Trường mầm non chưa được cấp phép xây dựng vẫn hoạt động?
Trường Mầm non tư thục Kim Ngọc, thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã đi vào hoạt động được một thời gian. Trong khi đó, theo khẳng định của đại diện chính quyền địa phương và ngành chức năng thì ngôi trường này chưa được cấp phép xây dựng.
Được biết, trường Mầm non Kim Ngọc, đóng trên địa bàn thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống đã đi vào hoạt động và tổ chức đón trẻ nhiều tháng nay.
Trường Mầm non Kim Ngọc.
Qua tìm hiểu hồ sơ dự án đầu tư, xây dựng trường Mầm non Kim Ngọc do Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống cung cấp thì địa điểm đầu tư xây dựng là nhà ông Ngô Đình Huynh, thôn Tập Cát 2, thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống (khu UBND xã Minh Thọ cũ).
Chủ trường là bà Hoàng Thị Xuân (SN 1989), ở thị trấn Nông Cống. Trường được nâng cấp, cải tạo khu nhà UBND xã Minh Thọ cũ, nằm trên diện tích dự kiến 2084 m2.
Mục tiêu thiết kế xây dựng với 8 phòng học, nhưng giai đoạn đầu 4 lớp, nhằm tiếp nhận khoảng 50 cháu, khi phát triển đông có thể lên 8 lớp với 168 cháu.
Trong đó, theo chủ đầu tư, diện tích xây dựng tận dụng các dãy nhà của UBND xã Minh Thọ cũ khoảng 450m2; mật độ xây dựng 40%, chiều cao 1 tầng, diện tích cây xanh khoảng 200 m2; diện tích đường nội bộ khoảng 100 m2…
Tuy nhiên, “đề án” đầu tư xây dựng trường Mầm non Kim Ngọc mà Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống cung cấp chưa kèm theo văn bản phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Hồ sơ dự án do Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống cung cấp.
Hơn nữa, theo hợp đồng thuê đất và tài sản gắn liền trên đất giữa ông Ngô Đình Huynh và bà Hoàng Thị Xuân thì tổng diện tích đất thuê là 599m2. Trong khi đó, theo hồ sơ đầu tư, xây dựng trường thì diện tích dự kiến là 2.084 m2.
Cũng theo khẳng định của người cho thuê đất là ông Ngô Đình Huynh thì gia đình ông chỉ cho thuê hơn 590m2 đất thổ cư. Theo thông tin ông Huynh cung cấp, ngoài diện tích thuê lại của gia đình ông thì hiện tại, đất thầu của gia đình ông bị lấn khoảng 400m2.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Ngọc Giám, cán bộ Địa chính – Xây dựng thị trấn Nông Cống cho biết: Trường xây dựng năm 2017 trên đất thuê lại của gia đình ông Ngô Đình Huynh.
Cũng theo khẳng định của ông Giám, trường chưa được cấp phép xây dựng. Ông Giám giải thích: “Có hội trường cũ, người ta tu sửa, mông má lại để sử dụng”. Khi được hỏi về diện tích xây dựng trường, ông Giám cho biết, chưa kiểm tra nên không nắm được. Ngoài ra, khi phóng viên đề nghị được cung cấp các hồ sơ, thủ tục pháp lý có liên quan thì ông Giám cho biết không có.
Video đang HOT
Hồ sơ chưa kèm theo các văn bản phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Còn ông Nguyễn Thế Sơn, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Nông Cống xác nhận: “Không ai cấp phép xây dựng, vị trí đó (trường Mầm non Kim Ngọc – PV) là của nhà dân, thanh lý, dân mua lại, chỉ cấp phép xây dựng nhà ở. Phòng chưa cấp phép xây dựng trường. Thị trấn chưa báo cáo và hộ dân xung quanh cũng chưa báo cáo lên. Sau đây chúng tôi sẽ cho kiểm tra”.
