Trường học thành nơi… nuôi gà vịt
Trong khi nhiều trường học xuống cấp hư hại nhưng học sinh vẫn đến học thì ở huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) có một điểm trường còn khá tốt song đã bị “bỏ hoang” từ nhiều năm nay, trở thành nơi nuôi chứa gà vịt của người dân.
Có mặt tại điểm trường Bầu Dừa của Trường Tiểu học Thủy Liễu 1 (thuộc ấp Châu Thành, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao), PV Dân trí theo ghi nhận khung cảnh trường đìu hiu, lặng lẽ bởi từ lâu nơi đây không có giáo viên và học sinh đến dạy và học. Toàn bộ điểm trường này có 2 phòng học, cơ sở vật chất nhìn chung vẫn còn khá tốt.
Ngay trong trước sân trường,có một bảng đá đã mờ nhạt chữ ghi điểm trường do một tổ chức từ thiện Thụy Sĩ và nhóm từ thiện Lê Mỹ Dung (TX Rạch Giá, nay là TP Rạch Giá) tài trợ xây dựng, khánh thành vào năm 2003; sau đó có nâng cấp, sửa chữa vào năm 2009. Theo tìm hiểu của PV, kinh phí xây dựng điểm trường cách đây cả chục năm là khá lớn.
Điểm trường Bầu Dừa do một số tổ chức từ thiện xây dựng từ năm 2003.
Người dân sống ở gần điểm trường cho biết, trường đã không còn hoạt động mà bị bỏ hoang từ 3 năm nay. Hiện điểm trường “bất đắc dĩ” trở thành nơi nuôi gà, vịt của người dân, vì thế điểm trường không được sạch sẽ mà có nhiều phân gà, phân vịt ở khắp nơi dưới nền, trông hết sức ô nhiễm.
Theo quan sát của PV, bên trong hai phòng học trống trơn bàn ghế, thay vào đó là những chiếc lồng tre nhốt vật nuôi cùng hàng chục con gà, vịt đang “tung tăng” kiếm ăn. Một người dân có nhà gần trường cho biết, do trường bị “bỏ hoang” không ai dòm ngó tới nên “tận dụng” để nuôi nhốt gà, vịt che mưa che nắng, tránh bị trộm.
Cơ sở vật chất của điểm trường vẫn còn khá tốt nhưng bị “bỏ hoang” từ nhiều năm nay…
…phòng học bên trong trở thành nơi nuôi gà, vịt
…và bên ngoài trông rất ô nhiễm.
Tiếp xúc với PV Dân trí, người dân ở tổ 8, ấp Châu Thành sống dọc hai bên kênh Bầu Dừa rất bức xúc trước tình trạng trường bị bỏ hoang, trong khi con em họ phải đi học rất xa. Như hộ của bà Nguyễn Thị Xuân có 3 cháu đang học lớp 1, 2, 3; hộ anh Nguyễn Văn Thơi có một đứa con học lớp 5, một con khác đã 7 tuổi nhưng chưa được đến trường; hộ anh Nguyễn Thanh Hùng có một con học lớp 1; hộ của ông Lâm Văn Sơn có hai đứa cháu đang học lớp 1… và nhiều hộ gia đình khác đều có con cháu đang học cấp tiểu học.
Video đang HOT
Một ổ nuôi vịt ngay trong sân trường…
Không ai chăm nom nên hàng rào của trường bị phá hư hại.
Bà Nguyễn Thị Xuân cho biết, sau khi xây dựng, điểm trường hoạt động chừng vài năm năm thì đóng cửa, không có thầy cô giáo nào vào dạy nữa. Do điểm trường Bầu Dừa không còn hoạt động nên tất cả các con cháu học tiểu học ở tổ 8 đều phải đi ra tận trường xã, cách nhà từ 2, 3 cây số để học. “Lộ ở đây là lộ đất nên trời nắng thì việc đi lại cũng đỡ chứ gặp trời mưa các cháu đi rất vất vả, chuyện các cháu bị té ngã dơ quần áo, sách vở vào những ngày mưa xảy ra như cơm bửa”, bà Xuân nói.
Còn anh Nguyễn Văn Thơi cho biết, anh có đứa con đã 7 tuổi nhưng chưa đi học. Vợ chồng anh Thơi đi làm thuê hàng ngày nên không dám để con nhỏ đi ra trường xã học vì rất xa. “Lẽ ra có điểm trường Bầu Dừa rất gần nhà thuận lợi cho con em nó đi học nhưng không ai dạy nên tôi cũng cho con ở nhà luôn”, anh Thơi cho biết.
