và đại lộ Madison thành một dãy nhà Paris thanh lịch”, và nhà riêng của ông cũng không ngoại lệ. Ông xây dựng theo phong cách Beaux-Arts, lấy cảm hứng từ tuổi thơ ở Paris.
Trẻ ở Wetherby-Pembridge học trong lớp lẫn lộn ở tuổi mầm non, sau đó được phân chia thành các lớp theo giới tính khi lên mẫu giáo.
Wetherby-Pembridge sử dụng chương trình giảng dạy quốc gia của Anh. “Trẻ học về số đếm, chữ cái, phát âm và đánh vần sớm hơn học sinh ở các trường mẫu giáo Mỹ”, hiệu trưởng Bailey cho biết. Ngoài ra, tất cả học sinh phải tham gia lớp âm nhạc và học tiếng Tây Ban Nha.
Truyền thống, cung cách, phép tắc người Anh rất được chú trọng. Ba giá trị nền tảng là sự tôn trọng, tính kiên cường và trách nhiệm.
Video đang HOT
Thái độ lịch thiệp là khía cạnh độc đáo trong văn hóa Wetherby-Pembridge. Mỗi học sinh đều phải học cách nói “làm ơn”, “cảm ơn” và “chào buổi sáng”.
Đây là ngôi trường mẫu giáo duy nhất ở Manhattan phân lớp theo giới tính. Dù gặp phải ý kiến trái chiều, Wetherby-Pembridge tin rằng học sinh học trong lớp theo giới tính từ sớm sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
Các cậu bé hào hứng chạy lên cầu thang để đến lớp. Trẻ làm việc hết năng lượng của mình trong các chuyến tham quan hàng tuần ở Công viên trung tâm, qua các đường phố. Chúng đến phố 92nd Street Y để tham gia học bơi và các lớp thể dục khác. Nhà trường cũng hy vọng sẽ sớm giới thiệu môn bóng gậy cho các em.
Một số gia đình Anh ở Mỹ cho con theo học Wetherby-Pembridge, nhưng hầu hết trẻ là người New York. Tuy nhiên, giáo viên ở các lớp chính vẫn đào tạo kiểu Anh.
Các phòng ăn chính đang hoàn thiện nên hiện học sinh ăn trong phòng tạm thời. Bailey cho biết, khi thực hiện xong, tất cả học sinh sẽ ăn bằng đồ sứ và bạc thật theo đúng lễ nghi.
Các bữa được sắp xếp theo “mô hình gia đình” và trẻ học phép tắc trên bàn ăn ngay từ sớm. Đồ ăn được phục vụ lần lượt theo món. Phản hồi của trẻ rất tích cực, các em yêu cầu cải xoăn và các loại rau xanh khác cho bữa trưa.
Bailey giải thích rằng quá trình tuyển sinh vào Wetherby-Pembridge dựa trên yêu cầu “lấy trẻ làm trung tâm”. Học sinh được tham gia một buổi chơi trước khi nhà trường gặp bố mẹ. Quyết định cuối cùng dựa vào từng đứa trẻ.
Có khoảng 15-20 học sinh trong mỗi lớp. Trường muốn duy trì quy mô đó trong tương lai, vì vậy chỉ tiêu mỗi năm sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Tại văn phòng của mình, hiệu trưởng Bailey giải thích trường Wetherby-Pembridge là sản phẩm kết hợp giữa văn hóa Anh và Mỹ cũng như thực tiễn học tập.
Chẳng hạn, trong một bài học tiếng Anh về “Harry Potter”, trẻ được chia thành ba “nhà”: Braeburn, McIntosh và Russet. Học sinh ở đây phát triển niềm tự hào về “nhà” của mình và cạnh tranh với học sinh ở “nhà” khác bằng cách giành điểm hoặc phần thưởng.
Theo VNE
Nguyên nhân biến trẻ thành đầu gấu ở trường
Bị người khác bắt nạt hoặc muốn tìm kiếm sự chú ý có thể là nguyên nhân khiến trẻ thích gây sự với bạn bè.
Theo trang No Bullying, nguyên nhân gây ra nạn bắt nạt học đường rất phức tạp, có thể là kết hợp của nhiều yếu tố.
Cảm thấy bất lực trong đời sống riêng
Việc bắt nạt hay hành hung người khác có thể xuất phát từ việc khao khát được thể hiện quyền lực. Những người bị nhắm đến thường do đi đôi giày quá cũ, quá lùn so với bạn bè, quá thông minh so với lứa tuổi, hành động ngớ ngẩn hoặc quá yểu điệu... Nhưng lý do không thật sự quan trọng.
Đứa trẻ đi bắt nạt thích thú khi chinh phục được kẻ khác. Chúng thường bốc đồng, nóng nảy và càng mạnh bạo hơn khi nạn nhân co rúm vì sợ.
Cảm giác chống lại sự bất lực thường xuất phát từ vấn đề nào đó ở nhà. Trẻ có thể gặp phải tình huống quá sức chịu đựng như bố mẹ ly hôn, một thành viên trong nhà nghiện rượu hoặc ma túy.
Bị người khác bắt nạt
Trong nhiều trường hợp, bắt nạt sinh ra bắt nạt. Một đứa trẻ cảm thấy ấm ức khi bị bắt nạt bởi bố mẹ, anh chị hay học sinh khóa trên có thể bị cám dỗ bởi cảm giác bắt nạt người khác. Nghiên cứu cho thấy những người từng trải qua chuyện bắt nạt có gấp đôi khả năng bắt đầu hành động xấu này.
