Trường mầm non tư thục đua nhau luyện chữ, học toán trước lớp 1
Dù không nằm trong chương trình giáo dục của bậc mầm non, nhưng để thu hút và giữ chân trẻ, không ít trường mầm non tư thục tại TP.HCM dạy chữ trước cho trẻ.
Trẻ một trường mầm non tư thục tại TP.HCM đang được học chữ – ẢNH: NGUYỄN LOAN
Trẻ lớp chồi đã bắt đầu học chữ
Trong vai phụ huynh có con đang học lớp lá, phóng viên Báo Thanh Niên đã đến nhiều trường mầm non tư thục ở TP.HCM tìm hiểu chương trình học cho con với mong muốn tìm được nơi có dạy chữ và toán để chuẩn bị vào lớp 1. Không ít trường tự tin nhận trẻ vì hầu hết trường nào cũng có luyện chữ, kèm toán trong trường.
“Mẹ bây giờ mới tìm nơi dạy chữ là hơi trễ đó, ở trường mình học sinh cuối lớp chồi đã được làm quen với chữ và số cơ bản, vào lớp lá là được học bài bản rồi. Nhưng không sao, mẹ cứ cho con qua trường học đi, cô giáo sẽ kèm thêm cho con để theo kịp các bạn”, cô giáo T., phụ trách tuyển sinh một trường mầm non tư thục ở Q.3, nói.
Theo nữ giáo viên (GV) này, trẻ ở trường khi mới vào lớp chồi đã bắt đầu được làm quen với bảng chữ cái, con số. Lên lớp lá trẻ bắt đầu học viết và các phép toán trong phạm vi 10.
Không được dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ
Chia sẻ về vấn đề các trường mầm non tư thục dạy chữ, toán cho trẻ, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết theo phần “Kết quả mong đợi” đối với trẻ mầm non lớp lá theo Thông tư 28 của Bộ GD-ĐT thì trẻ ở lứa tuổi này được phép làm quen với bảng chữ cái, số học nhằm trau dồi kỹ năng ngôn ngữ, toán học cơ bản làm tiền đề cho việc chuẩn bị vào lớp 1. Tuy nhiên các trường mầm non không được dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ.
“Việc dạy trẻ đến mức làm phép toán cộng trừ trong phạm vi 10, biết đọc và viết là không được”, bà Điệp nói và cho biết phòng GD-ĐT các quận huyện sẽ là đơn vị có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở thực hiện nội dung chương trình có phù hợp với lứa tuổi, mục tiêu lứa tuổi của trẻ mầm non hay không.
Tư vấn về lịch học của trường, cô T. cho biết mỗi tuần trẻ lớp lá có tới 5 tiết hoạt động học tập (bao gồm học chữ và các hoạt động giáo dục khác), và có riêng 2 tiết học toán, 2 tiết để rèn chữ (mỗi tiết 30 phút).
Video đang HOT
“Đến những tháng cuối của lớp lá, các em sẽ được tăng số tiết học các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị vào lớp 1. Hết chương trình lớp lá hầu hết trẻ có thể viết được chữ, đánh vần, thậm chí em nào nhanh có thể đọc được báo, làm các phép tính rồi.
Còn như bé nhà chị, nếu học sau các bạn thì sẽ được GV kèm cặp thêm”, cô T. nói và cho biết việc dạy chữ, làm toán là nằm trong 8 nhóm giáo dục của trường, trong đó học chữ nằm vào nhóm phát triển ngôn ngữ, còn toán học thuộc nhóm phát triển tư duy.
Trẻ còng lưng học chữ
Gần 17 giờ ngày 15.1, khi trẻ các lớp đã được cha mẹ đón về gần hết thì tại Trường mầm non HH (Q.Gò Vấp) khi phóng viên tới, sau một hồi năn nỉ thì cũng được một nữ GV tên D. phụ trách ở đây dẫn lên tham quan lớp học chữ của trẻ nằm tách biệt ở tầng 3.
Căn phòng rộng chừng 40 m2 vẫn sáng đèn, phòng được trang bị đầy đủ bàn ghế, bảng và có khoảng 15 trẻ lớp lá đang cặm cụi làm toán, học chữ. Hai GV của trường đang dạy và điều chỉnh cho từng em. Nhìn qua phần vở học, phóng viên thấy các em không chỉ viết sành mà còn đã biết làm các phép toán trong phạm vi 10.
“Những bé này là do phụ huynh đăng ký cho học thêm tại trường với mức học phí 500.000 đồng/tháng. Các em sẽ học 3 buổi/tuần với thời lượng 1 giờ, từ 16 giờ 30 – 17 giờ 30. Các em sẽ được học từ cơ bản tới nâng cao, từ việc học bảng chữ cái, ghép vần, tập đọc, làm toán…”, nữ GV này nói.
Chia sẻ về việc dạy chữ cho trẻ lớp lá, cô D. cho biết: “Buổi sáng trường vẫn cho bé hoạt động theo chương trình giáo dục của bậc mầm non, trường chỉ kèm thêm chữ cho trẻ vào buổi chiều thôi. Phần dạy chữ, làm toán này là mình dạy thêm cho bé thôi, chứ trong chương trình học không có”.
Theo đó, trẻ lớp lá sẽ được luyện chữ, viết bài, làm toán… tùy theo khả năng từng bé. Bé nào yếu sẽ được GV dạy từ cơ bản, bé nào nhanh hơn thì được dạy nâng cao. Trẻ đã bắt đầu học từ tháng 9 đến nay, có bé đã biết viết chữ đơn, cũng có bé viết được cả 2 – 3 câu thơ dài, tùy theo sức học của bé. Còn toán ngoài việc nhận biết số, trẻ được học các phép tính. Phần này trường dạy thêm miễn phí cho trẻ.
Có con đang học lớp lá tại trường này, chị H.T.T cho biết hiện con chị đã có thể đánh vần, đọc được văn bản dài 5 – 7 câu. “Lúc đầu thấy cô dạy chữ mình cũng không hài lòng lắm nhưng khi thấy cả lớp đều được dạy, trường nào cũng dạy mà con mình không học trước lại thiệt thòi nên mình để con ở lại trường và con học chữ từ đầu năm học tới nay. Đầu năm lâu lâu cô còn nhắc nhở bé lơ đễnh, không chịu học, còn giờ thì bé học đã quen với chương trình học rồi, mình cũng đỡ lo khi con vào lớp 1 năm tới”, chị H.T.T nói.
Không chỉ ở 2 trường này, dạo một vòng các trường mầm non tư thục khác ở TP.HCM hầu hết trường đều thừa nhận có rèn chữ, dạy toán cho trẻ. Trường nào sớm thì trẻ cuối lớp mầm, chồi đã bắt đầu làm quen với chữ số. Còn trường nào chậm thì trẻ lớp lá mới được học.
Nhận định về việc hầu hết trường mầm non tư thục đều dạy chữ, toán trước cho trẻ lớp chồi, lá, chị Nguyễn Hoàng Thu Ngân, chủ một hệ thống trường mầm non ở TP.HCM, cho rằng việc dạy chữ, toán như một “lá bùa” để giữ trẻ và phụ huynh.
“Hầu hết phụ huynh có con sắp vào lớp 1 đều rất nóng lòng với việc học các kỹ năng tiền lớp 1. Việc có dạy chữ, toán như một điểm cộng giúp các trường dễ tuyển sinh hơn. Còn trường nào không dạy thì rất khó giữ được trẻ lớp lá vì cha mẹ các em sẽ chuyển con sang trường khác”, chị Ngân cho biết.
Năm lớp 1 của con thành ác mộng: Bố mẹ ham thành tích, sao lại trách cô giáo?
Trẻ không được học trước nên khi vào lớp 1 bị cô phàn nàn vì kém bạn bè, nếu bố mẹ không chạy theo thành tích thì đâu đến nỗi năm học đầu tiên của con thành ác mộng.
Tôi có đọc được bài Không học trước, năm lớp 1 của con tôi thành cơn ác mộng trên báo điện tử VTC News. Theo đó, tác giả không cho con học chữ, học toán trước nên khi năm học bắt đầu, cháu luôn bị cô giáo phàn nàn là kém các bạn trong lớp. Tôi rất cảm thông với nỗi lo lắng, sự căng thẳng và nỗ lực của người mẹ trong bài. Tuy nhiên, vì cũng có con đang học lớp 2 trường công nên tôi muốn trao đổi về chuyện này dưới một góc nhìn khác.
