Trường mầm non nơm nớp vì không có lối thoát hiểm
Hải Châu là quận trung tâm của TP Đà Nẵng. Tuy vậy, nhiều trường mầm non của quận này lại có diện tích chật hẹp, sân chơi chỉ vài chục mét vuông.
Các trường nằm trong hẻm nhỏ, ở khu dân cư đông đúc nên việc đi lại khó khăn, nguy hiểm rình rập khi xảy ra hỏa hoạn.
Để đến được Trường mầm non Cẩm Vân (quận Hải Châu), phụ huynh phải luồn lách qua những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo trên đường Hoàng Diệu. Do con hẻm chỉ rộng gần 2 m, trong khi trường có hơn 200 trẻ, các hàng quán lại buôn bán trên đường hẻm nên vào giờ đưa đón trẻ việc đi lại nơi đây rất khó khăn.
Trường mầm non Cẩm Vân nằm trong con hẻm nhỏ bề ngang chỉ gần 2m . Ảnh: Tuổi Trẻ.
Cô Trần Thị Như Lai – Hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Vân – cho biết, diện tích của trường hiện rất nhỏ, sân trường chỉ gần 40 m2, trong khi đường kiệt chật chội nên không đảm bảo việc thoát hiểm.
“Mỗi lần trường tổ chức phát thưởng hay hoạt động tập thể gì thì phải làm 2-3 lần, vì sân trường quá nhỏ, tội cho các cháu” – cô Lai nói.
Cô Lai cũng kể thêm vừa rồi khi có vụ hỏa hoạn gần trường, khói mù mịt khiến cô trò nhốn nháo không biết đưa các em thoát hiểm thế nào. May mà vụ cháy nhỏ và được khống chế kịp thời. Không chỉ vậy, hồi đầu năm học một trẻ bị sốt, co giật nhưng gọi xe cấp cứu vào không được vì đường hẻm quá nhỏ. Hai cô giáo phải lấy xe máy chở cháu bé đi gần 200m ra mặt đường để đưa lên ôtô.
Cô Lai chia sẻ: “Hẻm vào trường quá nhỏ, chật hẹp nên taxi, xe chữa cháy… không thể vào trường được. Chỉ sợ có sự cố gì thì không biết xoay xở ra sao”.
Ngoài ra, do diện tích trường quá chật hẹp nên bếp ăn đặt ở tầng trệt và đối diện với cửa ra vào của một lớp học.
“Lực lượng phòng cháy chữa cháy cũng đề nghị nhà trường di chuyển bếp sang một chỗ khác, vì trẻ ở lớp học đối diện sẽ hít phải khí gas khi nhà bếp nấu ăn. Nhưng vì diện tích hạn hẹp nên chúng tôi chưa biết chuyển bếp đi đâu” – cô Lai cho hay.
Tương tự, Trường mầm non Hoàng Lan cũng nằm trong kiệt nhỏ của đường Trưng Nữ Vương. Cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hai xe máy đi tránh nhau còn khó, huống hồ là khi xảy ra sự cố hỏa hoạn thì không biết làm sao”.
Video đang HOT
Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu – cho biết thêm, mảnh đất để xây Trường mầm non Hoàng Lan vốn được một nhà thờ tộc của địa phương nhường. Lối đi cũng là lối đi chung với nhà thờ tộc. Những ngày nhà thờ tộc tổ chức giỗ chạp thì giáo viên trong trường phải đem xe máy ra để ở ngoài đường kiệt.
Do thiếu phòng học nên Trường mầm non Hoàng Lan phải ngăn phòng hội trường làm hai để bố trí làm lớp học. Chỗ làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán và thủ quỹ đều trong cùng một phòng nhỏ. Phòng học, tường, lan can của trường này hiện rất xập xệ, hư hỏng nặng…
Theo bà Hà, tình trạng của các trường mầm non như Cẩm Vân, Hoàng Lan đã kéo dài nhiều năm qua khiến phòng cũng rất băn khoăn, lo ngại.
Bà Hà cho rằng: “Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng nói trên thì phải di chuyển các trường ra khu vực mới. Chúng tôi đang kiến nghị xin được di dời các trường này để bảo đảm an toàn cho các cháu”.
Theo Đoàn Cường/Tuổi Trẻ
Phụ huynh không cho con ăn bán trú vì lo thực phẩm bẩn
Ngay sau khi lực lượng chức năng phát hiện Công ty Trung Thành tuồn thực phẩm bẩn vào 7 trường mầm non, tiểu học ở quận Tây Hồ (Hà Nội), nhiều phụ huynh không cho con ăn bán trú.
Có mặt tại trường Tiểu học Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội), một trong những trường vừa bị lực lượng chức năng phát hiện: Công ty cung cấp "tuồn" thực phẩm không rõ nguồn gốc vào bếp ăn. Đúng bữa trưa ngày 15/1, PV chứng kiến trong nhà ăn khá rộng rãi, bữa ăn của học sinh chỉ đơn giản có bát bún nấu với xương hầm, không có một chút rau nào. Hàng trăm học sinh xì xụp 5-10 phút là xong bữa.
Các trường từ chối trả lời báo chí
Khi thấy PV chụp ảnh, nhân viên của trường này ngăn cản, yêu cầu đi ra ngoài. Tại Trường mầm non Nhật Tân, đại diện trường này cho hay lãnh đạo trường không tiếp PV.
Trước cổng trường Tiểu học Phú Thượng, khác với mọi ngày đa số học sinh đều ăn bán trú, nghỉ ngơi để học buổi chiều thì nay hết giờ học buổi sáng, nhiều phụ huynh đến trường đón con về nhà. Một phụ huynh có con học lớp 4 cho biết, dù nhà cách trường khá xa nhưng từ nay hai vợ chồng sẽ thay nhau đón con về nhà ăn trưa.
Vị phụ huynh này nói: "Sau khi biết sự việc chúng tôi rất bức xúc. Mỗi bữa ăn đóng 30.000 đồng mà ai ngờ trường lại cho con chúng tôi ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc".
Nhiều phụ huynh không cho ăn bán trú. Ảnh: Tiền Phong.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn đã gần 70 tuổi nhưng vẫn đi xe máy đến trường Tiểu học Phú Thượng đón hai cháu ngoại. Ông Toàn cho hay, trước đây gia đình cũng cho cháu ăn bán trú nhưng cách đây không lâu, nhiều người dân xung quanh trường mẫu giáo Phú Thượng có kể lại chuyện thấy có người trong trường ra chợ mua thực phẩm, trong khi trường cam kết với phụ huynh mua ở các công ty đảm bảo nguồn gốc.
"Chúng tôi cảm thấy không tin tưởng nên vất vả mấy cũng đến trường đón cháu. Ăn vào sinh bệnh thì ăn làm gì", ông Toàn nói.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giám đốc Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa cho hay, hệ tiêu hóa của trẻ mầm non, học sinh nhỏ tuổi cực kỳ non nớt, rất dễ bị tác động bởi vi khuẩn, lượng tồn dư chất hóa học.
"Nếu trẻ bị ngộ độc ngay còn dễ phát hiện, có những loại thuốc bảo vệ thực vật tồn dư ăn vào ruột có sự tích lũy lâu dài mới gây bệnh nguy hiểm", ông Thịnh nói.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo quy định, thực phẩm để vào được trường học phải qua rất nhiều cửa kiểm soát. Các trường học không được trực tiếp thu mua thực phẩm mà phải ký hợp đồng với những nhà cung cấp thực phẩm được nhà nước cấp phép.
Tuy nhiên, quy định cũng nêu rõ, các trường có trách nhiệm kiểm tra quá trình tiếp nhận thực phẩm. Nếu bằng cảm quan mắt thường không đạt buộc phía doanh nghiệp phải đổi hoặc chấp nhận trả.
Điều đáng nói ở đây là qua điều tra của cơ quan chức năng, sau nhiều ngày theo dõi quy trình hoạt động và phát hiện, người của Công ty Trung Thành mang thực phẩm đến trường và trường không có người tiếp nhận, kiểm tra như quy định.
Trong khi đó, bà Lê Thị Bính, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thượng cho rằng: Báo chí thông tin sai sự thật, giờ đó trường chưa có người đến giao nhận chứ không phải không có người kiểm tra!
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó phòng giáo dục quận Tây Hồ cho biết: "Sự việc đang khiến những người làm quản lý giáo dục như ông đau đầu".
Ông Long cho biết, quy trình để các trường học ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các doanh nghiệp thường là do một số đơn vị doanh nghiệp đến với giới thiệu với phòng hoặc họ tự tìm đến trường.
Phòng không chỉ định các trường mua thực phẩm của công ty nào mà chỉ quản lý về mặt hồ sơ, sổ sách. Trong quá trình cung ứng thực phẩm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát lại thuộc về các trường.
Cũng theo ông Long, hàng tháng đơn vị cũng có thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học nhưng đều không phát hiện vấn đề gì.
Ông Long cho rằng, cái khó hiện nay là sản phẩm rau, thực phẩm sạch được quản lý không có bất cứ tem mác nào vì thế khi bị trà trộn với rau ngoài chợ bằng mắt thường rất khó phát hiện. Việc quản lý chất lượng thực phẩm một mình ngành giáo dục không thể làm được.
Vụ việc chấn động, nhưng chỉ phạt được từ 1-3 triệu đồng (?!)
Ngay trong ngày 15/1, UBND quận Tây Hồ cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo phòng giáo dục và đại diện các trường và gửi văn bản chấn chỉnh các trường, triệu tập các trường mua thực phẩm của Công ty Trung Thành lên làm việc. Riêng đối với các trường không làm đúng trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm đầu vào, Phòng GD&ĐT sẽ có hình thức xử lý.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hiệp Thống cho hay, hàng năm, Sở có nhiều đợt kiểm tra bếp ăn, thực phẩm các trường học; yêu cầu các trường thành lập ban chăm sóc sức khỏe học sinh, mời phụ huynh tham gia vào việc kiểm soát thực phẩm. Tuy nhiên, theo ông Thống, cái khó hiện nay là các trường đang chỉ làm theo quy định của nhà nước là ký kết với các công ty được cấp phép.
Theo ông Thống, việc lợi dụng, lừa đảo chất lượng thực phẩm cho đối tượng là học sinh là hành vi không thể chấp nhận được. Đối với công ty vi phạm đề nghị cơ quan nhà nước xử phạt thật nghiêm.
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Đội trưởng đội 4, Phòng cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội lại cho biết, mức xử phạt các doanh nghiệp vi phạm như Công ty Trung Thành hiện nay thực hiện theo Nghị định 185 xử phạt về buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ chỉ dừng lại ở mức từ 1-3 triệu đồng!
Theo ông Phương, đơn vị phải mất nhiều ngày đêm theo dõi mới phát hiện vụ việc nhưng với mức phạt theo quy định hiện nay quá nhẹ, không đủ tính răn đe.
Sáng sớm ngày 14/1, Đội 4, Phòng cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT phát hiện nhân viên Công ty Trung Thành thu gom thực phẩm ở chợ Vân Nội, Đông Anh cung cấp cho các trường học ở quận Tây Hồ. Qua nhiều ngày theo dõi, lực lượng đã bắt giữ hàng trăm kilôgam rau củ khi đang vận chuyển vào tiêu thụ ở các trường học.
Điều đáng nói, các trường này không thực hiện giao nhận, kiểm tra thực phẩm như quy định. Đại diện Công ty Trung Thành đã thừa nhận vụ việc, khai nhận cung cấp cho 5 trường gồm: Trường tiểu học Phú Thượng, Trường mầm non Nhật Tân, Trường mầm non Xuân La, Trường mầm non Tứ Liên, Trường mầm non Phú Thượng.
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
Mầm non không quá 35 trẻ/lớp Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Điều lệ Giáo dục mầm non có hiệu lực từ ngày 8-1. Theo đó, trẻ em từ 3-36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ. Số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau: Nhóm trẻ từ 3-12 tháng tuổi là 15 trẻ; nhóm trẻ từ 13-24 tháng...