Trường học vùng lũ nỗ lực khắc phục hậu quả, đảm bảo khai giảng đúng dịp 5.9
Đến thời điểm hiện tại khi ngày khai giảng cận kề, nhiều địa phương vừa chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ thời gian qua đang gấp rút khắc phục hậu quả, đảm bảo cho học sinh đến trường đúng dịp 5.9.
Nhiều địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo cho học sinh khai giảng đúng dịp 5.9.
Tại Sơn La, trận lũ ngày 28.8 và 30.8 đã khiến Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt, Mai Sơn, Sơn La thiệt hại hơn 2 tỉ đồng. Toàn bộ sách, đồ dùng thiết bị học tập của học sinh, giáo viên bị nhấn chìm trong bùn đất.
Từ ngày 28.8, các lực lượng tại địa phương đã phối hợp cùng các thầy cô tập trung để khắc phục hậu quả, rửa dọn trường lớp và cơ sở vật chất.
Nước lũ tràn vào tầng 1 của Trường THCS Bán trú Nà Ớt (Sơn La). Ảnh: FB giáo viên
Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GDĐT Sơn La cho biết, do mưa dài ngày nên nước sông suối đang dâng cao khiến một số trường học bị ngập nước, hiện tại thầy cô giáo và lực lượng chức năng tại địa phương đang nỗ lực khắc phục.
Giám đốc Sở GDĐT Sơn La yêu cầu các trường tại tỉnh Sơn La đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng thầy và trò, với những nơi nước lên hay sạt lở thì lập tức cho học trò nghỉ học ngay, báo cáo sau. Thứ hai là phải đảm bảo an toàn trường lớp, trang thiết bị dạy học, bàn ghế để chuẩn bị cho năm học mới.
Video đang HOT
Từ ngày 28.8, các lực lượng tại địa phương đã phối hợp cùng các thầy cô tập trung để khắc phục hậu quả, rửa dọn trường lớp và cơ sở vật chất.
Sau khi kết thúc lũ bão, thầy trò phối hợp với phụ huynh và chính quyền xã khẩn trương dọn dẹp, khắc phục hậu quả thiên tai chuẩn bị cho năm học mới, quyết tâm khai giảng đúng ngày 5.9, không để trường nào không thể vào học hay không khai giảng kịp.
Hiện tại thời tiết tại Sơn La đang tạm ổn định, mọi công tác khắc phục hậu quả lũ bão đang được khẩn trương tiến hành.
Tại Điện Biên, trận mưa lũ sáng 28.8 cũng đã cuốn trôi bùn đất, cây cối, gây ngập lụt 3 trường THCS, tiểu học, mầm non tại trung tâm xã Chà Nưa (huyện Nâm Pồ, Điện Biên), với lượng bùn đất và nước ngập sâu, hơn 700 học sinh tại xã này đã phải nghỉ học để tránh lũ.
3 điểm trường tại trung tâm xã Chà Nưa bị ngập khiến hơn 700 học sinh nghỉ học. Ảnh: Dân Việt
Ông Tao Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho hay, đến thời điểm hiện tại, chính quyền đã chỉ đạo các trường nạo vét và rửa sạch sẽ trường học. Nhà trường và các thầy cô giáo đã chuẩn bị xong mọi công tác, sẵn sàng tổ chức ngày khai giảng vào dịp 5.9 sắp tới.
Ông Hùng nói thêm, trận mưa lũ ngày 28.8 đã khiến nhiều trang thiết bị trường học bị hư hại, nhà trường đã cho khắc phục, tuy nhiên lượng sách giáo khoa bị trôi và ướt do mưa lũ đến nay vẫn chưa bổ sung được hết, nhà trường đã báo cáo đến Phòng Giáo dục đào tạo để xin ý kiến.
Theo ông Hùng, ở một số bản vùng cao học sinh không đến trường, chính quyền địa phương cùng các thầy cô giáo đã cố gắng đến từng nơi vận động các em đến trường, đến lớp, đảm bảo ngày khai giảng 5.9 sắp tới đông đủ học sinh.
NGUYỄN HÀ
Theo laodong.vn
Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM năm 2019: Đề thi tăng cường thực tiễn và tích hợp kiến thức
TP.HCM vẫn giữ nguyên hình thức và cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 như năm học trước. Trong đó, nội dung các câu hỏi tiếp tục theo định hướng tăng cường tính thực tiễn và tích hợp kiến thức.
Học sinh lớp 9 tại TP.HCM tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đối với học sinh (HS) lớp 9, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là mục tiêu phấn đấu trong suốt năm học. Đặc biệt, trong bối cảnh số lượng HS mỗi năm mỗi tăng còn tỷ lệ phân luồng HS vào lớp 10 công lập mỗi năm lại giảm khoảng 3%. Vì vậy, để có suất học trường THPT công lập, HS cần có sự chuẩn bị ngay từ những ngày đầu khai giảng.
Vì vậy dù mới đầu năm học, khá nhiều phụ huynh đã quan tâm, lo lắng, tìm hiểu thông tin về kỳ thi chuyển cấp. Bạn đọc Nguyễn Khánh Hoàng, có con học Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3) lo lắng: "Thấy các tỉnh, thành khác thay đổi các môn thi, nơi thì sử dụng các bài thi đơn lẻ, nơi thì sử dụng bài thi tổ hợp như thi tốt nghiệp THPT nên phụ huynh chúng tôi cũng đang nghe ngóng xem TP.HCM có thay đổi gì không?".
Hình thức và cấu trúc đề thi không thay đổi
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định TP sẽ giữ ổn định về hình thức thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn thi là toán, ngữ văn và môn thứ 3. Ông Hiếu nói thêm, theo quy định của Bộ, môn thi thứ 3, Sở công bố vào tháng 3 hằng năm. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, Sở vẫn lựa chọn môn thi thứ 3 là ngoại ngữ để phù hợp với định hướng phát triển của TP.
Ngoài ra, ông Hiếu cho hay, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020 mà HS lớp 9 năm nay tham dự sẽ tương tự như cấu trúc đề thi của năm học 2018 - 2019. Trong đó, Sở tiếp tục thực hiện theo định hướng tăng cường tính thực tiễn, khuyến khích HS thể hiện khả năng tư duy, vận dụng kiến thức vào đời sống.
Chẳng hạn, với đề thi môn toán sẽ có 8 câu hỏi (trong đó 1 câu hỏi hình học chiếm 3 điểm), sẽ có khoảng 50% câu hỏi ở mức độ hiểu và vận dụng, 30% là kiến thức của các bộ môn khác như lý, hóa, sinh, địa lý. Như vậy, có khoảng 3 điểm là các bài toán đề cập đến kiến thức hoặc là sinh học, hóa học, hoặc vật lý... nhưng không gây áp lực khiến HS học nhiều môn và không bắt HS phải nhớ nhiều công thức, kiến thức chi tiết. Có thể trong đề sẽ nhắc lại công thức nhưng cần hiểu kiến thức môn đó và vận dụng toán vào giải quyết câu hỏi.
Một thông tin đáng lưu ý, trong cuộc họp triển khai chuyên môn môn toán đầu năm, chuyên viên phụ trách môn học này của Sở công bố, câu hỏi về hình học không gian của đề thi năm 2019 sẽ không khu trú vào kiến thức của lớp 8 là hình chóp, hình lăng trụ, hình chữ nhật... như năm trước. Theo đó, có thể ở câu hỏi này, hội đồng biên soạn đề thi sẽ đề cập đến các kiến thức của lớp 9 như khối cầu, khối nón, khối trụ...
Còn về môn ngữ văn, ông Trần Tiến Thành, chuyên viên của Sở, thông tin: Cấu trúc đề thi không thay đổi, nghĩa là đề thi có phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Các câu hỏi vẫn được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Có thể là các câu hỏi yêu cầu phát hiện chi tiết, yêu cầu nêu nội dung văn bản, về tiếng Việt, yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới...
Giáo viên phải chủ động, sáng tạo
Ngoài ra, qua kết quả thống kê khoảng 51% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán của Sở GD-ĐT, chỉ ra rằng HS còn gặp khó khăn ở phần hình học không gian, bài toán thực tế và mất điểm qua cách trình bày. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở nhấn mạnh, Sở không gây áp lực với các trường về tỷ lệ bởi việc biên soạn đề thi theo hướng đổi mới này nhằm thay đổi việc kiểm tra, đánh giá HS theo hướng phát triển năng lực. Đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, HS biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; tăng cường tính tự học, sáng tạo, tránh tình trạng học vẹt, học tủ; định hướng một số kiến thức, kỹ năng cần thiết cho HS lớp 9 khi bước vào bậc THPT.
Cụ thể, chuyên viên của Sở đề nghị, mỗi quận, huyện có thể đề xuất 5 đề minh họa theo cấu trúc đã ban hành để tạo nguồn tham khảo cho đội ngũ giáo viên lớp 9 và có những phương pháp giảng dạy phù hợp cho HS. Thêm vào đó cần hướng dẫn HS cách trình bày, kỹ năng liên hệ giữa hình học không gian với hình học phẳng...
Để chuẩn bị cho quá trình giảng dạy, ông Nguyễn Văn Hiếu nói thêm, với định hướng đổi mới như vậy, giáo viên phải sáng tạo chứ không còn phụ thuộc vào giáo án. Trên cơ sở thực hiện đầy đủ chương trình của Bộ GD-ĐT để HS đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng cần thiết, các nội dung dạy học phải luôn được cập nhật, không gò bó trong sách giáo khoa hay trong giáo án như thời gian trước đây. Giờ đây giáo viên có toàn quyền chủ động về thời gian truyền đạt kiến thức trong một tiết học để đảm bảo HS vừa sức tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, giáo viên phải áp dụng các phương pháp dạy học tích cực giúp HS phát huy tính chủ động, sáng tạo của mình.
Theo thanhnien.vn
Phụ huynh nhiều nỗi lo trước thềm năm học mới Chỉ còn vài ngày nữa, học sinh cả nước sẽ chính thức khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Những lo lắng, băn khoăn về chuyện học của con luôn thường trực trong các phụ huynh, đặc biệt giữa bối cảnh giáo dục đang tiếp tục có nhiều đổi mới trong dạy học và thi cử. Giảm tải kiến thức, tăng kỹ...