Về phía ngành giáo dục huyện Nông Cống, ông Đỗ Ngọc Phan, Phó trưởng phòng GD&ĐT, cho biết: Về đơn vị chuyên môn, tham mưu cho huyện khảo sát, có quyết định thành lập trường. Đây là loại hình trường tư thục, hoạt động từ tháng 6/2018, hiện tại có hơn 100 cháu.
Nghị Định số 46/2017/NĐ-CP, ngày 21/4/2017, quy định:
Điều 3. Điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục
1. Có đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.
Điều 4. Thủ tục thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục.
2. Hồ sơ gồm:
a) Tờ trình đề nghị thành lập của cơ quan chủ quản đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; của tổ chức hoặc cá nhân đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục cần nêu rõ sự cần thiết thành lập; tên trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; địa điểm dự kiến làm trụ sở tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
b) Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ: Xác định sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương; mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị; tổ chức bộ máy hoạt động, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; nguồn lực và tài chính; quy hoạch, kế hoạch và các giải pháp xây dựng, phát triển trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ trong từng giai đoạn.
Trong đề án cần nêu rõ dự kiến tổng số vốn để thực hiện các kế hoạch và bảo đảm hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong 03 năm đầu thành lập và các năm tiếp theo, có thuyết minh rõ về tính khả thi và hợp pháp của các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ trong từng giai đoạn;
c) Có văn bản về chủ trương giao đất hoặc hợp đồng nguyên tắc cho thuê đất, thuê nhà làm trụ sở xây dựng trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ với thời hạn dự kiến thuê tối thiểu 05 năm;
d) Bản dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế sơ bộ các công trình kiến trúc xây dựng trên khu đất xây dựng trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoặc thiết kế các công trình kiến trúc (nếu đã có trường sở), bảo đảm phù hợp với quy mô giáo dục và tiêu chuẩn diện tích sử dụng phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
3. Trình tự thực hiện:
a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã; nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non nhà trẻ công lập); tổ chức, cá nhân (nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục) gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;
b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan có ý kiến thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế các điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ theo những nội dung và điều kiện theo quy định;
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
4. Sau thời hạn 02 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ không được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập bị hủy bỏ.
Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề trên.
Duy Tuyên
Theo Dân trí
Bộ Y tế công bố kết luận nội dung tố cáo trường Đại học Y Hà Nội
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký kết luận nội dung tố cáo trường Đại học Y Hà Nội để báo cáo Văn phòng Chính phủ. Kết luận khẳng định, các nội dung tố cáo là không đúng hoặc không có cơ sở.
Kết luận 1310 của Bộ Y tế cho hay, về nội dung tố cáo quy hoạch thì trường Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN) chưa được quy hoạch 1/500 tổng thể của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, hiện nay Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới quy hoạch 1/500 khu sân bóng, khu ký túc xá. Các khu còn lại đã được Bộ Y tế thẩm định và trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để phê duyệt, hiện nay Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chưa phê duyệt.
Trường ĐHYHN đã có quyết định 3680/QĐ-BYT ngày 2/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy hoạch tổng thể phát triển trường ĐHYHN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Về việc cấp phép xây dựng thì trường ĐHYHN lập dự án (Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) có quy mô nhỏ phù hợp với quy định tại khoản 26, Điều 3 và khoản 3, Điều 52 Luật Xây dựng năm 2014 về lập dự án đầu tư xây dựng, khoản 2 Điều 5 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Các Dự án (Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) cải tạo sửa chữa đã được Bộ Y tế (cấp có thẩm quyền) thẩm tra và phê duyệt theo quy định.
Căn cứ vào Khoản 2, Điều 89 Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 quy định công trình được miễn giấy phép bao gồm tại điểm b "các công trình thuộc Dự án đầu tư được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp đầu tư". Do đó, nội dung tố cáo vi phạm về cấp phép xây dựng là không có cơ sở.