Nhiều kẻ đi bắt nạt vì bị người khác bắt nạt. Ảnh minh họa: NST
Trong thời đại công nghệ, trẻ bị bắt nạt ở ngoài đời dễ trở thành kẻ đầu têu bắt nạt người khác qua mạng. Khi bị xem là yếu đuối hoặc tự đánh giá thấp bản thân, trẻ sử dụng Internet để thử đổi mới mình thành một người mạnh mẽ hoặc đáng sợ hơn. Chúng có thể tham gia các cuộc trò chuyện hay diễn đàn mở, đe dọa người khác.
Thông thường, bắt nạt qua mạng thường là phần mở rộng của bắt nạt trong thế giới thực. Chẳng hạn, trẻ có thể xâm nhập vào tài khoản mạng xã hội để hiển thị tin đồn tiêu cực về người mình ghét.
Ghen tị hoặc thất vọng
Khi trẻ chọn bắt nạt người luôn giơ tay phát biểu đầu tiên hoặc đạt điểm cao nhất trong các bài kiểm tra, nguyên nhân sâu xa là ghen tị với người kia hoặc cảm thấy thất vọng về bản thân.
Sự thông minh, khả năng tập trung và tính sáng tạo thường đại diện cho các thuộc tính mà kẻ bắt nạt muốn có được. Bằng cách phá hoại các kỹ năng của người khác, kẻ bắt nạt nghĩ mình đang tạo ra sân chơi bình đẳng hơn.
Thiếu sự hiểu biết hoặc thấu cảm
Trong một số trường hợp, một đứa trẻ đi bắt nạt vì có một khía cạnh về nhân cách của người khác mà nó không hiểu hoặc không chấp nhận. Chúng có thể thành kiến với chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng tình dục của bạn bè, thậm chí nghĩ rằng bắt nạt người chúng nghĩ có hành vi sai trái là điều tốt.
Sự thấu cảm này có thể được học từ nhà. Ví dụ, nếu thấy bố có thái độ kỳ thị chủng tộc, trẻ sẽ thể hiện tương tự. Ngoài ra, không ít trẻ gặp vấn đề tâm lý làm giảm khả năng thấu cảm người khác.
Tìm kiếm sự chú ý
Một số kẻ bắt nạt không bao giờ nghĩ mình là kẻ bắt nạt. Chúng chỉ nghĩ tất cả những gì mình làm chỉ là trêu chọc một chút, thậm chí là cố gắng để kết bạn với người mà chúng đang bắt nạt. Những vấn đề xã hội này khiến trẻ gặp rắc rối trong giao tiếp lành mạnh, thay vào đó dùng cách lăng mạ hoặc bạo lực thể xác.
Thực tế, những kẻ bắt nạt kiểu này thường dễ "hoàn lương" nhất, bởi vì chúng cũng dễ cởi mở với khái niệm tử tế. Trẻ có thể bớt bắt nạt người khác, thậm chí đối xử tốt với người chúng từng bắt nạt tùy vào cách được đối xử. Trao cho kẻ bắt nạt sự chú ý tích cực trước khi chúng có cơ hội tìm kiếm sự chú ý tiêu cực, nạn nhân có thể khiến mọi thứ tốt hơn cho cả hai.
Ảnh hưởng của gia đình
Hoàn cảnh gia đình của những kẻ bắt nạt là một yếu tố quan trọng. Thiếu sự hỗ trợ tinh thần, bố mẹ độc đoán, ly hôn, bạo lực gia đình và kết nối kém với bố mẹ là những nguyên nhân tiềm ẩn trong cuộc sống.
Tiến sĩ Nerissa Bauer, chuyên gia Mỹ về vấn đề này cho biết: "Bố mẹ là những hình mẫu có vai trò rất lớn và trẻ sẽ bắt chước hành vi của họ, muốn trở thành người như họ. Chúng có thể tin rằng bạo lực là cách giải quyết vấn đề và áp dụng với bạn bè. Chúng có thể đánh người khác chỉ vì nghĩ rằng đang đi theo con đường của bố".
Điều quan trọng là những người đang chứng kiến bạo lực ở nhà nên nói chuyện để định hướng hành vi cho trẻ. Đôi khi, phụ huynh nên tìm đến phương pháp điều trị tâm lý.
'Phần thưởng' từ hành vi xấu
Nhiều trẻ không cố ý bắt nạt kẻ khác để được phần thưởng. Tuy nhiên, vô tình trẻ phát hiện mình lấy được tiền ăn trưa hoặc đồ đạc của bạn bè sau khi bắt nạt, hoặc được nổi tiếng, chú ý, củng cố quyền lực ở trường. Những phần thưởng không chủ ý này khích lệ hành vi xấu, khiến trẻ ngày càng lún sâu.
Không có khả năng điều chỉnh cảm xúc
Khi nản chí hay tức giận, trẻ có thể phản ứng thái quá. Những phiền toái nhỏ đột nhiên thổi bùng lên cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn, một đứa trẻ vô tội đi xuống hội trường và vô tình va vào kẻ bắt nạt. Dù nhận được lời xin lỗi, kẻ bắt nạt vẫn không giữ được bình tĩnh mà đẩy nạn nhân vào tường để đánh. Đây được xem là cách giải tỏa cảm xúc của chúng.
Theo VNE
Phụ huynh Trung Quốc đánh nhau giữa sân chơi trẻ em Một nhóm phụ huynh ở phía nam Trung Quốc lao vào đánh nhau khi thấy các con tranh giành đồ chơi. Theo South China Morning Post ngày 12/10, video quay cảnh những người lớn ẩu đả trong sân chơi thuộc một trung tâm mua sắm ở Thâm Quyến lan truyền mạnh mẽ trên mạng, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận...