Trường học Úc dạy chữ, âm, đọc cho trẻ thế nào?
Những ngày gần đây, xã hội đặc biệt quan tâm đến việc dạy – học đánh vần cho học sinh lớp 1. Đã có ý kiến nhiều chiều về cách dạy – học đánh vần, dạy – học âm và chữ trong các bộ sách giáo khoa hiện hành, đặc biệt là sách “Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục”.
Ảnh minh họa
Bài viết của TS Nguyễn Thế Dương (Viện Ngôn ngữ học) chia sẻ một góc nhìn về vấn đề dạy tiếng mẹ đẻ trong năm đầu cấp tiểu học từ thực tế của Úc, một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Học chữ từ… 5 tuổi
Trẻ em tại Úc chính thức làm quen với chữ và học đọc từ năm 5 tuổi khi các em bắt đầu bước vào cấp tiểu học, tức là sớm hơn so với Việt Nam một năm.
Lớp học đầu tiên của tiểu học được gọi là Prep, tức là lớp “chuẩn bị”, tương tự như “lớp vỡ lòng” của Việt Nam trước đây, nơi học sinh bắt đầu tiếp xúc với môi trường học đường thông qua các môn tiếng mẹ đẻ, toán, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Theo Chương trình Giáo dục của Úc, học sinh Prep cần phải phân biệt được âm và chữ.
Sau khi hoàn thành xong năm học đầu tiên của cấp tiểu học, học sinh phải nhận diện được toàn bộ các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh và phân biệt được cách viết hoa và viết thường.
Các em cũng cần phải biết và sử dụng được những âm thông dụng nhất được thể hiện bằng hầu hết các chữ cái.
Học sinh khối vỡ lòng cần phải biết ghép các âm với nhau để đọc được các từ có cấu tạo theo dạng CVC (tức là phụ âm – nguyên âm – phụ âm).
Bên cạnh đó, các em cũng phải nhận diện và tạo ra các từ bắt vần với nhau, các từ có phần âm đầu giống nhau, các âm tiết và âm trong từ khi nói ra.
Về viết, học sinh cũng phải thể hiện được những hiểu biết về chữ cái và âm, bắt đầu sử dụng được dấu chấm câu và chữ viết hoa viết thường đúng cách, đúng chỗ.
Dạy âm trước khi dạy chữ cái
Phương pháp dạy đọc và viết trong các trường của Úc được gọi là dạy âm tổng hợp (synthetic phonics).
Phương pháp này được áp dụng tại nhiều nước, trong đó có Anh, Canada, Mĩ… Nó chú trọng mối liên hệ giữa các âm vị (âm) và tự vị (chữ).
Các âm này được dạy riêng rẽ rồi sau đó mới được ghép với nhau qua các từ cụ thể.
Âm tại các vị trí khác nhau trong từ như đầu, cuối, giữa cũng được dạy và phân biệt rõ.
Video đang HOT
Học sinh Úc được dạy về âm trước.
Việc dạy âm được tiến hành thông qua các bài hát rất dễ thương và dễ hiểu. Đó là những giai điệu từ các bài hát quen thuộc với thiếu nhi nhưng được thay lời mới để phục vụ cho việc học âm.
Chẳng hạn, âm /k/ sẽ theo giai điệu của bài hát “She’ll be coming round the mountain” với lời như sau:
Kites are flying in the sky
/k/-/k/-/k/
Kites are flying in the sky
/k/-/k/-/k/
Kites are flying in the sky
… flying in the sky
… kites are flying in the sky
/k/-/k/-/k/
Khi hát, các em giơ tay lên cao, làm động tác như đang thả diều. Từ đó, các em sẽ nắm được các từ có âm “cờ” /k/ như kites, sky… đồng thời nắm được cách phát âm của âm /k/.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là thoạt đầu, phương pháp dạy âm tổng hợp không chú trọng đến dạy nghĩa, mà tập trung chủ yếu vào việc phát âm cho đúng.
Do đó, học sinh có thể tạo ra các từ vô nghĩa như feep hay choy, miễn là các em nhận diện và hiểu được âm đọc của các từ vô nghĩa này. Ngoài ra, giáo viên cũng thường hướng dẫn học sinh tập… làm thơ, mà thực chất là các câu có vần với nhau. Các “câu thơ” có thể ngô nghê nhưng quan trọng nhất là giúp các bé nắm được quy tắc về âm và vần.
Mặc dù yêu cầu cần đạt khi học hết lớp Prep là học sinh phải nắm được tên các chữ cái nhưng ở giai đoạn đầu tiên của Prep, giáo viên không dạy cho các em tên các chữ cái.
Tên của chữ chỉ được dạy khi các em nắm vững sự tương hợp âm/chữ và cách ghép âm để đọc.
Thông thường, tên của chữ cái được giới thiệu thông qua bài hát rất nổi tiếng về bảng chữ cái (ABC song).