Về tố cáo sai phạm trong quản lý môi trường, Bộ Y tế cho hay, trạm nước sạch của Trường ĐHYHN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép xây dựng theo Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 30/10/1998. Năm 2017 Trường ĐHYHN đã đầu tư cải tạo sửa chữa nâng cấp hệ thống giếng khoan nước ngầm và một Trạm xử lý nước sinh hoạt cho sinh viên và lưu lượng cung cấp nước để đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn mỗi ngày của Trường.
Trường ĐHYHN đã giao Phòng Quản trị của trường thực hiện các xét nghiệm nước và hợp đồng với Labo trung tâm - Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Trung tâm công nghệ xử lý môi trường - Bộ Tư lệnh Hóa học - Bộ Quốc phòng kiểm định chất lượng nước hàng năm (2 lần/năm) kiểm định kết quả chất lượng nước nằm trong quy chuẩn cho phép. Do đó, nội dung tố cáo sai phạm trong quản lý môi trường về nước sạch là không đúng.
Liên quan đến công trình xây dựng 2 tòa nhà liền kề hai đầu hồi nhà A5 thì Bộ Y tế cho biết, về tổng mức đầu tư: năm 2015-2016 xây một tòa sát đầu nhà A5 phía nhà A6 trên khu đất là sân gạch và một tòa xây sát nhà A5 phía đường Tôn Thất Tùng được xây dựng năm 2017-2018 trên khu nhà cấp 4 độc lập với nhà A5 (Trước đây cho ngân hàng BIDV Hà Thành thuê lại). Đây là hai công trình xây mới, mỗi công trình có tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng (tổng mức đầu tư tòa nhà hơn 60 tỷ đồng), nhưng lại được lập hồ sơ gian dối là cải tạo, sửa chữa nhà A5 (bao gồm 6 gói thầu: xây thô, hoàn thiện và mua sắm).
Qua xác minh, Trường ĐHYHN lập 3 dự án xây dựng, cải tạo 2 đơn nguyên (3 Báo cáo Kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng) trình cấp quyết định đầu tư (Bộ Y tế) phê duyệt với tổng kinh phí được duyệt cả 3 dự án là 30.148.824.000 đồng (Không phải như đơn tố cáo: tổng mức đầu tư 2 tòa nhà hơn 60 tỷ đồng); Chủ đầu tư đã thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền (Bộ Y tế). Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình theo phân kỳ đầu tư được Bộ Y tế phê duyệt, không chia nhỏ báo cáo đầu tư. Như vậy, nội dung tố cáo này là không đúng.
Về tố cáo các công trình xây mới giảng đường 6 tầng bên cạnh giảng đường Hồ Đắc Di chạy dọc theo đầu nhà B1, B2, B3, Bộ Y tế khẳng định, các công trình xây dựng, cải tạo giảng đường trong phạm vi mặt bằng các nhà B1, B2, B3 là công trình xây dựng cải tạo, nâng cấp (gồm: 5 tầng tầng áp mái được cải tạo để tận dụng diện tích), sau khi hoàn thành đã hợp khối, liên thông với 3 nhà cũ (B1, B2, B3) không phải là công trình xây dựng mới 6 tầng, độc lập tách dời.
Dự án đầu tư xây dựng cải tạo công trình gồm 10 dự án được lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng trình Bộ Y tế phê duyệt có tổng cộng giá trị (10 Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng) là 101.380.871.000 đồng. Trường ĐHYHN lập 10 dự án chứ không phải "(9 gói thầu)"; Đơn tố cáo nêu "(9 gói thầu)" bao gồm: Các gói thầu hạng mục xây thô, các gói thầu hạng mục hoàn thiện, các gói thầu hạng mục nội thất, các gói thầu hạng mục mua sắm..." là không đúng, thực tế chỉ có 2 loại gói thầu là Xây lắp và Cung cấp lắp đặt nội thất, trang thiết bị công trình, không có gói thầu mua sắm.
Như vậy, nội dung đơn tố cáo "ông Tạ Văn Khoái đã chỉ đạo lập thành 9 bộ báo cáo đầu tư (9 gói thầu) bao gồm: Các gói thầu hạng mục xây thô, các gói thầu hạng mục hoàn thiện, các gói thầu hạng mục nội thất, các gói thầu hạng mục mua sắm..." là không có cơ sở.
Về nội dung tố cáo việc đầu tư sai phạm Luật Xây dựng với tổng mức đầu tư là 45 tỷ đồng là không đúng, thực tế tổng giá trị của 3 dự án là: 34.565.630.000 đồng (ba mươi bốn tỷ năm trăm sáu mươi lăm triệu sáu trăm ba mươi nghìn đồng). Về nội dung tố cáo việc tách các gói thầu để cho một đơn vị trúng thầu: Qua xem xét kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu của các dự án, chưa thấy biểu hiện chia nhỏ các gói thầu để cho một nhà thầu trúng thầu. Vì vậy nội dung tố cáo này là không có cơ sở.
Về công trình xây mới A2B (phía sau nhà A2), Bộ Y tế cho biết, thời điểm xác minh, Trường ĐHYHN đang tiếp tục triển khai xây dựng cải tạo trên mặt bằng nhà khám - làm việc 2 tầng sau nhà A2 và hành lang cầu nối Nhà A2 - Nhà B2 với diện tích xây dựng trên 1.500m2 trong khuôn viên của trường. Việc xây dựng cải tạo, nâng cấp 2 đơn nguyên với các công trình đã có nhằm hợp khối, phát huy hiệu quả sử dụng công trình với tổng cộng kinh phí 04 dự án là 59.449.751.000 đồng không phải là tòa nhà với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng như nội dung đơn; Trường ĐHYHN lập 4 dự án (4 Báo cáo Kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng) để trình cấp quyết định đầu tư (Bộ Y tế) phê duyệt; Trường ĐHYHN đã tổ chức thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền (Bộ Y tế) về việc phân kỳ đầu tư cải tạo nâng cấp công trình, không chia nhỏ báo cáo đầu tư.
Về nội dung tố cáo "Hiện nay, Trường ĐHYHN đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng tòa nhà A2B (phía sau nhà A2 hiện nay) với diện tích mặt bằng xây dựng gần 1.500m2 bao gồm: 1 tầng hầm, 6 tầng nổi và 1 tầng áp mái với tổng mức đầu tư dự kiến trên 400 tỷ đồng theo cách làm chia nhỏ thành các báo cáo đầu tư, chia nhỏ các gói thầu tiếp tục cố ý làm sai Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu là không có cơ sở.
Mặc dù khẳng định các nội dung tố cáo là không đúng hoặc không có cơ sở nhưng trong kết luận này Bộ Y tế vẫn yêu cầu Ban Giám hiệu Trường ĐHYHN, Đảng ủy tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật cho công chức, viên chức và người lao động; thực hiện tốt dân chủ, công khai minh bạch trong mọi hoạt động của Trường ĐHYHN.
Yêu cầu trường ĐHYHN chỉ đạo các Phòng chức năng chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Ban Giám hiệu trong việc Trường ĐHYHN tiếp tục đề nghị UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500.
Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư phải đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 9, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKH-BTC ngày 8/9/2015 Quy định chi tiết về việc cung cấp đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu xử lý đơn tố cáo tiêu cực, vi phạm trong đầu tư xây dựng tại Trường ĐH Y Hà Nội. Công văn nêu rõ, nội dung đơn tố cáo cụ thể, rõ ràng nên có cơ sở để xử lý theo quy định. Yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo xác minh làm rõ các nội dung tố cáo, kết luận chính xác, khách quan, xử lý vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/11/2018.
S.H
Theo Dân trí
Thanh Hóa: Nhiều học sinh tiểu học "kêu cứu" vì không được học tiếng Anh Không có đủ giáo viên, nhiều năm qua hơn chục trường tiểu học trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa) học sinh không được học tiếng Anh. Dù có nơi nhu cầu của phụ huynh được đóng tiền thuê giáo viên hợp đồng về dạy cho con em họ cũng bị cấm. Thực trạng này đã khiến phụ huynh và học sinh...