Con tôi có xuất phát điểm chậm hơn so với các bạn cùng tuổi. Cháu chậm nói, 2,5 tuổi vẫn chỉ biết nói từ đơn, làm cái gì cũng mau chán, không tập trung. Vợ chồng tôi đưa con đi khám khắp nơi và thở phào nhẹ nhõm khi bác sĩ kết luận là chậm nói tự nhiên, không phải tự kỷ - điều mà rất nhiều phụ huynh lo lắng khi con ở tình trạng tương tự. Kể từ đó, cháu phải học can thiệp để luyện khả năng nói.
Tới khi vào lớp 1, con tôi vẫn nói ngọng, khả năng diễn đạt còn chậm so với các bạn cùng tuổi. Cháu cũng không được học trước nhiều. Hành trang vào lớp 1 của cháu chỉ vỏn vẹn các chữ cái và khả năng tô chữ. Tuy nhiên, năm lớp 1 của con tôi không phải là cơn ác mộng.
Các bé lớp 1 háo hức trong ngày khai giảng. (Ảnh minh họa)
Trước khi con nhập học, chúng tôi có buổi nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm, nói rõ con hạn chế ở những điểm nào, điểm mạnh của con là gì và mong cô giúp đỡ. Cô giáo chủ nhiệm rất tâm lý và luôn sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng tốt nhất, chẳng hạn như cho con ngồi bàn đâu, liên tục nhắc con tập trung, và kiên nhẫn hơn mỗi khi con không hiểu bài... Tôi cũng tin rằng, các cô giáo khác, dù trường công hay tư, cũng sẽ có cách hành xử như thế, nếu như cô được trao đổi về tình hình của học sinh.
Trong khoảng nửa học kỳ đầu, con tôi rõ ràng chậm hơn so với các bạn cùng lớp, kể cả về khả năng đọc, viết và làm toán. Tuy nhiên, tôi không gây áp lực cho con. Tôi luôn động viên, khuyến khích và khen ngợi con ở những điều nhỏ nhất. Tôi không so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ khác có thể được 9, 10 điểm; con tôi chỉ cần 6, 7 điểm nhưng có tiến bộ hơn so với hôm trước là tôi đã khen. Tôi khen con dựa trên sự nỗ lực của nó chứ không so thành tích với các bạn khác.
Tôi cũng không bao giờ hỏi con hôm nay ở lớp có những bạn nào được phiếu khen, bạn nào học giỏi. Tôi hạn chế đặt con vào sự so sánh và đặc biệt là tránh tạo cho con cảm giác nó đang đuối hơn các bạn.
Cũng không ít lần con hỏi tôi, tại sao các bạn làm được bài mà con không làm được, tại sao các bạn viết nhanh hơn con, tại sao con không được phiếu khen như các bạn... Những lúc đó, tôi chỉ ôm con vào lòng và bảo, mỗi người có một thế mạnh riêng, các bạn ấy giỏi ở điểm này thì con giỏi ở điểm khác. Ví dụ ở lớp có ai chạy nhanh hơn con không? Có ai đá bóng giỏi như con không?
Tôi luôn tìm những mặt tích cực của con để khen. Dần dần, con tôi không còn so sánh mình với các bạn nữa mà chỉ cố gắng để học tập có kết quả tốt hơn chính nó ngày hôm qua. Con tôi có thể chưa học giỏi bằng các bạn nhưng rất tự tin và hào hứng mỗi lần đến lớp.
Có những hôm cô giao nhiều bài tập quá. Với khả năng của con, nếu làm hết sẽ mất rất nhiều thời gian, phải thức khuya, không được ngủ đủ giấc và hôm sau tới trường sẽ rất mệt, ảnh hưởng tới việc tiếp thu bài. Trong trường hợp đó, tôi thường vẫn cho con đi ngủ đúng giờ, buổi sáng gọi con dậy sớm hơn khoảng 30 phút để học. Nếu con đã cố gắng mà vẫn không làm xong, tôi sẽ trao đổi trực tiếp với cô giáo để buổi tối hôm sau con làm bù. Tôi không cố nhồi nhét kiến thức cho con bằng mọi cách. Quan trọng là hết năm học, con có thể nắm được các kiến thức cơ bản.
