Trường làng vững tốp đầu học sinh giỏi xứ Kinh Bắc
Ở nơi tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp thấp nhất tỉnh, đời sống nhân dân còn khó khăn song với truyền thống hiếu học, Trường THCS Mai Trung (huyện Hiệp Hòa) luôn là địa chỉ đỏ về thành tích HS giỏi tỉnh Bắc Giang.
Thầy Nguyễn Tiến Thi và cô Nguyễn Thị Thêm chia vui với 2 học trò đoạt giải Nhất (Ngô Thị Hoài Thanh và Tạ Công Tôn).
Hơn thập kỷ dẫn đầu
Những ngày cuối tháng 3, niềm vui về kết quả Kỳ thi chọn HSG văn hóa cấp tỉnh năm học 2021 – 2022 vẫn trên từng gương mặt thầy trò Trường THCS Mai Trung. Trong đó, đặc biệt là thành tích đáng nể của 2 học sinh lớp 9A1 khi đoạt giải Nhất.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, thầy Nguyễn Tiến Thi – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mai Trung cho biết, đây là năm học có số lượng và chất lượng giải cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại. Với 5/7 học sinh dự thi đoạt giải (2 Nhất, 1 Nhì và 2 Khuyến khích).
Theo thầy Thi, thành quả đó là cả chuỗi ngày dài phấn đấu không mệt mỏi của thầy và trò nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh.
“Ngay từ cuối một năm học, nhà trường đã phân công giáo viên cho năm tiếp theo. Sau Tết, nhà trường liên tục bồi dưỡng và tổ chức thi khảo sát HSG ở cấp câu lạc bộ. Dù dịch bệnh hay được nghỉ chính khóa nhưng các câu lạc bộ vẫn hoạt động bình thường với cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến…”, thầy Thi tiết lộ.
Cũng theo thầy Thi, ưu điểm của nhà trường là phong trào hiếu học từ nhiều năm. Trong 12 năm gần đây, huyện Hiệp Hòa có 4 giải Nhất môn Sinh học cấp tỉnh thì học sinh Trường THCS Mai Trung ẵm cả.
Đặc biệt, năm học 2021 – 2022, ngoài môn Sinh học thì nhà trường có 2 em dự thi môn Giáo dục công dân (GDCD) đều đoạt được 2 giải cao nhất (giải Nhất và Nhì).
“Năng lực giáo viên quan trọng trong bồi dưỡng HSG. Giáo viên có chuyên môn tốt, tự khắc sẽ tạo ra phong trào. Đơn cử, cô Nguyễn Thị Thùy Dương là giáo viên Sinh học của trường cũng kiêm bồi dưỡng HSG huyện để đi thi tỉnh.
Nhà trường chú trọng và có kế hoạch lâu dài trong việc lựa chọn, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là với giáo viên mới. Với những giáo viên mới ra trường, sẽ được bồi dưỡng dần dần, dạy từ lớp 6 sau đó đến lớp 7, 8, 9. Trên thực tế, việc lựa chọn, phân công giáo viên dựa trên thế mạnh của từng thầy, cô…”, thầy Thi nhấn mạnh.
Thầy Thi cũng cho biết, từ khi về công tác tại trường cùng cô Nguyễn Thị Thùy Dương năm 2001, thì năm nào trường cũng có học sinh giỏi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Bắc Giang.
Video đang HOT
Về bồi dưỡng HSG, theo thầy Thi có 3 yếu tố: Lựa chọn học sinh, giáo viên và chỉ đạo từ Ban giám hiệu.
“Ví dụ, một em ở đội tuyển Toán nhưng mãi vẫn ở cuối, nếu cứ để như vậy kết quả sẽ không cao. Thế nhưng, nếu chuyển lên đội tuyển Sinh thì ngay lập tức sẽ có kết quả khác. Giáo viên giỏi môn nào, lập tức môn đó có giải. Ví dụ nói đến Trường THCS Mai Trung sẽ nghĩ ngay đến môn Sinh học vì nó đã thành thương hiệu. Cuối cùng, làm sao để kết hợp đồng bộ, hài hòa giữa các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bồi dưỡng thì tính chỉ đạo, định hướng của Ban giám hiệu là rất quan trọng…”, thầy Thi lý giải.
Giáo viên tâm huyết, học sinh nỗ lực
Lần đầu tiên có 2 học sinh dự thi nhưng lại ẵm luôn 2 giải cao nhất (Nhất, Nhì) môn GDCD, cô Nguyễn Thị Thêm bày tỏ, dạy và học dù khó khăn, thử thách dịch bệnh nhưng đầy vinh quang, tự hào kết quả.
“Cô và trò Trường THCS Mai Trung luôn cố gắng phấn đấu hết sức mình và cuối cùng đã đem lại thành tích về cho nhà trường với giải Nhất và Nhì.
Dịch bệnh khiến việc bồi dưỡng cho các em gặp nhiều khó khăn, có em thuộc diện F1 phải nghỉ cách ly nhiều ngày. Nhưng cuối cùng, các em đã vượt qua được khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại kỳ thi…”, cô Thêm nhớ lại.
Khi biết tin được giải Nhất môn GDCD, Ngô Thị Hoài Thanh – lớp 9A1 Trường THCS Mai Trung cho biết, ôn thi trong hoàn cảnh F1, vì vậy được giải Nhất khiến em bất ngờ và vui sướng.
“Khi mà còn khoảng 2 tuần nữa là thi, nhận tin người nhà có F0 em đã phải nghỉ một vài ngày để kiểm tra sức khỏe. Sau đó, chuyển sang nhà bà và vẫn tiếp tục phải cách ly thêm một vài ngày rồi mới trở lại học bình thường.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng bọn em vẫn cố gắng để vượt qua và đạt kết quả tốt. Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, sự động viên của các thầy cô giáo, gia đình và bạn bè góp phần rất lớn để em đạt được kết quả này…”, Hoài Thanh nhớ lại. Hoài Thanh cho biết, kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, dự định của Thanh vào Trường THPT Hiệp Hòa 2.
Còn Tạ Công Tôn lớp 9A1 – giải Nhất môn Sinh học thì cho biết, tới đây sẽ theo học lớp Sinh của Trường THPT chuyên Bắc Giang hướng đến làm bác sĩ trong tương lai.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Thảo – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hiệp Hòa cho biết, hiện tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp tại huyện đang thấp nhất tỉnh, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng, 4 năm qua giáo dục mũi nhọn của ngành Giáo dục Hiệp Hòa liên tục đứng trong tốp đầu của tỉnh.
“Đơn cử năm học 2018 – 2019 đứng thứ nhất, năm học 2020 – 2021 và năm học 2021 – 2022 đều đứng thứ hai tỉnh Bắc Giang. Đó là sự nỗ lực cố gắng thầy cô, học sinh, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân Hiệp Hòa…”, ông Thảo nhấn mạnh.
Theo ông Thảo, kỳ thi chọn HSG văn hóa cấp tỉnh năm học 2021 – 2022, huyện Hiệp Hòa đạt 52 giải gồm: 3 giải Nhất, 11 giải Nhì, 17 giải Ba và 21 giải Khuyến khích. Trong đó, Trường THCS Mai Trung có 2 giải Nhất.
“Ven sông Cầu phù xa nhưng còn đầy nắng, gió, con đường đưa các học trò Trường THCS Mai Trung nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ, luật sư… còn lắm nỗi gian nan, nhọc nhằn nhưng các thế hệ luôn vững bước noi theo những tấm gương của học sinh xuất sắc của trường trước đây”, thầy Nguyễn Tiến Thi bày tỏ.
Thi HSG quốc gia: 'Dạy đội tuyển nhưng chưa bao giờ thấy đáp án của Bộ'
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần công bố công khai điểm số, thậm chí toàn văn các bài thi đạt giải của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia để học sinh, giáo viên được học hỏi, đặc biệt tránh những suy nghĩ về việc thiếu minh bạch.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Quốc Vương, một nhà nghiên cứu về giáo dục lịch sử đề nghị công bố công khai trên website các bài thi đạt giải Nhất, Nhì, Ba quốc gia, đặc biệt là các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý mỗi năm.
"Chỉ cần công bố đề thi, bài làm các môn Nhất, Nhì, Ba ở kỳ thi cấp quốc gia rộng rãi, chúng ta sẽ biết kỳ thi có đang chọn ra được những học sinh có năng khiếu và việc luyện thi học sinh giỏi cũng như giáo dục nói chung có đang thực hiện tốt "bồi dưỡng nhân tài" hay không".
Ông Vương cho hay, trước đây mà cụ thể là khoảng trước những năm 2000, ông vẫn thấy những tập in các bài học sinh đạt giải quốc gia môn Ngữ văn và Lịch sử nhưng gần đây chỉ còn thấy "tuyển" các bài văn được giải mà thôi. Tức môn Lịch sử "vắng bóng", còn Văn thì cũng không công bố tất cả các bài được giải.
"Tôi nghĩ phải chăng là vì nó chán và lặp đi lặp lại như sách giáo khoa, nhất là ở các môn Lịch Sử và Địa lý nên người ta không công bố?".
"Tôi không phải giáo viên dạy Văn nhưng lướt qua các đề thi tôi thấy kỳ lạ là sao trong đề thi học sinh giỏi-tức là nhắm vào phát hiện năng khiếu, nhân tài mà lại chỉ có nội dung liên quan đến "tiếng Việt" và "bình giảng", "phân tích" tác phẩm văn học hay văn bản mà không hề có câu nào về "sáng tác" nhỉ? Trong khi sáng tác quan trọng và cũng thú vị hơn nhiều. Người có năng khiếu văn chương đối với sáng tác hay không thì viết một tác phẩm nhỏ thôi cũng có thể thấy được điều đó mà".
Rất khó hiểu
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, việc Bộ GD-ĐT công bố danh sách học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022 mà không bố điểm thi (chỉ công bố giải) là việc làm dễ gây suy nghĩ thiếu minh bạch.
Theo thầy Hiếu, Bộ GD-ĐT cần khắc phục ngay thiếu sót này bằng việc sớm cụ thể hóa danh sách chung toàn quốc gửi về các địa phương. Bộ GD-ĐT cũng nên trả lời công khai trước dư luận lý do của việc này.
"Trong thi cử, chuyện đỗ hay trượt là rất bình thường, phụ thuộc vào chất lượng bài làm của mỗi thí sinh. Công bố điểm thi sẽ giúp cho các thí sinh biết được phần nội dung, kiến thức bài làm của mình đang ở mức nào tương xứng điểm bài thi.
Trong thi học sinh giỏi quốc gia, việc chênh nhau chỉ cần 0,25 thôi cũng đã quyết định chất lượng giải giữa các thí sinh với nhau trong cùng 1 môn thi", thầy Hiếu nói.
Thầy Hiếu cho hay, thực tế nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT chủ trương không công bố đáp án của các môn thi khoa học xã hội.
"Đọc kỹ đáp án của đề thi sau quá trình chấm thi, dù đó là kỳ thi ở cấp độ nào cũng là một cách học kiến thức và kỹ năng làm bài thi. Ý nghĩa của việc đọc và học từ đáp án chấm đó không chỉ có tác dụng với học sinh sau khi thi mà còn có ích về chuyên môn với các giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi", thầy Hiếu nói.
Thầy Hiếu nói đã nhiều lần gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
"Tôi từng đề xuất nhiều lần với lãnh đạo Bộ GD-ĐT rằng nên công bố công khai trên các kênh chính thống một số bài thi của các thí sinh đạt giải cao. Đây là một việc làm cần thiết để thầy cô giáo đang giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi và các em học sinh có thể đọc và học cách làm một bài thi chất lượng, đạt điểm cao. Nhưng rốt cuộc thì đâu vẫn vào đó. Rất khó hiểu", thầy Hiếu chia sẻ.
Thầy giáo này đặt vấn đề: "Bài thi đạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia của các thí sinh liệu có phải là tài liệu nằm trong danh mục "bí mật quốc gia" không? Rất mong Bộ GD-ĐT có quan điểm rõ ràng và minh bạch về vấn đề này. Nếu thiếu sót thì cần bổ sung, để mọi cuộc thi luôn công bằng, sòng phẳng, minh bạch và hạn chế đến mức thấp nhất yếu tố gian lận nếu có trong 1 kỳ thi".
Trong khi đó, phản hồi bài viết Bất ngờ không công bố điểm thi học sinh giỏi quốc gia, Bộ GD-ĐT nói gì?, độc giả Nguyen Minh Tien viết: Chúng tôi dạy đội tuyển nhưng chưa bao giờ thấy đáp án của Bộ.
Điều này được nhiều giáo viên dạy đội tuyển xác nhận. Một giáo viên chuyên Toán ở Hà Nội cho biết, thậm chí có năm đề thi học sinh giỏi quốc gia còn bị thu lại, và đáp án thì chưa bao giờ được công bố.
Trong khi mới cách đây vài ngày, đề thi chọn đội tuyển Toán IMO của Trung Quốc được đăng tải và nhận được nhiều quan tâm, thì nhiều giáo viên dạy đội tuyển cho biết chưa từng nhìn thấy đề thi TST - đề thi chọn đội tuyển IMO của Việt Nam.
Có lẽ chỉ có ở Việt Nam là ... giấu - một thầy giáo nói và dẫn chứng không chỉ IMO mà các kì thi Toán quốc gia của Anh, Áo, Nga... đều công khai đề thi, đáp án, điểm số và cả thứ hạng của thí sinh. Vì thế, nếu cho rằng không công khai điểm thi và tên của thí sinh là tiến bộ thì chưa thuyết phục.
Được biết, năm nay kết quả thi các môn Ngoại ngữ được tách riêng. Trong khi kết quả thi học sinh giỏi Toán, Văn, Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh, Tin học được bỏ trống ở ô điểm thi, thì ở bảng kết quả của các môn Ngoại ngữ lại có điểm của từng kĩ năng, nhưng bỏ trống ở ô tổng điểm.
10 trường THPT có số học sinh giỏi quốc gia cao nhất cả nước Các trường THPT: chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), chuyên Hà Nội - Amsterdam có số học sinh đạt giải quốc gia cao nhất năm nay. Theo kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021 - 2022 do Bộ GD&ĐT công bố, cả nước có 2.225 học sinh các trường THPT đạt giải. (Xem...