Theo người dân địa phương, tổ 8 của ấp Châu Thành có hàng chục hộ, trong đó hầu hết nhà nào cũng có con em ở độ tuổi học tiểu học, ai cũng lo lắng khi con em của mình học cách xa trường. Đa số hộ dân ở đây làm thuê, làm mướn nên phụ huynh cũng không có thời gian để đưa đón con em mình. Trong khi để con em đi học xa, ngoài chợ xã phức tạp nên họ không an tâm. Song, do không thể để con em mù chữ nên họ cũng đành “đánh liều” để con em tự mình đến trường.
Trường bị “bỏ hoang” nên nhiều học sinh tiểu học trên địa bàn phải cuốc bộ đi học rất xa. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Trò chuyện với PV, các hộ dân cho biết, họ rất mong điểm trường Bầu Dừa hoạt động trở lại để tạo điều kiện cho việc đi lại của các em học sinh. “Mùa mưa cũng sắp đến dù có đi bộ nhưng con cháu nó học gần nhà sẽ thuận lợi hơn”, một người dân bày tỏ.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, điểm trường Bầu Dừa không hoạt động nhiều năm nay là do số lượng học sinh ở địa bàn ít, không đủ lớp nên trường gom các em ra điểm chính ngoài xã học. Do đó, điểm lẻ Bầu Dừa đành phải đóng cửa “bỏ hoang”. Song theo các hộ dân, dù số học sinh không nhiều nhưng cũng không phải là ít. Một phần khó khăn trong việc dạy và học ở điểm trường này là do điều kiện đi lại rất bất tiện cho cả giáo viên và học sinh.
Điều đáng nói ở đây nữa là điểm trường Bầu Dừa được xây dựng là do các tổ chức từ thiện đầu tư nhằm phục vụ công tác giáo dục cho địa phương, do đó nay bị “bỏ hoang” thì thật sự quá phí. Thiết nghĩ ngành giáo dục địa phương cần có phương án để đưa điểm trường này hoạt động trở lại thay vì là nơi nuôi chứa gà vịt như hiện nay.
Huỳnh Hải
Theo dân trí
Trường xuống cấp nghiêm trọng, thầy trò chịu khổ
Được chuyển đổi từ khu hành chính cũ của một nông trường, sau nhiều năm sử dụng không được tu bổ, đến nay, Trường THCS Yên Mỹ (xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đang xuống cấp nghiêm trọng. Giáo viên và học sinh đang phải chịu cảnh "nắng tới mặt, mưa tới đầu".
Trường THCS Yên Mỹ thuộc xã Yên Mỹ là địa bàn cách xa trung tâm huyện Nông Cống. Đây là địa bàn nằm giáp ranh với hai huyện Tĩnh Gia và Như Thanh. Chính quyền địa phương mới được tách ra thành lập từ năm 2004, đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn.
Trường THCS Yên Mỹ được chuyển đổi từ một nông trường quốc doanh cũ đến nay đang xuống cấp nghiêm trọng.
Được thừa hưởng cơ sở vật chất của nông trường quốc doanh Yên Mỹ (nay là Công ty TNHH một thành viên Yên Mỹ) từ những ngày đầu thành lập. Thầy trò Trường THCS Yên Mỹ phải dạy và học trong khu hành chính cũ của nông trường được xây dựng từ những năm 1970 của thế kỷ trước.
Sau hơn 30 năm đưa vào sử dụng nhưng không được tu bổ khiến trường đang xuống cấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Thầy giáo Mai Xuân Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Do được thừa hưởng từ một nông trường cũ nên đến nay trường đã có nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Nhà trường đã cố gắng khắc phục nhưng cũng không được là bao so với sự xuống cấp từng ngày".
Hệ thống cửa của các phòng học bị bong gỗ mục nát.
Bàn ghế cũ, hư hỏng nặng nhưng học sinh vẫn phải ngồi học bài.
Thầy Hạnh cho biết thêm: "Hiện nhà trường có 6 lớp học nhưng chỉ có 4 lớp là đủ bàn ghế, số bàn ghế này đều là do nhà trường vận động hội cha mẹ học sinh (HS) đóng góp để mua. Với gần 170 HS nhưng do không đủ phòng học nên nhà trường phải chia ra ngày dạy 2 ca học sáng và chiều. Có những phòng học chật hẹp, lại không đủ ánh sáng phải thắp điện HS mới có thể học bài được".
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay nhiều hạng mục của trường đang xuống cấp nghiêm trọng. Không chỉ tường bị bong tróc, vôi vữa bong từng mảng, loang lổ, nhiều nơi do mưa dột bị ngấm ẩm ướt rêu mọc xanh ngay trong lớp học. Có nhiều đoạn tường bị rạn nứt lên đến hàng chục mét.
Lan can cầu thang từ tầng một lên tầng hai của trường được làm bằng thép do sử dụng quá lâu nên đến nay đang bị bong, gãy nhiều mối hàn, nhiều que thép chòi ra, khiến HS qua lại rất nguy hiểm. Nhiều phòng học của trường cả bàn ghế HS lẫn giáo viên (GV) đều dùng bằng loại bàn ghế cũ nát đã qua thời gian sử dụng lâu ngày nhưng HS của trường vẫn phải ngồi học.
Trần nhà có nhiều vết nứt rêu bám đầy vết hoen ố.
Nhiều cánh cửa chính cũng đang xuống cấp.
Không chỉ tường, cầu thang bàn ghế mà hệ thống cửa của từng phòng học cũng đã bị hư hỏng nặng, nhà trường đã phải dùng từng miếng gỗ đóng ghép tạm bợ vào để che nắng che mưa. Nguy hiểm nhất là lan can tầng hai rất thô sơ, tạm bợ có thể bị sập đổ bất cứ lúc nào.
Phòng học đã thiếu, nhiều phòng bộ môn và chuyên dụng của nhà trường cũng bị thiếu hay không có như: phòng thư viện, phòng công tác bộ môn, phòng máy... Một số phòng công tác như Đoàn đội, hành chính, văn thư, kế toán của nhà trường phải dùng chung với khu vực phòng học của học sinh cũng đang bị xuống cấp.
Thầy Trần Văn Hiệu - GV của trường tâm sự: "Cơ sở vật chất cũ nay đang xuống cấp, thiếu nhiều vật dụng giảng dạy đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Nhiều GV chúng tôi phải cố gắng để khắc phục. Nhiều hôm đứng lớp giảng dạy trời mưa mà mái nhà dột ướt hết. Thương các em HS phải chịu cảnh khó khăn để học bài".
Hệ thống cửa sổ sau bị mất cánh, hư phải dùng chiếu che lại.
Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học, Trường THCS Yên Mỹ còn thiếu nhiều GV ở các môn học như: Vật lý, kỹ thuật công nghệ, nhạc, họa... Nhiều GV các bộ môn khác không phải chuyên môn của mình nhưng vẫn phải đảm nhiệm dạy học.
Một khó khăn nữa của Trường THCS Yên Mỹ đó là đa số cán bộ và GV của trường đều ở xa. Nhà trường hiện có 13 GV và cán bộ nhân viên. Nhiều GV có nhà cách xa trường hơn 20 km đi lại rất khó khăn, nhà trường lại không có nhà công vụ cho GV. Chính điều này đã gây khó khăn không nhỏl đến việc bám trường bám lớp để dạy học của một số GV.
Lan can cầu thang bị hư hỏng nặng rất dễ gây tai nạn cho học sinh.
Then khóa cửa bị hỏng thay vào đó là những dây thép buộc tạm bợ.
Khó khăn chồng chất khó khăn thế nhưng, những năm qua công tác dạy và học của trường vẫn đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Tỷ lệ GV giỏi cấp huyện, HS giỏi cấp huyện và cấp tỉnh ngày một tăng.
Thầy Hạnh vui mừng chia sẻ: "Dù nhà trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng những năm qua tỷ lệ HS giỏi cấp huyện của nhà trường tăng lên đáng kể. Năm học 2009 - 2010 chỉ có 3 HS đạt danh hiệu HS giỏi cấp huyện nhưng đến năm học vừa qua, nhà trường có 8 em đạt HS giỏi cấp huyện, 2 em đạt HS giỏi tỉnh. Có 1 GV đạt GV giỏi cấp huyện. Đây là niềm vui, niềm động viên lớn đối với toàn bộ thầy và trò trường chúng tôi".
Thái Bá - Duy Tuyên
Theo dân trí
Giáo dục VN: Chênh vênh kiềng hai chân Cần xem xét nhận thức về mức độ nghiêm trọng của sự xuống cấp và lạc hậu của nền giáo dục đã thực sự khủng khoảng chưa hay cơ bản vẫn là tốt. Nếu đã khủng hoảng thì phải cải cách triệt để. "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ...