Trường khăng khăng không trả tiền phụ huynh, sở vẫn im lặng
‘Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là không trả lại tiền và không có trách nhiệm phải hoàn trả tiền’, phó hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, tuyên bố.
Phụ huynh đến trường Lương Thế Vinh xin rút lại tiền đã nộp nhưng bị chặn ngoài cổng – Ảnh: V.HÀ
Ngày 6-7, hàng chục phụ huynh tụ tập trước cổng Trường Lương Thế Vinh để xin rút số tiền đã nộp, theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội. Ở những trường ngoài công lập khác, phụ huynh cũng cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc rút hồ sơ và bị từ chối trả lại số tiền đã đóng.
Trên Facebook, một số phụ huynh lập ra các nhóm, các trang có tên “Đòi tiền trường ngoài công lập”.
“Không có trách nhiệm hoàn trả tiền”
Chiều 6-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Văn Liên Na, phó hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, nói: “Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là không trả lại tiền. Trường đã có thông báo từ trước và phụ huynh đều biết việc này trước khi nộp hồ sơ. Vì thế theo thỏa thuận dân sự, trường không có trách nhiệm phải hoàn trả tiền”.
Bà Na cũng phủ nhận việc “hoàn trả tiền với người mới rút hồ sơ từ ngày 3-7″ (thời điểm Sở GD-ĐT Hà Nội có công văn yêu cầu Trường Lương Thế Vinh hoàn trả tiền cho phụ huynh), mà khẳng định sẽ không hoàn trả tiền bất cứ phụ huynh nào đã rút hồ sơ.
“Chúng tôi chỉ trả tiền khi nào tất cả các trường ngoài công lập khác cũng trả tiền phụ huynh trong trường hợp tương tự” – bà Na nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một trường ngoài công lập khác tại Hà Nội khi từ chối trả tiền cho phụ huynh, ngoài lý do “đã cam kết từ trước”, còn nói thêm: “Sở chỉ yêu cầu Trường Lương Thế Vinh và Trường Tạ Quang Bửu trả lại tiền, chứ có đề nghị trường tôi đâu”!
Video đang HOT
Đến chiều 6-7, Sở GD-ĐT Hà Nội chưa có thêm động thái nào về tình trạng này.
Trước đó, sở đã có một văn bản gửi chung cho các nhà trường đề nghị nghiêm túc thực hiện quy định tuyển sinh, không gây khó khăn, phiền hà cho phụ huynh, học sinh và khẳng định học sinh có quyền rút hồ sơ đã nộp vào một trường để chuyển sang trường khác nếu đảm bảo yêu cầu xét tuyển.
Riêng Trường Tạ Quang Bửu và Trường Lương Thế Vinh nhận thêm hai văn bản đề nghị hoàn trả các khoản phí đã thu của phụ huynh học sinh khi họ rút hồ sơ.
Phải làm ầm lên mới được trả hồ sơ
Phụ huynh đồng ký tên cùng nguyện vọng gửi kèm theo đơn vì không thể tiếp cận với ban tuyển sinh – Ảnh: VĨNH HÀ
Một phụ huynh có con thi đậu vào Trường chuyên Hà Nội Amsterdam cho biết: “Ban đầu tưởng con trượt nên tôi nộp hồ sơ vào Trường Lương Thế Vinh và không rút ra được. Chúng tôi phải làm ầm lên, rồi phản ảnh với truyền thông mới được trả hồ sơ với điều kiện không được… đòi tiền”.
Anh Bùi Văn Minh, một phụ huynh, nói: “Tôi phải gọi cho UBND phường Trung Hòa, Cầu Giấy nhờ giúp đỡ. Cán bộ ủy ban gọi cho trường, trường mới cho rút hồ sơ”.
Chính những ngày vật vã rút hồ sơ không được và phải chịu đựng thái độ thiếu tôn trọng, lạnh lùng của nhà trường nên nhiều phụ huynh cho biết họ muốn theo đuổi tới cùng để rút cả số tiền đã nộp.
“Ban đầu tôi chỉ nghĩ sẽ rút hồ sơ cho con nộp sang trường mới, còn tiền nếu trường không trả cũng đành chịu. Nhưng hành xử của trường khiến tôi và nhiều phụ huynh bức xúc” – chị Kim Dung, một phụ huynh, chia sẻ.
Hơn 6 triệu đồng là khoản tiền không nhỏ bao gồm cả học phí. Theo một số phụ huynh theo đuổi tới tận ngày 6-7, nếu là phí ghi danh, tiền giữ chỗ, phí tuyển sinh thì chấp nhận, nhưng trong các khoản đã thu có cả các loại tiền phục vụ việc học tập, học sinh không học thì trường phải hoàn trả toàn bộ hay một phần.
Điện thoại liên lạc không được, xin vào gặp ban tuyển sinh của trường thì bị bảo vệ chặn lại, hàng chục phụ huynh ký đơn chung gửi ở phòng bảo vệ nhà trường.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, một số trường ngoài công lập ở Hà Nội thu các khoản tiền 4-6 triệu đồng/học sinh khi đăng ký nhập học và được thông báo không hoàn trả. Tình trạng này không chỉ xảy ra với tuyển sinh lớp 10, mà cả lớp 6, lớp 1 trong các tình huống phụ huynh xin rút hồ sơ chuyển trường.