Năng lực đọc được chuẩn hóa thành các cấp độ
Sau khi nắm được các nguyên tắc về âm, mỗi tuần, giáo viên đưa cho các em một bản danh sách gồm 12 từ thị giác (sight words).
Đó là những từ vựng cơ bản, thường được sử dụng với tần số cao và có thể ghi nhớ toàn bộ khối từ bằng mắt mà không cần phải tách âm hay vần, chẳng hạn như I, you, we, in… Cho đến hết Prep, các em được dạy 200 từ thị giác.
Với vốn từ thị giác và các kiến thức về âm và vần làm nền tảng, học sinh Prep cũng bắt đầu làm quen với việc học đọc.
Năng lực đọc của trẻ em ở Úc được chia làm 30 cấp độ từ dễ đến khó. Chương trình giáo dục của nước này kì vọng học sinh sẽ hoàn tất 30 cấp độ đọc này khi học xong lớp 2. Sau khi học xong lớp Prep, học sinh được kì vọng sẽ đạt được cấp độ đọc 6.
Tuy nhiên, sự kì vọng này không đồng nghĩa với việc tất cả học sinh bắt buộc phải vượt qua cấp độ 6 này khi học xong Prep.
Trong bất cứ lớp nào, năng lực đọc của học sinh cũng không thể đồng đều. Có những em học đọc chậm hơn, cho nên, sau khi hoàn thành lớp Prep cũng chỉ vượt qua được cấp độ 4, hoặc thậm chí cấp độ 2.
Mặc dù không đạt được ngưỡng kì vọng nhưng các em này vẫn được lên lớp bình thường.
Ngược lại, những em thể hiện năng lực đọc tốt, hoàn toàn được phép “nhảy cóc”, nghĩa là có thể bỏ qua một vài cấp độ.Do đó, trong cùng một lớp, sau một năm học Prep, có em đạt được cấp độ đọc 23 nhưng cũng có em chỉ đạt cấp độ 2 hoặc 3.
Thông thường, giáo viên sẽ phân chia lớp theo các nhóm đọc khác nhau, tuỳ theo cấp độ đọc. Do đó, trong một lớp, nếu một học sinh có cấp độ đọc vượt trội so với các bạn cùng lớp và không thể ghép nhóm đọc với các bạn khác được thì học sinh đó, trong giờ tập đọc được chuyển sang lớp khác để ghép với các bạn có năng lực đọc tương đương. Tuy nhiên, hầu hết các em đều đạt được cấp độ đọc cao nhất sau khi hoàn thành lớp 2.
Hoàn toàn không có sách giáo khoa dạy tập đọc
Điểm đáng chú ý là Úc không có hệ thống sách giáo khoa cố định như ở Việt Nam.
Thay vào đó, để giúp học sinh đọc và đánh giá năng lực đọc các em, nước Úc có một hệ thống sách đọc rất phong phú, đầy đủ, hoàn thiện và khoa học.
Nội dung sách rất phong phú từ truyện vui, truyện hư cấu đến các sách khoa học được viết từ đơn giản nhất đến khó dần lên theo từng cấp độ đọc.
Hệ thống sách này được cung cấp đến từng lớp học. Trong mỗi lớp, thường có một giá sách rất lớn. Sách được sắp xếp trên giá theo từng cấp độ. Các em ở cấp độ đọc nào sẽ tự lựa chọn sách phù hợp, mang về nhà đọc. Giáo viên sẽ là người kiểm tra xem học sinh đã vượt qua được cấp độ đọc đó chưa và đưa ra quyết định cho ở lại cấp độ đọc đó, có lên cấp độ hoặc cho nhảy cóc.
Trong một lớp mà học sinh ở nhiều trình độ đọc khác nhau, giáo viên không bao giờ cảm thấy phiền lòng hay bị áp lực về thành tích của học sinh cả.
Ngược lại, học sinh được phát triển một cách tự nhiên, theo đúng năng lực bản thân. Học sinh được là chính mình, chứ không bị cuốn vào guồng quay thành tích và tiêu chuẩn chung của trường lớp.
TS Nguyễn Thế Dương (Viện Ngôn ngữ học)
Theo vietnamnet
Kiến nghị tổ chức hội thảo đánh giá lại sách Công nghệ giáo dục
Bộ Giáo dục nên mời các nhà ngôn ngữ đóng góp ý kiến, đưa ra quyết định nên hay không sử dụng bộ giáo trình của GS Hồ Ngọc Đại.
Anh Nguyễn Thanh Bình chỉ ra hai nguyên nhân khiến dư luận phản ứng về cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại, trong đó có vai trò của Bộ Giáo dục.
Cũng như công trình nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác, công trình nghiên cứu cải tiến giảng dạy Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên phản ứng gay gắt với cách phát âm theo sách này. Tại sao lại xảy ra phản ứng gay gắt như vậy, theo tôi có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, nguyên nhân chính là nằm trong cách phát âm của tác giả. Nhìn vào bảng chữ cái và đọc giải thích, tôi thấy có lẽ tác giả tiến hành nghiên cứu chỉ với mục đích làm sao để các em nhỏ mới bắt đầu học chữ dễ đọc tiếng Việt. Tạm không nói đến những cách đọc khác trong bảng chữ cái, nhưng riêng ba âm C, K và Q mà tác giả quy gọn đọc là "cờ" thì khó chấp nhận.
Nếu là nhà nghiên cứu ngôn ngữ, chắc chắn người đó phải thấy sự khác nhau khi phát âm ba phụ âm này về vị trí lưỡi, có tròn môi hay không, có âm ma sát hay không... Hơn nữa, đã là chữ cái thì bất kể ngôn ngữ nào trên thế giới đều phải có cách phát âm khác nhau. Vì vậy, tác giả không thể gộp ba phụ âm trong tiếng Việt thành một cách phát âm. Đây chính là mấu chốt của vấn đề.
Ngày 10/9, tôi đọc một số phát biểu của GS Hồ Ngọc Đại liên quan đến tiếng Việt đã thấy có gì đó không ổn. Theo giáo sư, tiếng Việt có gần 300 năm lịch sử? Có lẽ đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc giữa khái niệm tiếng Việt và chữ viết (văn tự).
Đánh vần theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Ảnh: Xuân Hoa.
Tuy vậy, có không ít người đồng tình với sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, phê phán những người không đồng tình với việc cải tiến là 'không thích cải cách', 'con tôi học theo phương pháp đó nhưng vẫn đọc và viết chính xác'... Tất nhiên sớm hay muộn tất cả các cháu dù học theo chương trình nào đều đọc được vì đều mới bắt đầu học đọc, học viết nên thầy cô bắt chúng đọc như thế nào thì chúng đọc như thế, đã biết nhận thức đâu mà phản ứng (giống như người lớn đi học ngoại ngữ vậy).
Những người phê phán người phản đối cũng cần lưu ý rằng, không phải phản đối "cải cách" mà là những điều chưa đúng ở cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Cũng xin lưu ý thêm một điều, có cải cách về chính sách kinh tế xã hội, cách mạng sản xuất..., nhưng sẽ không có cải cách ngôn ngữ, vì ngôn ngữ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc.
Đánh vần là bước đầu tiên để nhớ và đọc được chữ nên khác hẳn với giai đoạn đã thuộc chữ sau này. Không thể bảo tôi, con tôi, cháu tôi vẫn viết, đọc đúng để phê phán những người không đồng tình với cuốn sách này. Nếu bây giờ bảo những người từng học cách đọc theo Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đánh vần ba từ 'của, kia, quả' chắc chắn không đọc theo cách hồi nhỏ đã học. Và những người này cũng không thể dạy tiếng Việt cho người nước ngoài theo cách phát âm này.
Thứ hai là trách nhiệm của bộ chủ quản và cơ quan liên quan. Vừa qua, theo giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đã được thực nghiệm từ năm 1978. Tuy nhiên, ngay từ đầu Bộ lại không công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin liên quan đến chương trình thực nghiệm này như: nội dung, đối tượng, thời gian thực nghiệm...
Chính sự "thiếu" thông tin nên hầu hết mọi người không biết có việc áp dụng cách đánh vần mới. Khi cách dạy xuất hiện trên mạng Internet đã dẫn đến phản ứng khá ồn ào của người dân. Và đến tận trưa 8/9/2018, Bộ Giáo dục mới lên tiếng chính thức. Bộ một mặt đã yêu cầu không sử dụng nữa, nhưng một mặt vẫn để một số địa phương sử dụng bộ giáo trình này.
Viện Ngôn ngữ và đội ngũ giáo viên giảng dạy môn tiếng Việt trong các trường đại học cũng không lên tiếng. Tại sao một vấn đề quan trọng như vậy mà nhiều giáo sư tiến sĩ chuyên nghiên cứu tiếng Việt trong suốt mấy chục năm không có ý kiến gì?
Vì vậy theo tôi, Bộ Giáo dục nên đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo, mời các nhà ngôn ngữ ở các Viện nghiên cứu, trường đại học tham gia đóng góp ý kiến để đưa ra quyết định nên hay không nên sử dụng bộ giáo trình này cho người dân hiểu và yên tâm.
Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh lớp 1 (chiếm gần một nửa số học sinh lớp 1) đang dùng cuốn sách này.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc 'muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy'. Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.
Theo tintuc.vn
Chương trình tập trung phần đọc, viết Nhiều vấn đề đặt ra về việc dạy và học tiếng Việt trong trường phổ thông, đặc biệt với học sinh tiểu học tại buổi đối thoại 'Tiếng Việt công nghệ giáo dục - Tranh cãi vì đâu?' vào ngày 10.9 do Báo Thanh Niên tổ chức tại các địa chỉ thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên. Các chuyên gia tham dự buổi...