Khi con bị cô giáo nhắc nhở, tôi không vội quát mắng ngay mà chọn cách nói chuyện với con. Tôi nhớ có lần con vui chơi với bạn và khiến bạn bị ra máu mũi. Khi cô giáo nhắn tin, đề nghị gọi điện xin lỗi phụ huynh của bạn, tôi giận sôi người. Hôm đó, tôi không đi đón con mà phải nhờ người khác đi thay. Tôi sợ nếu tôi gặp con lúc đó, tôi không kiềm chế được cơn giận của mình. Tôi luôn dạy con nguyên tắc không được đánh bạn và từ trước tới giờ, bé tuân thủ rất tốt.
Tối hôm đó, tôi gọi con lại nói chuyện; khi đã biết rõ mọi việc mới gọi điện cho vị phụ huynh kia. Hóa ra, hai bạn chỉ nô đùa với nhau nhưng bạn của con tôi hay bị ra máu cam, nhất là khi bé chơi ngoài trời nắng lâu. Khi biết rõ sự việc, tôi nói với giáo viên chủ nhiệm và đề nghị con những lần sau phải chú ý hơn khi chơi với bạn.
Tôi nghĩ các bậc phụ huynh stress thường do không tin tưởng con mình. Chỉ cần người khác nói điều gì đó không hay về con, họ sẽ lo âu, bực tức và trút giận lên con, không cho trẻ cơ hội giải thích.
Cha mẹ đặt quá nhiều áp lực lên con rồi lại than gặp phải ác mộng khi con vào lớp 1.
Một điều nữa là nhiều người sợ con mình đuối hơn các bạn nên tìm cách dạy con trước, cho con làm bài trong sách bài tập trước, để con đạt điểm cao trên lớp. Cách này vô tình đã làm hại đứa trẻ. Đó là chưa kể các phụ huynh thường không có kỹ năng sư phạm, không biết cách truyền đạt kiến thức cho con, thậm chí dạy sai phương pháp, khiến cho đứa trẻ bị rối và càng khó khăn hơn trong việc tiếp thu kiến thức từ cô giáo.
Với vị phụ huynh trong bài viết kể trên, tôi nghĩ nếu bản thân chị không có tính hơn thua, không quá quan tâm đến thành tích của con thì sẽ không căng thẳng đến mức trút giận lên đứa trẻ như vậy. Năm học đầu tiên của bé lẽ ra đã không là cơn ác mộng với cả hai mẹ con nếu chị chấp nhận kết quả của con mình, đồng nghĩa với việc vui vẻ chấp nhận cả lời phê bình, đánh giá của cô giáo. Tôi cũng nghĩ cô giáo không đúng khi mới vào năm học đã đòi hỏi trẻ phải biết đọc, nhưng tình trạng stress, co rúm người sợ hãi của đứa trẻ một phần cũng do mẹ gây nên.
Mỗi đứa trẻ đều có tính cách riêng, điểm mạnh - yếu riêng và cha mẹ phải lựa cách để dạy dỗ chúng. Tôi không đưa lời khuyên nhưng tôi mong các bậc phụ huynh nên tôn trọng khả năng của con, đừng đặt lên con quá nhiều áp lực. Như vậy, mỗi ngày con đến trường là một ngày vui; mỗi năm học của con trôi qua đều không phải là cơn ác mộng đối với bất cứ gia đình nào.
Đua nhau cho trẻ mầm non học... lớp Một Dù chương trình lớp Một được thiết kế cho trẻ chưa biết gì nhưng thực tế làn sóng cho con học trước chương trình vẫn rầm rộ. Nhiều trẻ mầm non độ tuổi 4-5 đang phải học trước chương trình ở các lớp tiền lớp Một. Học sớm vì sợ... trễ Rút kinh nghiệm từ đứa con lớn khá vất vả khi không...