Theo tuoitre.vn
Trường Nguyễn Siêu quy định phí giữ chỗ 10 triệu không được hoàn lại
Theo lãnh đạo Trường Tiểu học - THCS -THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khoản phí giữ chỗ đã được nhà trường công khai với phụ huynh. Trong hệ thống các trường có thực hiện chương trình quốc tế Cambridge, Nguyễn Siêu là trường có phí giữ chỗ thấp nhất.
Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh về việc Trường Tiểu học - THCS- THPT Nguyễn Siêu thu phí giữ chỗ 10 triệu của học sinh và không trả lại tiền nếu rút hồ sơ, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo nhà trường để làm rõ sự việc.
Bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS -THPT Nguyễn Siêu, thừa nhận trường có thu khoản phí này nhưng trước khi thu đã công khai trên website để phụ huynh được biết.
"Sau khi nộp hồ sơ online, nếu học sinh trúng tuyển, chúng tôi sẽ mời phụ huynh, học sinh đến trường để gửi một quyết định vào lớp 10, có dấu đỏ, đính kèm một quy định nhập học. Quy định này được ban hành kèm theo quyết định của hội đồng quản trị.
Lãnh đạo Trường Tiểu học - THCS -THPT Nguyễn Siêu chia sẻ về thông tin khoản tiền phí giữ chỗ.
Điều 1.4 của quy định về điều kiện nhập học có nêu rõ: Học sinh đã được tiếp nhận vào trường phải nộp phí giữ chỗ theo quy định hằng năm, tùy theo từng loại hình lớp học, nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh được vào học chính thức ... Nếu học sinh không đến học tại trường, với bất kỳ lý do gì, phí giữ chỗ không được hoàn lại...
Trường tiến hành thu phí giữ chỗ từ nhiều năm nay, năm nào cũng có phụ huynh đến để thắc mắc trực tiếp với nhà trường. Sau khi chúng tôi giải thích thì họ đều chấp nhận, vui vẻ ký tên vào bản quy định nhập học" - bà Thúy chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo nhà trường, hiện có rất nhiều trường ngoài công lập có khoản phí giữ chỗ này, thậm chí họ không hoàn lại. Trong hệ thống các trường có thực hiện chương trình quốc tế Cambridge, Nguyễn Siêu là trường có phí giữ chỗ thấp nhất.
"Có nhiều trường mới chỉ ghi danh thôi đã mất 2-3 triệu đồng, có trường phí ghi danh đến 4 triệu, chưa nói đến việc khi nộp hồ sơ nhập học phải đóng tiền phí giữ chỗ. Chúng tôi chỉ áp một khoản là phí giữ chỗ và đã được công khai" - lãnh đạo Trường Nguyễn Siêu nhấn mạnh.
Không có quy định cấm, các trường vẫn thu
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thuý, hệ thống trường ngoài công lập hiện nay đa phần hoạt động như một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trường phải lo mọi thứ, nếu rút đi một học sinh trường lâm vào cảnh thu không đủ bù chi. Đây là câu chuyện phải đặt ra.
Chúng tôi có thể trả tất, 10 triệu đồng không phải là số tiền quá lớn để chúng tôi phải đánh đổi uy tín, nhưng đã là quy định thì phải cố gắng vì cái chung... Nếu một nhà trường không có những quy định thì không thể quy củ, nền nếp được... Nếu không có quy định ràng buộc, một học sinh không muốn vào nhưng cứ giữ chỗ ở đây sẽ làm mất cơ hội của học sinh khác"- bà Thúy chia sẻ.
Khi phóng viên đề cập đến việc nhà trường đưa ra khoản phí giữ chỗ 10 triệu đồng dựa trên những quy định nào, đại diện Trường Nguyễn Siêu cho biết, trường dựa theo quy định của hàng loạt các trường quốc tế, ngoài công lập đang áp dụng.
"Ngoài luật ra, nhà trường sống rất có tình, chưa bao giờ vì tiền. Nếu phụ huynh rút hồ sơ có đơn trình bày, chúng tôi sẽ xem xét...
Đứng trên góc độ một nhà giáo, tôi đồng cảm với những mất mát của phụ huynh. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ, để tránh những vấn đề này xảy ra, trước khi phụ huynh nhập học cho con, hãy tìm hiểu về mô hình giáo dục của trường và đừng cho con có quá nhiều lựa chọn. Chung thủy với một lựa chọn thôi thì câu chuyện sẽ giải quyết được" - bà Nguyễn Thị Minh Thuý cho biết.
Đại diện Trường Nguyễn Siêu cũng cho rằng, nếu bây giờ cơ quan quản lý có một hướng dẫn cụ thể cho nhóm trường ngoài công lập, quy định là cấm triệt để thu phí giữ chỗ, thì trường sẽ thực hiện ngay. Còn nếu không có quy định nào cấm thì các trường vẫn cứ làm.
Theo Dân Việt
Ý kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội trước "bão" tuyển sinh vào lớp 10 Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng về thực trạng điểm chuẩn "nhảy múa" như sàn chứng khoán, phí giữ chỗ không hoàn trả có nơi lên tới 6 triệu đồng tại một số trường ngoài công lập gây bức xúc trong phụ huynh học sinh những ngày gần đây. Cuộc đua vào lớp 10 tại Hà Nội với những vấn đề...